Ngày 18/6, thông tin tại Hội nghị cung cấp thông tin tới các cơ quan báo chí nhân tháng hành động phòng chống ma tuý, Trung tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04) cho hay, trên thế giới đang xuất hiện một loại ma túy mới có tên Fentanyl, đây là một loại ma túy cực độc, đang bị lạm dụng phổ biến tại Mỹ và một số nước, năm 2023 nước Mỹ đã ghi nhận khoảng 100.000 ca tử vong (từ 18 đến 45 tuổi) do sử dụng Fentanyl quá liều.
Theo thông tin từ C04, tại Mỹ, Fentanyl được bán dưới dạng viên nén, dạng bột hoặc dung dịch với các tên quen thuộc như “sứ trắng”, “heroin tổng hợp”…Đôi khi chúng được bán lẻ dưới dạng bột hòa với cocain hoặc heroin hoặc dưới dạng tân dược chứa Fentanyl giả, người sử dụng không có kinh nghiệm rất dễ tử vong vì họ không biết đang dùng loại gì và hàm lượng bao nhiêu.
Fentanyl được buôn lậu vào Mỹ phần lớn từ Mexico và các quốc gia Trung và Nam Mỹ.
Việc sản xuất và vận chuyển Fentanyl đang khiến tình hình an ninh từ các nước Trung – Nam Mỹ rất phức tạp, tội phạm tranh giành quyết liệt các tuyến đường vận chuyển tiền chất và đưa Fentanyl đến Mỹ.
Trung tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cục cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy thông tin tại hội nghị. |
Các tiền chất chính sử dụng để sản xuất các chất ma túy này như NPP (N-Phenethy-4-Piperidone), 4-ANPP (4-Anilino-N-Phenethylpiperidine)…, các dụng cụ sản xuất dễ kiếm, giá rẻ, quy trình sản xuất các loại ma túy này đơn giản không cần kỹ thuật cao.
Trong khu vực Đông Nam Á, Fentanyl đã được phát hiện, thu giữ tại Myanmar, Lào, Thái Lan (mới đây Thái Lan đã thu giữ hơn 510 tấn Anilin, có thể sử dụng để sản xuất 85 tấn Fentanyl).
Về mặt y tế, Fentanyl là một chất thuộc nhóm thuốc giảm đau Opioid (nhóm các chất tự nhiên và tổng hợp có nguồn gốc từ thuốc phiện), đây là chất giảm đau rất mạnh (gấp 100 lần morophine, 50 lần heroin) được sử dụng có kiểm soát (kê theo đơn) trong điều trị bệnh ở nhiều nước bằng cách tiêm, bơm vào đường truyền dịch, xịt vào mũi, đặt vào miệng hoặc dán miếng dán lên da.
Tuy nhiên, Fentanyl cũng được tổng hợp bất hợp pháp và được sử dụng như một loại ma túy, thường trộn lẫn với heroin, cocain hoặc ma túy tổng hợp để tăng độ ‘phê”.
Fentanyl và các chất dẫn xuất của nó có độc tính rất mạnh nên hậu quả dẫn đến tử vong cho người sử dụng bất hợp pháp cao hơn nhiều so với heroin.
Do đó, Fentanyl và một số dẫn xuất của nó đã được đưa vào bảng I – Danh mục cần kiểm soát theo Công ước quốc tế 1961 của Liên hợp quốc.
Hiện nay, Cơ quan kiểm soát ma túy Quốc tế (INCB) đã ghi nhận sự xuất hiện của hơn 150 chất có liên quan đến Fentanyl nhưng không có ứng dụng về mặt y học.
Cơ quan Liên hợp quốc về ma túy và tội phạm (UNODOC) cũng ước tính các phòng thí nghiệm có thể đã tổng hợp ra hàng trăm chất tương tự Fentanyl.
Một số Fentanyl được Cảnh sát Mỹ bắt giữ ở biên giới (Nguồn ảnh: Báo Công an Nhân Dân). |
Việc sử dụng Fentanyl và các chất dẫn xuất của nó không vì mục đích chữa bệnh có thể để lại những hậu quả nghiêm trọng về mặt sức khỏe. Mức độ dung nạp và lệ thuộc đối với các chất này rất lớn và có thể đạt ngưỡng cao một cách nhanh chóng.
Sử dụng Fentanyl được điều chế bất hợp pháp còn nguy hiểm hơn rất nhiều vì những sản phẩm này không được kiểm định chất lượng, hàm lượng, có khi chỉ một hàm lượng cực nhỏ (02 miligam) đã có thể gây tử vong cho người sử dụng.
