![]() Kỳ họp Quốc hội bất thường lần thứ 9 để xem xét, cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng, trọng tâm là phục vụ việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy theo Nghị quyết 18 của Trung ương. |
NỘI DUNG TRỌNG TÂM CỦA KỲ HỌP QUỐC HỘI BẤT THƯỜNG LẦN THỨ 9: SẮP XẾP TINH GỌN TỔ CHỨC BỘ MÁY THEO NGHỊ QUYẾT 18Sáng 12/2 tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội khóa XV khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 9 để xem xét, cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng, trọng tâm là phục vụ việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy theo Nghị quyết 18 của Trung ương. Dẫn nguồn từ Cổng thông tin điện tử Quốc hội, Phapluatplus thông tin toàn cảnh về nội dung Kỳ họp. |
Tham dự Phiên khai mạc có: Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Tô Lâm; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Lương Cường; Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến. Cùng dự còn có các Ủy viên Bộ Chính trị; Bí thư Trung ương Đảng; Phó Chủ tịch nước; các Phó Thủ tướng Chính phủ; các Phó Chủ tịch Quốc hội; Ủy viên Trung ương Đảng; các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; lãnh đạo các cơ quan Trung ương và địa phương. |
XEM XÉT, QUYẾT ĐỊNH NHIỀU VẤN ĐỀ CẤP BÁCH |
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Kỳ họp bất thường lần thứ 9 có ý nghĩa rất quan trọng, khẩn trương xem xét, quyết định nhiều vấn đề cấp bách phục vụ cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, đáp ứng yêu cầu rất cao của đất nước trong kỷ nguyên mới, đây là vấn đề đang nhận được sự đồng tình, ủng hộ rất cao của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, cũng là tạo tiền đề về công tác tổ chức, cán bộ tại Đại hội lần thứ XIV của Đảng; bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031. Bên cạnh đó, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, tạo đột phá để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát huy nguồn lực, kiến tạo không gian phát triển mới, nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra. Tại kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ làm việc trong 6,5 ngày, từ ngày 12/02 đến ngày 19/02/2025, trong đó làm việc cả ngày thứ Bảy để xem xét, quyết định nhiều nội dung: Thứ nhất, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định các luật, nghị quyết có tính nền tảng để thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy để kịp thời cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Trung ương Đảng về thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm các cơ quan, tổ chức, đơn vị sau sắp xếp, kiện toàn thực sự được "nâng cấp, nâng tầm, chất lượng tốt hơn, hiệu quả cao hơn"... |
Toàn cảnh kỳ họp.
Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 04 dự án luật gồm: Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) và 05 dự thảo nghị quyết để thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy của Quốc hội, Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Thứ hai, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 07 Nghị quyết nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và các cơ chế, chính sách đặc thù đối với một số dự án, công trình như: Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên. Chủ trương đầu tư Dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2035; phương án đầu tư bổ sung vốn điều lệ giai đoạn 2024 - 2026 của Công ty mẹ - Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam. Nghị quyết thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; chủ trương và các cơ chế chính sách đặc thù để xây dựng các nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận... Thứ ba, Quốc hội sẽ tiến hành một số nội dung về công tác nhân sự thuộc thẩm quyền, theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kiện toàn các chức danh để bảo đảm tổ chức bộ máy mới hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn tới. “Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV diễn ra trong những ngày đầu Xuân Ất Tỵ 2025 với niềm tin, khí thế mới, trong niềm vui mừng về những thành tựu phát triển của đất nước. Với tinh thần trách nhiệm rất cao, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan hữu quan đã phối hợp chặt chẽ, hết sức nỗ lực, làm việc ngày, đêm, cả ngày nghỉ, ngày Tết để chuẩn bị các nội dung trình Quốc hội với chất lượng tốt nhất”, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh. |
