Thời tiết vào cuối đông mang chút se lạnh, bầu trời trong vắt hòa vào màu xanh của núi rừng như vẽ nên một bức tranh thơ mộng và bình yên... Nơi đây trên một thung lũng bằng phẳng, xung quanh bao bọc bởi núi rừng và những cánh đồng xanh ngát bất tận, Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện) là ngôi làng cư trú của những vị Pơtao Apui cuối cùng.
Vua lửa “Huyền thoại truyền đời đời”
Theo chân của một người dân trong làng, chúng tôi tìm đến với “phụ tá” của Vua Lửa đời thứ 14 - Siu Luynh là ông Rah Lan Hieo (SN 195).
Ông Hieo có vẻ bề ngoài khắc khổ, gầy gò, tóc ông đã bạc trắng như đám mây xế chiều của những ngày đầy nắng, ông là nhân chứng sống và am hiểu rõ nhất về lịch sử và đặc trưng riêng biệt của Vua Lửa trên mảnh đất thiêng Plei Ơi.
![]() |
Đường vào khu di tích cấp quốc gia Plei Ơi. Ảnh: UBND huyệ Phú Thiện |
Ông Hieo trầm ngâm kể, Vua Lửa cũng là con dân của người Jrai. Cuộc sống của Vua chỉ khác biệt và có quyền lực khi mặc lên mình chiếc áo của Vua và sử dụng chiếc gươm thần để thực hiện nghi lễ cầu mưa cho dân làng.
Vua cũng có vợ có con, có gia đình, các công việc thường ngày và các hoạt động sinh sống của Vua như đi rừng, hái măng, tỉa bắp, trồng lương thực, vẫn diễn ra bình thường như bao người khác.
Vua Lửa có 14 đời thì Siu Nhong - Vua đời thứ 6 là người được nhắc đến nhiều nhất về quyền năng hô mưa gọi gió. Và vùng lãnh thổ của Pơtao Apui được hình thành lên nhờ vị vua này.
Theo truyền thuyết Siu Nhong là người được cử làm Vua Lửa nhưng Siu Nhong một mực từ chối. Để thuyết phục Siu Nhong, người dân đã phải kiên trì 7 ngày 7 đêm và nói đi nói lại rằng, nếu ông không chịu nhận thanh gươm, cả vùng có thể sẽ phải chết.
Sau đó, Siu Nhong chấp nhận, ông dùng gươm thần đánh 7 lần vào nước. Sau 7 ngày, 7 đêm, mây đen ùn ùn kéo đến những cơn mưa giăng kín cả bầu trời. Kể từ đó, ông chính thức được gọi là Pơtao Apui, giúp dân làng “gọi gió gọi mưa”, mang lại “sự sống” cho buôn làng. Vị Vua Lửa đời thứ 11 - Siu Ất cũng là một vị Vua đã làm rạng danh cho dòng tộc của mình.
![]() |
Lễ cúng cầu mưa của Vua lửa Siu Ất. (Ảnh: UBND huyện Phú Thiện) |
Vua Lửa Siu Ất lên ngôi với ý chí quật cường, ông đã liên kết với các thủ lĩnh, tù trưởng có thế lực trong vùng, kiên quyết chống lại sự thống trị của thực dân Pháp, bảo vệ người dân trước sự hung hãn, tàn bạo của quân thù.
Vua Lửa đời thứ 14 Siu Luynh là vị vua cuối cùng, tuy vậy cuộc sống của vua Siu Luynh khá chật vật và khó khăn. Gia tài quý nhất của ông là một cối gỗ, một cái chiêng, một cái trống và một cái rương gỗ lớn đựng đồ tế lễ, tương truyền do các đời Vua Lửa trước để lại.
Từ nhỏ đã theo Vua Siu Luynh, ông Ranh Lan Hieo thường cẩn thận, tỉ mỉ, chăm chút chuẩn bị đồ cúng cho Vua. Khi lớn lên, ông được chọn làm phụ tá, sau đó được dọn về nhà của Vua, phụ Vua trong những lễ cầu cúng.
