Ông như con tằm rút ruột mình để viết nên bao kịch bản sân khấu – trở thành một tác giả lừng lẫy một thời. Người ta mãi nhắc đến tên vở kịch, đã hát bài hát mà người ta vẫn nhầm là dân ca, của ông. Đó phải chăng cũng là cách mà ông còn sống mãi cùng hậu thế, dù chẳng mấy người còn nhớ đến một Nguyễn Trung Phong giữa bộn bề cuộc sống hôm nay.
Người nông dân viết kịch làng Trung Phường
Trung Phường là một làng quê bình yên bên lèn Hai Vai nổi tiếng của đất Diễn Châu. Ngôi nhà nhỏ của bà Nguyễn Thị Sửu nằm ở giữa xóm 2, im vắng và rợp bóng cây. Bà ở một mình trong căn nhà này, với tuổi gần 90, cùng với những bức ảnh và hồi ức về chồng mình – nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong.
Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong đã từng là Phó Ty Văn hóa Nghệ Tĩnh. Nhưng trước khi trở thành một nhà lãnh đạo, quản lý hết lòng vì nghệ thuật, ông là một nông dân của làng quê nhỏ bé này. Nhiều vở kịch ông đã viết dưới mái nhà yên tĩnh của mình nơi làng Trung Phường này, trong đó có cả vở “Cô gái sông Lam” nức tiếng một thời.
Bà Sửu kể rằng: Cái đận ông ấy về viết Cô gái sông Lam, ông hầu như miệt mài, chẳng mấy khi ngó ngàng đến ai, dù bình thường thì ông cũng tếu táo, hay trạng lắm. Tui đi mần rọng (làm ruộng) về, bữa mô thấy cha con vui vầy là biết bữa đó ông viết được nhiều, có nhiều ý tưởng, còn bữa mô thấy mặt mũi đăm chiêu là chắc chưa viết được gì ưng ý. Những lúc như thế, mẹ con tui nỏ ai dám hỏi. Vì có hỏi ông cũng nỏ nói năng chi. Với ông Phong, viết kịch là lẽ sống. Dù ông là nông dân, thạo mọi việc cày bừa, và cũng thường xuyên cùng vợ con ra đồng những lần về thăm nhà.
Sinh năm 1928, ngay từ ấu thơ, những câu hò, điệu ví… của làng quê xứ Nghệ đã thấm đẫm trong tâm hồn nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong. Ông hồn nhiên lớn lên cùng đồng ruộng, tâm hồn nghệ sỹ luôn phơi phới với bao đổi thay thời cuộc. Tiếng hát của ông đã cất lên trên những luống cày, đã hòa cùng nhịp điệu hăng say lao động của người dân quê. “Ngày ấy ông phụ trách đội thiếu niên, còn tui thì sinh hoạt đội trong nớ. Quen nhau và nên duyên từ đó. Sau ông đi làm tuyên huấn ở huyện, rồi lên tỉnh làm văn hóa- văn nghệ biền biệt. Nhưng lần nào về, ông cũng sẻ chia về công việc viết kịch của mình, hoặc có những khi ông dành thời gian về nhà viết kịch cho yên tĩnh. Tui thì trái ngược với ông, không biết cả hát hò lẫn thơ ca, nhưng lúc nào cũng lắng nghe ông nói, ông kể, xem kịch của ông người ta diễn ở quê lần nào cũng rưng rưng, tự hào”.- bà Sửu tâm sự.
|
|
Chưa từng trải qua một trường lớp đào tạo âm nhạc hay biên kịch nào, Nguyễn Trung Phong đã viết nhạc, viết kịch bằng bản năng, sự tài hoa nghệ sỹ bẩm sinh, những thẩm thấu văn hóa dân gian của làng quê xứ Nghệ và bằng tất cả những trải nghiệm sống của mình. Ông sống và viết cũng đều rất hồn nhiên.
Nhà thơ Thạch Quỳ- người đã có thời sống chung vách với nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong trong tập thể Hội Văn nghệ Nghệ An cho hay: “Từ thời thiếu niên, khi còn ở quê (làng Đông Bích, Trung Sơn, Đô Lương) tôi đã được xem người ta diễn những vở kịch mà khi xướng tên tác giả là Nguyễn Trung Phong. Đó là những vở kịch nói về cải cách ruộng đất. Hình như những năm 1956 – 1957 gì đó. Tên kịch thì chẳng nhớ, nhưng còn nhớ nhân vật là bà Hoe Tơn.
Sau này, thật không ngờ lại có những khi tôi lại ở cùng tập thể với Trung Phong. Ông ngày đó hơn tôi nhiều bậc (ông là tầm lãnh đạo) nhưng sống hết mực dân dã, mộc mạc. Gặp ai ông cũng có thể hát cho họ nghe một vài làn điệu mà ông vừa sáng tác ra. Ông luôn vỗ vai, mà hỏi: “ Nha (mình) viết câu ra ri, ung mi xem có được không nha”. Ông hát lên thế, chứ không hề biết ký âm. Hỏi ý kiến và rất chân thành nghe góp ý, hì hục sửa (không phải trên giấy mà trên chính giọng hát của mình). Cứ thế, mà lần lượt những tác phẩm âm nhạc, kịch bản nữa của ông ra đời…”
Nguyễn Trung Phong với "Cô gái sông Lam"
Khó có thể kể tên những tác phẩm mà Nguyễn Trung Phong đã đóng góp cho sân khấu kịch Nghệ An. Từ: Đừng đi, Khi ban đội đi vắng, Hạt lúa quê ta, Vẫn còn ra trận, Cô gái sông Lam…đã ghi danh ông là một tác gia kịch bản nổi tiếng bậc nhất của Nghệ An những năm chống Mỹ. Nhưng có thể nói, 2 tác phẩm đỉnh cao mãi còn được công chúng nhắc nhớ ấy chính là bài hát mà người ta đã từng nhầm tưởng là dân ca xứ Nghệ trong vở diễn “Khi ban đội đi vắng”, bài (mà có người gọi là làn điệu): “Giận mà thương”, và vở kịch “Cô gái sông Lam”- vở kịch đã làm mưa làm gió trên các sân khấu chèo, kịch dân ca…cả nước những năm 60, 70 và đoạt rất nhiều huy chương vàng, bạc cho kịch bản, âm nhạc, diễn viên tại các hội diễn. Những vai diễn để lại trong lòng công chúng sâu sắc đến nỗi tên tuổi các diễn viên được quên đi và thay bằng tên chính các nhân vật của kịch khi gặp gỡ đời thường.
|
|
Với “Cô gái sông Lam”, Nguyễn Trung Phong đã viết nó vào năm 1959, khi ấy Đoàn Văn công Nghệ An mới thành lập và ông đang công tác tại Ty Văn hóa. Ông được giao viết một kịch bản cho sân khấu chèo kỷ niệm 30 năm Xô Viết Nghệ Tĩnh để Đoàn mang tới Hội diễn sân khấu toàn quốc. Bao lo lắng, trăn trở vì đây là một loại hình không phải sở trường của sân khấu xứ Nghệ, nhiều diễn viên cũng mới lần đầu biết tới hát chèo, thế nhưng sau chỉ 1 tháng, ông đã hoàn thành vở này. Vở diễn ra mắt lần đầu tiên vào năm 1960 để phục vụ sự kiện 30 năm Xô Viết Nghệ Tĩnh. Năm 1962, vở chèo “Cô gái sông Lam” đã được mang tới Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc và mang tới thành công vang dội với 4 Huy chương Vàng, 4 Huy chương Bạc (dành cho vở diễn, đạo diễn, âm nhạc, tác giả kịch bản, và một số vai diễn). Sau đó, vở chèo còn làm mưa làm gió trên sân khấu toàn quốc với hàng trăm suất diễn. Sau đó, vở chèo được chuyển thể sang kịch dân ca Nghệ Tĩnh năm 1974 và tiếp tục hành trình chinh phục khán giả khắp các vùng quê xứ Nghệ.
