Đối với người dân nghèo vùng cao, để góp sức xây dựng Nông thôn mới, ngoài bỏ sức lao động, họ còn tự nguyện bán từng con gia súc, gia cầm cốt là để xây dựng quê hương tươi đẹp hơn. |
Theo Văn phòng điều phối Nông thôn mới (NTM) của tỉnh Hà Giang, trong tháng 5/2024, các huyện, thành phố của Hà Giang đã thực hiện được 17.521m đường bê tông, bó láng nền nhà cho 185 hộ; xây dựng 135 công trình nhà tắm; 159 nhà tiêu hợp vệ sinh; 41 bể nước, téc nước; cứng hóa, di dời 51 chuồng trại...
Nhân dân hiến 56.336 m2 đất để làm đường bê tông và các công trình; đóng góp 13.098 ngày công lao động; mở mới 13.144 m đường đất, đá; sửa chữa, nâng cấp, mở rộng 22.780 m đường.
Nhìn từ những con số ấn tượng trên, mời bạn đọc cùng phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam tìm hiểu câu chuyện làm NTM ở huyện Bắc Quang, như một lát cắt nhỏ về những cống hiến của người dân vùng cao đối với chương trình ý nghĩa này.
NHỮNG TẤM GƯƠNG GÓP SỨC XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Xã Đồng Tâm, huyện Bắc Quang (Hà Giang) hơn 4 năm trở về trước, đường xá còn lổm nhổm đất và đá, tôi đi chiếc xe máy mà trồ lên trồ xuống hơn 1 giờ mới từ xã Tân Quang vào đến trung tâm xã. Giờ quay lại, chúng tôi cảm nhận rõ khu vực trung tâm xã dường như đã thay da, đổi thịt.
Ông Nguyễn Anh Tuấn – Chủ tịch UBND xã Đông Thành bảo rằng, sức dân góp phần xây dựng Nông thôn mới rõ nét nhất ở tiêu chí làm đường giao thông.
Có nhà có của ăn, của để mới đóng góp, có nhà không có cũng bán hết trâu, bò để mà làm đường, bởi xã chỉ cho xi măng thôi, còn lại vật liệu, nhân công do dân góp cả.
Phóng viên được Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm Nguyễn Văn Phú dẫn đến gặp ông Lại Quang Hưng, trú tại thôn Chang. Ông Hưng là một trong những người có đóng góp về đất nhiều nhất để xây dựng Nông thôn mới ở xã Đồng Tâm.
Theo ông Hưng, đến thời điểm hiện tại gia đình ông đã hiến khoảng hơn 3000m2 đất để địa phương xây dựng Nông thôn mới.
Đáng nói nhất là việc gia đình ông đã hiến toàn bộ đất để xã Đồng Tâm xây dựng Trường mầm non Đồng Tâm.
“Lúc đó tôi chỉ nghĩ đơn giản hiến đất là để cho con cháu có nơi học tập, đó là chuyện nên làm cho tương lai các cháu thôi. Gần nhà tôi, có hộ còn không đồng ý cho nhân dân làm đường bê tông qua đất của họ, thấy thế tôi phải sang nhà vận động thuyết phục để họ đổi đất với gia đình tôi, còn tôi lấy đất này để làm đường bê tông cho hơn 50 hộ đi qua”. Nói xong, ông Hưng cười khoái chí.
Ở thôn Nhạ của xã Đồng Tâm cũng đồn thổi về câu chuyện điển hình trong đóng góp làm đường của gia đình ông Giàng Seo Lùng.
Năm 2021, trong khí thế sôi nổi Nhà nước hỗ trợ xi măng cho nhân dân làm đường, ông Lùng cũng cổ vũ phong trào bằng cách bán 2 vườn cây, bán nốt con trâu duy nhất trong gia đình để có hơn 70 triệu đồng để đóng góp làm đường bê tông. Trong khi đó, gia đình ông Lùng mới chỉ thoát nghèo từ năm 2019.
