e magazine
Gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống qua hoa văn thổ cẩm

01/12/2024 17:13

Gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống qua hoa văn thổ cẩm.
Gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống qua hoa văn thổ cẩm

Nghề thêu, dệt thổ cẩm không chỉ mang lại sinh kế cho đồng bào, những phận người kém may mắn, mà còn “thổi” vào các sản phẩm những giá trị văn hóa độc đáo của từng dân tộc.

Gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống qua hoa văn thổ cẩm

Gian trưng bày sản phẩm OCOP của huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) thi thoảng vẫn đón những đoàn khách du lịch đến thăm quan, mua quà lưu niệm.

Ở đây có đủ các loại sản phẩm được làm thủ công, nào trang phục người Dao, Mông, Pà Thẻn, Tày…Rồi các vật dụng thiết yếu như: Túi xách, khăn, móc chìa khóa, ví, gối Sofa được thêu, dệt từ bàn tay của những nghệ nhân địa phương.

Bà Ma Thị Hồng, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Lâm Bình là một trong những người khởi xướng, đào tạo đồng bào địa phương nghề thêu, dệt thổ cẩm.

Bà Hồng bảo, xuất phát từ lòng thương cảm các chị em phụ nữ đồng bào có hoàn cảnh khó khăn, không có thu nhập, chị đã xây dựng ý tưởng và hiện thực hóa các hoa văn trang trí phù hợp với văn hóa của từng đồng bào dân tộc trên chính những thổ cầm sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày.

Gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống qua hoa văn thổ cẩm

Bà Hồng kể: “Năm 2021, tôi lập một nhóm khởi nghiệp để tham dự cuộc thi “ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên toàn quốc” tại Hà Nội được giải nhì. Năm 2022, nhóm cũng đã đại diện cho huyện tham gia cuộc thi thiết kế quà tặng lưu niệm tỉnh Tuyên Quang đạt về giải nhì nữa.

Từ những động lực ấy, tôi đã quyết tâm giúp đỡ các nghệ nhân thành lập HTX, mở lớp dạy nghề, khuyến khích mở các nhóm chuyên thêu, dệt thổ cẩm”.

Được biết, hiện nay tại địa bàn huyện Lâm Bình có 1 HTX dệt thổ cẩm và nhiều nhóm được lập ra cùng sở thích như: Nhóm chuyên thêu thổ cẩm người Dao đỏ (xã Phúc Sơn, Phúc Yên), nhóm chuyên dệt thổ cẩm người Tày (xã Thượng Lâm), nhóm thêu chữ người Kinh (xã Minh Quang), nhóm dệt thổ cẩm người Tày (xã Khuôn Hà), nhóm chuyên may và thiết kế sản phẩm (xã Minh Quang), nhóm dệt thổ cẩm người Pà Thẻn (xã Hồng Quang)…

Bà Hồng đúc kết rằng, mỗi dân tộc đều có những hoa văn trang trí khác nhau, tượng trưng cho từng nhân sinh quan, tôn giáo, tín ngưỡng, nhưng có thể khẳng định, mỗi kiểu trang phục là một công trình nghệ thuật tài hoa về mỹ thuật, hội họa sử dụng màu sắc.

Trong đó, thổ cẩm là chất liệu chính góp phần làm nên sắc thái riêng cho từng loại trang phục.

Gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống qua hoa văn thổ cẩmTheo phong tục người Tày, em bé từ khi chào đời đã được ôm ấp trọn vẹn trong chiếc nôi, chiếc địu làm bằng thổ cẩm. Khi lớn lên được người lớn dệt, khâu cho chiếc mũ đội đầu, bộ quần áo thổ cẩm.

Xuất phát từ ý nghĩa đó mà nghề dệt thổ cẩm đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống được người Tày lưu truyền từ đời này sang đời khác.

Từ thời xa xưa trang phục của người tày Lăng Can cũng được lưu giữ theo truyền thống, không thay đổi theo thời gian, vun vén chu đáo cho hạnh phúc gia đình.

Thấm nhuần những nét đẹp văn hóa ấy, bà Nguyễn Thị Yêu, Giám đốc HTX thổ cẩm Lâm Bình không chỉ ngày đêm miệt mài với những ý tưởng sáng tạo sản phẩm mà còn tìm cách đưa sản phẩm của HTX vươn xa.

Theo bà Yêu, trước mắt do thị trường tiêu thụ chưa thực sự mạnh, nghề dệt thổ cẩm ở đây vẫn chỉ được coi là nghề tay trái giúp các thành viên HTX có thêm thu nhập lúc nhàn dỗi. Còn lại phần lớn thời gian bà con vẫn phải làm đồng, lên nương.

Gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống qua hoa văn thổ cẩm

“So với thời gian đầu thành lập, hiện nay các sản phẩm của chúng tôi đã vươn đến nhiều thị trường ở các vùng miền trong nước, thậm chí có nhiều đơn hàng đã được xuất đi nước ngoài, được khách hàng đánh giá cao.

Hy vọng, thời gian tới khách hàng sẽ nhiều hơn, để nghề thêu dệt thổ cẩm trở thành nghề chính tăng thu nhập cho bà con”, bà Yêu tâm sự.

Bà Yêu cho biết, các sản phẩm thổ cẩm thường đòi hỏi rất tỉ mỉ, kỳ công, tinh xảo, do đó mất nhiều thời gian.

Nhưng, những nghệ nhân như bà rất vui vì nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương và đặc biệt là Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Lâm Bình đã hỗ trợ máy móc, thiết bị tạo điều kiện để các nhóm và HTX được thoải mái sáng tạo các sản phẩm truyền thống.

Từ đó, đưa văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số ra với thế giới.

Gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống qua hoa văn thổ cẩm

Cuộc đời chị Pọng Thị Ngân, trú tại tổ dân phố Bản Khiển, thị trấn Lăng Can được người dân nơi đây nhắc đến như những nốt nhạc trầm buồn. Bởi từ khi sinh ra, đôi chân chị đã không thể đi lại bình thường như những người khác, đến khi lớn lên lập gia đình chị cũng gặp vô số biến cố, đến thời điểm hiện tại một mình chị đang nuôi con học lớp 6.

Gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống qua hoa văn thổ cẩm

Oái oăm hơn vào năm 2011, chị bất ngờ nhận thêm tin dữ là mắc bệnh ung thư vú.

Kể từ đó, ngoài vật lộn với nỗi đau thể xác, chị còn phải đánh lộn với cuộc sống mưu sinh, khó khăn chồng chất.

Sau khi tổ hợp tác trăng khuyết được thành lập dành cho người khuyết tật, cuộc đời chị Ngân dường như bước sang một trang khác. Chị Ngân bảo, kể từ khi có tổ hợp tác này chị đã có thêm việc làm, có thêm thu nhập cho gia đình.

Bà Ma Thị Hồng tâm sự: “ý tưởng thành lập tổ hợp tác này xuất phát khi tôi nhìn thấy những khó khăn cùng cực của những người phụ nữ có thân phận hẩm hiu ấy. Bắt tay vào làm tôi đã gặp không ít khó khăn khi lúc đầu phải cầm tay chỉ việc cho từng người, rồi tự mình mua máy móc hỗ trợ cho từng người trong tổ”.

Mặc dù việc đi lại khó khăn, song thời điểm hiện tại mỗi ngày chị Ngân cũng có thêm thu nhập từ nghề làm thổ cẩm ở mức 100-200 nghìn đồng. Từ đó, giúp gia đình có thêm thu nhập, cải thiện khó khăn.

Gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống qua hoa văn thổ cẩm

Ở tổ hợp tác trăng khuyết này, ngoài chị Ngân còn có rất nhiều hoàn cảnh khó khăn bởi số phận vốn đã vận vào họ từ khi mới sinh ra. Trong đó, cuộc đời chị Nguyễn Thị Sinh, ở tổ dân phố Bản Khiển là một số phận như thế.

Khác với chị Ngân, chị Sinh có đôi chân và tay khỏe mạnh, nhanh nhẹn, ngặt nỗi không thể nghe người khác nói, cũng không thể tự mình nói. Ai hỏi cũng ê a, chỉ khi dùng tay ra hiệu chị Sinh mới hiểu.

Nhưng may thay, khi tổ hợp tác trăng khuyết được thành lập, cuộc đời chị Sinh cũng thêm khởi sắc hơn. Các chị em trong tổ hợp tác trăng khuyết bảo, ở đây chị Sinh có chân tay nhanh nhẹn nhất, hướng dẫn cũng nhanh hiểu nhất, nhờ đó chị hoàn thiện các sản phẩm khá nhanh, mang lại thu nhập ổn định cho gia đình.

Mô hình các HTX, nhóm cùng sở thích ở Lâm Bình được kỳ vọng sẽ là mô hình hiệu quả để giải quyết công tác bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống ở địa phương, giúp tạo sinh kế bền vững và nâng cao đời sống cho người dân nơi đây.

Phàn Giào Họ

Ảnh: P. Họ

Đồ họa: P. Họ

Phàn Giào Họ