Hơn một thập kỷ gắn bó với nghề, nhạc sĩ “Phố không mùa”, “Hẹn nhau nơi ấy” và “Chuyện của cát” đã có những giây phút ngồi lại để hồi tưởng về những thăng trầm trong sự nghiệp, khi bước trên một con đường nhạc “khó nhằn” mang tên chính mình – dòng nhạc Dương Trường Giang.
- Đã hơn một thập kỷ gắn bó với âm nhạc, anh cho rằng thời điểm nào là lúc anh xác định được âm nhạc chính là “chân ái”?
- Tôi cho rằng ai cũng có một tình yêu nhỏ trước khi biết nó là một tình yêu lớn. Tôi bắt đầu thích nhạc từ đầu cấp hai, tham gia nghi thức đội ở trường, tự tin chơi 4-5 loại kèn. Hồi đó dù cũng chỉ là hát nghêu ngao thôi nhưng đến cấp 3 cô giáo vẫn ghi năng khiếu của mình là nhạc, lúc ấy vẫn chưa rõ là hát hay là gì. Sau đó là một bước ngoặt vào học kỳ I lớp 12. Đó là ngày 20/11 tôi được biểu diễn trước toàn trường và lần đầu tiên nhận được sự ủng hộ, hưởng ứng của các bạn học sinh, của thầy cô.
Bạn biết đây, âm nhạc hay khi mình làm tốt, nhưng khi có người khác cổ vũ đam mê này thì động lực bỗng trở nên rất to lớn. Sau đó được các thầy cô đưa đi “đánh” đủ các giải từ cấp thành phố đến cấp quốc gia, hầu hết tôi đều “ăn giải”. Từ lúc ấy tôi bắt đầu nghiêm túc đấu tranh theo đuổi nghề nhạc.
- Đó chính là mốc quan trọng nhất trong sự nghiệp âm nhạc của anh chăng?
- Mốc quan trọng nhất chính là thời điểm mình nhận ra mình thích cái gì, định bắt đầu nghề đó như thế nào. Khi vào nghề rồi, tôi mới nhận ra cái tôi của mình rất cao, tức là mình không làm âm nhạc phục vụ mà muốn làm âm nhạc nghệ thuật. Ngành nghệ thuật yêu cầu rất cao về một cá tính mạnh. Hồi đầu khi tôi vẫn chưa xác định được cá tính của mình đâu, nhưng người khác đánh giá Dương Trường Giang là một người có cá tính mạnh trong cuộc sống, trắng là trắng mà đen là đen. Khi đem vào âm nhạc cá tính đó cũng thể hiện y như thế.
- Anh có thể chia sẻ thêm về hành trình tìm kiếm và xác định cái tôi trong âm nhạc của mình?
- Sự khác biệt lớn nhất là khi tôi bắt đầu “khoá tai” của mình từ năm 19 tuổi, tức là không nghe bất cứ một loại âm nhạc nào cả, không để âm nhạc của người khác ảnh hưởng đến mình, để giữ một “đôi tai sạch sẽ”. Đó là khi tôi ý thức được mình sẽ viết nhạc và hát nhạc của mình nên làm như vậy để bảo toàn cái tôi của mình trước. Sau 7 năm, tôi mới bắt đầu nghe nhạc lại để cộng hưởng với âm nhạc thế giới, âm nhạc Việt Nam đương đại, phục vụ quá trình sáng tạo âm nhạc mang bản sắc cái tôi của mình.
- Anh xác định dòng nhạc hiện giờ mà anh đang theo đuổi là dòng nhạc gì?
- Dòng nhạc mà tôi đang theo đuổi là một con đường lắm gập ghềnh, mà khi mới bước chân vào sáng tác đã được hội đồng nghệ thuật đánh giá là âm nhạc “khó nhằn”. Con đường âm nhạc này không vạch ra ranh giới rõ ràng là jazz, blue, pop, hay rock. Cái đích mà tôi hướng đến là một dòng nhạc mang tên chính mình, tức là dòng nhạc Dương Trường Giang. Ở đó là những câu chuyện đời, chuyện người, chuyện mình hay đơn giản là những câu chuyện lay động được cảm xúc của tôi, được chuyển tải vào âm nhạc.
