Khi cụ Đạt trút lời gan ruột về biển, về câu chuyện trăm năm của những binh phu dong thuyền ra Hoàng Sa mãi mãi không về, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khoanh tay, cúi đầu nghe câu chuyện của cụ.
|
Cụ Đạt (phải) kể câu chuyện trăm năm cho nguyên chủ tịch nước Trương Tấn Sang nghe - Ảnh: Trần Mai |
Vậy là cụ Võ Hiển Đạt đã thành người thiên cổ ở tuổi 85, sau 60 năm làm người gác Âm Linh Tự để giấc ngủ trăm năm của các bậc tiên hiền dong thuyền ra Hoàng Sa...
Vào tháng 2-2016, khi nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang có chuyến thăm đảo Lý Sơn. Nơi đầu tiên của hòn đảo tiền tiêu mà vị nguyên thủ này đặt chân đến là Âm Linh Tự.
Và dĩ nhiên cụ Đạt là người đứng ra trút lời gan ruột về biển, về câu chuyện trăm năm của những binh phu dong thuyền ra Hoàng Sa đã mãi không về cho ông Sang nghe.
Hôm đó, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sau nén nhang kính cẩn đã khoanh tay, ghé tai để nghe câu chuyện từ cụ Đạt. Không phải ngẫu nhiên mà một nguyên thủ quốc gia dừng chân ở Âm Linh Tự hơn 30 phút.
Bởi ở đất đảo Lý Sơn có tư liệu nào liên quan đến chủ quyền của Hoàng Sa mà chưa qua tay cụ Đạt dịch và chính cụ là người am tường bậc nhất đảo về câu chuyện quá khứ này.
Những câu chuyện ấy, cụ Đạt cũng là người từng được nghe kể lại thôi, nhưng tính nóng bỏng, thời sự và quá khứ hiện tại xếp nối vào nhau khiến nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang không thể nào vội vã rời đi.
Từ chuyện lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa đến chiếc thuyền câu, ngôi mộ gió, hay tờ lệnh từ thời vua Minh Mạng điều binh phu ra Hoàng Sa được dòng họ Đặng ở đảo Lý Sơn gìn giữ gần 200 năm qua cụ Đạt đều am tường...
|
Âm Linh Tự, nơi cụ Đạt 60 năm gác giấc ngủ tiền nhân - Ảnh: Trần Mai |
Vậy mà một năm sau ngày đó, cụ Đạt đã quay về nghìn năm. Thông tin cụ mất khiến ai cũng hụt hẫng. Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, giám đốc sở VH-TT-DL Quảng Ngãi bảo rằng cụ Đạt ra đi là tiếc nuối của không chỉ những người nghiên cứu văn hóa mà còn là nỗi buồn chung của những ai muốn nghe câu chuyện của Lý Sơn, của Hoàng Sa.
60 năm làm người gác Âm Linh Tự và khả năng am tường chữ nho, cơ hội tiếp cận với những bản sắc phong, tờ lệnh đã đưa cụ Đạt trở thành một kho tư liệu sống.
Ông Vũ nhớ cả bài văn tế của cụ Đạt năm 2010, đó là đợt mà những gì liên quan đến đội Hùng Binh Hoàng Sa thuở nào được chuyển về Đình làng An Vĩnh.
Bài văn tế có đoạn “Hỡi ơi, đất nước Việt Nam trải bao phen lao khổ. Nghĩ đến kẻ điêu linh từ thuở nọ. Chi hay sinh kề ký tử hề quy, ra đi có mấy người trở lại… xả thân vì Tổ quốc, son sắt một lòng, ngang dọc chí nam nhi.
Phong ba dồn dập, tuyết sương chẳng quản, mưa nắng chẳng sờn, Hoàng Sa lãnh hải biển cả mênh mông…”. Với ông Vũ bài văn tế ấy là ruột gan của một đời người nghe tiếng trăm năm vọng về từ phía biển.
|
Một nghi lễ được tổ chức ở Âm Linh Tự - Ảnh: Trần Mai |
Năm nay, lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa sẽ thiếu vắng đi một người quan trọng bậc nhất của đảo Lý Sơn.
May thay trước khi cụ Đạt mãi thành cổ nhân đã kịp phục dựng chiếc thuyền câu của binh phu, kịp tiếp cận và giới thiệu với cơ quan chuyên môn về những tài liệu lịch sử ở ngôi đình thiêng liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa
Cụ cũng kịp hướng dẫn hậu thế làm hình nhân thế mạng cho những người giã từ đời mình nơi biển cả… Có lẽ cụ Đạt cũng mãn nguyện mà an giấc trăm năm.
Nhưng có chăng, lần ra đi cuối cùng về thiên cổ, công việc còn dang dở của cụ Đạt là đi khắp đảo thống kê số miếu mạo cũ nơi còn ghi lại dấu tích của tiền nhân đã khai khá đảo Lý Sơn lập ấp, khai làng còn chưa xong thì cụ quy tiên...
Giữa biển xanh mây trắng, những cơn gió và mùi thơm của tỏi vào mùa sẽ đưa cụ về với tổ tiên. Tiễn biệt cụ.