Khi đến với Hòa Bình lần đầu, người ta không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của một vùng rừng núi Tây Bắc đậm đà bản sắc. Hòa Bình có nhiều dân tộc: Mường, Dao, Thái, Mông…, có những thác nước hoang sơ và hùng vĩ, cũng lại có âm sắc cồng chiêng - nét văn hóa truyền thống của dân tộc Mường, có những cô gái đẹp như hơi thở núi rừng…
Đến Mường Vang nghe tiếng cồng chiêng bồi hồi
Mường Vang là tên gọi một vùng đất, một địa danh lịch sử văn hóa nổi tiếng của người Mường. Cái tên Mường Vang chứa trong đó cả kho văn hóa dân gian hết sức đa dạng phong phú không chỉ với người dân Lạc Sơn mà còn với cả Hòa Bình và du khách thập phương.
Cồng chiêng của người Mường ở Mường Vang đặc trưng cho tính nguyên hợp của một hiện tượng văn hóa dân gian. Tiếng cồng tiếng chiêng khi vang lên chắc hẳn đó là một dịp trọng đại hoặc có ý nghĩa lớn đối với người Mường.
Tìm hiểu cách treo chiêng, đánh tiếng cồng, người ta sẽ thấy đó là một nghi thức được trân trọng và phải được gìn giữ. Trong môi trường diễn xướng, âm thanh phát ra từ chiêng có giá trị rất lớn, nó mang theo cái hồn cốt tinh túy nhất của dân tộc Mường.
|
Lễ hội cồng chiêng của dân tộc Mường. |
Ngày xưa, chiêng được bày bán nhiều như những hàng hóa ở chợ. Người mua chiêng phải am hiểu về chiêng, nếu không phải nhờ người chọn giúp. Âm sắc của chiêng là thứ quan trọng nhất quyết định một chiếc chiêng tốt.
Người ta dùng nắm tay, dùng lực vừa đủ, không mạnh quá không yếu quá đánh vào núm chiêng. Và tuyệt đối chỉ đánh vào núm chiêng, dù dùng chiêng ở bất cứ đâu.
Người Mường coi mỗi tiếng chiêng có linh hồn riêng, và mỗi chiếc chiêng cũng có giọng nói riêng. Ta chỉ biết nếu tiếng chiêng thẳng, không rè, không méo mó nghĩa là chiêng tốt.
Do việc sử dụng cồng chiêng chỉ khi nào có việc quan trọng, mà thời tiết nóng ẩm, mưa nắng thất thường cho nên việc bảo quản cồng chiêng cũng là điều hết sức được coi trọng. Người Mường vang bảo quản cồng chiêng bằng cách gác chiêng lên xà nhà hoặc treo chiêng trên vách nhà.
Nếu vách nhà bằng ván thì treo cồng chiêng lên xà nhà hoặc treo chiên trên vách nhà. Nếu vách nhà bằng ván thì treo cồng chiêng lên những chốt gỗ hoặc đinh. Nếu vách nhà bằng tre nứa thì treo lên những chạc tre hoặc gỗ cắm trên vách.
Một quy tắc bất di bất dịch của người Mường Vang là không úp miệng chiêng vào trong hay xuống dưới. Khi nghỉ giải lao trong cuộc vui đánh chiêng, người ta ngồi xuống, không quên đặt chiêng xuống đất (hoặc sàn nhà theo quy tắc ngửa miệng chiêng.
Các cụ tin rằng nếu úp miệng chiêng xuống đất thì chiêng sẽ bị mất tiếng, coi như chiêng “chết”. Một điều cấm kỵ nữa là khi chiêng để dưới đất, phụ nữ không được bước qua miệng chiêng.
Văn hóa cồng chiêng ở Mường Vang mang những đặc trưng chung của dân tộc Mường, nhưng cũng có những nét riêng so với các vùng Mường khác. Mường Vang gần với nguyên bản truyền thống nhất, giữ được màu sắc cổ xưa nhất nên thường được chọn là nơi đại diện trong các liên hoan nghệ thuật khu vực và toàn quốc.
Hòa Bình còn là cái nôi của những lễ hội văn hóa
Ở Hòa Bình không có những lễ hội quy mô, đồ sộ, có sự tham gia của đông người với những trang phục, lễ vật, đồ tế khí, cùng với những quy định bài bản như các lễ hội của người Kinh dưới miền xuôi, không có những hội chơi núi mùa xuân hay chợ tình lãng mạn mà có những lễ hội riêng, thường được tổ chức vào mùa xuân.
Đây là một lễ hội rất phổ biến của người Mường xưa, giống như lễ hhooij lồng tồng của người Tày – Nùng ở vùng Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang… Mục đích của lễ hội là cầu cho mùa mang của một năm mới thịnh vượng, may mắn.
Đây cũng là dịp để người Mường nghỉ ngơi, vui chơi giải trí và bày tỏ những ước vọng của mình về một cuộc sống tươi đẹp và yên bình. Lễ hội này thường diễn ra vào dịp đầu xuân, như vùng Mường Bi, xóm Lũy huyện Tân Lạc, vùng Mường Chiềng, Mường Tôm xã Tân Lập huyện Lạc Sơn…
|
Hình ảnh tại lễ hội xuống đồng. |
Lễ hội sắc bùa của người Mường
Lễ hội này có nghĩa là xách cồng, là một hội vui có tính chất giải trí diễn ra vào dịp đầu năm mới ở những bản Mường để người ta cầu chúc nhau may mắn, mạnh khỏe.
