Kênh nhánh tưới tiêu Chính Tây (nằm trong dự án hồ chứa nước Thủy Yên- Thủy Cam, xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) được đầu tư 12 tỷ đồng nhưng khi đưa vào hoạt động, nước ở con kênh chính thấp hơn mặt ruộng, đất cát lại bồi. Vì thế con kênh này không thể dẫn nước tưới tiêu khiến hàng chục hecta ruộng lúa nơi đây thiếu nước khiến người dân bức xúc.
|
Nhiều cơ quan ban ngành đang kiểm tra con kênh vô dụng. |
Công trình tiền tỷ không tác dụng
Năm 2010, dự án đầu tư xây dựng công trình hồ chứa nước Thủy Yên - Thủy Cam được khởi công xây dựng tại xã Lộc Thủy. Đến năm 2017, kênh nhánh tưới Chính Tây do Công ty Cổ phần 1/5 nhận thầu thi công với tổng số vốn 11,9 tỷ đồng do Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư. Yêu cầu đề ra, nếu kênh dẫn nước này được xây dựng đồng bộ sẽ cung cấp nước tưới cho hơn 40ha/1 vụ. Nhưng sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng đã không phát huy hiệu quả.
Theo tìm hiểu của PV, cách đây 1 năm công trình này được đưa vào sử dụng. Nguyên nhân nước không vào được ruộng là do hệ thống kênh Chính Tây thiết kế thấp hơn mặt ruộng, luôn bị đất cát từ trên cao bồi xuống, khiến dòng chảy bị bồi lấp dẫn đến đoạn cuối kênh Chính Tây không tưới được.
Dù thời tiết Huế năm nay chưa có mưa lớn nhưng theo ghi nhận của PV thì phần lớn đoạn kênh này đã nằm chìm nghỉm dưới nước. Một người dân ở thôn An Bàng (xã Lộc Thủy) bức xúc nói: “Đoạn cuối nhánh kênh tiền tỷ này hiện bị ngập chìm hoàn toàn trong bùn cát, cỏ dại. Dù cho đơn vị quản lý công trình thủy lợi nhiều lần tổ chức nạo vét, khơi thông nhưng vẫn tưới không được.
|
Con kênh chìm trong nước dù xứ Huế chưa vào mùa mưa |
Mùa hè thì nước không vào ruộng được, còn đầu mùa mưa thì nước đã tràn bờ kênh. Tôi có hai sào ruộng nhưng vì thiếu nước nên đành bỏ hoang. Đoạn kênh này làm cho có chứ không có công dụng gì. Không hiểu vì lý do gì mà “họ” lại thiết kế mặt kênh xây thấp hơn ruộng, thế nên nước không thể vào ruộng là đúng rồi”.
Trước thực trạng này, bà con xã viên nơi đây đã nhiều lần phản ánh lên chính quyền địa phương các cấp trong mỗi lần họp tiếp xúc cử tri. Nhưng đến nay, theo người dân vẫn chưa có đơn vị nào nhận trách nhiệm để khắc phục dứt điểm những sự cố nêu trên khiến dân lo lắng, không biết mùa vụ sau sẽ như thế nào.
Mong có thêm vốn
Đại diện đơn vị tiếp nhận công trình này, ông Đỗ Văn Đính (Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Quản lý và Khai thác Công trình Thủy lợi Thừa Thiên-Huế) chia sẻ, đơn vị chỉ tiếp nhận công trình nên không rõ quá trình thiết kế, thi công. Ông Đính thừa nhận con kênh dẫn Chính Tây đang “có vấn đề” và gây khó khăn trong vận hành cấp nước tưới ruộng cho bà con ở xã Lộc Thủy là có.
Công ty thu từ nguồn thủy lợi phí do Nhà nước hỗ trợ khoảng 100 triệu/năm vì thế có khắc phục. Cũng theo ông Đính, Công ty đã nhiều lần tổ chức nạo vét, khơi thông dòng chảy vì bùn tràn vào nhưng vẫn chưa hiệu quả: “Về giải pháp lâu dài, chúng tôi sẽ có báo cáo cho lãnh đạo UBND tỉnh và địa phương để có những đầu tư nối tiếp nhằm khai thác thật hiệu quả tuyến kênh trên”, ông Đính cho biết thêm.
Liên quan vấn đề trên, trao đổi với PLVN, ông Trương Văn Giang (Giám đốc BQL Dự án hồ chứa nước Thủy Cam - Thủy Yên) cho rằng: “Toàn con kênh dài 7km, đoạn phía trên vẫn tưới nước cho đồng ruộng bình thường; chỉ có đoạn cuối tầm 500m là chưa phát huy hiệu quả mà thôi. Đây là đoạn cuối nhánh kênh dẫn, sở dĩ thấp hơn mặt ruộng như hiện nay nhằm bảo đảm dẫn nước tưới cho những vùng ruộng xa hơn, rộng hơn về sau này.
Trung ương chỉ hỗ trợ kênh chính, còn kênh rẽ thì địa phương phải đầu tư nhưng vì nguồn vốn hạn hẹp nên khi hoàn thành và đưa vào sử dụng mới có những vấn đề trên. Theo anh em chúng tôi tính toán, nếu muốn phát huy tối đa hiệu quả để tưới hết nội đồng thì phải đầu tư thêm 3 tuyến kênh nhánh tầm 4 tỷ đồng”.
Ông Giang giải thích việc xây dựng con kênh lại thấp hơn ruộng vì nguyên tắc mực nước đi là đều nhưng ruộng thì địa hình lại có nơi cao, nơi thấp. Ở vùng này, đoạn cuối kênh, địa hình sườn đồi ruộng lại cao vì vậy mới có chuyện nước không vào được.
Còn lãnh đạo xã Lộc Thủy cho biết, những ý kiến phản ánh của bà con xã viên là có, tuy nhiên sự việc vượt quá thẩm quyền xử lý của chính quyền địa phương. Qua đây, địa phương cũng đề nghị lãnh đạo các cấp, các ngành sớm có biện pháp giải quyết khắc phục, sửa chữa nhằm bảo đảm an toàn và hiệu quả cấp nước tưới ruộng cho người dân.