![]() Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại kỳ họp. |
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các vị đại biểu Quốc hội phát huy dân chủ, trên tinh thần "hiệu quả công việc là trên hết", cùng với kinh nghiệm thực tiễn công tác và thực tiễn địa phương, cơ sở sẽ phản ánh, góp ý chân thành, thẳng thắn, chất lượng để toàn bộ các nội dung trong chương trình Kỳ họp được xem xét, thông qua với sự thống nhất, đồng thuận cao nhất, đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn và nhiệm vụ chính trị, đáp ứng tốt nhất sự mong đợi của cử tri và Nhân dân cả nước. |
ĐỀ ÁN BỔ SUNG VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI NĂM 2025 VỚI MỤC TIÊU TĂNG TRƯỞNG ĐẠT 8% TRỞ LÊN |
Phát biểu tại kỳ họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, căn cứ Chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, trên cơ sở báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Kết luận số 97-KL/TW của Trung ương và Nghị quyết số 158/2024/QH15 của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2024, kế hoạch năm 2025, căn cứ Kết luận số 123-KL/TW ngày 24/01/2025 của Trung ương đối với Đề án bổ sung về phát triển KTXH năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên (cao hơn mục tiêu Trung ương, Quốc hội đã quyết nghị là 6,5-7%, phấn đấu 7-7,5%), từ thực tiễn và yêu cầu phát triển đặt ra để hướng tới mục tiêu tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026-2030, Chính phủ đã có báo cáo trình Quốc hội về Đề án nêu trên. Báo cáo do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày đã đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Theo đó, nhờ sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Nhân dân và doanh nghiệp dưới sự lãnh đạo của Đảng, mà thường xuyên, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nước ta đã hoàn thành thắng lợi, toàn diện các mục tiêu phát triển KTXH năm 2024; đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu chủ yếu (trong đó có 12 chỉ tiêu vượt). Nhiều chỉ tiêu, chỉ số quan trọng đạt kết quả nổi bật, cao hơn số ước thực hiện đã báo cáo Trung ương và Quốc hội, được Nhân dân và cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Trong đó, nhấn mạnh các kết quả nổi bật. Về dự báo bối cảnh, tình hình và mục tiêu, kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025, năm 2025 dự báo tiếp tục bám sát các xu thế lớn đã được Trung ương, Quốc hội thảo luận, thống nhất. Thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, có thể tác động không nhỏ đến kinh tế nước ta. Trong khó khăn, thách thức, cũng có những thời cơ mới có thể xuất hiện, chúng ta cần chủ động nắm bắt, khai thác tối đa mọi cơ hội, nguồn lực cho tăng trưởng và phát triển. |
![]() Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát hiểu tại kỳ họp. |
Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021-2025, năm tăng tốc, bứt phá, về đích, đồng thời là năm tập trung tổ chức Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng và củng cố. Chuẩn bị tốt các yếu tố nền tảng để thực hiện thắng lợi Chiến lược 10 năm 2021-2030, đánh dấu thời điểm đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới. Chỉ tiêu 2021-2025 nào chưa đạt thì phải quyết tâm hoàn thành; chỉ tiêu nào đạt rồi thì phải nâng cao chất lượng, hiệu quả. Do đó, tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 cần đạt 8% trở lên, góp phần tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong thời gian đủ dài (bắt đầu từ năm 2026). Tăng trưởng nhanh nhưng phải bền vững, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; phát triển hài hòa giữa kinh tế với xã hội và bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng an ninh. |
![]() Các đại biểu tham gia kỳ họp. |