Việc thi đua xây dựng NTM ở huyện vùng cao Bắc Quang không khác gì chuyện thi đua yêu nước giữa thời bình.
Trong số những cá nhân tiêu biểu ấy có cả sự góp mặt của hộ gia đình ông Nguyễn Quang Lịch ở thôn Thượng, xã Đồng Tâm.
Ngoài bỏ hơn 50m chiều dài để làm đường 2,5m cho 28 hộ dân đi qua, ông Lịch còn xung phong đóng góp hơn 80 triệu đồng để xây Cầu Bản, đổ đường bê tông.
Nhờ sự tâm huyết, nỗ lực của chính quyền địa phương và sự đồng thuận, hưởng ứng của nhân dân diện mạo nông thôn ngày nay ở Đồng Tâm càng khang trang và hiện đại.
cán bộ cùng nhân dân đồng lòng
Ông Nguyễn Anh Tuấn – Chủ tịch UBND xã Đông Thành, huyện Bắc Quang ngồi uống nước chè tỉ tê với tôi rằng, nếu không kể công sức của cán bộ xã, các thầy cô giáo thì còn thiếu sót. Điều đó thể hiện rõ ràng bằng hành động.
“Hàng tuần, vào thứ 7, chủ nhật cán bộ xã, giáo viên các trường thường xuyên tổ chức lao động cộng sản cùng bà con phát dọn đường hoặc cùng nhau đổ bê tông làm đường.
Thậm chí, có những thời điểm gấp rút chúng tôi còn vận động cùng nhau làm vào ngày thường chứ không nhất thiết mỗi cuối tuần”, ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, từ đầu năm đến thời điểm này, xã đã tổ chức 45 buổi lao động cộng sản, với 1.983 lượt người tham gia.
Trong đó, chủ yếu là san nền đường, trồng cây phân tán tại thôn, đổ bê tông, chỉnh trang khuôn viên trụ sở xã…
Thôn Khuổi Niếng, xã Đông Thành là một trong những tập thể tiêu biểu trong công tác xây dựng Nông thôn mới ở địa phương.
Bà Đàm Thị Hằng – Trưởng thôn Khuổi Niếng cho biết, từ năm 2023 đến nay thôn đã vận động nhân dân đóng góp được hơn 2 tỷ đồng để xây dựng công trình Nông thôn mới. Từ đầu nhiệm kỳ, thôn đã hoàn thành hơn 5km đường bê tông đạt chuẩn.
Ở Khuổi Niếng, gia đình tiêu biểu được đề nghị khen thưởng vì có đóng góp xây dựng nông thôn có hộ ông Bàn Văn Quang.
Năm 2022, ông Quang đã đứng ra vận động các hộ dân làm đường bê tông với chiều dài 555m, riêng nhà ông Quang từ nguyện bán cả đàn trâu 3 con được hơn 70 triệu đồng đề góp vốn làm đường.
Ngoài phong trào thi đua làm đường bê tông, nhiều hộ dân đã thi đua làm kinh tế giỏi như hộ ông Hoàng Văn Bắc ở thôn Khuổi Niếng với hàng chục ha cam, quế…Gia đình bà Ngô Thị Bích với mô hình nuôi vịt, từ đó nâng cao tiêu chí thu nhập và đóng góp tài sản để thực hiện những tiêu chí khác.
Rời khỏi bản làng Khuổi Niếng, tôi vẫn nhớ như in câu nói của ông Bàn Văn Quang: “Nhờ Nông thôn mới mà lũ trẻ nhà tôi thoát khỏi cảnh bùn đất dính đầy quần áo khi đến trường, điện thắp sáng cũng được kéo đến nhà để phục vụ sản xuất. Đúng là Nông thôn mới nên cái gì cũng mới và khang trang”.
Thực hiện: Phàn Giào Họ Đồ họa: P. Họ |