Ngoài ra những dịp vui khác người ta cũng sắc bùa như đón khách quý từ xa đến, dựng nhà mới, đón dâu hoặc những dịp vui khác.
|
Lễ hội sắc bùa của người Mường. (Ảnh: Taybacsensetravel.com) |
Lễ hội cầu mùa của người Mường
Lễ hội cầu mùa tiêu biểu diễn ra ở vùng Mường Vang, Lạc Sơn, là lễ hội của mùa của 7 xã vùng Cộng Hòa tham gia. Lễ hội bắt nguồn từ việc trước đây khi thấy xuất hiện sâu bọ cắn phá mùa màng, các quan lang trong mường nhóm họp bàn việc tổ chức cúng.
Có năm sâu bọ nhiều, sau khi làm lễ cúng, tự nhiên có đàn chim sà xuống cánh đồng bắt hết sâu bọ, làm cho lúa sạch sâu mà lại tốt tươi, từ đó người ta tin tưởng vào lễ hội cầu mùa cho nên hàng năm thường tổ chức lễ này.
Lễ hội đền Bờ
Đây là lễ hội có sự tham gia nhiều nhất và lớn nhất của người Kinh trên đất Hòa Bình, lễ hội là biểu tượng đoàn kết của ba dân tộc Kinh- Mường- Dao sống trên dải đất Hòa Bình.
Đền Bờ hay đền thác Bờ là một di tịch lịch sử nổi tiếng, ở đây không những có đền mà còn có cả một cái chợ Bờ đã từng là tên của tỉnh lỵ.
Tương truyền năm 1431- 1432, vua Lê Lợi đi dẹp giặc ở Mường lễ( Sơn La) qua đoạn thác Bờ hiểm trở đã được dân địa phương giúp đỡ rất tận tình. Trong số đó có bà Đinh Thị Vân người Mường và một bà người Dao giúp đỡ nhà vua về quân lương, thuyền bè vượt thác….khi hai bà mất, vua Lê Lợi đã truy phong công trạng của hai bà và ban chiếu cho lập đền thờ.
Từ đó người dân ở đây thường mở hội hàng năm vào ngày mồng 7 tháng giêng để tưởng niệm hai bà và các vị thần. Hiện nay, di tích và lễ hội này thu hút rất đông khách thập phương từ dưới xuôi lên, lễ hội trở thành kéo dài suốt cả tháng, đến đây du khách vừa có thể thưởng ngoạn cảnh đẹp vừa là nơi sinh hoạt tâm linh hấp dẫn.
|
Dịp lễ tết ở Đền Chúa Thác Bờ. |
Người xưa kể lại: “Xưa kia, ở xứ Mường cổ, hình thái tổ chức xã hội đặc thù là chế độ Lang đạo, các dòng họ Lang đạo như: Đinh, Quách, Bạch, Hoàng… chia nhau cai quản các vùng. Đứng đầu mỗi Mường có các Lang cun, dưới Lang cun có các Lang xóm hoặc Đạo xóm, cai quản một xóm.
Trong áng mo “Đẻ đất, đẻ nước” của người Mường cũng có đoạn kể: Một hôm Lang Đá Cần, vị Lang đầu tiên cai quản đất Mường đi bẫy và bắt được một con rùa. Con rùa van nài Lang đừng giết thịt, bù lại rùa mách bảo cho cách làm nhà sàn.
Rùa dạy: “Bốn chân tôi là bốn cột cái/Hai mai tôi là hai mái nhà/Xương sống tôi là đòn nóc/Chặt cây lim làm cột/Lạt buộc bằng cây giang/Cỏ gianh dùng để lợp”.
Câu chuyện này được coi như một điển tích về sự ra đời nhà sàn của người Mường. Nó gắn liền với những phong tục tập quán, sinh hoạt thường ngày của người dân bản. Và cho tới ngày nay, những nếp nhà sàn đó vẫn còn vẹn nguyên với người dân nơi đây.
Hình ảnh con rùa cho đến nay không chỉ là con vật linh thiêng được người Mường tôn thờ mà còn sáng tạo ra một cách tính ngày tốt, giờ tốt gọi là phương pháp “trừ đá Rò” (Rò ở đây được hiểu là Rùa).
Phương pháp này dùng để tiến hành dựng nhà hay cưới hỏi và làm những việc quan trọng khác của làng và dân bản.
Đến Hòa Bình cũng là đến nơi núi rừng hoang sơ, ngắm những dòng thác kỳ vĩ ào ạt chảy.
|
Dòng nước mềm mại như lụa ở khu Cửu thác Tú Sơn. |
Đỉnh núi Cửu thác Tú Sơn có độ cao trên 1.300m. Từ đó, những thác nước đổ từ trên cao xuống như những dải lụa trắng giữa núi rừng xanh thẳm. Như tên gọi, ở đây có 9 ngọn thác lớn nhỏ với những vẻ đẹp riêng.
|
Cảnh đẹp Thung Nai - Hòa Bình. |
Và đến Hòa Bình, bắt gặp nụ cười duyên dáng e thẹn của người con gái Mường, chắc hẳn sự lưu luyến mãi còn dằng dai…
|
Vẻ đẹp dịu dàng của các cô gái Mường. |
|
Người đẹp xứ Mường. |
Hơi rượu nồng, tiếng nói trong trẻo như sương mai của những cô gái dân tộc Mường ở Hòa Bình, hẳn sẽ đọng mãi trong tâm trí bao du khách đến đây. Tìm hiểu về bản sắc văn hóa dân tộc ở Hòa Bình, người ta thêm yêu mến đất và người ở miền núi rừng hùng vĩ này…