Kịch bản tăng trưởng đạt 8% trở lên năm 2025. Cụ thể: Tăng trưởng khu vực công nghiệp - xây dựng khoảng 9,5% trở lên (trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,7% trở lên); dịch vụ tăng 8,1% trở lên; nông, lâm, thủy sản tăng 3,9% trở lên). Các khu vực kinh tế tăng trưởng cao hơn khoảng 0,7-1,3% so với năm 2024; công nghiệp - xây dựng, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực dẫn dắt tăng trưởng. Quy mô GDP năm 2025 khoảng trên 500 tỷ USD, GDP bình quân đầu người khoảng trên 5.000 USD. Các động lực tăng trưởng: tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 174 tỷ USD trở lên, xấp xỉ 33,5% GDP (cao hơn 3 tỷ USD). Trong đó đầu tư công khoảng 36 tỷ USD (tương đương 875 nghìn tỷ đồng, cao hơn khoảng 84,3 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch đã giao năm 2025 là 790,7 nghìn tỷ đồng), đầu tư tư nhân khoảng 96 tỷ USD, FDI khoảng 28 tỷ USD, đầu tư khác khoảng 14 tỷ USD. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (giá hiện hành) năm 2025 tăng khoảng 12% trở lên; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2025 tăng 12% trở lên; thặng dư thương mại khoảng 30 tỷ USD. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5-5%. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng nêu các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, gồm: Hoàn thiện thể chế, pháp luật; Khơi thông và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công; Thúc đẩy đầu tư tư nhân và công nghiệp chế biến, chế tạo; Thúc đẩy tiêu dùng, thu hút khách du lịch; Thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, phát triển lực lượng sản xuất mới, tiên tiến… Trên cơ sở Đề án này, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến về việc điều chỉnh một số chỉ tiêu chủ yếu: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 8% trở lên; Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5-5%. Trường hợp cần thiết cho phép điều chỉnh bội chi NSNN lên mức khoảng 4-4,5% GDP để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài có thể đến ngưỡng hoặc vượt ngưỡng cảnh báo khoảng 5% GDP. |
ĐỘT PHÁ VỀ QUY TRÌNH XÂY DỰNG PHÁP LUẬT |
Tại kỳ họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi). Trình bày Tờ trình tóm tắt dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết, việc xây dựng, ban hành Luật Ban hành VBQPPL (sửa đổi) là cần thiết. Qua đó, nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật tại Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị Trung ương lần thứ sáu khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới. Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27/6/2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật... Đồng thời, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình thi hành Luật Ban hành VBQPPL năm 2015. |
![]() Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh trình bày Tờ trình tại kỳ họp. |
Về phạm vi điều chỉnh, dự thảo Luật quy định khái quát hơn và bổ sung nội dung, trách nhiệm tổ chức thi hành bên cạnh nội dung về xây dựng VBQPPL, cụ thể như sau: “Luật này quy định việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; một số nội dung về tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật”, đồng thời, giữ quy định Luật hiện hành về việc không quy định về làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp. Dự thảo Luật bố cục gồm 8 chương, 72 điều (giảm 9 chương tương ứng với 53% số chương, 101 điều tương ứng với 58,4% số điều so với Luật năm 2015). Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) tập trung 07 vấn đề đổi mới quan trọng, mang tính đột phá về quy trình xây dựng pháp luật như sau: Tiếp tục đơn giản hóa hệ thống VBQPPL; tăng cường kiểm soát quyền lực; phân định rõ thẩm quyền lập pháp và lập quy. Bổ sung quy định Chính phủ ban hành nghị quyết quy phạm tại Điều 14; Đổi mới việc xây dựng Chương trình lập pháp của Quốc hội: theo hướng xây dựng Định hướng lập pháp nhiệm kỳ, chương trình lập pháp hằng năm của Quốc hội với tính chất linh hoạt cao. Đổi mới quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL; Dự thảo Luật quy định cơ quan trình chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cơ quan thẩm tra và các cơ quan có liên quan trong việc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội để chỉnh lý dự thảo luật. Dự thảo Luật bổ sung các quy định nhằm tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan trong quá trình xây dựng, ban hành VBQPPL. Dự thảo Luật bổ sung quy định về các trường hợp, nguyên tắc, tiêu chí, thẩm quyền hướng dẫn áp dụng VBQPPL. |
ĐẠI VĂN Đồ họa: QUỐC KHÁNH |