Hội nghị thảo luận nội dung báo cáo về tình hình triển khai các nhiệm vụ năm 2024, kế hoạch năm 2025 của Hội đồng; công bố Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Cùng dự có lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, các địa phương trong vùng.
Phát biểu ý kiến khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Vùng đồng bằng sông Hồng phải tăng trưởng hai con số để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, văn minh và thịnh vượng của đất nước như định hướng của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu rõ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng. |
Thủ tướng đề nghị Hội đồng cần đánh giá lại từ Phiên họp thứ tư đến nay những việc đã làm được, chưa làm được, rà soát, phân tích nguyên nhân, bài học kinh nghiệm rút ra trong quá trình lãnh đạo của các bộ, ngành, địa phương; từ đó phát huy những cái làm được, hạn chế những khó khăn, vướng mắc, tìm cách tháo gỡ; yêu cầu tinh thần chung là cần có giải pháp để tăng trưởng hai con số bởi Vùng đồng bằng sông Hồng có điều kiện thuận lợi thực hiện mục tiêu này.
Theo Thủ tướng, muốn đạt được mục tiêu trên, các địa phương trong vùng phải có quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó.
Đây là yêu cầu rất cao và phải đặt vấn đề tăng trưởng 2 con số. Thủ tướng cho rằng, nếu chúng ta chỉ tăng trưởng “bình bình” 6-7% thì không đạt được mục tiêu phát triển 100 năm (năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng; năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước) mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.
Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của các nước phát triển trung bình khoảng 13.800 USD/năm. Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, phải 20 năm nữa, Việt Nam mới đạt được con số này, trong khi đến lúc đó, thế giới họ đã tiến xa, các nước sẽ không dừng ở mức thu nhập này, tiêu chuẩn thu nhập cao sẽ còn tăng lên.
Chúng ta muốn làm cho đất nước giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng thì phải nỗ lực cao hơn, khi đó mục tiêu sẽ đạt được.
Thủ tướng khẳng định, Hội nghị cần phải bàn các giải pháp để tăng trưởng 2 con số. Phải đưa ra lộ trình, kế hoạch để tăng tốc bứt phá vì năm 2025 được xác định là năm tăng tốc, bứt phá.
Do đó phải bàn để làm với tinh thần "Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi, thì chỉ bàn làm, không bàn lùi".
Thủ tướng cũng nêu rõ, Hội nghị này cũng sẽ công bố Quy hoạch thành phố Hà Nội. Như vậy, chúng ta đã nỗ lực hoàn thành công tác quy hoạch trong năm 2024.
Như vậy sau một thời gian, nhất là những năm đại dịch Covid-19, chúng ta đã hoàn thành 111/111 quy hoạch, là sự nỗ lực rất lớn của cấp uỷ, chính quyền các địa phương, các bộ, ngành.
Đã có quy hoạch rồi thì phải làm đúng quy hoạch, giữ quy hoạch ổn định; phải quy hoạch khai thác các không gian vũ trụ, không gian ngầm, không biển để phục vụ phát triển đất nước.
Thay mặt Hội đồng, Thủ tướng cảm ơn các địa phương đã tích cực các nhiệm vụ Hội đồng đưa ra.
Hội nghị đánh giá kết quả, tình hình kinh tế-xã hội năm 2024, đề ra phương hướng năm 2025 |
Tại Hội nghị, theo chương trình, Bộ Khoa học và Công nghệ trình bày Báo cáo Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, coi đây là nhân tố quyết định để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của vùng đồng bằng sông Hồng.
Bộ Xây dựng trình bày Báo cáo Phát triển hệ thống đô thị Vùng đồng bằng sông Hồng bền vững theo mạng lưới và theo hướng nén-sinh thái, trong đó chú trọng phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD).
Bộ Giao thông vận tải trình bày Báo cáo Giải pháp phát triển các hoạt động liên kết nhằm xây dựng và phát triển đồng bộ, hiện đại, thông minh hệ thống hạ tầng giao thông, nhất là giao thông kết nối trên địa bàn Vùng đồng bằng sông Hồng.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình bày Báo cáo Xây dựng và phát triển các sản phẩm, dịch vụ văn hóa của vùng, gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa vùng và mang đặc trưng nền văn minh sông Hồng...
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, về kết quả thực hiện một số chỉ tiêu chủ yếu của Vùng đồng bằng sông Hồng năm 2024: tốc độ tăng trưởng GRDP vùng đồng bằng sông Hồng đạt 7,9% cao hơn mức bình quân chung cả nước (cả nước đạt 7,09%), đứng thứ 2/6 vùng kinh tế; GRDP bình quân đầu người của vùng đạt 143,2 triệu đồng/người/năm, thấp hơn vùng Đông Nam Bộ (179,3 triệu đồng/người/năm); cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng khu vực dịch vụ chiếm khoảng 45,24% trong GRDP; khu vực công nghiệp, xây dựng 41,07% (riêng công nghiệp chế biến, chế tạo khoảng 27,86%); khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 4,76%.
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Vùng đồng bằng sông Hồng đạt 815,65 nghìn tỷ đồng, đóng góp cao nhất trong các vùng kinh tế và chiếm 40,1% tổng thu ngân sách cả nước (2.033,46 nghìn tỷ đồng), tăng hơn 12,8% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao.
Kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn đạt 132 tỷ USD, chiếm gần 32,5% kim ngạch xuất khẩu của cả nước (405,53 tỷ USD), dẫn đầu các vùng kinh tế trong cả nước.
Thu hút đầu tư nước ngoài: Năm 2024, vùng Đồng bằng sông Hồng có sự bứt phá mạnh mẽ, dẫn đầu cả nước với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 20 tỷ USD (cả nước đạt 38 tỷ USD).
Trong đó 4 địa phương trong vùng thuộc top 5 cả nước: Bắc Ninh dẫn đầu cả nước với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 5,12 tỷ USD, chiếm 13,4% tổng vốn đầu tư cả nước, gấp hơn 2,8 lần cùng kỳ; Hải Phòng đứng thứ hai với hơn 4,94 tỷ USD, chiếm 12,9% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 42,4% so với năm 2023; tiếp theo là Quảng Ninh, Hà Nội lần lượt là 2,8 tỷ USD và 2,1 tỷ USD.
Số doanh nghiệp đang hoạt động 307.139 doanh nghiệp, chiếm 32,67% cả nước (940.078 doanh nghiệp), đứng thứ 2/6 vùng kinh tế - xã hội, sau vùng Đông Nam Bộ (367.881 doanh nghiệp).
Số doanh nghiệp thành lập mới trong năm đạt 48.027 doanh nghiệp với tổng số vốn 570,991 nghìn tỷ đồng, chiếm 36,9% tổng số vốn cả nước (1.547,032 nghìn tỷ đồng).
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về hội nghị.