Xét cho cùng, nguồn cảm hứng là cuộc đời, âm nhạc là nhật ký sống, âm nhạc có thể có tiếng nói của thời đại, âm nhạc có thể giống hệt lịch sử; và nhạc sĩ là người sống thật nhiều, đa dạng, nhiều màu sắc, và dễ rung cảm. Vì thế có thể ngày hôm nay nhạc jazz phù hợp để đưa đẩy âm nhạc của Dương Trường Giang, ngày mai là pop, ngày kia là ballad, ngày kìa là pop rock. Âm nhạc sẽ là chất dẫn để truyền tải thông điệp của Giang tới khán giả.
- Anh còn mong muốn khán giả nhớ đến anh, nhớ đến âm nhạc của anh như thế nào?
- Có nhiều người nói “mùa đông là của Giang”, đấy là một sự ghi nhận. Có nhiều người nói “phố là của Giang”, đấy là một sự ghi nhận. Có nhiều người nói “Giang là một tiểu Phú Quang”, đấy là một sự ghi nhận. Khi khán giả đặt Dương Trường Giang cạnh những điều, những người bất biến với thời gian như vậy, đấy là sự ghi nhận rất đáng quý đối với tôi. Ít nhiều những lời nhận xét đó đã nhận diện Dương Trường Giang và cho tôi biết mình đang làm tốt điều gì. Ví như trong khu vực “mùa đông”, khu vực “phố” hoặc “tình ca phố”, âm nhạc của Giang đã phần nào có thể kế cận được âm nhạc của chú Phú Quang chẳng hạn.
- Đối với anh, điều gì là khó khăn lớn nhất, cái nản nhất khi theo đuổi âm nhạc?
- Từ khi làm âm nhạc bán chuyên, tức là đi thi từ những năm cấp 3, đầu đại học, tôi nghĩ là bản thân có nhiều lợi thế như có tố chất, được trải nghiệm âm nhạc sớm, có sự tự tin trước sân khấu nên thường được giải. Nhưng khi đặt chân vào giới chuyên, tức là “đánh” với những người cũng tài năng như mình nên tôi bắt đầu biết thua và phải học cách chấp nhận nó. Đến bây giờ nhắc lại khó khăn thì nó quá nhẹ nhàng rồi, nhưng tại cái thời điểm ấy, tuổi đời ấy thì có những vấp ngã lại mang tính sụp đổ.
Ví dụ hồi tham gia Sao Mai Điểm Hẹn năm 2010, khi đó tôi chưa quen với thất bại. Đã có “name” trong chương trình “Bài hát Việt”, đã ra một sản phẩm cho Hà Anh Tuấn và khá nổi là “Thế thôi”, được các anh chị báo chí đánh giá cao sau vòng loại, được gọi là một trong những nhân tố sáng giá… Những điều ấy “nâng mình lên mây” và khi bị loại ở vòng chung kết miền Bắc, đó là trải nghiệm bẽ bàng đối với tôi, thậm chí phải mất một vài năm sau mới vượt qua được. Sau này lớn lên một chút rồi thì tôi mới nhận ra kết quả như vậy là do sức của mình chưa đủ thôi, cũng không có quá nhiều điều đặc biệt về mình vào thời điểm đó.
Rồi có những thời điểm “ngủ quên” trong thành công, tôi không nhận biết được mình là ai. Ví dụ sau thành công của “Phố không mùa”, có một thời gian khá lâu Giang mới thực sự “chạm được chân xuống đất”. Cũng có những khoảng thời gian tôi luôn loay hoay ở việc là nên là một ca sĩ hay nên là một nhạc sĩ, bản thân thì thích cả hai nhưng lại không biết lấy đâu làm trọng tâm.
Và cũng có những khó khăn nhiều hơn trong cuộc sống như khi làm nhạc thì phải có đầu tư mà sinh viên thì tay trắng nên khá e ngại. Sau đó phải quyết tâm lao động để có tiền đầu tư. Người sáng tạo nghệ thuật có điểm thiệt thòi là: đổ mồ hôi là thật, tức là đi lao động thật để có tiền làm sản phẩm nhưng sản phẩm thì lại là một thể nghiệm, bởi vì không thể biết trước người nghe thích hay không thích. Tất nhiên là trước khi có những bài hát người nghe yêu thích thì phải có những bài người nghe không thích. Và khi đó cũng có những cái nản nhất định ở trong việc làm nghề. Vượt qua thì mới có Dương Trường Giang bây giờ.
