Ngày xưa Mẹ đau đáu chờ con suốt 10 cái Tết, hôm nay con xa Mẹ, mãi mãi không còn một cái tết nào được ngồi bên Mẹ nữa.
|
Ảnh minh họa. |
Bỗng thấy trống trải, hoang vắng đến lạ lùng, như mất đi một điểm tựa tâm linh, chỗ dựa tinh thần, sự sum vầy đoàn tụ trong những giờ khắc vi diệu này.
Chiến tranh loạn lạc, nếu người con ra trận gian nan, cực khổ một lần thì người Mẹ ở nhà cơ cực tới ngàn lần. Cái cơ cực của sự vò võ đợi chờ đêm này qua đêm khác, năm này sang năm kia để được nghe tiếng chân của con trở về, nhưng đã có biết bao những người con mãi mãi không trở về để Mẹ cứ một mình vò võ như thế. Âm thầm, vô định…
Nhất là những dịp tết đến, xuân về, cái giờ khắc linh diệu, thiêng liêng nhất trong năm mà nỗi mong mỏi đoàn tụ, khao khát sum vầy đã dâng lên thành cháy bỏng, khôn nguôi.
Và ngược lại, những đứa con ở phương xa dù đêm ngày vùi mình trong bom đạn nhưng giờ khắc đó dù đang hành quân hay đang nằm một mình trên cánh võng giữa rừng già cũng cồn cào nhớ đến Mẹ, nhớ đến hương vị nồi bánh chưng đốt bằng mùn cưa trong những cơn gió mùa đông bắc căm căm thổi dọc phố đêm.
Hình ảnh Mẹ bao giờ cũng là hình ảnh trung tâm, sáng rỡ trong tâm khảm non sông, trong tâm thức những đứa con đi xa.
Kỳ lạ làm sao, những đứa con ấy, dù có vợ hay chưa có vợ, dù có người yêu hay chưa có người yêu nhưng trước khi nằm xuống vùi mình vào lòng đất mênh mông, vĩnh viễn thì hai tiếng cuối cùng bao giờ cũng là hai tiếng nghẹn tắc “ Mẹ ơi…”.
Tôi, người lính một thời kháng Mỹ cũng có một người Mẹ như thế. Nhưng chỉ có điều tôi may mắn đã trở về.
May mắn đến nỗi không hiểu làm sao có thể về được, như có cảm giác mình mang tội với đồng đội khi hầu hết họ đã nằm xuống không thể trở về trong những cánh rừng lẻ khuất, những vệ sông ẩm ướt, những đồng bưng nồng nã mùi diêm sinh. Nhưng lại trở về đúng vào cái lúc Mẹ mong chờ nhất, đêm ba mươi trừ tịch.
Nói đúng ra tôi có thể về sớm hơn nhưng trong trái tim thằng con trai Hà Nội vẫn còn lưu giữ chút lãng mạn mà kẻ thù chưa triệt tiêu hết được, tôi muốn về bất ngờ, về trong ấn tượng thẳm sâu mãnh liệt nhất khi giờ khắc ấy, Mẹ tôi đã tin chắc thế là lại một cái Tết nữa đứa con vẫn biệt vô âm tín.
Tôi không về từ phía cửa chính trong ngôi nhà tuổi thơ ngào ngạt mùi hoàng lan trên sân thượng và hương hoa sữa thổi dọc phố lạnh chạy men theo hồ Bảy Mẫu, giờ gọi là Công viên Thống Nhất, mà về từ phía ban công rủ cành vào cửa sổ phòng của Mẹ.
Cái ban công mà ngày xưa hồi còn đi học, mỗi khi đi xem phim ngoài bãi về khuya, sợ bố mắng tôi hay đột nhập trở về. 12 giờ đêm, Hà Nội bắt đầu râm ran tiếng pháo nổ sang xuân (lúc ấy chưa có sắc lệnh cấm pháo) khi bóng Mẹ tôi nhỏ bé, tóc bạc, lưng còng lặng lẽ thắp hương lên bàn thờ gia tiên lầm rầm khấn nguyện điều gì, chắc trong đó có lời nguyện cầu cho đứa con chiến trận là tôi được tai qua nạn khỏi mà trở về, tôi mới khẽ gõ vào cánh cửa kính chắn gió đóng kín.
