Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH-ĐT) đã đề xuất danh mục 28 dự án cao tốc, trong đó có 23 dự án đầu tư công, 2 dự án đầu tư PPP và 3 dự án do VEC quản lý, với tổng nhu cầu vốn là 247.660 tỉ đồng.
Cụ thể, trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ KH&ĐT đã đưa ra quan điểm, nguyên tắc, tiêu chí đầu tư.
Trong đó, việc đầu tư nâng cấp được đề nghị ưu tiên các đoạn quy mô 2 làn xe (đã hoàn thành, đang đầu tư) lên quy mô 4 làn xe để đảm bảo ATGT và đồng bộ trên toàn tuyến; Các đoạn đang mất ATGT nghiêm trọng (thường xuyên xảy ra tai nạn), đặc biệt trên trục cao tốc Bắc - Nam phía Đông, các đoạn có lưu lượng tăng cao gây ách tắc kéo dài, các dự án PPP đã đưa vào khai thác có khả năng thu xếp được nguồn vốn, thủ tục đầu tư thuận lợi.
Nhà thầu quyết tâm hoàn thành cầu Hàm Yên – cây cầu lớn nhất toàn dự án vào ngày 30/4/2025 (thuộc cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang). Ảnh deoca.vn |
Tiếp đến là ưu tiên đầu tư mở rộng toàn bộ các đoạn tuyến cao tốc có quy mô 4 làn xe hạn chế, 4 làn xe hoàn chỉnh đang khai thác lên quy mô theo quy hoạch trên trục cao tốc Bắc - Nam phía Đông và các đoạn cao tốc kết nối tại cửa ngõ trung tâm thành phố lớn, giảm ùn tắc, bức xúc về kinh tế - xã hội.
Từ đó, Bộ KH&ĐT đã đề xuất danh mục 28 dự án đầu tư (23 dự án đầu tư công, 2 dự án đầu tư PPP và 3 dự án do VEC quản lý) với tổng nhu cầu vốn là 247.660 tỷ đồng.
Cụ thể, 23 dự án đầu tư công được đề xuất nâng cấp, mở rộng cần nhu cầu vốn hơn 181.400 tỷ đồng, được chia thành hai nhóm.
Nhóm các dự án đang khai thác, gồm: Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Hoà Liên, Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - QL45, QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây.
Nhóm các dự án đang thi công, gồm: Tuyên Quang - Hà Giang đoạn qua tỉnh Tuyên Quang, Tuyên Quang - Hà Giang đoạn qua tỉnh Hà Giang; Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh, Vạn Ninh - Cam Lộ, Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh, Chí Thạnh - Vân Phong, Vân Phong - Nha Trang.
Hai dự án PPP được đề xuất mở rộng với tổng nhu cầu vốn gần 43.200 tỷ đồng, gồm: Hoà Lạc - Hoà Bình (đang điều chỉnh chủ trương đầu tư), TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận.
Ba dự án do VEC quản lý được đề xuất nâng cấp, gồm: Hà Nội - Lào Cai đoạn Yên Bái - Lào Cai, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Cầu Giẽ - Ninh Bình. Nhu cầu vốn để mở rộng 3 đoạn tuyến cao tốc khoảng hơn 23.000 tỷ đồng.
Về khả năng cân đối nguồn vốn, Bộ KH&ĐT nêu rõ, hiện nay kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 nguồn ngân sách Trung ương đã dự kiến cân đối được 15.506 tỷ đồng từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022 và dự kiến tăng thu ngân sách Trung ương năm 2023 để nâng cấp, mở rộng 5 dự án gồm: Cam Lộ - La Sơn 7.000 tỷ đồng; La Sơn - Hòa Liên 3.011 tỷ đồng; Tuyên Quang - Hà Giang đoạn qua tỉnh Tuyên Quang 2.000 tỷ đồng; Tuyên Quang - Hà Giang đoạn qua tỉnh Hà Giang 1.500 tỷ đồng; Cao Bồ - Mai Sơn 1.995 tỷ đồng.
Số vốn còn thiếu khoảng 165.897 tỷ đồng Bộ KH&ĐT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép phát hành gói trái phiếu Chính phủ khoảng 165.000 tỷ đồng để đầu tư các dự án giao thông vận tải.
Tags: