Trong quý 3, lực lượng Hải quan đã phát hiện và xử lý 4.748 vụ vi phạm, trị giá hàng hóa ước tính 7.584 tỷ đồng.
Ngày 4/10, Tổng cục Hải quan cho biết tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trong tháng 9/2024 và quý 3 diễn biến phức tạp với nhiều vụ việc vi phạm có dấu hiệu hình sự gia tăng.
Theo Tổng cục Hải quan, trong quý 3, lực lượng Hải quan đã phát hiện và xử lý 4.748 vụ vi phạm, trị giá hàng hóa ước tính 7.584 tỷ đồng, thu nộp ngân sách nhà nước 141 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2023, số vụ khởi tố tăng 25% và số vụ chuyển khởi tố tăng 50%. Tính chung 9 tháng, con số này lần lượt là 12.949 vụ, 23.757 tỷ đồng và 522,58 tỷ đồng tiền thu nộp ngân sách.
|
Ngành hải quan xử lý 4.748 vụ vi phạm trong quý 3/2024. |
Trong quý 3 này, lực lượng Hải quan cũng bắt giữ 62 vụ/80 đối tượng buôn bán ma tuý, thu giữ 331,59kg ma túy các loại. Lũy kế 9 tháng, các con số tương ứng 245 vụ/296 đối tượng và 1,64 tấn ma túy.
Để tăng cường phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại, Tổng cục Hải quan khẳng định sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, bảo vệ an ninh kinh tế và trật tự an toàn xã hội. Ngành Hải quan triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, tăng cường kiểm soát biên giới, phối hợp với các lực lượng chức năng khác, như Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Công an. Ngoài ra, Tổng cục Hải quan tiếp tục triển khai các chiến dịch quốc tế như Con rồng Mê Kông, Demeter X, Arcadia 2024 và Twin Guardian II đồng thời tham gia các hội thảo chuyên đề về chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và xử lý các vụ án buôn lậu. |
Các hoạt động buôn lậu diễn ra trên cả tuyến biên giới đường bộ Việt Nam- Trung Quốc, Việt Nam-Campuchia, vùng biển Đông Bắc và tuyến biên giới Việt Nam-Lào. Hàng hóa buôn lậu đa dạng, bao gồm thực phẩm, thuốc lá, dầu diesel, gia cầm, tiền tệ, pháo nổ, đường kính trắng và đặc biệt là ma túy.
Tổng cục Hải quan cũng cho biết, các băng nhóm tội phạm xuyên quốc gia đang lợi dụng hoạt động thương mại và đầu tư để vận chuyển ma túy qua qua biên giới với diễn biến hết sức phức tạp tại 3 tuyến. Các băng nhóm tìm cách thành lập doanh nghiệp ở Việt Nam để vận chuyển phương tiện, thiết bị, nguyên liệu, thuê kho bãi… phục vụ hoạt động sản xuất, vận chuyển trái phép ma túy từ nước ngoài vào trong nước và tiếp tục đưa đi nước thứ ba tiêu thụ. Bên cạnh đó, tiền chất nhập khẩu cũng tiềm ẩn nguy cơ bị lợi dụng, sử dụng điều chế, sản xuất trái phép ma túy.