e magazine
Điểm nhấn nâng tầm du lịch Hà Giang

06/10/2022 16:16

Vẻ hùng vĩ của núi rừng pha trộn lẫn vẻ đẹp được tôn tạo từ bàn tay, khối óc của đồng bào vùng cao đã khiến dải đất Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang) đẹp mê mẩn trong mắt du khách thập phương. Nhờ nắm bắt được những lợi thế ấy, huyện Hoàng Su Phì đã có những chỉ đạo, định hướng đúng đắn để thúc đẩy du lịch phát triển gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số.

a1

Vẻ hùng vĩ của núi rừng pha trộn lẫn vẻ đẹp được tôn tạo từ bàn tay, khối óc của đồng bào vùng cao đã khiến dải đất Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang) đẹp mê mẩn trong mắt du khách thập phương.

Nhiều danh thắng đẹp

Huyện vùng cao Hoàng Su Phì nằm ở phía Tây của tỉnh Hà Giang vốn được biết đến là vùng đất nghèo nàn, thường xuyên xảy ra thiên tai, sạt lở. Tuy nhiên, nhờ vận dụng lợi thế của vùng, địa phương này đang dần thay da, đổi thịt.

Một trong những thế mạnh để thúc đẩy nghành công nghiệp không khói phát triển ở địa phương này nhằm giúp nhân dân nâng cao mức sống là vẻ đẹp vốn có của ruộng bậc thang. Theo đó, huyện Hoàng Su Phì có tổng diện tích ruộng bậc thang khoảng 3.700ha, trải dài trên toàn bộ 25 xã, thị trấn, nhưng những thửa ruộng đẹp và có quy mô lớn chủ yếu tập trung trên diện tích 1.380ha tại 11 xã Sán Sả Hồ, Bản Phùng, Nậm Ty, Thông Nguyên, Tả Sử Choóng… Đây là những địa điểm thuộc di tích ruộng bậc thang Hoàng Su Phì đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng quốc gia vào các năm 2011 và 2016.

a2

Nhằm phát huy hiệu quả những thế mạnh sẵn có, huyện Hoàng Su Phì đã xây dựng làng văn hóa du lịch cộng đồng tại một số nơi có thắng cảnh đẹp như: Làng văn hóa du lịch Nậm Hồng, xã Thông Nguyên; Làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Pố Lũng, thị trấn Vinh Quang; Làng văn hóa du lịch Phìn Hồ, xã Thông Nguyên; Làng văn hóa thôn Giàng Thượng, Làng Giang, xã Thông Nguyên; Làng văn hóa du lịch thôn Lê Hồng Phong, xã Nam Sơn; Làng văn hóa du lịch thôn Đoàn Kết, xã Hồ Thầu; Làng văn hóa Suối Thầu, xã Bản Luốc…

a 3

Song song với việc xây dựng những làng văn hóa, cộng đồng văn hóa, hàng năm huyện Hoàng Su Phì cũng chỉ đạo, phối hợp với các xã tổ chức tuần văn hóa du lịch qua những miền di sản để bảo tồn, gìn giữ nét văn hóa vốn có của đồng bào các dân tộc thiểu số. Việc tổ chức lễ hội này cũng giúp du khách trải nghiệm, hòa mình cùng văn hóa vùng cao.

Theo thống kê của Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hoàng Su Phì, trong 9 tháng đầu năm 2022, tổng số khách lưu trú, khách du lịch đến địa phương ước đạt 72.000 lượt khách (trong đó khách nước ngoài 1.700 lượt). Doanh thu ước đạt trên 61,2 tỷ đồng.

a3

Làng văn hóa du lịch tiêu biểu

Theo đó, thôn Nậm Hồng, xã Thông Nguyên là một trong những điểm đến thu hút du khách nhiều nhất của địa phương này, nhất là mùa lúa vàng rộ. Ông Triệu Mềnh Quyên – Thành viên sáng lập cơ sở du lịch Hoàng Su Phì Bungalow cho biết, năm 2017 gia đình ông bắt đầu xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng homestay.

a4

Bà Nguyễn Thị Yến – Du khách Hà Nội bộc bạch: “Đây là lần đầu tiên lên Nậm Hồng, nhưng tôi ấn tượng với văn hóa của người dao ở vùng này, nhất là trang phục rất đẹp. Ngoài ra, cảnh quan và không khí ở đây cũng rất tuyệt vời”.

u1

Đến thởi điểm hiện tại, làng văn hóa du lịch thôn Nậm Hồng hiện có các dịch vụ gồm: Dịch vụ vận chuyển bằng xe máy (17 thành viên đã được đào tạo tập huấn); Dịch vụ tắm lá thuốc truyền thống của dân tộc Dao tại 11 homestay trong đó có 2 cơ sở tại 02 Ecolodge có thể phục vụ đồng thời 06 khách; Dịch vụ văn hóa văn nghệ với 01 đội văn nghệ 14 thành viên là diễn viên, nghệ nhân trong thôn đã được tập huấn. Dịch vụ bán sản phẩm địa phương tại 02 homestay; Dịch vụ hướng dẫn với 04 hướng dẫn viên địa phương đã được Sở Văn hóa Thể thao và du lịch cấp thẻ hành nghề, 2 người phiên dịch tiếng Anh…

