e magazine
Emagazine - Một năm buồn của doanh nghiệp ngành bia

08/03/2024 13:19

Dưới tác động của thị trường, ngành bia Việt Nam đang chứng kiến một bức tranh ảm đạm với sự sụt giảm về doanh thu, lợi nhuận chưa từng có.
Emagazine - Một năm buồn của doanh nghiệp ngành bia

MỘT NĂM BUỒN

CỦA DOANH NGHIỆP NGÀNH BIA

Theo báo cáo của Vietdata, tính đến năm 2022, tiêu thụ bia của Việt Nam đang ở mức 3,8 triệu lít/năm, chiếm 2,2% thị trường thế giới. Từ kết quả này, Việt Nam đã trở thành quốc gia đứng đầu toàn khu vực ASEAN và đứng thứ ba châu Á về mức tiêu thụ bia.

Rõ ràng, Việt Nam là một thị trường "béo bở" với các hãng bia cả trong và ngoài nước.

Cũng vì thế, mức độ cạnh tranh ngày càng khốc liệt cộng thêm thách thức mới bủa vây khiến cho kết quả kinh doanh của hầu hết doanh nghiệp ngành bia đều “lao dốc” trong năm 2023 vừa qua.

LỢI NHUẬN SỤT GIẢM HÀNG NGHÌN TỶ ĐỒNG

Báo cáo tài chính đã công bố của hầu hết các doanh nghiệp ngành bia trên sàn chứng khoán đều đang cho thấy doanh thu và lợi nhuận cả năm 2023 giảm sâu so với cùng kỳ:

Doanh thu cả năm 2023 của các doanh nghiệp ngành bia sụt giảm 11% xuống gần 45.700 tỷ đồng.

Lợi nhuận sau thuế lao dốc mạnh hơn với tốc độ giảm hơn 23%, còn chưa tới 5.100 tỷ đồng.

Theo lãnh đạo các doanh nghiệp, có nhiều nguyên nhân khiến sản lượng tiêu thụ bia giảm mạnh, cùng với đó là lợi nhuận đi xuống.

Emagazine - Một năm buồn của doanh nghiệp ngành bia

Một trong những “ông lớn” ngành bia rượu có kết quả kinh doanh sụt giảm mạnh nhất chính là Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã HoSE: SAB).

Trong văn bản giải trình gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, ông Tan Teck Chuan Lester - Tổng giám đốc Sabeco cho biết doanh thu thuần của doanh nghiệp năm 2023 thấp hơn so với năm trước bởi sự cạnh tranh gay gắt, nhu cầu tiêu dùng giảm bởi kinh tế trong nước khó khăn, cùng với việc thực hiện chặt chẽ Nghị định 100…

Tương tự, một doanh nghiệp tên tuổi khác là Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco, mã HoSE: BHN) cũng cho biết, doanh thu bán hàng của doanh nghiệp này sụt giảm cùng việc tăng cường kiểm soát nồng độ cồn vào những tháng cuối năm 2023 là những nguyên nhân khiến doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp đi lùi trong năm vừa qua.

Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt được Thủ tướng ký ban hành ngày 30/12/2019 và có hiệu lực ngày 1/1/2020.

Trong báo cáo gần đây, Công ty Chứng khoán Funan (FNS) cho rằng rủi ro quan trọng của ngành bia là sức cầu chưa có tín hiệu cải thiện bởi người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu, đặc biệt với những mặt hàng không thiết yếu như bia, rượu.

Đặc biệt, chi tiêu cho rượu bia giảm không chỉ là câu chuyện khó khăn nền kinh tế, mà còn là xu hướng tất yếu tương lai khi các mặt hàng đồ uống không tốt cho sức khỏe sẽ bị giảm dần chi tiêu cộng thêm chính sách pháp luật hạn chế người dân tiêu thụ đồ uống có cồn….

DOANH NGHIỆP NGÀNH BIA TRẢI QUA NĂM “GIÔNG BÃO”

Emagazine - Một năm buồn của doanh nghiệp ngành bia

Doanh thu của Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco)

Giai đoạn 2017 - 2023 (Đơn vị: Tỷ đồng)

Đi sâu vào từng doanh nghiệp, những tên tuổi “kỳ cựu” trên thị trường ngành bia của Việt Nam đều chứng kiến lợi nhuận đi xuống trong năm 2023.

Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã HoSE: SAB) – một ông lớn trên thị trường vừa qua đã công bố kết quả kinh doanh của quý IV/2023, qua đó có bức tranh tổng thể về tình hình kinh doanh của cả năm.

Năm 2023, Sabeco thu về 30.461 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 12,9% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế cũng chỉ đạt 4.255 tỷ đồng, thấp hơn 22,6% so với kết quả thực hiện năm 2022.

Trong cơ cấu doanh thu, bia vẫn là sản phẩm chủ lực của Sabeco khi chiếm 88% doanh thu và đến 98% lãi gộp doanh nghiệp.

Như vậy, Sabeco mới chỉ thực hiện được 76% chỉ tiêu về doanh thu và 74% mục tiêu lợi nhuận từng đặt ra trước đó.

Emagazine - Một năm buồn của doanh nghiệp ngành bia

Doanh thu của Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco

Giai đoạn 2017 - 2023 (Đơn vị: Tỷ đồng)

Tương tự, một doanh nghiệp tên tuổi khác là Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco, mã HoSE: BHN) cũng ghi nhận doanh thu thuần cả năm 2023 giảm 7,7% còn 7.757 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 355 tỷ đồng, giảm 29,8% so với thực hiện của năm 2022.