- Điều gì khiến anh cảm thấy hãnh diện trong sự nghiệp nghệ thuật của mình đến nay?
- Hãnh diện nhất là âm nhạc của mình bây giờ đã vang ra rất nhiều người. Hãnh diện nhất là sau mọi khó khăn tôi cũng chẳng muốn kể nhiều nữa thì vẫn làm được việc mình yêu thích, cũng là việc mình đặt ra năm 18 tuổi. Tôi quan niệm đích đến của nghệ thuật là nghệ thuật chứ không phải là nhét tiền vào đầy túi.
Định nghĩa thành công không phải là Dương Trường Giang năm 33 tuổi có bao nhiêu tiền, mà sau từng đấy năm làm nghề Dương Trường Giang đang có những tác phẩm như thế nào và đọng lại trong công chúng bao nhiêu. Ít nhất sau “Phố không mùa” hay “Ngày mưa rơi” hay “Mùa đi ngang phố”, “Làm cha”, tất cả đều đã tồn tại trên 8 năm. Trong một thế hệ âm nhạc công nghiệp như hiện tại và có những bài hát đọng lại lâu như thế thì đây là một thành công đối với Giang. Âm nhạc Dương Trường Giang có thể “khó nhằn” nhưng nếu đã nghiện thì sẽ nghiện lâu.
Khi ấy, tôi nhận ra là âm nhạc của mình đang đi đúng hướng, đúng cái mình muốn, đúng hoàn cảnh của mình, đúng với những cái mình có, đúng với khả năng và cá tình âm nhạc của mình.
- Nhiều người trong nghề nhận định Dương Trường Giang có giọng hát lạ, hay, hiếm nhưng tại sao anh lại lựa chọn con đường không phải hát?
- Rất lâu về sau tôi nhận ra âm nhạc tự mình đánh giá mình là không đủ mà còn do công chúng đón nhận mình ra sao. Khi tôi muốn khẳng định mình là ai thì không đơn giản là tôi nói ra tôi là ai, mà tôi đã làm những gì và khiến mọi người đánh giá ra sao. Với câu hỏi này thì tôi có thể trả lời thẳng thắn thế này: Có thể nghề hát chưa chọn mình chẳng hạn, mình đứng trên sân khấu chưa đủ sức hấp dẫn chẳng hạn, hay vào thời điểm này những ánh đèn sân khấu chưa dành cho Giang chẳng hạn. Và người nghệ sĩ khi làm nghệ thuật cần có sự nhìn nhận thẳng thắn vào điểm mạnh và điểm yếu của chính mình.
- Nhiều người cho rằng gia đình là một “điểm chững” trong sự nghiệp nghệ thuật. Anh nghĩ sao về điều này?
- Khi có gia đình, tôi cảm thấy yên ổn và vững tâm làm nghề chứ không bị ảnh hưởng gì cả vì mọi người quá hiểu con người tôi rồi. Cuộc sống gia đình yêu cầu bản thân mình có nhiều trách nhiệm hơn với vợ con, tức là phải phân tán thời gian. Nhưng đây cũng là quá trình trưởng thành của mỗi người thôi và tôi đã học được cách phân bổ thời gian tốt hơn để cân đối giữa gia đình và âm nhạc.
- Mới đây, được biết anh tham gia viết nhạc phim cho bộ phim truyền hình “Cát đỏ”. Anh có thể chia sẻ một chút về quá trình sáng tác bài hát “Chuyện của cát” cũng như thông điệp anh muốn truyền tải đến người nghe hay không?
- Tất nhiên rồi, nói thật là nhạc phim của “Cát đỏ” tôi viết vào những ngày gần như là cuối cùng trước khi đóng máy. Khi xem bộ phim này tôi cảm thấy có một độ “chạm” nhất định. Đây là một phim điện ảnh mang lên truyền hình nên nó mang tính nghệ thuật rất cao. Bài hát trong phim thường nhằm hỗ trợ cho phim dễ hiểu hơn, cũng như là để tăng cảm xúc cho người xem. “Chuyện của cát” ra đời như một cú bồi cảm xúc theo dạng cao cấp hơn dành cho những bộ phim như “Cát đỏ”. Khi mọi người bật phim lên xem 1 phút rưỡi đầu và cuối phim mọi người thấy no đủ cảm xúc của phim.