Năm 1999, vị Vua Lửa thứ 14 - Siu Luynh qua đời. Theo quy định, chỉ những người mang họ Siu mới được nối ngôi; tuy nhiên, con cái của ông lại mang họ của mẹ, cho nên đến nay vẫn chưa có người đảm nhận trọng trách quan trọng này.
Người phụ tá của vua Siu Luynh là ông Rah Lan Hieo đã thay Vua trong công việc cúng cầu mưa hàng năm cho người dân buôn làng Plei Ơi.
Trong tiềm thức của người dân Plei Ơi, những cơn mưa trĩu hạt mang về sự sống cho bản làng, cho núi rừng của vùng đất cằn cỗi từ các Vua Lửa vẫn là những điều thiêng liêng, cao cả.
Gươm thần “hô mưa, gọi gió”
Theo truyền thuyết, chiếc gươm thần đầy quyền năng được hai anh em T’dia và T’diêng rèn từ một hòn đá lấy từ núi Hàm Rồng - một miệng núi lửa khổng lồ cách trung tâm thành phố Pleiku (Gia Lai) khoảng 10 km về phía Nam.
Khi thanh gươm được rèn xong, cứ đỏ rực mãi, nhúng vào ghè, ghè cạn; nhúng xuống suối, suối khô; nhúng xuống sông, sông hết nước... cuối cùng phải nhúng bằng máu các nô lệ thì thanh gươm mới nguội. Sau đó hai anh em T’Dia, T’Diêng đã vứt thanh gươm xuống sông.
![]() |
Ông Rơ Lan Hieo và Vua lửa Siu Ất trong một buổi Lễ cầu mưa. (Ảnh: UBND huyện Phú Thiện) |
Năm 2009, ông Rơ Lan Hieo - phụ tá của Vua Lửa đã thực hiện nghi lễ di dời “gươm thần” từ núi Chư Tao Yang về cất giấu kỹ ở một nơi đặc biệt mà ngoại trừ Vua Lửa và phụ tá, không ai được biết.
Nơi cất giấu thanh gươm thần là đỉnh núi Chư Tao Yang cao 209m. Trên đỉnh núi có một hang đá được tạo bởi 3 viên đá xếp chồng lên nhau. Dưới khe đá là cửa hang nhỏ hẹp chỉ một người chui lọt. Và để đến được nơi giấu gươm còn phải chui qua hai ngách hang nữa. Người xưa truyền lại rằng, nếu ai dám xâm nhập ngọn núi thiêng này sẽ bị phát điên hoặc sẽ gặp tai họa lớn”, ông Hieo hồi tưởng.
Người phụ tá Vua Lửa thứ 14 và sứ mệnh lưu giữ “huyền thoại”
Sau khi Vua Lửa thứ 14 qua đời, ông Ranh Lan Hieo - người phụ tá của vị Vua cuối cùng đã thay Vua trong việc cầu cúng xin mưa cho dân làng.
Thay Vua, ông Hieo phải tuân thủ quy định nghiêm ngặt giống như một vị Pơtao Apui, không được ăn các loại thịt ếch, nhái, bò, chó...
Theo truyền thống thì lễ cầu mưa phải có đủ các vật phẩm như: 1 ghè rượu, 1 cây nến, 1 tô gạo, 1 đĩa thịt được cắt ra bày sẵn. Sau khi khấn vái cùng nghi thức rẩy và xoa nước vào bụng các già làng để cầu sức khỏe cầu phúc, ông Hieo sẽ ngồi lạy 3 lạy chào thần linh rồi rót nước vào ché rượu.
Vua Lửa vừa khấn, vừa lấy gạo, thịt trong tô, đĩa vãi ra để mời các vị thần Núi, thần Sông, thần Gỗ, thần Đá... cùng dự lễ. Sau đó, Vua Lửa sẽ lấy thịt ném 3 lần ra phía trước. Mỗi lần ném thịt, Vua Lửa cũng không quên cầm cây gươm thần và luôn miệng cầu xin.
Ông Ranh Lan Hieo đã thay thế những vị Vua Lửa “tiếp nối huyền thoại” giúp dân làng cầu mưa cầu gió, cầu những điều tốt lành cho dân làng suốt nhiều năm liền.