Và không phải công ty nào trong ngành bia, rượu cũng có lãi, Công ty Cổ phần Rượu và Nước giải khát Hà Nội (Halico, mã UPCoM: HNR) - chủ những thương hiệu nổi tiếng như Vodka Hà Nội, Lúa Mới... còn có tình hình kinh doanh bi đát hơn khi doanh nghiệp này đã miệt mài báo lỗ tới 27 quý liên tiếp.

Mới đây nhất, Halico ghi nhận lỗ sau thuế hơn 4,2 tỷ đồng trong quý IV/2023, qua đó đưa lỗ ròng cả năm 2023 lên con số 9,8 tỷ đồng.

Không chỉ các doanh nghiệp đầu ngành, nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành bia, rượu cũng gặp nhiều khó khăn.

Đơn cử như Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn – Hà Nội (mã UPCoM: BSH) ghi nhận 43,4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 24,5% so với thực hiện của năm 2022.

Đồng cảnh ngộ, Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn - Miền Trung (mã HoSE: SMB) cũng ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm 16,5%, chỉ đạt hơn 154 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Bia Hà Nội - Hải Dương (mã HNX: HAD) chỉ đạt 6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong năm 2023, giảm gần một nửa so với thực hiện năm 2022;

Tương tự, Công ty Cổ phần Bia Hà Nội - Thanh Hóa (mã HNX: THB) ghi nhận sụt giảm gần một nửa lợi nhuận sau thuế so với năm 2022, chỉ còn hơn 5 tỷ đồng…

Emagazine - Một năm buồn của doanh nghiệp ngành bia

Thị phần ngành bia tại Việt Nam năm 2021 (Nguồn số liệu: MBS)

Và dưới tác động của việc suy giảm việc bán hàng, nhiều “ông lớn” ngành bia cũng đã phải "thắt lưng buộc bụng", dùng nhiều biện pháp giảm chi phí, trong đó có cả việc thu hẹp chi phí quảng cáo.

Cụ thể, Sabeco luôn được biết tới là doanh nghiệp mạnh tay chi tiền cho hoạt động quảng cáo khuyến mãi nhưng trong bối cảnh khó khăn, chi phí quảng cáo và khuyến mãi của Sabeco năm 2023 chỉ đạt 2.814 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ - tương đương mỗi ngày doanh nghiệp dành ra khoảng 7,7 tỷ đồng.

Cũng giống như Sabeco, Habeco đã cắt giảm đáng kể khoản chi phí quảng cáo, khuyến mại, hỗ trợ chỉ còn gần 580 tỷ đồng, giảm 17% so với năm 2022 – tương đương gần 1,6 tỷ đồng mỗi ngày cho hoạt động này.

Dù vậy, đây cũng vẫn là loại chi phí tốn kém nhất của Habeco, chiếm tỷ trọng 48% trong cơ cấu chi phí bán hàng của doanh nghiệp năm 2023 và trước đó là 54% năm 2022.

Emagazine - Một năm buồn của doanh nghiệp ngành bia

Theo dữ liệu của Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), năm 2019 là năm đỉnh cao của ngành đồ uống nói chung và bia nói riêng. Từ năm 2019 trở về trước, trung bình mỗi năm ngành bia tăng trưởng 5% - 6%/năm. Nhưng năm 2021, ngành bia ước tính giảm khoảng 10% - 15%, năm 2022 giảm khoảng 5% - 7% so với năm 2019.

Các yếu tố như: Kinh tế khó khăn, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, hành vi tiêu dùng thay đổi, cùng với việc thực hiện chặt chẽ Nghị định 100/2019/NĐ-CP… đang khiến nhiều ông lớn trong ngành bia, rượu rơi vào vòng xoáy suy giảm lợi nhuận trong thời gian vừa qua.

Không chỉ ở đầu ra, ngành bia còn đối mặt với thế khó ở giá cả nguyên liệu đầu vào. Sắp tới, nếu Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi, trong đó có nội dung thay đổi phương pháp tính và điều chỉnh thuế suất với rượu và bia, được triển khai, doanh nghiệp ngành bia sẽ còn phải đối mặt thêm những thách thức mới.

Không chỉ ở Việt Nam, trên thế giới, nhiều dự báo cũng cho thấy danh mục sản phẩm đồ uống có cồn sẽ bị sụt giảm thị phần, trong khi đồ uống không có cồn sẽ tăng 25% trong khoảng 2022 - 2026 khi các hãng rượu bia buộc phải chuyển hướng kinh doanh.

Theo Forbes, thế hệ Gen Z uống rượu bia ít hơn 20% so với thế hệ Millenials và việc ngày càng nhiều người tiêu dùng chú trọng đến sức khỏe khiến nhu cầu tiệu thụ đồ uống có cồn giảm mạnh.

Khảo sát của Gallup cho thấy có một nửa người được hỏi trong thập niên 1990-2000 cho biết bia là thứ đồ uống ưa thích nhất của mình thì tỷ lệ này đã giảm xuống chỉ còn 37% hiện nay.

Trước tình hình này, Tập đoàn bán bia lớn nhất thế giới là Anheuser Busch InBev thậm chí dự báo mảng kinh doanh bia không có cồn sẽ chiếm đến 1/5 tổng doanh số vào năm 2025.

Lê Hải

Hình ảnh: Tư liệu

Lê Hải