Ông Nguyễn Văn Chính (trú tại số 79, Ấp 2, xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) cho rằng chứng cứ đã đủ nhưng đến nay ông vẫn không được thừa nhận oan sai, phục hồi danh dự.
|
Ông Nguyễn Văn Chính, bị cáo trong vụ án “tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa” năm 1978, kêu oan. |
Cuộc bắt giam kì lạ
Theo như đơn kêu oan của ông Chính gửi tới Báo Pháp luật Việt Nam: Tháng 9/1975, ông được bổ nhiệm làm Phó Phòng Thương nghiệp - Vật tư huyện Bến Lức (Long An) và bắt đầu thực hiện nhiệm vụ từ ngày 30/10/1975.
Phòng Thương nghiệp - Vật tư thuộc lãnh đạo ngành dọc là Ty Thương nghiệp tỉnh Long An và các công ty trực thuộc…với chức năng chuyên tiếp nhận hàng hóa, vật tư từ 3 công ty: Công ty Bách hóa vải sợi tỉnh Long An (1), Công ty Vật tư Nông nghiệp tỉnh Long An (2) và Công ty Vật tư tỉnh Long An (3) để phân phối hàng hóa cho các cơ quan, đơn vị, ban ngành xã, thị trấn theo tiêu chuẩn quy định.
Trong thời gian đảm trách nhiệm vụ từ ngày 30/9/1975 đến ngày 30/4/1976, cơ quan Công an cho rằng ông Chính đã lạm dụng chức vụ quyền hạn tự ý phân phối hàng hóa, vi phạm chế độ tiêu chuẩn của Nhà nước, lấy một số hàng hóa của cửa hàng và tiền công quỹ của Nhà nước hùn vốn kinh doanh nhằm thu lợi cá nhân.
Vào ngày 20/7/1976, Phòng Thương nghiệp - Vật tư bị niêm phong, tất cả sổ sách hóa đơn, chứng từ đều được đem về văn phòng UBND huyện. Ông Chính và Kế toán trưởng – ông Lê Quang Điển bị áp giải về đây, giam lỏng. “Khi đó Công an huyện Bến Lức hạ lệnh cho chúng tôi phải quyết toán tại chỗ việc phân phối hàng hóa của 6 tháng đầu năm 1976 trong vòng 3 ngày, nếu làm không xong cả hai sẽ bị bắt giam.
Hết hạn, đúng 16h ngày 24/7/1976, Công an huyện Bến Lức công bố quyết định khai trừ Đảng đối với tôi và thực hiện bắt giam tôi và ông Điển vì can tội tham ô. Họ tịch thu tất cả những gì tôi mang theo người, kể cả chiếc khăn tay và đôi dép…
Bị cách ly, bị bắt đột ngột, không được thanh tra, kiểm tra, quyết toán sổ sách…Cơ quan điều tra đã tạm giam, biệt giam tôi trên 2 năm mới đưa ra xét xử…”, ông Chính cho biết.
Sau đó, ngày 26/10/1978, TAND tỉnh Long An đưa vụ án ra xét xử cáo buộc ông Nguyễn Văn Chính phạm tội “Tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa” và tuyên phạt 3 năm tù giam với các hành vi phạm tội sau: “Chiếm đoạt số tiền hàng đối với Công ty Bách hóa Vải sợi tỉnh Long An 9.637 đồng 05 xu (tiền cũ);
Lấy tiền công quỹ của Phòng Thương nghiệp Vật tư là 6.000 đồng để hùn vốn kinh doanh với Trại cưa Thông Phát; Tự ý lấy 30 bao xi măng để sử dụng riêng trong tổng số 1.000 bao xi măng do tỉnh phân phối cho huyện Bến Lức….”.
Phiên tòa 5 không
Theo ông Chính, phiên tòa xét xử sơ thẩm của TAND tỉnh Long An không có luật sư bào chữa, không nhân chứng, không người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, không được nói lời biện hộ, người “đồng phạm” với ông là kế toán trưởng cũng không thấy đâu?