Mẹ giật nảy mình nhìn ra. Tôi gõ nữa và khẽ cất một tiếng gọi “Mẹ ơi”… Tiếng gọi ấy khiến Mẹ rùng mình thảng thốt như không tin ở tai mình, như đó chỉ là tiếng gió đập vào khung cửa hoặc giả là tiếng hồn ma bóng quế ở nơi xa hiện về.
Và khi cánh cửa khẽ mở, tôi đã đứng lù lù trước mặt, quân phục bạc màu, nón tai mèo, râu ria dữ tợn vì đường xa ngồi tàu không kịp cạo thì Mẹ gần như ngã quỵ vào tay tôi.
Đến lúc đó tôi mới nhận ra cái trò lãng mạn thuở học trò của mình thật ác độc. Chẳng may không kìm nổi cảm xúc vỡ òa bất chợt, do tuổi già sức yếu, do sự chờ đợi đã quá tải, Mẹ quỵ xuống thật thì có phải tôi hối hận cả đời không?
Mẹ sinh được tất cả 10 người con mà lại toàn con trai nên thay vì sẽ ra Hồ Tây kéo chuông vàng như giai thoại truyền lại, cứ lớn lên một cái, gặp cảnh giặc giã, sẵn mang dòng máu người cha là đều xung phong ra trận hết.
Để rồi sau hai cuộc chiến tranh dặc dài, gian khổ, hai người con đã hy sinh ngoài chiến trường, một vài người khác mất do tản cư loạn lạc hoặc bệnh tật. Nhà chỉ còn lại ba người.
Lá vàng còn lại, lá xanh rụng dần. May mà tôi và một cậu út còn sống được mà trở về. Những năm tháng về già, yếu ốm, tôi biết Mẹ vẫn mang trong lòng một nỗi buồn đau đáu không nguôi về cái chết không tìm thấy xác của người anh cả.
Anh hy sinh từ những năm 45 trong phong trào Nam tiến khi Pháp khởi hấn chiếm lại Nam bộ. Mẹ kể, lúc ấy anh tôi còn trẻ lắm, mới 16, 17 tuổi gì đó là cùng.
Bố tôi đang làm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến lâm thời tại tỉnh nhà Hưng Yên. Thế rồi không hiểu do khí thế đánh Pháp cả nước đang dậy lên hay vì sinh ra trên mảnh đất giàu truyền thống yêu nước với cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy gắn liền với tên tuổi cụ Tán Thuật mà một đêm, anh lén lấy khẩu súng lục của ông bố chủ tịch nhập vào đoàn quân đi Nam.
Một tháng sau anh gửi về một bài thơ khá dài miêu tả hào hùng cuộc hành quân sương gió vào phương nam mà như bố tôi nói thì, nếu anh không chết sẽ hứa hẹn một khả năng văn thơ nhất định; và một tháng sau nữa, vào một buổi chiều giáp Tết sương giăng mờ cánh đồng tam thiên mẫu dọc đường 39, người ta gửi về cho Mẹ một cái giấy… báo tử!
Bố tôi bảo lần ấy, lần mất mát đầu tiên ấy, Mẹ tôi, một người Mẹ đã từng là cơ sở kiên cường của Tổng bộ Việt Minh thời tiền bí mật đã gần như không chịu nổi, đêm nào cũng vật vã khóc con đến sáng.
Để rồi những lần mất mát sau, kể cả lần anh thứ 5 của tôi hy sinh ở Yên Bái trong một trận địa pháo, suốt đêm nhảy trên những thanh tà vẹt đến mộ con đang đặt bát cơm, quả trứng nhòe nhoẹt trong mưa, Mẹ không khóc nữa hay không còn nước mắt để khóc, những người Mẹ Việt Nam chỉ còn biết cho nước mắt chảy vào trong, khô quánh, đặc như máu.
