Trong những năm qua, song song với việc xây nhà Đại đoàn kết, hỗ trợ nhà theo chương trình 30a, xoá nhà tạm cho người nghèo, Tây Bắc còn nổi bật với việc triệt phá màu hoa Anh túc, cai nghiện thành công cho hàng ngàn đối tượng. Sơn La là một trong những điểm sáng này. Đặc biệt hơn là những cuộc “hạ sơn”, đổi đời cho những bản làng nghèo khổ vốn trước đây nằm chót vót trên đỉnh núi heo hút mù sương.
Nỗi đau từ màu hoa Anh túc
Hoa Anh túc (thuốc phiện) màu tím hồng, rất đẹp, nhưng nó lại ẩn tàng cái chết của tử thần. Nơi nào có màu hoa Anh túc, nơi đó sẽ ám ảnh một màu tang tóc, chia ly. Trước đây, Sơn La vốn được xem là cái nôi của thuốc phiện suốt một dải tây Bắc, nơi được đánh giá là trọng điểm về ma tuý trên toàn quốc.
Những năm 80 của thế kỷ trước, việc có được một đồng cân thuốc phiện đen tại Sơn La dễ còn hơn mua bó rau.
Người trong bản mến nhau sẵn sàng tặng cả cục thuốc phiện, dù là phòng khi đi rừng bị rắn cắn, đổ bệnh là mang ra chữa trị hoặc là chích hút. Do đó, lượng người nghiện thuốc phiện tại các bản làng cứ tăng dần theo hằng năm.
|
Những đứa trẻ bản Bụa B hồn nhiên bên triền núi |
Thời điểm những năm 1980 trở đi, trên địa bàn tỉnh Sơn La có khoảng 4.300 ha cây thuốc phiện, sản lượng nhựa thuốc phiện thu được hằng năm ước chừng 17 tấn. Con số đó thực sự khổng lồ, đồng nghĩa với tỉ lệ đồng bào nghiện thuốc phiện, dùng bàn đèn cũng “đếm không xuể”.
Từ năm 1990 trở đi, nạn buôn bán ma tuý lại hoành hành, cái chết trắng được reo rắc đến từng bản làng, phá vỡ không biết bao nhiêu hạnh phúc mái ấm gia đình.
Một thời, người ta thống kê, một dải từ Sơn La đổ về Điện Biên, không thiếu những gia đình hoặc thậm chí có hẳn những bản làng chỉ còn mình…phụ nữ. Đàn ông trong bản phải đi cai nghiện; hoặc trốn chạy truy nã, chịu án tù vì tội buôn ma tuý.
Những bản làng vốn đã hẻo lánh lại càng hiu quạnh hơn bởi thiếu vắng bóng dáng trụ cột người đàn ông.
Một thời, người ta thống kê, một dải từ Sơn La đổ về Điện Biên, không thiếu những gia đình hoặc thậm chí có hẳn những bản làng chỉ còn mình…phụ nữ.
Đàn ông trong bản phải đi cai nghiện; hoặc trốn chạy truy nã, chịu án tù vì tội buôn ma tuý. Những bản làng vốn đã hẻo lánh lại càng hiu quạnh hơn bởi thiếu vắng bóng dáng trụ cột người đàn ông.
Nhiều tụ điểm buôn bán, sử dụng ma túy trở thành điểm nóng như tại Thôm Mòn (Thuận Châu), Lóng Luông (Mộc Châu), Huổi Một (Sông Mã), Thị trấn Hát Lót (huyện Mai Sơn), xã Chiềng Cơi (thành phố Sơn La)...Một con số khổng lồ là nếu mỗi con nghiện chỉ hút “dè sẻn” 50 ngàn đồng/ngày, thì mỗi năm Sơn La phải mất tới 348 tỉ đồng cho ma tuý.
Đêm lạnh như cắt giữa núi rừng Xím Vàng (huyện Bắc Yên) âm u, tôi được nghe Chủ tịch UBND xã Xím Vàng Hạng A Củ kể lại nhiều giai thoại cam go khi tổ chức đi vận động triệt phá cây thuốc phiện.
Đã có lúc các con nghiện phản lại kháng đoàn công tác bằng súng kíp, dao rừng; coi những cán bộ xã như…kẻ thù. Bởi phá cây thuốc phiện nghĩa là đã đi ngược lại cái “lý người Mông”.
Triệt phá cây thuốc phiện đã khó, đưa họ đi cai nghiện còn khó hơn. Xã phải vận động giúp con nghiện từng gùi ngô, nắm rau, cân muối; kiên trì thuyết phục hàng năm trời. Nhờ đó, công tác vận động cai nghiện tại Xím Vàng được đánh giá là điểm sáng toàn huyện.
Từ năm 2006 đến nay, toàn xã có khoảng 40 người nghiện được vận động đi cai nghiện tập trung, 100% không tái nghiện. Xím Vàng đã đạt tiêu chí “4 không” về ma tuý, điều khá bất ngờ đối với một xã vùng cao của Bắc Yên. Đặc biệt, trong số đó có hai con nghiện là ông Mùa A Tu và bà Giàng Thị Sua đều độc thân. Sau khu cai nghiện thành công, ông Tu và bà Sua đã trở thành vợ chồng. “Giờ thì hai ông bà đã trên 70 tuổi, chăm chỉ làm ăn, sống rất hạnh phúc”, anh Tủa nói.
Ấm áp những cuộc “hạ sơn”
Tại Sơn La có nhiều cuộc vận động đồng bào Mông “hạ sơn” đầy tình nghĩa. Bản Bụa B (xã Phiêng Ban, huyện Bắc Yên) trước kia nằm cheo leo trên đỉnh núi, ngăn cách với bản Bụa A bởi dòng suối chảy vắt ngang lưng trời. Muốn lên bản, sức người thường leo dốc mất chừng nửa ngày đường. Năm 2009, toàn bộ 7 hộ dân bản Bụa B được vận động rời xuống định cư dưới chân núi.
Ông Mùa A Páo, khi còn trên núi là trưởng bản, giờ “hạ sơn” thì làm công tác Mặt trận, chầm chậm kể lại cái nghèo bằng giọng chưa sõi tiếng Kinh. Ông Páo bảo, trước kia, 7 hộ ở bản Bụa B đều có người nghiện thuốc phiện. Quanh năm, cái đói, cái nghèo luôn bao phủ từng nóc nhà, bởi lợn gà, ngô lúa làm ra đều chui vào nõ điếu của bàn đèn.
“Ngày đó, đến nhà nhau chơi là mời hút thuốc phiện như mời…rượu vậy”, ông Páo cười hiền lành. Nhiều người nghiện, đã chết; chết trong cái đói của thiếu thuốc phiện, thiếu ăn. Trẻ con trong bản sinh ra, lăn lóc một cách hồn nhiên giữa mây ngàn và gió núi và chưa bao giờ biết đến cái chữ, chưa bao giờ hiểu khái niệm trường lớp là gì.
Duy nhất có trưởng bản A Páo lúc đó đạt trình độ học vấn cao nhất xã với chứng chỉ: qua lớp xoá mù, biết chữ!
Bản Bụa B hầu hết thuộc hộ nghèo. Trước đây, giữa cái đói quay quắt, nhưng gia đình nào cũng đông con. Hộ đẻ ít cũng chừng 4-5 con, nhiều là đạt con số 12-13. Có gia đình bước vào mà ngỡ như…nhà trẻ mẫu giáo.
Nhờ những nỗ lực vận động của địa phương, giờ đây đờ isống người dận bản Bụa B đã nhiều thay đổi. Các gia đình đã tự sắm được xe máy, ti vi, không còn cảnh đứt bữa. Nhưng việc hạn chế đẻ nhiều vẫn còn là trăn trở của địa phương.
Niềm vui đổi đời của người Mông bản Bụa B chỉ giản dị có thế, nhưng là nỗ lực lớn mà UBND xã Phiêng Ban đã kỳ công làm được. Chúng tôi ghé thăm nhà ông Mùa A Cha, một trong hai hộ giàu nhất bản, tức là có dê, bò, xe máy lẫn…ti-vi.
Trong khoảng không gian tối, ẩm thấp, căn hộ “giàu” nhất bản cũng chỉ sang hơn hộ khác bởi chiếc ti vi “nội địa” tậm tịt, chạy bằng điện của máy phát tua-bin nước, mỗi năm “đắp chiếu” chừng 6 tháng vì mùa khô hạn.
Trong số 3 con nghiện bản Bụa B đã cai nghiện thành công, ông Mùa A Vạng trở thành người có kinh tế khá nhất với 4 con dê, 2 con bò. Với ông Vạng, việc “hạ sơn” như một giấc mơ có thật, từ lâu gia đình không hề đứt bữa, con ông đã được đi học để chắp nối ưới mơ thoát nghèo của ông hãy còn dang dở.
|
Những thiếu nữ nơi đây trở thành mẹ từ khi còn rất trẻ |
Xóa màu hoa anh túc là một nỗ lực không ngừng từ nhiều năm qua của các cấp chính quyền tỉnh Sơn La. Mỗi cây anh túc được triệt phá, mỗi con nghiện được cai thành công, là thêm một hạnh phúc lớn lao đến với mái ấm gia đình nào đó. Từ các triền đồi nhen lên khói bếp, vang lên giọng trẻ vui đùa trong vắt.
Từ những nương lúa, nương ngô, trải dài màu xanh mướt mát báo hiệu sự thanh bình, yên ấm. Đó đây, lay lắt tiếng khèn, tiếng giã gạo thậm thình của một ngày mùa no đủ. Nỗi đau mang tên loài hoa anh túc dường như đã lùi xa lắm, dù rằng nỗi đau ấy mới chớm nguôi ngoai.
Nhắc đến núi rừng sơn La giờ đây, là màu hoa thuốc phiện đã được thay bởi những cánh hoa ban, hoa đào rung rinh trước gió; từng xóm núi đang mọc lên nhưng bản làng tươi mới từ những cuộc hạ sơn. Sự đoàn kết của cộng đồng người dân Tây Bắc đang từng ngày xua đi cái đói, cái nghèo giữa màn đêm đại ngàn huyền bí.