Ông Chính cho biết: “Trong quá trình tranh tụng tại phiên tòa sơ thẩm ngày 26/10/1978, chỉ có sự có mặt của Hội đồng xét xử, Hội thẩm nhân dân, thư ký phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát, bị cáo là tôi và đại diện của Công ty Bách hóa vải sợi tỉnh Long An là nguyên đơn dân sự.
Những cá nhân, đơn vị khác có liên quan đến vụ việc như: Phòng Thương nghiệp Vật tư huyện Bến Lức, Ty Thương nghiệp tỉnh, Công ty Vật tư tỉnh, Công ty Vật tư Nông nghiệp tỉnh, Trại cưa Thông Phát, những người có liên quan khác là người bị cơ quan Công an huyện Bến Lức tạm giữ, tạm giam trong quá trình điều tra vụ án như ông Lưu Quang Điển (kế toán), ông Nguyễn Tấn Điểm (nhân viên phòng Thương nghiệp Vật tư), ông Lê Văn Kiều (phụ trách Trại cưa Thông Phát), ông Lê Văn Liêm (chủ nhiệm Công ty Vật tư)...
Do đó, việc Hội đồng xét xử không triệu tập những cá nhân, đơn vị có liên quan đến vụ án để đối chất trực tiếp với tôi tại phiên tòa đã tạo ra sự mập mờ, thiếu minh bạch, khiến cho phiên tòa trở nên phiến diện, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo là tôi trong suốt quá trình giải quyết, xét xử vụ án này”.
Ngoài ra, Bản án này cũng tuyên bố tịch thu xung công quỹ Nhà nước một số tài sản riêng của ông Chính được xem là tang vật, gồm: Số tiền 44 đồng 65 xu, là số tiền được cho là do bà Dương Thị Cẩm Vân (không có địa chỉ) móc ngoặc với ông Chính để mua hàng bất hợp pháp;
Hóa giá phát mại chiếc xe đò mang hiệu Châu Xuân để tịch thu xung công 2/3 giá trị chiếc xe và hoàn trả lại cho ông Nguyễn Văn Hai số tiền 3.000 đồng tương đương 1/3 giá trị chiếc xe. “Trước tòa, tôi khẩn thiết yêu cầu được đối chất, được cho thấy mặt người phụ nữ tên “Vân” này, nhưng Hội đồng xét xử bác bỏ với lý do không cần thiết.
Từ việc bị bác bỏ yêu cầu chính đáng này, nhân vật “Vân” là một nhân vật được dựng lên để ám hại tôi”, ông Chính cho biết. Khi ra tù, ông Chính đã phải bán hầu hết tài sản trong nhà để thi hành án. Ngày 14/9/1979, TAND tỉnh Long An có văn bản xác nhận bị án Nguyễn Văn Chính đã khắc phục xong hậu quả và còn thừa 1.811 đồng 22 xu, được tòa gửi tiết kiệm mang tên ông.
Tuy nhiên, những tài sản không liên quan đến vụ án bị tịch thu phát mãi trước đó hiện các cơ quan chức năng Bến Lức và tỉnh Long An chưa hoàn trả lại cho ông. Đó là 250 đồng tiền mặt và giá trị 2/3 chiếc xe đò (tài sản do gia đình chia cho ông trước khi bị bắt) đã bị đem phát mãi xung công.
Đã đầy đủ chứng cứ minh oan
Ngày 14/9/1979, TAND tỉnh Long An có Bảng thanh toán tiền xác nhận Công ty Vật tư nông nghiệp Long An đã chuyển đủ số tiền 9.637 đồng 05 xu (tiền cũ) đến TAND tỉnh Long An khắc phục hậu quả. Do Công ty Vật tư nông nghiệp tỉnh Long An đã phát hiện một khoản tiền thừa chuyển vào tài khoản của mình.
Thay vì phải chuyển đến tài khoản Công ty Bách hóa vải sợi Long An, ông Lê Quang Điển và ông Nguyễn Tấn Điểm đã chuyển nhầm. Do Công ty Bách hóa vải sợi Long An không nhận được khoản tiền này nên Công ty Thương nghiệp – Vật tư huyện Bến Lức trở thành con nợ, còn ông Chính bị bắt không chứng minh được số tiền trả nợ đi về đâu nên bị quy kết là tham ô.