Như thế, mỗi lần đi xa về gặp Mẹ, nhìn trong mắt mẹ sao cứ thấy một cái gì tan hoang lạ lắm. Không chịu nổi cái nhìn trống vắng đến nao lòng ấy, tôi quyết định một lần khăn gói lên Buôn Ma Thuột tìm anh sau nửa thế kỷ.
Đến nơi chỉ nghe kể rằng ngày ấy, tháng ấy, năm ấy có một đoàn quân Nam tiến mang biệt danh bộ đội Trung Đình tất cả đều còn rất trẻ và đẹp đã bị quân Pháp từ Tây Nguyên bất thần đánh úp xuống đúng giờ nghỉ trưa nên hy sinh hết không còn ai.
Tôi đến khu trường tiểu học, nơi các anh bị đánh úp chỉ thấy còn lại một cái bia tưởng niệm. Hỏi nữa, người ta bảo thì cũng là tưởng niệm tượng trưng chứ từ đó đến ngày giải phóng, chỗ ấy bị bom đạn, xe xích sắt chà đi sát lại nhiều lần rồi, chắc chả còn mảnh hài cốt nào đâu.
Và có người chỉ cho tôi có lẽ nấm mồ tập thể hàng trăm người ấy đã bị xe Mỹ ủi về một bãi trống trước cửa dinh Bảo Đại cũ, lấp rồi, chắc cũng không còn gì.
Mơ hồ và tuyệt vọng, tôi tìm đến khu đền nhân dân ở đây thờ các chiến sĩ Nam tiến hy sinh. Đền đã cũ, khói hương lạnh lẽo, cô tịch.
Đã bao năm qua rồi, cuộc sống đang còn bao điều vất vả, làm sao có thể chăm chút phần hồn cho những con người đã ngã xuống từ xa xưa?
Nhưng vẫn có một khu đền để nhớ đến, thế là mát ruột về nghĩa tình quân dân, về sự hy sinh thiêng liêng của một thế hệ vượt Trường Sơn đi giải phóng quê hương.
Không còn cách nào khác, sau cả chục ngày tha thẩn, lần mò, cuối cùng tôi đành ra khu trường học, móc một chút đất dưới gốc đa già gói kỹ mang về cho Mẹ.
Nhìn nắm đất màu đỏ Bazan, Mẹ khẽ rùng mình một cái như nhìn thấy được cả thịt xương đứa con đầu lòng của mình gói ghém trong đó rồi khẽ cười, một cái cười lạ lắm, như siêu tịnh lại như héo hon hơn. Nửa năm sau thì Mẹ qua đời. Như chỉ chờ có vậy thì Mẹ mới có thể yên tâm nhắm mắt.
Mới đó với đó mà đã gần hai mươi năm trôi qua rồi. Mẹ bây giờ đã mồ yên mả đẹp và biết đâu Mẹ đã được gặp lại tất cả những người con đã mất ở dưới đó. Thì ra trong cõi sống mênh mông, sự đoàn tụ ở dưới kia bao giờ cũng đông đúc hơn ở trên dương gian này.
Chỉ có điều, cứ mỗi độ xuân về, mỗi đêm trừ tịch phủ nét huyền hoặc xuống thành phố, tôi, lúc này đã thành một lão già, vẫn cứ nhớ Mẹ nôn nao, nhớ như những ngày xa xưa ấy, ngồi giữa rừng già mà khao khát đến cháy lòng được canh nồi bánh chưng bên dáng ngồi hiền hòa, bao dung, ấm áp của Mẹ.
Ngày xưa Mẹ đau đáu chờ con suốt 10 cái Tết nhưng con vẫn còn được trở về. Hôm nay con xa Mẹ, một Bà mẹ Việt Nam Anh hùng mãi mãi không còn một cái Tết nào được ngồi bên Mẹ nữa.
Bỗng thấy trống trải, hoang vắng đến lạ lùng, như mất đi một điểm tựa tâm linh, chỗ dựa tinh thần, sự sum vầy đoàn tụ trong những giờ khắc vi diệu này.