“Chuyện của cát” là câu chuyện của tình yêu và sự di chuyển. Câu chuyện bắt đầu bằng sự tan vỡ và sự giữ lại, gói ghém một điều gì đó cho riêng mình. Bối cảnh ở vùng sa mạc Bình Thuận, ở đấy cát màu đỏ. Ở đấy còn có một con sông ngăn cách với một vùng trù phú và một vùng đầy cát. Ở đấy có những sự ra đi của người phụ nữ và tạo thành xóm chửa hoang. Ca khúc gói ghém cảm xúc người đi, người phụ nữ đi để giữ lại điều gì, để làm nên điều gì. Sau tất cảm sau những cái hoang hoải ở giữa cái đồi cát mênh mông đó thì những lúc yếu lòng nhất họ cảm thấy điều gì và “Chuyện của cát” nói lên những điều như vậy.
- Ngày nay, nhạc phim Việt Nam đã không còn thời hoàng kim như ngày xưa với nhiều ca khúc bất hủ (vd: Những bàn chân lặng lẽ); dù vậy, trong các nền âm nhạc Hàn, Mỹ, Nhật… nhạc phim vẫn là một thể loại được ưa chuộng. Anh nghĩ sao về điều này?
- Rõ ràng là nhạc phim chưa có một chỗ đứng thật là tốt ở trong ngành âm nhạc hiện nay. Không phải âm nhạc đang thiếu những bài hát kinh điển mà thói quen nghe nhạc của thời đại đã thay đổi. Thời của “Những bước chân lặng lẽ”, không có Internet, mạng xã hội, không có sự xao nhãng, nên mọi người chỉ có thể giải trí bằng 8h tối bật phim lên và xem. Đến nay, một sản phẩm nhạc phim muốn “làm mưa làm gió” cần được truyền thông tốt để trở nên “viral”.
Dù những người làm phim từ thời kỳ đầu đến nay đều cố gắng để thích nghi, chuyên nghiệp hoá âm nhạc phim phù hợp văn hoá, phù hợp với độ phát triển của nước mình, tiềm lực kinh tế. Nhưng như thế vẫn chưa đủ. Thông thường barem dành cho một tác phẩm phim dài tập ở Việt Nam đang rất ít âm nhạc. Một tác phẩm phim ngoài các tác phẩm phái sinh tác quyền là một vài bài hát ở trong phim (nếu có) thì cũng chỉ có một bài hát chủ đề. Rất lãng phí khi một bộ phim điện ảnh dài 180 phút của điện ảnh Hàn, Mỹ đã thường có ít nhất 6-8 bài hát OST.
- Thị trường nhạc Việt hiện nay tồn tại cuộc chiến MV tiền tỷ. Anh nghĩ sao về cuộc đua này?
- Tôi nghĩ nếu có điều kiện thì điều ấy quan trọng vì khán giả bây giờ muốn ăn những món ăn ngon, muốn xem những tác phẩm hay, muốn nghe âm nhạc tinh. Mình nghĩ rằng việc mọi người đầu tư bây giờ rất hay và người hưởng lợi vẫn là khán giả mà.
- Theo cảm quan của anh thì âm nhạc Việt đang ở đâu trong âm nhạc thế giới?
- Âm nhạc Việt luôn luôn là một mảng đặc biệt trong âm nhạc thế giới. Đang có rất nhiều phát ngôn kì cục như “chúng ta phải cố bao nhiêu lâu để vươn ra thế giới” nhưng tôi cho rằng điều này ko cần thiết. Dân số Việt Nam có gần trăm triệu người và vẫn đang nghe rất ổn âm nhạc Việt, vậy thì tại sao cứ phải suy nghĩ về việc mình phải chạy bao nhiêu lâu mới đến được thế giới.
