Chuyển đổi năng lượng là thách thức lớn đối với quá trình các doanh nghiệp chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Nền kinh tế xanh đòi hỏi sự chuyển đổi lớn trong cách sản xuất, phân phối và tiêu thụ năng lượng, do đó cần nguồn lực đầu tư rất lớn, trong đó nguồn vốn luôn là thách thức rất lớn với mọi đối tượng doanh nghiệp.
|
Ông Nguyễn Đức Minh - thành viên Hội đồng cấp cao Diễn đàn ESG Việt Nam. |
Tín dụng xanh chỉ chiếm 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế
Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước đánh giá, nhận thức của hệ thống ngân hàng thương mại đã có sự chuyển biến rõ rệt trong thực hiện cấp tín dụng cho các ngành, lĩnh vực xanh, quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng. Nhiều tổ chức tín dụng đã chủ động hợp tác với các tổ chức tài chính quốc tế để nhận các hỗ trợ kỹ thuật và hỗ trợ tài chính để tài trợ cho các dự án mang lại lợi ích về môi trường.
Theo tìm hiểu của Báo Pháp luật Việt Nam, hầu hết các ngân hàng đều có nguồn vốn ưu đãi cho dự án xanh, các dự án nâng cấp thiết bị sản xuất, qua đó thực hiện tiết kiệm năng lượng và nhiều ngân hàng đã tham gia cung cấp vốn cho các dự án liên quan trực tiếp đến sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm.
Ví dụ, Ngân hàng Bắc Á với 2 lần được nhận giải thưởng Ngân hàng tiêu biểu về tín dụng xanh đã xây dựng nguồn lực tập trung vào các lĩnh vực như công nghệ cao và hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn… Bên cạnh đó tham gia cung cấp tín dụng cho các dự án tiết kiệm năng lượng như dự án thu hồi nhiệt dư của nhà máy xi măng giúp tiết kiệm đến 30% điện năng tiêu thụ hàng tháng; Dự án điện mặt trời mái nhà giảm phát thải CO2 và tiết kiệm chi phí sử dụng điện; Dự án Nhà máy điện sinh khối sử dụng bã mía đã đóng góp vào việc tiết kiệm từ 5-10% điện năng tiêu thụ toàn nhà máy.
Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng liên tục gia tăng tỷ trọng tín dụng xanh trong tổng cơ cấu tín dụng của mình, trong đó, tín dụng cho các lĩnh vực năng lượng chiếm đến hơn 80% tổng nguồn tín dụng xanh. Mới đây, Nghị quyết Hội đồng quản trị về chiến lược phát triển kinh doanh của BIDV đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 cũng nêu rõ, BIDV cam kết triển khai các gói “Tín dụng xanh”, dành tỷ trọng tương xứng để tài trợ cho các khách hàng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, các ngành sản xuất và tiêu dùng phát thải carbon thấp, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, đến 30/6/2024, có 50 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt 650.300 tỷ đồng, tăng 4,71% so với cuối năm 2023, chiếm 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm gần 45%) và nông nghiệp xanh (gần 30%). Trước đó tại thời điểm 31/12/2023, dư nợ tín dụng xanh đạt 620.984 tỷ đồng, tăng 24% so với cuối năm 2022. Như vậy, dư nợ tín dụng xanh mới chỉ chiếm chưa đến 5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.
|
Đầu tư hệ thống lấy sáng tự nhiên là doanh nghiệp đã bắt đầu quá trình chuyển đổi xanh. |
Cần có lộ trình chuyển đổi để tiếp cận nguồn vốn xanh
Có thể thấy, nhiều doanh nghiệp hiện nay đang lúng túng trong công cuộc chuyển đổi xanh, nhất là việc làm sao có được nguồn lực tài chính để thực hiện chuyển đổi xanh luôn là khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Đức Minh - thành viên Hội đồng cấp cao Diễn dàn ESG Việt Nam cho rằng, về mặt lý thuyết thì các ngân hàng đã biết đến chuyển đổi xanh và bắt buộc doanh nghiệp phải có các chỉ tiêu về chuyển đổi xanh mới được tiếp cận vốn. Tuy nhiên, ngân hàng không yêu cầu phải có kết quả luôn mà chỉ yêu cầu “có lộ trình chuyển đổi xanh và thực hiện bằng các chỉ tiêu, có thời hạn cụ thể, rõ ràng”. Và việc doanh nghiệp tiếp cận được vốn hay không phụ thuộc vào tính cam kết thực hiện chuyển đổi xanh “là chuyển đổi xanh chứ không phải là xanh” - ông Minh nhấn mạnh.
