Độc đáo trang phục của cô dâu trong lễ cưới người Dao đỏ
Theo thời gian, một số phong tục truyền thống dần bị mai một, nhưng với người Dao đỏ ở Hà Giang những đặc trưng trong trang phục cưới vẫn được giữ gìn và tiếp nối. |
Cái rét ngọt cuối mùa cùng những cơn mưa xuân lất phất không làm giảm đi không khí náo nhiệt tại đám cưới của gia đình ông Nguyễn Văn Bàn, thị trấn Việt Quang, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang. Sau vài lần với những lễ vật truyền thống mang sang nhà gái, hôm nay, ông Bàn cũng chọn được ngày giờ tốt để làm đám cưới cho 2 con của mình. |
Trong đám cưới, hầu hết dân làng đều diện những trang phục truyền thống đến dự và giúp việc cho gia đình. Những bộ quần áo được thêu dệt hoàn toàn bằng tay, chỉ mang ra mặc vào những dịp đặc biệt như một cách trân trọng bản sắc giữa thời đại du nhập đa văn hóa hiện nay. Nổi bật nhất là trang phục của cô dâu với khăn, mũ trùm đầu có tua chỉ màu sắc sặc sỡ và những đường thêu hoa văn thổ cẩm tinh xảo. Cô dâu mới được mặc một bộ trang phục gồm khăn quấn đầu, vòng bạc, áo trong, áo khoác ngoài, vòng bông cổ áo... họa tiết trang trí với 5 nhóm màu cơ bản: đỏ, đen, trắng, vàng, xanh, trong đó màu đỏ và đen là hai gam màu chủ đạo. Bởi người Dao Đỏ quan niệm 2 màu này đem lại sự may mắn, đủ đầy, hạnh phúc. |
Cũng giống như những dân tộc khác, trang phục của người phụ nữ có điểm nhấn là các vòng, kiềng được làm thủ công bằng bạc. Đây là tín vật mẹ chồng gửi trao cho người phụ nữ khi họ đi lấy chồng. Không giống với các dân tộc khác, dân tộc Dao Đỏ quan niệm rằng người phụ nữ khi đi lấy chồng, thắp hương ở nhà chồng, chăm lo cho gia tiên nhà chồng nên được mẹ chồng gửi gắm trách nhiệm thông qua chiếc vòng bạc mà họ đeo, vừa là của hồi môn, vừa là thước đo giá trị tình cảm của mẹ chồng, nàng dâu. |
Khi con gái đi lấy chồng, theo quan niệm của người Dao, không được để mặt trời nhìn thấy mặt bởi sợ mất vía cô dâu, sẽ không gặp may trong cuộc đời sau này. Vì thế, trong rất nhiều tư liệu về phong tục cưới của người Dao, cô dâu sẽ luôn được che bằng chiếc lộng lớn hoặc phủ một tấm vải kín mặt trong suốt hành trình về nhà chồng. Nhưng trong hầu hết đám cưới hiện nay của người Dao đỏ tại Bắc Quang, cô dâu chỉ còn phủ một tấm vải đen hình chữ nhật có đường diềm hoa văn thổ cẩm truyền thống và gài ghim ở phần dưới, để lộ khuôn mặt đang độ xuân sắc được tô điểm kĩ càng. Theo đánh giá của TS. Bàn Tuấn Năng (Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) thì đây là sự dịch chuyển về văn hóa mang tính hiện đại hơn và hoàn toàn có thể chấp nhận được, dẫu không còn những chiếc mũ che mặt đầy tinh tế, đính kết cầu kì nhưng cô dâu đã có thể khoe được niềm vui trong ngày cưới mà vẫn khéo léo có những vật tượng trưng thay thế để giữ gìn được văn hóa ông cha. |
Gìn giữ văn hoá Dao