Những tên tuổi nghệ sỹ sân khấu đã “đóng đinh” với vở diễn, giúp họ bước lên bục cao vinh quang, giúp họ có cả những kỷ niệm không thể quên được trong đời. Một trong những kỷ niệm sâu sắc nhất, có lẽ chính là lần vở chèo được biểu diễn trong Phủ Chủ tịch cho Bác Hồ xem và tác giả kịch bản Nguyễn Trung Phong đã được Bác Hồ gắn lên ngực tấm huy hiệu của Người.
Nghệ sĩ Kim Tân diễn lại một phân đoạn trong vở Cô gái sông Lam.
Nghệ sỹ Kim Tân – người đóng vai mẹ mõ trong vở chèo Cô gái sông Lam lừng danh năm xưa, ngày ấy mới mười tám, đôi mươi, nay đã sang tuổi 75. Vẫn không nguôi xúc động, bà kể về những năm tháng đầy vinh quang và kỷ niệm với lần Đoàn chèo được vào diễn cho Bác Hồ xem: “Có thể nói vở diễn của anh Trung Phong đã đưa tôi tới với vinh quang nghiệp diễn khi tôi mới chỉ là một thiếu nữ, chưa có nhiều kinh nghiệm diễn xuất, chưa được học bài bản qua trường lớp diễn xuất nào. Chúng tôi đã diễn với tất cả những gì chân thật, hồn nhiên, diễn bằng bản năng, bằng cảm xúc dẫn lối. Tôi không thể ngờ, chỉ với 2 màn ra sân khấu ngắn ngủi, nhưng với vai mõ- vài hài hước đầu tiên và hiếm hoi của nghiệp diễn đời mình- tôi đã giành được Huy chương Bạc tại Hội diễn sân khấu toàn quốc năm ấy. Ngày ấy, anh Mai Vy là thứ trưởng Bộ Văn hóa, sau hội diễn đã thân mật gọi tôi là “cô Mõ Nghệ An”. Tôi đi đến đâu, kể cả đi tàu Vinh – Hà Nội, người ta cũng nhận ra tôi và gọi tôi: Mẹ Mõ kìa!
|
|
Chúng tôi đều yêu vở diễn, đều nhập tâm với nó bởi nó được viết ra một cách rất chân thật, gần gũi. Nó phản ánh đúng cuộc sống, tâm trạng, con người quê Nghệ. Một cô Nghệ là cô gái thôn quê nghèo đói mà đầy kiên cường, dũng cảm, một lòng vì cách mạng. Một mẹ Mõ – thuộc lớp người dưới đáy xã hội nhưng vẫn đầy hóm hỉnh, thông minh, sẵn mang tinh thần phản kháng, tìm cách chống lại cái xấu, cái ác, cái bất công…
Lần diễn cho Bác Hồ xem là kỷ niệm sâu sắc nhất trong cuộc đời tôi. Trước lúc diễn, Bác dặn chúng tôi phải chú ý trang phục làm sao cho giống những năm 1930-1931, rồi nói chúng tôi cố gắng diễn để “cho khách của Bác xem”. Khi diễn xong, Bác lên sân khấu. Chúng tôi ùa lấy Bác, được bác chia kẹo. Rồi Bác hỏi xem ai là người viết vở kịch này. Nguyễn Trung Phong bước ra. Bác khen anh, rồi lấy tấm huy hiệu của Người gắn lên ngực anh. Anh Trung Phong khi ấy xúc động không nói nên lời.”