Ví dụ, để có thể chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thì khi bắt đầu đầu tư, doanh nghiệp phải tìm hiểu thật kỹ có thể chuyển đổi ở những hạng mục, thiết bị, phương tiện nào, sau đó mới tính đến các phương án và tiếp cận nguồn vốn. “Vốn trong giai đoạn này đang rất có lợi cho các doanh nghiệp muốn đầu tư. Bởi vì đây là giai đoạn mà nguồn tiền của ngân hàng rất dồi dào, lãi suất cũng tốt nên các doanh nghiệp cần phải nghiên cứu sớm để có thể tìm các phương án chuyển đổi tối ưu nhất cho mình” - ông Minh nói.
Về phương án chuyển đổi, đại diện Bộ Công Thương cho biết, Bộ Công Thương có thể “tiếp sức” cho doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi bằng cách phân loại các giải pháp tiết kiệm năng lượng từ mức đầu tư lớn, đầu tư trung bình và đầu tư nhỏ cũng như nhu cầu của các doanh nghiệp theo quy mô doanh nghiệp vừa và nhỏ, quy mô trung bình và quy mô lớn. Từ đó sẽ thiết kế được chương trình, dự án, mức hỗ trợ khác nhau.
|
Các nhà máy sử dụng phương án tiết kiệm năng lượng luôn được hệ thống ngân hàng ưu tiên cấp vốn. |
Mức hỗ trợ thường xuyên nhất mà Bộ Công Thương có thể thực hiện là hỗ trợ kỹ thuật, nghĩa là doanh nghiệp muốn đầu tư một dự án tiết kiệm năng lượng, thì Bộ có thể hỗ trợ về kiểm toán năng lượng, qua đó xác định giải pháp tiết kiệm năng lượng khả thi. Sau đó có thể thông qua dự án ODA để hỗ trợ kỹ thuật doanh nghiệp viết báo cáo đầu tư hoặc thông qua quỹ bảo vệ chia sẻ rủi ro để hướng dẫn doanh nghiệp tiếp cận ngân hàng.
Ông Minh cho rằng, trong chuyển đổi xanh nói chung, chuyển đổi năng lượng nói riêng, doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ gặp nhiều khó khăn, một phần bởi vì nhận thức chưa đúng mức nhưng “tôi nghĩ đây không phải là vấn đề khó. Câu chuyện là các chủ doanh nghiệp ý thức và nhận thức được cái được tầm quan trọng của chuyển đổi xanh thì tôi nghĩ là 90% họ đáp ứng được” - ông Minh khẳng định và phân tích thêm: “Cả thế giới phải chuyển đổi xanh, đó là yêu cầu và xu hướng bắt buộc nhưng không có nghĩa là họ yêu cầu ngày mai phải làm luôn, do đó, chỉ cần có ý thức và quyết tâm, doanh nghiệp sẽ đạt được”.
Cụ thể, ông Minh ví dụ, doanh nghiệp dùng lò than sản xuất sẽ sản sinh ra carbon, khói bụi, ô nhiễm môi trường, muốn chuyển đổi sang nhiên liệu khác, như dùng lò điện chẳng hạn nhưng không thể thực hiện ngay. Do đó, doanh nghiệp sẽ có một lộ trình thích nghi dần, bắt đầu từ tìm cách cắt giảm lượng than sử dụng hoặc cắt giảm lượng phát thải khói bụi ra môi trường thông qua một bước “sục qua nước” để đỡ phát tán bụi ra không khí.
“Đấy đã gọi là lộ trình và những đơn vị cung ứng vốn sẽ đánh giá doanh nghiệp đã có lộ trình thực hiện chuyển đổi xanh rồi và như vậy doanh nghiệp có thể đã có khởi đầu để tiếp cận được vốn. Còn thời gian chuyển đổi là 3 năm, 5 năm hay nhiều hơn nữa thì còn phụ thuộc vào nhu cầu và yêu cầu chuyển đổi. Nhưng những kế hoạch chuyển đổi thì phải được thống nhất giữa các bên như cơ quan chức năng hoặc ngân hàng, đơn vị bảo lãnh vốn để đưa ra lộ trình khả thi nhất” - ông Minh nói.
Ngoài sự chủ động của doanh nghiệp trong chuyển đổi xanh, theo khuyến cáo của nhóm nghiên cứu thuộc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), muốn sớm thúc đẩy và có hiệu quả trong quá trình chuyển đổi xanh, Việt Nam cần hoàn thiện mang tính tổng thể các thể chế, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh, bao gồm việc rà soát các chính sách và quy định pháp lý đã tồn tại để phù hợp với xu hướng chuyển đổi, phù hợp với mô hình kinh tế tái chế, tuần hoàn... Bên cạnh đó, các tiêu chuẩn phân loại xanh, danh mục dự án xanh, quy định tín dụng/trái phiếu xanh, các thiết kế về dòng vốn trung và dài hạn… cần được ban hành sớm và hướng dẫn tổ chức thực hiện, triển khai nhanh chóng để doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn cần thiết, phù hợp.