Việt Nam đã đưa Fentanyl vào Danh mục II (các chất ma túy được dùng hạn chế trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm hoặc trong lĩnh vực y tế theo quy định của cơ quan có thẩm quyền) tại Nghị định số 57/2022/NĐ-CP ngày 25/8/2022 của Chính phủ. Các dẫn xuất của Fentanyl như: Alfetanil, Remifentanil, Selfentanil, Acetylfentanyl, Butyrfentanyl, Furanylfentanyl…cũng được quy định trong danh mục các chất ma túy thuộc Nghị định số 57. |
Hiện nay qua công tác giám định chưa phát hiện Fentanyl và các chất dẫn xuất của nó thu giữ tại Việt Nam. Tuy nhiên, trước thu thế mở rộng thị trường của các loại ma túy này từ Châu Mỹ sang khu vực Châu Đại dương và lan rộng sang Châu Á, việc xuất hiện loại ma túy này tại khu vực và Việt Nam là tất yếu.
Thêm vào đó, Trung Quốc là quốc gia có nguồn cung cấp hóa chất và tiền chất bị tội phạm lợi dụng để sản xuất Fentanyl và các chất tương tự Fentanyl bất hợp pháp trên thế giới, bên cạnh Ấn Độ; vì vậy, dự đoán sẽ sớm xuất hiện chất ma túy nhóm Fentanyl trong khu vực và Việt Nam.
Trước tình hình trên, để phòng tránh hiểm họa Fentanyl, trước hết tăng cường đẩy mạnh tuyên truyền cho toàn dân, nhất là thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên về tác hại của hiểm họa ma túy; chú trọng vào các loại ma túy mới; ma túy “núp bóng” dưới dạng thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, thảo mộc (cỏ mỹ), “bóng cười”…; vận động quần chúng nhân dân phát hiện, thông báo, tố giác kịp thời cho lực lượng công an.
Phối hợp với các cơ quan chức năng như Hải quan, Quản lý thị trường, Công thương, Y tế, Nông nghiệp và phát triển nông thôn tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý các loại hàng hóa là thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điếu, thuốc lá điện tử không rõ nguồn gốc được nhập vào Việt Nam và việc xuất nhập khẩu, lưu thông, kê đơn, sử dụng thuốc chứa Fentanyl trong điều trị.
Trong quá trình đấu tranh với tội phạm ma túy và qua công tác giám định ma túy, chú ý chủ động phát hiện các chất ma túy mới, tiền chất mới xuất hiện ở địa phương, nhất là các chất hướng thần mới cực độc như Fentanyl để kịp thời ngăn chặn, điều tra, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an và chương trình công tác năm 2024 lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và tệ nạn ma túy. Cụ thể: tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Phương án nghiệp vụ số 02 của Bộ Công an về phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy trên các tuyến trọng điểm, tập trung là tuyến Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc miền Trung - Tây Nguyên và Tây Nam. Báo cáo lãnh đạo Bộ tổ chức các hội nghị giao ban phương án nghiệp vụ trên 4 tuyến (đã tổ chức hội nghị giao ban trên tuyến Bắc miền Trung – Tây Nguyên tại Đắk Lắk), qua đó đề ra các giải pháp nhằm đấu tranh, ngăn chặn tội phạm ma túy. Tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch số 376 của Bộ Công an về triển khai Bản ghi nhớ và tăng cường hợp tác phòng, chống ma túy giữa Việt Nam và Lào, gắn với thực hiện các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm ma túy. Tham mưu với lãnh đạo Bộ Công an tổ chức Lễ ký kết Chương trình phối hợp giữa Bộ Công an với Bộ Giáo dục và đào tạo về tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống ma tuý tại các cơ sở giáo dục giai đoạn 2024 - 2030. Tham mưu với lãnh đạo Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành báo cáo Chính phủ sửa đổi Nghị định 57/2022/NĐ-CP, theo hướng bổ sung 15 chất ma túy mới phát hiện vào Danh mục các chất ma túy và tiền chất. Chỉ đạo các đơn vị thuộc Cục và Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an các địa phương tăng cường công tác nắm tình hình, bám tuyến, bám địa bàn đấu tranh với các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy xuyên quốc gia, liên tuyến, liên tỉnh với số lượng lớn; các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy trong nội địa. Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy toàn quốc đã phối hợp các lực lượng chức năng đấu tranh, khám phá thành công hơn 14.461 vụ, bắt giữ hơn 23.110 đối tượng, thu giữ hơn 196 kg heroin, hơn 2,34 tấn và 1,47 triệu viên MTTH, 882 kg cần sa. Riêng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy phát hiện, bắt giữ 33 vụ, 138 đối tượng, thu giữ hơn 81 kg heroin, hơn 212 kg + 82.000 viên MTTH, 25 kg MTTH dạng nước.
|