Rõ ràng âm nhạc Việt đã có một vị trí trong âm nhạc thế giới rồi. Ví dụ dân gian đương đại, dân ca chỉ mình Việt Nam có, nghệ sĩ thế giới muốn hát dòng này, họ phải đến Việt Nam. Ngược lại nghệ sĩ Việt cũng có thể chắt lọc cái tốt, cái hay trên thế giới để cải thiện âm nhạc của mình, trên văn hoá Việt Nam. Nếu bạn làm tốt thì thế giới sẽ lấy những chất liệu đó để làm tốt âm nhạc, văn hoá thế giới. Tôi cho rằng cần có sự tự hào, tự tôn dân tộc, cùng với tinh thần học hỏi và tư duy tốt. Nhạc Việt không cần cố chạy theo thế giới vì đương nhiên chúng ta đã có vị trí đó rồi.
- Cũng là một người thầy, nhà sản xuất âm nhạc, anh đánh giá nội lực của các nghệ sĩ trẻ hiện nay như thế nào? Các bạn trẻ đang cần điều gì để có thể bứt phá, tạo được bản sắc?
- Nội lực của người trẻ tất nhiên luôn phong phú và dồi dào. Ở thời nào cũng có những người yêu nghề và các bạn trẻ hiện nay đang tận dụng rất tốt Internet để theo đuổi âm nhạc ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào. Bên cạnh đó thế hệ đi trước cũng đã tạo ra nhiều nền tảng tốt như trường lớp, trung tâm, học viện đào tạo âm nhạc.
Khó khăn lớn nhất của các bạn trẻ là “đánh nhau” với chính mình, tìm ra cái tôi, biết mình thích cái gì và vững tâm với điều ấy. Người khác không thể chỉ cho mình biết điều mình muốn gì, thích gì, mà chỉ có bản thân các bạn trẻ mới hiểu được. Người thành công biết việc đấy sớm hơn, còn người chưa thành công thường mất quá nhiều thời gian để biết mình thích cái gì, nên theo cái gì. Ngoài ra, các bạn trẻ cũng cần người định hướng phù hợp. Sự định hướng giúp các bạn có thể nhận ra và “đánh” trực diện vào thứ gần với mơ ước của mình nhất.
- Theo anh, một nền giáo dục tốt nhất để xây dựng một thế hệ am hiểu, đa dạng và sáng tạo?
- Theo tôi, cách nuôi cái tôi tốt nhất cho người nghệ sĩ là phải xây dựng trên từng nghệ sĩ một, tức là xây dựng tính phù hợp, kĩ thuật phù hợp trên từng chất giọng, chứ không làm phổ thông như những năm trước. Để đào tạo ra một nghệ sĩ đủ các màu, chúng ta không nên đi theo những lối mòn mà nên có cách tiếp cận mới.
Tất nhiên sẽ mất thời gian và vất vả hơn để xây dựng những điều cần, kiến thức cần trên cá tính của từng nghệ sĩ, trên phong cách, ưu nhược điểm của từng học viên so với việc đưa ra một ba-rem nhất định; tuy nhiên, nền âm nhạc sẽ có những nghệ sĩ đa màu sắc, biết tôn trọng bản thân và âm nhạc theo đúng nghĩa.
- Cuối cùng anh có lời chia sẻ với các bạn trẻ đang theo đuổi con đường âm nhạc hiện nay?
- Các bạn trẻ hãy biết mình thích gì. Khát khao chưa đủ, phải cực kì khát khao. Và hãy theo nghề. Trong bất kỳ nghề nào đều có giai đoạn thăng và trầm, đôi khi những người không may mắn phải đi qua giai đoạn trầm trước giai đoạn thăng. Cái đầu tiên là khát khao, đam mê, tin vào bản thân, tin vào thứ mình yêu thích, rồi làm mọi thứ có thể - tất nhiên theo kiểu văn minh lịch sự (cười).
Có những bạn đạt thành tựu sớm, có những bạn đạt thành tựu muộn. Những bạn có thành tựu muộn không có nghĩa là các bạn không có thành tựu. Cố lên rồi cái gì cũng sẽ đến!
Rất cảm ơn Dương Trường Giang vì tất cả những cống hiến cho nền âm nhạc Việt sau một chặng đường dài. Chúc anh luôn thành công trên con đường mình đã chọn!
Nội Dung: Đỗ Trang
Thiết Kế: Vũ Lành