Từ xưa tới nay, người Việt luôn coi trọng việc thờ cúng, đặc biệt là việc thờ các chư vị thần linh. Trong đó thờ Mẫu là một tín ngưỡng dân gian có từ lâu đời.
Lễ hội đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La ở Tuyên Quang là một điển hình cho tín ngưỡng thờ Mẫu Thoải. Với những nét văn hóa đặc sắc và độc đáo, mang đậm giá trị tâm linh trong tín ngưỡng thờ Mẫu.
|
Quang cảnh buổi rước Mẫu tới đền Ỷ La |
Lễ hội được tổ chức vào ngày 11 tháng 2 Âm lịch hằng năm. Cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, mọi người được khỏe mạnh. Qua đây, lễ hội cũng thể hiện những nét đẹp văn hóa tâm linh, giàu ý nghĩa nhân văn, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Truyền thuyết hai Công chúa hóa thân về trời
Theo sách “Đại Nam nhất thống chí”: Xưa có hai nàng công chúa con gái vua Hùng là Phương Dung và Ngọc Lân. Hai nàng có công giúp dân biết trồng lúa, trồng dâu, nuôi tằm, dẹp loạn cướp bóc... Một hôm theo xa giá để xem xét địa phương, đến bên bờ sông Lô (thuộc thôn Hiệp Thuận) đỗ thuyền. Nửa đêm trời mưa to, gió lớn, hai nàng đều hóa thân vút bay về trời.
Nhân dân trong vùng lấy làm linh dị bèn lập đền thờ (đền Hạ), nay thờ bà Phương Dung công chúa. Đến triều Vua Cảnh Hưng, ngày 29 tháng 6 năm Mậu Ngọ (1738) đền được xây dựng quy mô hơn. Ngày 28 tháng 10 năm Đinh Hợi (1767), nhân dân xây thêm một ngôi đền đưa bà Ngọc Lân công chúa về bờ tả sông Lô, phía thượng nguồn.
Theo lời kể truyền tai của người dân, trên đường đưa bà Ngọc Lân công chúa tới vách núi Dùm, bỗng dưng thuyền dựng đứng lên, người dân đã dừng thuyền và quyết định lập đền thờ tại đây và gọi là Đền Thượng.
Theo bà Nguyễn Thị Tập, người dân thành phố Tuyên Quang cho biết: “Hai ngôi đền rất linh ứng, nên từ xa xưa hai nàng được tôn làm Thánh Mẫu. Triều vua nhà Nguyễn, nghe tin có một đảng loạn sắp tràn vào tỉnh lỵ, dân chúng đã vác tượng Mẫu chạy vào thôn Gốc Đa, xã Ỷ La.
Họ vừa kịp giấu pho tượng vào rừng cây thì quân giặc tới, nhưng chúng không phát hiện ra. Sáng hôm sau, thay vào chỗ bức tượng là một đống mối đùn lớn, dân làng cho là điềm báo ứng. Giặc tan, họ cùng nhau xây một ngôi đền mới thờ Thánh Mẫu ngay trên mảnh đất đó.”
Trong quan niệm của người dân nơi đây, Đền Mẫu Ỷ La là nơi “lánh nạn” cho Thần (tỵ Thần). Là nơi có địa thế linh thiêng được sự chở che của Thánh Mẫu, là nơi có khả năng bảo toàn cái Thiện, cho nên lễ hội đền Thượng và đền Hạ không tách rời đền Mẫu Ỷ La. Hai vị Thánh Mẫu đều được thờ phụng ở 3 ngôi đền. Đền Mẫu Ỷ La được chọn là nơi khởi kiệu, đền Hạ là nơi hợp tế đều có những nguyên do lịch sử và tín ngưỡng dân gian.
Bên cạnh đó, ngày nay đền Hạ, đền Thượng và đền Ỷ La không chỉ thờ hai nàng công chúa con vua Hùng mà còn thờ Tam tòa Thánh mẫu trong Đạo mẫu Việt Nam là Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Ngàn và Mẫu Thoải.
Lễ hội đậm đà bản sắc văn hóa
Cũng như mọi năm, ngày 11/02 Âm lịch nhân dân và khách thập phương tập trung tại đền Ỷ La để rước bà Phương Dung công chúa từ đền Ỷ La ra đền Hạ. Vào đêm ngày 11/02 thì người dân làm lễ rước nước và thả đèn hoa đăng.
Tiếp đến ngày 12/02, mọi người lại tham gia vào đoàn rước bà Ngọc Lân công chúa từ đền Thượng ra đền Hạ để hai bà gặp nhau tại đền Hạ. Tổ chức tế lễ và chính thức khai mạc Lễ hội đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La. Tất cả các lễ rước Mẫu hầu như đều diễn ra trên một đoạn của sông Lô nơi hai bà hóa thân về trời ngoài ra vẫn có rước bộ đoạn đường đến đền Ỷ La.
Người rước kiệu Mẫu phải là những nam thanh, nữ tú khỏe mạnh với quần áo trang trọng, chỉnh tề mang đậm chất truyền thống dân gian. Kèm theo lễ rước Mẫu là múa lân, kết hợp dàn nhạc. Đi sau là các bô lão, những người hành lễ và du khách thập phương tới xem hội.
Theo lời của cụ ông Trần Đắc Tiến tại phường Tân Quan thành phố Tuyên Quang “lễ hội hằng năm đoàn người kéo dài cả cây số, người ta tin rằng trong khi rước Mẫu mà chui qua kiệu, Thánh Mẫu sẽ ban cho sức khỏe, sự bình an, ấm no, hạnh phúc đến cho người đó”. Bởi vậy, những người tham gia lễ hội háo hức cùng nhau xếp hàng dài chui qua kiệu Mẫu để cầu lộc từ Thánh Mẫu.
Sau phần lễ trang nghiêm và long trọng là phần hội.Gồm có các trò chơi dân gian thu hút đông đảo người dân và du khách như: Đánh tổ tôm, tam cúc, cờ tướng, ô ăn quan, chọi gà, kéo co, hát văn... Cuối cùng vào ngày 16/02 (Âm lịch) người dân tiếp tục rước Mẫu hoàn cung, đưa Mẫu từ đền Hạ về đền Ỷ La và đền Thượng.
Lễ hội có từ rất lâu đời, tuy nhiên lại mới được phục dựng từ năm 2007 và được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2017. Lễ hội đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La đã tạo nên một nền văn hóa, tín ngưỡng đặc sắc riêng biệt của người dân thành phố Tuyên Quang.
Đồng thời đây cũng là dịp giới thiệu, quảng bá hình ảnh và tôn vinh các giá trị văn hóa của người Tuyên Quang tới với bạn bè cả nước cũng như là du khách nước ngoài. Bởi lẽ lễ hội mang riêng trong mình một nền văn hóa rất linh thiêng rất đặc sắc.