...và với "Giận mà thương"
Còn với bài hát nổi tiếng “Giận mà thương”, theo lời kể của nhạc sỹ Thanh Lưu – nguyên Trưởng đoàn dân ca Nghệ An, thì đó là những năm 1965-1967, phong trào văn nghệ quần chúng ở Nghệ An bắt đầu phát triển bằng hình thức dân ca kịch ví giặm. Thời gian này Nguyễn Trung Phong đã sáng tác vở kịch hát dân ca “Khi ban đội đi vắng”. Khi chuyển giao cho đội văn nghệ xã Diễn Bình, huyện Diễn Châu dàn dựng vở này, thấy các diễn viên cứ hát đi hát lại vài làn điệu ví giặm nguyên gốc nghe lắm cũng đơn điệu, nhàm chán, mà lại không lột tả được tâm trạng nhân vật, nhất là ở lớp kịch người vợ ngăn chồng đi buôn lậu. Từ đó Nguyễn Trung Phong nảy ra ý định phải cải biên thêm làn điệu mới cho phù hợp. Sau nhiều ngày nghiền ngẫm, Nguyễn Trung Phong đã tự sáng tác ra điệu mà ông đặt tên là “trăn trở” cho nhân vật người vợ hát. Khi nghe Trung Phong trình bày và nhờ tư vấn, nhạc sỹ Mai Hồng và nhạc sĩ Thanh Tùng rất thích, liền góp ý với tác giả nên chỉnh sửa vài chi tiết và đề nghị đổi tên điệu hát “trăn trở” thành điệu hát “Giận mà thương” cho phù hợp với sắc thái tình cảm của nhân vật và chủ đề bài hát. Đến khi công diễn vở kịch, đoạn hát ấy đã thực sự gây xúc động cho người xem. Từ đó bài hát được lan truyền khắp vùng quê xứ Nghệ.
|
|
Nhạc sỹ Thanh Lưu chia sẻ thêm: “Nguyễn Trung Phong không phải là một nhạc sỹ sáng tác, anh không thông tỏ nhạc lý, nhưng nhờ sự nhạy cảm của một nghệ sĩ sân khấu, lại tích luỹ được nhiều vốn liếng dân ca – chèo, cho nên anh đã sáng tạo bài hát bằng phương pháp lồng ghép chắp điệu mà dân gian thường dùng, nối ví sang giặm hết sức nhuần nhuyễn, giống như kiểu ngâm vỉa (hoặc sử) rồi bắc cầu sang hát ở trong chèo. Dĩ nhiên khi liên kết giữa ví và gặm, anh đã có sự cải biên bằng thủ pháp mô phỏng mô tiến, điệp khúc điệp từ, nhấn âm hình chủ đạo, giữ âm sắc đặc trưng, nghe rất “Nghệ” rất dân gian mà cũng rất hiện đại, vừa giàu sức truyền cảm vừa mang tính đa dùng. Có thể nói bài hát “Giận mà thương” là một trong những bài cải biên sân khấu hoá dân ca Nghệ Tĩnh thành công nhất từ trước tới nay.
Song trớ trêu thay, suốt mấy chục năm qua, “Giận mà thương” đã trở thành bài “tủ” của nhiều ca sĩ chuyên và không chuyên, là bài “chốt” trong các vở kịch hát Nghệ Tĩnh cũng như các chương trình ca nhạc dân gian . Người ta còn in ấn, rồi thu thanh thu hình vào băng đĩa, phát sóng đều đều trên các đài truyền hình, phát thanh, bày bán khắp các quầy hàng ki ốt ở trong nước và cả ở nước ngoài…Ây vậy mà người sinh ra bài hát đó lại chẳng hề nhận được đồng xu nhuận bút nào, thậm chí cái tên tác giả cũng không được ghi danh. Thật là một sự vi phạm tác quyền tệ hại”. Cũng nhạc sỹ Thanh Lưu cho hay: “ Chỉ cần với “Giận mà thương” và “Cô gái sông Lam” thì nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong đã xứng đáng được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật”.
|
|
Vậy mà, cho đến giờ, nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong cũng vẫn chưa được nhận giải thưởng xứng đáng này. Dù vậy, người xứ Nghệ, ai cũng từng biết tới “Cô gái sông Lam” và “Giận mà thương”. Trong cuộc gặp gỡ với những nghệ sỹ một thời vang bóng, tôi vẫn thấy, lấp lánh trong đôi mắt họ những mến yêu, kính trọng dành cho ông – người đã đưa họ lên đến bục vinh quang của sân khấu, vẫn thấy nỗi nhớ dai dẳng trong đáy mắt người bạn đời của ông năm nay đã gần tuổi 90, rằng: “Mỗi lần nhớ về ông ấy, tôi lại đưa ảnh của ông ấy chụp với với đoàn văn công Nghệ An xưa ấy ra ngắm”.
Nội dung: Thùy Vinh
Ảnh: Hải Vương - Quốc Khánh
Thực hiện: Hà Giang