Thông qua hệ thống giám sát xử lý vi phạm trật tự ATGT, chỉ tính từ ngày 15/01 đến 14/02/2024, lực lượng CSGT Công an tỉnh Thanh Hóa đã phát hiện và kiểm tra, xác minh, ra thông báo xử lý đối với 3.628 trường hợp vi phạm trật tự ATGT, phạt tiền 4,8 tỷ đồng.
Trong đó, chủ yếu là các hành vi vi phạm về tốc độ, đậu đỗ sai quy định, không đội mũ bảo hiểm, không chấp hành đèn tín hiệu.
Trong bối cảnh thực tế hiện nay, một bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông có thói quen xấu là khi thấy có lực lượng CSGT làm nhiệm vụ trên đường thì chấp hành nghiêm các quy định nhưng khi không có lực lượng CSGT thì ngang nhiên vi phạm, bất chấp điều đó ảnh hưởng và đe dọa trực tiếp đến sự an toàn tính mạng, tài sản của chính mình, người thân và những người xung quanh.
Trong đó các hành vi vi phạm chủ yếu là: vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, phóng nhanh, vượt ẩu, không chấp hành biển báo, lấn làn, đi ngược chiều, dừng dỗ không đúng nơi quy định… Chính vì vậy, việc sử dụng biện pháp “phạt nguội” thông qua hệ thống camera giám sát giao thông là một trong những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người tham gia giao thông trong việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ.
Theo số liệu thống kê, hiện nay 27/27 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đều đã lắp đặt hệ thống camera giám sát với hơn 136 nghìn mắt tại những tuyến và nút giao thông trọng điểm, do đó sẽ thuận lợi cho việc triển khai các giải pháp xử phạt nguội đối với các hành vi vi phạm trật tự ATGT.
Để bảo đảm cho việc xử phạt nguội được chính xác, khách quan và công bằng, đúng người, đúng vi phạm pháp luật về trật tự ATGT, đồng thời huy động lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nhằm kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông.
Trong đó, lực lượng CSGT sẽ phân tích, xử lý các thông tin, hình ảnh từ hệ thống camera giám sát và thông tin, hình ảnh do cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp để xử phạt nguội.
Tập trung vào các hành vi vi phạm nổi cộm là nguyên nhân dẫn đến tai nạn và ùn tắc giao thông như: Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông không chấp hành hiệu lệnh tín hiệu đèn giao thông, vạch kẻ đường, điều khiển xe chạy quá tốc độ, chở quá số người quy định, đi không đúng phần đường, làn đường, dừng đỗ xe không đúng quy định.
Để tăng cường công tác bảo đảm trật tự ATGT, góp phần kiềm chế và làm giảm vi phạm, tai nạn giao thông, cùng với việc bố trí các chốt kiểm soát cố định và các tổ tuần tra lưu động để trực tiếp phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm tại hiện trường, lực lượng CSGT Công an tỉnh Thanh Hóa đã thành lập các tổ công tác kết hợp vừa công khai vừa hóa trang mật phục, sử dụng trang thiết bị ghi hình để phát hiện, xử “phạt nguội” đối với các trường hợp vi phạm.
Trước đó, lực lượng Công an các cấp đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến mọi tầng lớp Nhân dân về việc xử phạt nguội và cũng công khai địa chỉ nơi tiếp nhận các thông tin, hình ảnh vi phạm về trật tự ATGT do người dân phát hiện, ghi nhận và cung cấp trực tiếp cho lực lượng Công an hoặc qua zalo, facebook do Công an các địa phương quản lý.
Thông tin, hình ảnh vi phạm có thể được chụp ảnh, ghi hình,… bằng các thiết bị kỹ thuật như camera, máy ảnh, điện thoại cá nhân cầm tay; camera giám sát an ninh trật tự; camera hành trình;… Tất cả các thông tin, hình ảnh vi phạm do người dân cung cấp đều được kiểm tra, xác minh, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Nhờ đó, chỉ tính từ ngày 15/01 đến ngày 14/02/2024, qua hệ thống giám sát, lực lượng CSGT Công an tỉnh Thanh Hóa đã phát hiện, xử phạt nguội 3.628 trường hợp vi phạm. Trong đó có 2.329 trường hợp vi phạm do tổ chức, cá nhân cung cấp hình ảnh và khai thác dữ liệu từ hệ thống camera an ninh, trên các trang mạng xã hội v.v…
Tất cả các trường hợp vi phạm xử phạt nguội đều được thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng và Cổng thông tin điện tử Công an tỉnh. Khi nhận được thông báo vi phạm về trật tự ATGT của cơ quan Công an gửi đến, chủ phương tiện hoặc người điều khiển phải có mặt tại cơ quan Công an để phối hợp giải quyết theo nội dung và thời hạn ghi trong thông báo.
Nếu quá thời hạn mà tổ chức, cá nhân có liên quan không đến làm việc, cơ quan Công an sẽ thực hiện các biện pháp cưỡng chế và gửi cảnh báo đến cơ quan đăng kiểm theo quy định của pháp luật.
Tags: