Năm 2015, nghi lễ và trò chơi kéo co được UNESCO ghi danh Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Là trò chơi phổ biến của con trẻ hay người lớn nhưng mấy ai biết được khởi nguồn của trò chơi dân gian này?
|
Ảnh minh họa |
Kéo co mong mưa thuận, gió hòa
Làng Ngọc Trì (xã Cự Linh, huyện Gia Lâm, Hà Nội - nay thuộc phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà nội) được cho là nơi khởi phát của trò chơi với hình thức kéo co ngồi.
Truyền thuyết rằng: “Năm xưa hạn hán, làng có 12 cái giếng thì cạn hết 11, duy nhất giếng ở nghè đằng đông còn nước. Trai của xóm đường và xóm chợ xuống giếng nghè đằng đông lấy nước thì bị trai xóm đìa ngăn lại vì sợ hết.
Thời đó, nước được gánh bằng quang làm bằng dây song. Hai bên giằng co nhau cái quang gánh nước nhưng lại sợ nước đổ nên ngồi xuống đất ôm lấy thùng mà giằng nhau".
Từ hình ảnh đó, các cụ nghĩ ra trò kéo co ngồi và mạn đường được chọn là nơi tổ chức đầu tiên. Thanh niên mang hương hoa, lễ vật lên lễ thánh, năm đó mạn đường thắng và làng làm ăn phát đạt lắm, mùa màng bội thu.
Từ truyền thuyết đó mà trước khi kéo co, trai các mạn đều mang lễ vật lên lễ thánh và người dân luôn mong mạn đường thắng.
Trò kéo co ngồi bắt nguồn từ việc cầu mong có đủ nước cho sản xuất và sinh hoạt, các vị thánh mà người dân ở đây thờ đều là những vị thần liên quan đến nước: thành hoàng làng là Đức Thánh Linh Lang, vốn xuất thân từ thủy cung; Đức Trấn Vũ là vị thánh của đạo giáo có tài hô phong hoán vũ.
Hội làng Ngọc Trì trước đây hay Hội đền Trấn Vũ hiện nay đều tưởng nhớ các vị thần này. Theo lời cụ Nguyễn Văn Xê, (sinh năm 1924, người duy nhất của làng tham gia kéo co vào năm 1944), hội làng Ngọc Trì trước được tổ chức từ ngày 9 -14 tháng hai âm lịch.
Hội chính được tổ chức ngày 12 tháng hai, ngày lễ đản sinh thánh Linh Lang - Thành hoàng làng. các xóm rước kiệu ra nghè, rồi từ nghè về đình; lên đền làm lễ tế rồi về đình tổ chức các trò chơi, trong đó có kéo co ngồi. Kéo co ngồi diễn ra vào hai ngày 11 và 12 trên ruộng hoặc nền đất.
“Giai kéo co” phải ít nhất có 5 đời sống tại làng
Trước 1945, việc tổ chức kéo co ngồi do Lý trưởng và ban chạ thôn thực hiện. Người tham gia kéo co được gọi là “giai kéo co”. Người chỉ huy mỗi đội kéo co gọi là tổng cờ.
Giai kéo co phải là trai đinh của làng, tuổi từ 18-35 và gia đình ít nhất có 5 đời sống tại làng. Các nghi lễ và diễn trình kéo co ngồi được thực hiện bài bản.
Khi kéo co thì chia làm 2 mạn: mạn chợ và mạn đường. Giai kéo co mỗi mạn phải đủ 24 người và một tổng cờ. Giai kéo co đóng khố điều, chít khăn điều. Tổng cờ mặc áo đỏ, đội khăn đỏ. Làng cử vị tiên chỉ cầm trịch, dùng trống khẩu lệnh làm hiệu. tiên chỉ mặc áo thụng xanh, đội mũ tế.
Sau khi tề tựu ở đình, hai phe đi theo hai con đường riêng, vòng qua thôn, lên đền trình Thánh. Ở sân đền, hai phe xếp thành hai hàng dọc, hai tổng cờ đứng trước.
Sau khi lễ thánh xong, hai phe về đình và bắt đầu kéo co. Cột kéo co được chôn chắc dưới đất, lỗ luồn dây ở ngang đầu gối người lớn. Trước khi kéo, dây song được nêm chặt ở lỗ cột.
Giai kéo co ngồi chân co, chân duỗi. trong đội hình từng phe, lần lượt ngồi xen kẽ, người quay mặt bên này, người bên kia của dây.
Mỗi người một tay duỗi thẳng, tay kia co trước ngực, dây được kẹp chặt dưới nách của tay co. Sau khi có hiệu lệnh bằng ba hồi trống, nêm được tháo ra. Hai tổng phất cờ hô “í a, kéo”.
Tổng cờ chạy lên chạy xuống, quệt lá cờ lệnh vào mặt các giai kéo của phe mình. nếu phe mạn đường thắng (mạn gốc) thì được xem là năm đó làng được phúc lớn.
Trong chiến tranh và cả sau năm 1975, kéo co ngồi không được thực hiện do nhiều nguyên nhân. Từ năm 1989, kéo co ngồi được thực hiện trong Hội đền trấn Vũ, xã cự Linh vào ngày 3 tháng ba âm lịch, gắn với ngày đức thánh trấn Vũ đản sinh.
Hội Làng nuôi dưỡng di sản
Kéo co ngồi là một trò chơi nghi lễ nhưng mang tính tâm linh thể hiện mong muốn của cộng đồng là đội nào thắng sẽ mang lại may mắn cho làng, tức thông điệp của họ đã đến với đức thánh và họ được ban cho những điều tốt lành.
Việc mạn đường (mạn gốc) thắng sẽ mang lại phúc lớn cho làng, nay được người dân giải thích rằng: “gọi là mạn đường vì trước có xóm đường, đường bao quanh làng được gọi là Quan Xà, như một con rắn lớn uốn khúc.
Xóm đường được tin là cái đầu của con rắn, từ xóm đường vòng đến đầu chợ gọi là mạn đường còn gọi là mạn gốc và các cụ cho rằng mạn đường thắng là có phúc, là may mắn vì đấy là phần đầu…”.
Niềm tin này chính là giá trị phi vật thể của trò chơi nghi lễ, thỏa mãn một nhu cầu tâm lý, mang lại niềm vui, không khí phấn khởi và một sức sống mới cho cộng đồng, để họ yên tâm lao động trong cả một năm.
Điều đó giải thích tại sao trò chơi ấy cứ phải thực hiện dịp đầu xuân, đầu của một năm mới đầy hứng khởi và cả cộng đồng ấy đều hồ hởi tham gia không hề vụ lợi hoặc mang tâm lý thắng, thua...