Truyền thuyết về Thủy tổ Quốc mẫu
Theo Di tích lịch sử Đền Tiên, ngôi đền này có lịch sử gần 5000 năm. Đền thờ Ngọc Nương Thần Long Hồng Đăng Ngàn- hoàng hậu của Thủy tổ Nam Bang Kinh Dương Vương.
Người là mẹ của vua Lạc Long Quân và là bà nội của các Vua Hùng, là Thủy tổ Quốc mẫu của dân tộc Việt Nam. Theo văn bia khu Di tích, ngày sinh của Thủy Tổ quốc mẫu là 5/5 âm lịch, ngày giỗ 10/10 âm lịch. Nhân dân trong vùng lấy ngày giỗ của người làm ngày hội Đền.
Truyền thuyết kể lại rằng, vua Kinh Dương Vương trong một lần ngao du sơn thủy đến hồ Động Đình, nhân duyên trời định đã một người con gái nhan sắc tuyệt trần, tự xưng là Thần Long, con gái Động Đình Quân. Vua cho rằng đây là điềm trời xui khiến, liền đón nàng về thành Phong Châu nước Việt.
Một năm sau, nàng sinh cho vua người con trai Sùng Lãm, tức Lạc Long Quân, nên được phong làm Hoàng hậu, ngự tại cung Tiên Cát. Sau khi Lạc Long Quân được vua cha truyền ngôi, mẫu Thần Long cho rằng mình đã làm tròn bổn phận nên được hai người chị em kết nghĩa là Thủy Tinh Ngọc Nữ và Bạch Hoa Ngọc Nữ đón về trời.
Tại nơi Mẫu hóa, vua Lạc Long Quân cho lập Đền Tiên, sai 3 hoàng tử trong bọc trăm trứng là Cự Linh Lang, Ất Linh Lang và Linh Thông Thủy trông coi đền thờ bà nội, cùng hai người em kết nghĩa của bà là Thủy Tinh Ngọc Nữ và Bạch Hoa công chúa.
Quang cảnh Đền Tiên nhìn ra trong ra ngoài cổng. |
Theo các bậc cao niên trong vùng, Đền Tiên là một trong những ngôi đền cổ nhất nước Việt, được dựng lên từ thời Hùng Vương, có lịch sử gần 5000 năm. Vị trí ngôi Đền Tiên cổ cách ngôi đền hiện nay chừng nửa cây số. Đền Tiên xưa kia tuy đơn sơ nhưng đã đầy đủ hạng mục nhà tiền tế, gian hậu cung. Tương truyền gian hậu cung của ngôi Đền cổ chính là nơi Mẫu hóa.
Tại ngôi đền cổ đó, nhiều thế kỷ qua, các thế hệ người dân Tiên Cát nói riêng và nhân dân Đất Tổ nói chung đã hương khói thờ tự Quốc Mẫu, hàng năm vào dịp ngày giỗ của Mẫu mùng 10 tháng 10 âm lịch nhân dân trong vùng mở hội linh đình tạ ơn Thánh Mẫu và cầu quốc thái dân an, mùa mảng tươi tốt. Đền Tiên cổ cũng từng nhiều lần được Sắc phong, trong đó có Thần sắc ngày 7/3 niên hiệu Tự Đức 7 (1854); Thần sắc ngày 6/4 niên hiệu Tự Đức 11 (1858); Thần sắc phong ngày 1/7 niên hiệu Đồng Khánh 2 (1887); Thần sắc phong ngày 24/11 niên hiệu Tự Đức 33 (1880).
Năm 1949, Đền Tiên bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Sau đó, trải qua những thăng trầm của thời cuộc, vị trí Đền Tiên cổ được giao để xây dựng một nhà máy. Theo các bậc cao niên trong vùng, khi xây dựng nhà máy, biết trên đất có ngôi đền cổ linh thiêng nên người ta vẫn giữ nguyên nền cũ của gian hậu cung, tương truyền là nơi mẫu hóa. Nền đó người ta trồng một số cây xanh, nay đã thành cây cổ thụ, chứ họ không dám làm gì. Nhân dân các cửa họ trong làng có nguyện vọng được vào thăm lại nền cũ của gian hậu cung, hương khói trong các dịp lễ hội, tết nhất nhưng không được phép vì đó là diện tích đất nhà máy được giao để sản xuất.
Năm 1999, được phép của UBND tỉnh Phú Thọ, nhân dân Tiên Cát và nhân dân cả nước góp công góp của để xây dựng Đền Tiên với quy mô như hiện nay, có đủ các hạng mục: lầu chuông, lầu trống, tả mạc, hữu mạc. Nhà Tả mạc thờ tổ tiên các dòng họ trong làng, còn nhà Hữu mạc là nơi thờ những người có công với làng.
Ngày 21/7/2003, Đền Tiên được UBND tỉnh Phú Thọ cấp bằng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Theo quan sát, Đền Tiên hiện tại nằm ngay trên mặt đường lớn, rất khang trang rộng rãi với nhiều cây xanh, hoa cảnh, xa xa phía trước là bát ngát mênh mang sóng nước Hồng Hà.
Không gian tâm linh đặc sắc
Hôm chúng tôi đến Đền Tiên, thật tình cờ và may mắn được gặp nhà nghiên cứu Đỗ Đại An- một người quê hương Đất Tổ nặng lòng với những gì thuộc về nguồn cội và vốn cổ. Ông Đỗ Đại An cho biết: Chiêm bái Đền Tiên, nếu tinh ý du khách sẽ thấy đôi câu đối bằng chữ quốc ngữ ngay ở cổng vào: “Nghĩa mẹ khởi nguồn dòng giống Việt/ Công cha khai sáng nước non Nam”. Nội dung câu đối đã nhắc nhớ, gợi mở cho chúng ta về lòng biết ơn nguồn cội, ơn cha Rồng mẹ Tiên đã khai thiên lập địa, sinh ra muôn dân nước Việt cùng trong một bọc.
Không gian tâm linh trong cung cấm Đền Tiên. |
Theo ông Đỗ Đại An, bước vào không gian tâm linh của Đền Tiên, du khách sẽ thấy trong đền này không thờ khí giới, các bức tranh, bức phù điêu trong đền đều thể hiện một không khí an hòa, vạn vật sinh sôi nảy nở.
Theo quan sát, trong Đền Tiên có khá nhiều bức hoành phi, câu đối sơn son thếp vàng viết bằng chữ Hán, ngợi ca công lao đức độ của Mẫu cũng như thể hiện lòng biết ơn của thế hệ con cháu với bậc tiền nhân.
Ngoài gian tiền tế với bức đại tự: “Sơn hà cẩm tú/ Thiên hạ thái bình”; trong hậu cung có bức đại tự “Tối linh điện” (điện thờ cực kỳ linh thiêng) với hai câu đối tương truyền có từ thời Lý: “Thiên khai nhất cõi Nam phương vạn cổ anh linh/ Địa truyền thập phương Hùng triều triệu niên hùng vĩ (Dịch nghĩa: Trời mở một cõi phương Nam muôn thuở linh thiêng/ Đất chuyển muôn phương triều Hùng muôn đời hùng vĩ). Lại có đôi câu đối khác: “Tổ Mẫu khai nguyên vạn cổ anh linh chiêu nhật nguyệt/ Hùng triều bảo nghiệp ước niên vạn đại lãng càn khôn” (Tạm dịch nghĩa: Sự linh thiêng của Tổ Mẫu như vầng nhật nguyệt khai sáng muôn đời/ Ước vọng của triều đại Hùng Vương vĩ đại sánh tầm trời đất).
Một trong số những bản sắc phong được lưu giữ trang trọng trong Đền. |
Gian thờ hậu cung nguy nga với 6 pho tượng dát vàng, chính giữa là tượng Thủy Tổ Quốc Mẫu cao 1,67 m, bên cạnh là Thủy Tinh ngọc nữ và Bạch Hoa công chúa, bên dưới là 3 pho tượng Cự Linh Lang, Ất Linh Lang, Linh Thông Thủy. Những pho tượng trong đền đều mang đậm nét văn hóa thời Hùng Vương.
Đền Tiên nằm trong quần thể di tích thuộc vùng kinh đô Văn Lang xưa, nơi mà khảo cổ học đã chứng minh thời văn hóa Đông Sơn cách đây mấy ngàn năm đã tồn tại. Điều đó chứng tỏ bề dày lịch sử của vùng đất cũng như khẳng định sự tồn tại của ngôi đền là có thật trong lịch sử dựng nước của dân tộc.