Ông Triệu Vằn Khuân – Chủ tịch UBND xã Thông Nguyên cho biết: “cả xã hiện nay có 14 cơ sở làm dịch vụ homestay, sau dịch bệnh lượng khách du lịch đã tăng đáng kể, đem lại nhiều nguồn thu cho người dân địa phương. Đặc biệt, chúng tôi cũng gắn xây dựng Nông thôn mới với phát triển du lịch, nhất là ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, trồng nhiều loại cây cảnh dọc đường tạo cảnh quan, gieo hoa cải vào vụ đông để du khách ngắm hoa và chụp ảnh”.

a6

Sẵn sàng đón khách du lịch

Trao đổi với Báo Pháp luật Việt Nam về phương diện quản lý, ông Hoàng Văn Tân – Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì cho biết: “Ngay sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, huyện Hoàng Su Phì tiếp tục tập trung cho phát triển du lịch. Từ đầu năm 2022 huyện đã chỉ đạo các cơ sở lưu trú, các làng văn hóa du lịch chuẩn bị cơ sở vật chất, cải tạo cảnh quan để tổ chức chương trình du lịch đón xuân với đồng bào vùng cao thông qua việc tổ chức các lễ thức, lễ hội văn hóa dân gian để đón và phục vụ khách du lịch cùng ăn tết và trải nghiệm các sinh hoạt văn hóa trong dịp Tết Nguyên đán.

a7 (1)

Đến mùa nước đổ, huyện tiếp tục cho các xã, cơ sở lưu trú tổ chức các hoạt động trải nghiệm như săn mây, chụp ảnh, trải nghiệm cày cấy trong sản xuất lúa nước và tổ chức các lễ thức, lễ hội gắn với vụ cấy. Đặc biệt, trong mùa lúa chín năm nay, huyện tổ chức Tuần văn hóa du lịch Qua những miền di sản ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, diễn ra từ cuối tháng 8 đến giữa tháng 10 với những lễ thức, lễ hội văn hóa dân gian độc đáo, đây là dịp để du khách chiêm ngưỡng vẻ đẹp của danh thắng ruộng bậc thang của huyện và trải nghiệm những hoạt động sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp (như bắt cá chép ruộng; thu hoạch lúa...). Bên cạnh đó, huyện cũng tiếp tục quan tâm thu hút đầu tư, hỗ trợ cho các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển kết cấu hạ tầng du lịch để đáp ứng yêu cầu của du khách ngày một tốt hơn.

Nói về việc làm du lịch kết hợp giữ gìn bảo tồn bản sắc văn hóa địa phương, ông Tân cho hay, nhằm phát triển du lịch theo hướng bền vững, huyện Hoàng Su Phì xác định hai mũi nhọn chính là du lịch sinh thái và du lịch văn hóa cộng đồng. Từ đó, huyện đã tập trung khai thác tiềm năng thế mạnh về cảnh quan như danh thắng ruộng bậc thang, vườn chè cổ thụ, thiên nhiên hoang sơ, các làng bản truyền thống… gắn với đó là việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa như bảo tồn cảnh quan kiến trúc, làng bản, nghề và làng nghề truyền thống, tổ chức các lễ thức, lễ hội văn hóa liên quan đến tập quán canh tác nông nghiệp theo nghi thức truyền thống và các làn điệu dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian, ẩm thực địa phương để khách du lịch vừa tham quan đồng thời có thể trải nghiệm. Bên cạnh đó, huyện cũng đặc biệt quan tâm đến vai trò của người dân, tạo điều kiện cho họ được tham gia kinh doanh du lịch. Để từ đó phát huy được thế mạnh riêng có của địa phương trong lĩnh vực này.

a7 (2)

Về xây dựng cơ sở hạ tầng, chỗ ăn ngủ, giá cả sao cho hợp lý theo ông Tân thời gian tới, sẽ có nhiều khách du lịch trong và ngoài nước sẽ đến với Hoàng Su Phì. Do đó, phải cần làm tốt, nâng cao chất lượng các dịch vụ du lịch, nhất là các dịch vụ như ăn, nghỉ, trải nghiệm...

aa

Hiện nay, về cơ bản huyện Hoàng Su Phì đã hình thành được một số điểm du lịch cộng đồng để cung cấp các dịch vụ trải nghiệm cho khách du lịch với mức giá cả và chất lượng dịch vụ tương đối hợp lý. Thời gian tới đây huyện xác định sẽ tập trung phát triển, nâng cao chất lượng các dịch vụ du lịch để hướng tới phục vụ, cung cấp cho nhiều dòng khách thông qua việc sử dụng tối đa hiệu quả các nguồn vốn đầu tư hỗ trợ của các chương trình, dự án và vốn đầu tư các tổ chức, cá nhân để phát triển các khu nghỉ dưỡng, điểm du lịch chất lượng cao để có thể cung cấp các dịch vụ phù hợp từ bình dân trở. Cùng với đó là việc kiểm soát chặt chẽ về giá cả và chất lượng các dịch vụ tương ứng, không để xảy ra tình trạng chặt chém, ép giá; kịp thời giải quyết những vướng mắc để sẵn sàng đáp ứng những yêu cầu khách du lịch khi đến với huyện.

Bài và ảnh: Phàn Giào Họ