Từ thế kỷ XVII, Phật giáo đã được truyền bá đến đất Biên Hòa - Đồng Nai theo hai hướng (di dân từ miền Thuận Quảng vào và từ Trung Quốc). Việc hoằng dương đạo pháp này tiếp tục phát triển vào Biên Hòa - Đồng Nai trong các thế kỷ sau đã đóng một vai trò quan trọng trong đời sống của tầng lớp cư dân đến đây khai khẩn. Sự phát triển của Phật giáo là nhân tố thúc đẩy sự hình thành các cơ sở thờ tự tôn giáo là chùa chiền.Đại Giác tự - Chùa Phật lớn
Hiện nay, trên đất Biên Hòa - Đồng Nai có rất nhiều chùa, nhưng có ba ngôi chùa được xem là có niên đại xưa nhất, được nhà nước xếp hạng. Đó là chùa Đại Giác, chùa Bửu Phong và chùa Long Thiền. Ba ngôi chùa này do các đệ tử của Tổ Nguyên Thiều, dòng đạo Bổn nguyên - khai sơn tạo lập.
Tương truyền, lúc ban đầu, các ngôi chùa được làm bằng gỗ, vách ván, mái lợp lá dừa nước, nền đất sét. Đây là những vật liệu khá phổ biến, có sẵn trên vùng đất Biên Hòa.
Theo Đại Nam nhất thống chí (Quốc sử quán triều Nguyễn), chùa Đại Giác ở xã Tân Hưng, huyện Phước Chánh (nay thuộc phường Hiệp Hòa, TP Biên Hòa). Chùa do nhà sư Thành Đẳng khai sơn. Kiến trúc cổ của chùa hầu như không còn bảo lưu qua nhiều lần trùng tu, được xây dựng hoàn toàn mới. Chùa tọa lạc trên một vùng đất khá bằng phẳng. Mặt tiền chùa có hàng hiên rộng rãi, các cột phía trước đều có câu đối và các cặp câu đối thường được bắt đầu bằng chữ Đại và chữ Giác: “Đại điện huy hoàng y bát hoa khai nghinh thụy nhật. Giác lâm tịch tỉnh bồ đề thụ trưởng tống xuân phong”.
![]() |
Chùa Đại Giác nay vẫn còn tượng Phật bằng gỗ, tương truyền do vua Gia Long phụng cúng, nhân dân vì thế gọi là chùa "Phật lớn". |
![]() |
Tấm biển bằng vàng khắc chữ Hán "Đại Giác Tự" treo ở mặt tiền điện tương truyền do công chúa Ngọc Anh (con vua Gia Long - hiệu Bảo Lộc Công chúa) viếng năm 1820 |
Từ mặt chính diện chùa, có thể nhìn thấy hai lầu chuông trống nhô cao. Đây là kết quả của xu hướng tôn tạo vào khoảng thế kỷ XIX. Chùa Đại Giác nay vẫn còn tượng Phật bằng gỗ, tương truyền do vua Gia Long phụng cúng, nhân dân vì thế gọi là chùa "Phật lớn". Tấm biển bằng vàng khắc chữ Hán "Đại Giác Tự" treo ở mặt tiền điện tương truyền do công chúa Ngọc Anh (con vua Gia Long - hiệu Bảo Lộc Công chúa) viếng năm 1820.
Nội thất chánh điện có nhiều bức hoành phi ghi những câu như: "Chánh Pháp Xương Minh", "Pháp Vũ Triêm Ân", "Từ Vân Phổ Phú", "Ngũ Diệp Lưu Phương". Bàn thờ chánh điện rất trang nghiêm, tôn trí các tượng thờ: bộ Di Đà Tam tôn, Phật Thích Ca, Ca Diếp, A Nan Đà, Hộ Pháp... Điều thấy được, tượng thờ ở chùa Đại Giác khá cổ, chủ yếu là tượng gỗ, tượng đất.
![]() |
Cứ mỗi dịp xuân về, người dân Đồng Nai lại nô nức lên chùa Đại Giác xin chữ về treo trong nhà. |
Du khách đến thăm chùa sẽ được chiêm ngưỡng một công trình kiến trúc tôn giáo khá qui mô, đồ sộ, tuy mới được trùng tu vào giữa thế kỷ XX nhưng vẫn mang nét cổ xưa. Chùa tọa lạc trên một khu đất đẹp, vuông vức rộng gần 4.000 m2. Dòng sông Đồng Nai phía trước chảy vòng quanh chùa, tạo thành thế tay ngai ôm lấy khu vực này, như bao bọc, che chở cho ngôi chùa. Ngoại cảnh ngôi chùa thật nên thơ. Bóng cây bồ đề già đổ dài in xuống mặt hồ nước lung linh trước chùa, xóm thôn quyện bóng khói lồng, bóng chiều man mác gợi lại một dĩ vãng xa xưa - nơi đây là một xứ đô hội trù phú, là thương cảng sầm uất bậc nhất phương Nam hồi thế kỷ XVII-XVIII.
Chùa Bửu Phong: cảnh sắc hữu tình
![]() |
Nhìn từ trên cao xuống, từ vị trí của chùa Bửu Phong phóng tầm mắt ra xung quanh, thấy cảnh thiên nhiên sơn thủy hữu tình. |
Chùa Bửu Phong trên núi cùng tên, một danh thắng xứ Đồng Nai khai sơn từ thế kỷ XVII. Núi Bửu Phong nằm ở phía tây, cách Trấn Biên Hòa bốn dặm. Sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức miêu tả "Núi Bửu Phong phía tây nam
ngó xuống Đại giang, hộ vệ phía sau núi Long Ẩn. Trên núi có chùa Bửu Phong, phía tả có đá long đầu đứng sững, phía hữu có đá thiền sàng la liệt, khói mây man mác, cây cối xum xuê. Văn nhân nghiêng bầu vịnh giai tiết, mỹ nữ nối gót đến hành hương, thật là đệ nhất thắng cảnh của trấn thành". Hiện nay, chùa thuộc địa phận phường Bửu Long, TP Biên Hòa. Di tích được xếp hạng năm 1990.
Từ dưới chân núi lên đến chùa phải qua một trăm bậc tam cấp. Cảnh trí chùa tịch mịch, địa cảnh phong quang. Xung quanh chùa nhiều cây cổ thụ sừng sững với nhiều tảng đá lộ thiên tạo hình kỳ thú càng làm tăng thêm vẻ uy nghiêm nơi thiền lâm được khai mở. Từ vị trí của chùa, phóng tầm mắt ra xung quanh, ta sẽ nhìn thấy cảnh thiên nhiên sơn thủy hữu tình.
![]() |
Bên trong chánh điện của chùa Bửu Phong, dưới các bệ thờ được trang trí bằng loại hình này rất tinh tế với những đề tài dân đã, bình dị. |
Di tích cổ tự đã trải qua nhiều đợt trùng tu. Dấu vết kiến trúc, hiện tồn được xác định là năm Kỷ Sửu (có lẽ 1829) được khắc trên cột đá tiền điện do tham tướng Nguyễn Văn Hiệp và hương bảo Nguyễn Văn Tâm phụng cúng. Trong chùa còn lưu giữ được tượng cổ Phật Di đà và một đầu phướn lục giác chạm rồng. Đặc biệt có một tượng đá cổ thể hiện một vị thần theo mô típ Phù Nam được gắn kết bền vững ở hậu điện, tương truyền có từ khi lập chùa.
Sự tôn tạo sau này làm cho kiến trúc chùa nổi bật lên bề mặt chánh điện. Mặt tiền chánh điện được trang trí họa tiết với những bức hình đắp bằng các mảnh sành sứ nhiều màu sắc. Bên trong chánh điện, dưới các bệ thờ được trang trí bằng loại hình này rất tinh tế với những đề tài dân đã, bình dị.
Chùa Long Thiền- trung tâm long mạch
Chùa Long Thiền ở phường Bửu Hòa, TP Biên Hòa do nhà sư Thành Nhạc phái Lâm Tế khai sơn (1664). Chùa tọa lạc trên một vùng đất rộng, đông dân cư, bên hữu ngạn sông Đồng Nai. Ban đầu chùa chỉ có một gian chánh điện với các cột chính làm bằng gỗ. Tượng thờ phần lớn bằng gỗ và một số bằng đồng. Qua nhiều lần trùng tu, chùa được cải biến và xây dựng thêm với quy mô ngày càng lớn.
Theo quan niệm của các nhà sư, chùa Long Thiền tọa lạc trên vùng đất trung tâm của long mạch quý. Trước chùa có sông Đồng Nai, phía sau có núi Châu Thới dựng lên như đuôi rồng. Bên kia sông, núi Long Ẩn, Bửu Phong như trái châu được miệng rồng ngậm giữ. Vị trí chùa là "long mạch của Thanh Long" tỏa ra các vùng xung quanh.
![]() |
Chùa Long Thiền được xem là trung tâm long mạch đất Biên Hoà. |
Trải qua bao thế kỷ, chùa Long Thiền được xây dựng khang trang với kiến trúc hiện tại đã qua ba lần trùng tu. Lần thứ nhất vào năm 1748, xây dựng thêm chánh điện bằng gỗ ba gian hai chái, có thêm nhà tổ làm bằng vách ván, lợp ngói âm dương, nền tráng vôi vữa. Gần một thế kỷ sau, (1842), chùa được trùng tu đợt hai với khu nhà tổ, xây thêm khánh đường, nhà trù, tường gạch, nền lót gạch tàu. Diện mạo chùa khang trang, nghiêm kính được đông đảo phật tử xa gần đến chiêm bái. Hơn một trăm năm sau, chùa được trùng tu lần thứ ba do sư Thích Huệ Thành chủ trì. Nguyên do đợt trùng tu này là chùa bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi trận bão lụt năm Nhâm Thìn (1952).
Năm 1952, xứ Biên Hòa chìm trong biển nước hơn một tuần lễ. Chùa Long Thiền chỉ còn cái nóc nhô lên cao và có nguy cơ sụp đổ. Đợt trùng tu này đem lại cho chùa diện mạo mới: giảng đường, khánh đường, tăng đường được xây, mở rộng thêm cùng việc tu bổ, nâng cấp toàn diện cơ sở. Tuy đem lại sự vững chắc cho chùa qua đợt trùng tu này, song nét cổ kính của chùa đã không còn. Mặt tiền chùa được đắp nổi với các mảng phù điêu nội dung tứ linh, bát tiên, dây hoa lá tạo nên ấn tượng trực quan một cách tân kỳ. Mỹ thuật kiến trúc giá trị của chùa còn chăng là những hàng cột chính trong chánh điện được chạm khắc hài hòa đề tài hoa điểu, bát tiên, tứ linh, long phụng... và các bức hoành phi khắc chữ Hán sơn thếp vàng sắc sảo.
Hệ thống tượng thờ ở chánh điện chùa rất phong phú. Đặc biệt có một số tượng đồng như Tam Thế Phật, Hộ Pháp, Quan âm. Qua bao đời truyền thừa kể từ khai sơn đến nay, tượng được bổ sung và có nguồn gốc xuất xứ khác nhau. Khuôn viên của chùa còn bảo lưu những ngôi tháp cổ, trong đó có bảo tháp của vị Tổ khai sơn với tấm bia đá xanh chạm trổ tinh vi. Ngoài ra còn có hai mộ cổ "mộ song hồn" tương truyền của vị đại thần và phu nhân có công với việc khai hoang lập ấp, xây dựng Long Thiền tự.
Với người dân đất Đồng Nai, mỗi dịp Tết đến Xuân về, ai ai cũng xếp việc, dành lúc lên chùa thắp nén nhang, một phần cầu an, phần kia là để tưởng nhớ những bậc tiền nhân đã có công khai khẩn, vun đắp cho mảnh đất giàu đẹp này./.