Trao đổi qua điện thoại với ông Nguyễn Tấn Điểm – nguyên là nhân viên Phòng thương nghiệp Vật tư cho biết: “Liên quan đến vụ việc, tôi bị đình chỉ công tác 3 năm, từ tháng 7/1976 đến tháng 7/1979. Trong quá trình diễn ra sự việc, do bị bắt đột ngột và không được tiếp xúc hồ sơ, quyết toán sổ sách nên không thể tra ra số tiền đó.
Tại phiên tòa xét xử tôi và ông Lê Quang Điển, người có nghĩa vụ liên quan cũng không được triệu tập dự tòa và lấy lời khai. Sau này, khi ra tù, ông Chính đã rà soát lại hồ sơ sổ sách kế toán cũ. Ngày 15/6/1979, Ban Nông nghiệp Bến Thủ (cũ) xác nhận số tiền 9.637 đồng 05 xu đã chuyển nhầm vào Công ty Vật tư nông nghiệp Long An và do chính tôi và ông Lê Quang Điển chuyển, chứ không phải do ông Chính”.
Lẽ ra khi phát hiện tình tiết, các cơ quan tiến hành tố tụng ở Long An phải làm văn bản kiến nghị VKSND Tối cao và TAND Tối cao kháng nghị hủy án sơ thẩm, thừa nhận oan sai, phục hồi danh dự, nhân phẩm cho ông Chính, nhưng điều đó đã không xảy ra.
Mãi đến ngày 05/01/2001, TAND tỉnh Long An mới có giấy báo hướng dẫn ông gửi đơn lên TAND Tối cao xin xem xét theo trình tự tái thẩm. Ngày 04/7/2003, TAND Tối cao gửi Giấy báo số 450/HS yêu cầu ông cung cấp chứng cứ và hướng dẫn sang VKSND Tối cao để giải quyết theo thẩm quyền.
Ông Chính cho biết: Do sau khi tuyên án, cơ quan tiến hành tố tụng đã không tống đạt kết luận điều tra, cáo trạng và bản án cho ông, mặc dù sau đó ông đã nhiều lần gửi đơn đến TAND tỉnh Long An xin trích lục bản án, nhưng cơ quan này chưa giải quyết nên ông không có chứng cứ để cung cấp cho VKSND Tối cao.
Tuy nhiên, ngày 08/12/2014, tức 36 năm sau ngày xét xử, TAND tỉnh Long An mới sao lục Bản án Hình sự sơ thẩm số 035/HS-ST ngày 26/10/1978 của TAND tỉnh Long An cho ông Chính. Dựa trên Bản án Hình sự sơ thẩm số 035/HS-ST ngày 26/10/1978 của TAND tỉnh Long An, dựa trên những chứng từ pháp lý có được trong quá trình kêu oan, ông Chính đã gửi hồ sơ đến VSKND Tối cao theo hướng dẫn, nhưng đến nay vẫn chưa có hồi âm.
Ông Chính đã gửi đơn kêu cứu đến Báo Pháp luật Việt Nam kèm theo hàng loạt những chứng cứ chứng minh mình bị án oan. Theo ông, nội dung bản án thể hiện không khách quan, có phần áp đặt và vi phạm thủ tục tố tụng cũng như không có đầy đủ chứng cứ chứng minh ông phạm tội.
“Ngày 24/7/1976 theo Lệnh số 148 của Ty Công an tôi bị bắt tạm giam cho đến ngày mở phiên tòa là ngày 26/10/1978 tức là kéo dài hơn 2 năm, vượt quá nhiều lần so với thời hạn quy định theo Sắc luật 02/SL-76 năm 1976 quy định việc bắt, giam, khám người, khám nhà ở; khám đồ vật do Hội đồng Chính phủ ban hành.
Hơn nữa tại phiên tòa ngày 26/10/1978, đại diện Viện Kiểm sát là kiểm sát viên Vũ Phiến, trong khi đó Bản án lại ghi tên ông Quảng Mạnh Bồng là đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh. Như vậy, Hội đồng xét xử đã ghi nhận những thông tin trái với sự thật tại phiên tòa, vi phạm về thủ tục tố tụng.
Về thời gian tiến hành kiểm tra, thanh tra hồ sơ sổ sách chỉ diễn ra vỏn vẹn trong 15 phút (tại Biên bản kiểm tra sổ sách ngày 20/7/1976 của Ban Thanh tra huyện Bến Lức đã ghi nhận rõ vấn đề này: Thời gian kiểm tra từ 17h 15 phút đến 17h 30 phút) như vậy là quá ngắn để có thể quy kết trách nhiệm”, ông Chính nói.
Tại Công văn số 427 ngày 07/8/1981 của TAND tỉnh Long An do ông Nguyễn Trung Cang – Chánh án TAND tỉnh Long An ký, xác nhận ông Chính đã bồi hoàn đầy đủ cho Công ty Bách hóa vải sợi tỉnh Long An, nhưng lại theo ủy nhiệm chi của Phòng Nông nghiệp Vật tư tỉnh.
Chứng tỏ ông Chính không hề tham ô công quỹ mà do kế toán Phòng Thương nghiệp Vật tư chuyển trả nhầm. Đây là tình tiết mà Hội đồng xét xử đã không làm rõ tại thời điểm điều tra, xét xử vụ án. Liên quan đến số tiền 6.000 đồng mà Bản án kết luận ông Chính hùn vốn với Trại cưa Thông Phát.
Ông Chính đưa ra chứng cứ là giấy xác nhận ngày 14/11/1990, do ông Đoàn Ngọc Ẩn – Kế toán xác nhận: “Công ty vật tư tỉnh có chỉ đạo cho Công ty vật tư huyện chịu trách nhiệm xưởng cưa của Thông Phát để cưa cây để phân phối cho nhân dân. Lúc đó, vật tư huyện có đưa số tiền cho ông Thông Phát là 6.000 đồng chứ không phải làm việc riêng tư cho ông Nguyễn Văn Chính”.
Về 30 bao xi măng được cho là ông Chính lấy sử dụng riêng trong 1.000 bao xi măng mà tỉnh phân phối về. Ông Chính đưa ra bằng chứng là giấy xác nhận ngày 07/8/1989, giữa ông và ông Lê Văn Liêm – Chủ nhiệm Công ty Vật tư Tổng hợp tỉnh Long An “Năm 1979 tôi là Chủ nhiệm Công ty Vật tư Tổng hợp tỉnh Long An.
Vào tháng 2/1976 có xuất bán cho anh Chính 30 bao xi măng Hà Tiên giá 7 đồng một bao, lý do anh Chính mua về xây cất nhà cho bố ở Mỹ Yên”.
“Gia đình tôi là gia đình chính sách, cha tôi có 4 con là liệt sỹ, các anh em tôi đều tham gia cách mạng, nên tôi được phép đăng ký mua xi măng để xây nhà cho cha tôi tại thời điểm đó”, ông Chính cho biết thêm – “Ngoài các sự việc chính nêu trên, Bản án cũng đưa ra rất nhiều nhận định chủ quan, không đầy đủ căn cứ và thiếu tính thuyết phục”.
Được biết, gia đình ông Chính là gia đình có truyền thống cách mạng, mẹ ông được phong tặng danh hiệu “Mẹ Việt Nam anh hùng”, 3 người anh em của ông đã hy sinh trong giải phóng miền Nam Việt Nam, bản thân ông cũng là thương binh hạng ¾ .
Đằng đẵng suốt 40 năm đi tìm cán cân công lý giải nỗi oan này, khôi phục lại danh dự cho bản thân, cho gia đình và dòng họ. Hiện ông đang lâm bệnh nặng phải nằm điều trị tại Bệnh viện Nhân Dân 115.
Chính vì vậy, ông Chính nói đã lập ủy quyền, chẳng may ông chết trước lúc được minh oan thì các con ông sẽ tiếp tục vác đơn kêu oan cho mình.