Đó là ngôi đền Hỏa Thần nằm trên phố Hàng Điếu (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) - Di tích lịch sử đã được xếp hạng cấp Quốc gia. .
Nằm trong ngõ nhỏ, chỉ cách mặt phố Hàng Điếu một đoạn ngắn nhưng ở đây dường như một không gian khác. Trái với sự ồn ào náo nhiệt của những người và xe nườm nượp như nước chảy từ tinh mơ đến hoàng hôn ở ngoài kia, nơi đây không còn những xô bồ bụi bặm của cuộc sống đời thường, bước chân vào sân đền Hỏa Thần ta bỗng thấy lòng thanh tao, trầm lắng lạ, dường như những bon chen vội vã đã dừng lại ở phía sau...
Đền Hỏa Thần là ngôi đền duy nhất thờ Thần Lửa tại Hà Nội và của nước ta. Được xây dựng đầu thế kỷ 19, ngôi đền được 34 lần sắc phong và được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào năm 1996. Theo “Hỏa thần miếu bia ký” dựng ngày tốt tháng 7 năm Thiệu Trị, đền Hỏa Thần được xây dựng năm Minh Mệnh thứ 19 (1838) ở ngoài Cửa Đông thành Hà Nội với kiến trúc đơn sơ. Trải qua các triều vua, đền đều được ban sắc phong thần và được trùng tu sửa chữa nhiều lần, đơn cử lần trùng tu ở các năm Thiệu Trị thứ nhất (1841), Tự Đức năm đầu (1848), xây thêm Phương đình, nhà tiền tế năm Giáp Tý niên hiệu Tự Đức (1864) dựng bia ghi việc công đức tu sửa đền. Theo Lược sử ngôi đền, đền Hỏa Thần thuộc thôn Yên Nội tổng Tiền Túc xưa, sau đổi thành tổng Thuận Mỹ, huyện Thọ Xương, kinh thành Thăng Long. Địa chỉ ngôi đền ngày nay thuộc số nhà 30 phố Hàng Điếu, phường Cửa Đông, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Về lý do người xưa dựng lên ngôi đền này, theo Lược sử đền Hỏa Thần, thì với quy hoạch và đặc điểm kiến trúc đô thị của người Hà Nội xưa: kinh thành đất chật người đông, nhà ở liền sát nhau, vật liệu xây dựng chủ yếu là tranh tre nứa lá lên họa họa rất dễ xảy ra và có sức tàn phá cực kỳ dữ dội.
Sử cũ đã nhiều lần viết về các vụ hỏa tai lớn xảy ra tại kinh thành Thăng Long, theo ghi chép, đầu năm 1828 Hà Nội có vụ cháy 200 nhà, giữa năm cháy 1420 nhà của 27 phường. Đến năm 1837 lại cháy thêm 1400 nhà nữa. Vì thế người dân đã lập ngôi đền thờ thần Hỏa, cầu xin thần dập lửa. Mặc dù vậy, theo ghi nhận thì đến năm 1885, ở khu phố cổ Hà Nội vẫn cháy nhiều.
Chính điện đền Hoả Thần. |
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hỏa hoạn, có thể là do giặc ngoại xâm đốt phá, do khí hậu khô hành cùng với sự bất cẩn của người dân trong sử dụng lửa sinh hoạt. Nhưng vì bất kỳ nguyên nhân nào thì cũng dẫn đến những thiệt hại
Trước tác hại của hỏa hoạn, người Thăng Long đã chọn các giải pháp để chế ngự phòng ngừa, hạn chế tác động hỏa tai. Trong đó biện pháp chủ động phòng cháy chữa cháy trở thành quy định của triều đình, bao gồm cẩn tắc trong việc sử dụng lửa để triệt tiêu nguyên nhân cháy và mọi nhà đều chuẩn bị dụng cụ cứu hỏa.
Ngôi đền được xây dựng từ thế kỷ 19. |
...và đã được xếp hạng Di tích cấp Quốc gia năm 1996. |
Một văn bia cổ nhuốm màu thời gian... |
Bên cạnh đó, giải pháp tâm linh là việc phụng thờ Thần Hỏa để mong sao hỏa hoạn không xảy ra. Biện pháp này nhằm đem lại sự an lạc về tinh thần cho nhân dân. Đó là lý do ra đời của đền Hỏa Thần ngay trong lòng phố cổ Hà Nội. Đền Hỏa Thần thờ vị thần trông coi vì lửa là Quang Hỏa Mã Nguyên súy, theo truyền thuyết thần vốn là Phật đăng - tức cây đèn trong cửa Phật, nhờ được nghe thuyết pháp nhiều nên giác ngộ và trở thành môn đệ của Phật. Do tính hỏa (tính tình nóng nảy) nên không giữ được nghiêm giới luật, phải xuống trần đầu thai vào họ Phùng. Khi đắc đạo, được về trời là môn đệ của Ngọc hoàng thượng đế, chuyên việc trừ hỏa tai, với mục đích cầu mong thần phù giúp, ngăn ngừa hỏa hoạn ở chốn kinh thành.
Vậy nên đền thờ Thần Lửa nhưng vị thần này chủ yếu phòng ngừa hỏa tai, phòng cháy chữa cháy. Dân gian gọi ngôi đền này là đền thờ ông tổ phòng cháy chữa cháy là vậy. Theo sách Đường phố Hà Nội, trước đây trong đền Hỏa Thần có một quả chuông to bằng đồng, hễ có hỏa hoạn thì thỉnh chuông lên Hỏa thần nghe thấy sẽ về trừ họa. Trải qua thời gian và những nắng mưa thời cuộc, quả chuông cổ nay không còn... Đền Hỏa Thần hiện nay là sản phẩm của lần tu bổ tôn tạo năm Kỷ Hợi 2019. Theo quan sát, đền Hỏa Thần hiện nay được xây dựng khang trang, đẹp đẽ nhưng cơ bản vẫn giữ được nét cổ kính với nhà tiền tế, gian hậu cung, nhà sắp lễ và gian phương đình ở hai bên.
Khoảng sân phía trước đền tuy không rộng nhưng bài trí đẹp mắt, có một số cây xanh được trang trí đèn lồng. Một giếng nước xây bằng đá màu xám với những hoa văn chạm khắc khá tinh xảo ở góc sân, theo nhà đền thì giếng này mới được thiết kế cho hợp phong thủy, chứ không phải giếng cổ. Một bàn thờ Tổ quốc ghi công dưới tán cây hoa đại ngát hương.
Giếng đá trước sân đền.
|
Không gian xanh mát với nhiều hoa cảnh, treo đèn lồng đẹp mắt. |
Với những ý nghĩa và giá trị nhân văn, đặc sắc riêng có của ngôi đền cổ trên đất Hà Nội linh thiêng và hào hoa, đền Hỏa Thần đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào năm 1996. Hàng năm tại đền vào dịp xuân thu nhị kỳ, chính quyền và nhân dân phường Cửa Đông đều tổ chức trọng thể hai dịp lệ chính và 28/3 và 28/9 âm lịch, tương truyền đây là ngày sinh và ngày hóa của Thần.
Cách đền Hỏa Thần vài trăm mét là một con phố nhỏ mang tên phố Nhà Hỏa. Theo tìm hiểu, tên phố Nhà Hỏa không thể hiện đây là phố có trụ sở cơ quan cứu hỏa của đất kinh kỳ xưa, mà chỉ vì nó ở gần khu vực có đền Hỏa Thần.