Nằm ở cửa ngõ phía Nam của tỉnh Hà Giang, huyện Bắc Quang là địa bàn sinh sống của 19 dân tộc anh em. Trong đó, nhóm Dao đỏ thuộc dân tộc Dao là nhóm đồng bào sinh sống lâu đời và giữ gìn được gần như nguyên vẹn bản sắc văn hóa qua nhiều thế hệ. Người Dao ở Việt Nam chia làm nhiều nhóm khác nhau, tại huyện Bắc Quang, Hà Giang cũng đã có 2 nhóm là Dao đỏ (hay còn gọi là Dao đại bản) và Dao áo dài. Tuy nhiên, cùng sinh sống trên một địa bàn nhưng hai nhóm Dao này lại không hoàn toàn sử dụng chung ngôn ngữ. Chính điều này cũng phản ánh một phần sự đa dạng trong văn hóa của riêng dân tộc Dao. Khác biệt tiếng nói, khác biệt trang phục, các phong tục trong các lễ hội cũng khác biệt nhau. |
Theo tiến sĩ Bàn Tuấn Năng: Sợi dây gắn kết bền chặt nhất trong đức tin của các nhóm đồng bào Dao là có chung một nguồn cội, có chung một ông tổ của người Dao - Bàn Vương. Chính niềm tin về nguồn cội của dân tộc mình như vậy nên dẫu sau rất nhiều cuộc di cư đến sinh sống ở các khu vực khác nhau, với đa dạng nhóm sắc tộc như Dao đỏ, Dao tiền, Dao quần trắng, Dao áo dài, … đồng bào Dao vẫn gìn giữ được bản sắc độc đáo của dân tộc mình. “Bất cứ dân tộc nào cũng cần có ký ức văn hóa để giữ được truyền thống và phát triển hưng thịnh. Người Dao cũng cần những câu chuyện ghi tác lại những giá trị truyền thống cốt lõi, để khi xã hội dịch chuyển tạo ra sự biến đổi tác động ít nhiều đến văn hóa truyền thống, thì những ký ức thấm đẫm lịch sử của bao thế hệ, những kỉ vật quá khứ được giữ lại và trao truyền chính là minh chứng rõ nét nhất cho sức sống của một dân tộc trong dòng chảy văn hóa Việt Nam”. |
Cũng theo tiến sĩ Bàn Tuấn Năng: Bản thân là hậu duệ của Bàn Vương, mang trên mình nhiệm vụ bảo tồn phong tục của đồng bào Dao, ông tin vẫn còn rất nhiều khía cạnh văn hóa cần được nghiên cứu sâu rộng hơn để đảm bảo công cuộc bảo tồn đạt hiệu quả. Nhắc đến dân tộc Dao, có thể nhắc đến lễ cấp sắc đang được đệ trình lên UNESCO công nhận là Di sản văn hóa của nhân loại, nhưng cũng có thể nhắc đến sự đa dạng bậc nhất về trang phục. Những bộ quần áo đắt giá không chỉ bởi cần thời gian dài với công sức tỉ mẩn của những người bà, người mẹ, người vợ chăm chút, mà còn bởi vị sức nặng của văn hóa ẩn chứa trong từng đường chỉ may, từng tấc vải. |
Xã hội hiện đại, rồi sẽ có những thay đổi ít nhiều, sử dụng máy móc để tạo hình hoa văn truyền thống, giản lược các thủ tục văn hóa để giảm áp lực tiền bạc, tổ chức, nhưng nếu còn tôn trọng văn hóa, tôn trọng giá trị nguồn cội, văn hóa sẽ tạo ra một cuộc sống ấm no cho thôn bản, văn hóa sẽ giúp vực dậy niềm tin, khởi hưng kinh tế và giúp đồng bào người Dao nói riêng và đông bào dân tộc thiểu số nói chung có thêm động lực để gìn giữ những phong tục tập quán độc đáo của dân tộc mình cho muôn đời sau. |
Bài: Huyền My - Thanh Hà Ảnh: Lê Thanh Đồ họa: Hà Thư |