Ngày nay, càng nhiều du khách nước ngoài lựa chọn hình thức thuê xe gắn máy làm phương tiện di chuyển khi du lịch tại Việt Nam. Từ đó, những dịch vụ cho thuê xe gắn máy mọc lên nhan nhản chỉ với vài ba thủ tục đơn giản bất chấp các quy định của Luật giao thông đường bộ, điển hình là khách du lịch thuê xe không cần có GPLX hợp lệ. Hoạt động này tiềm ẩn nguy cơ cao về tai nạn giao thông.
Chỉ cần có tiền là có xe
Nhiều du khách nước ngoài khi đến Việt Nam du lịch đều chọn cách thuê xe gắn máy tự lái khám phá những danh thắng.
Đây là loại hình dịch vụ thuận tiện, rẻ tiền so với thuê xe taxi; người thuê xe còn chủ động được quá trình đi lại. Vì vậy, loại hình dịch vụ cho thuê xe môtô tự lái đã chiếm nhiều ưu thế đối với du khách nước ngoài.
Dạo qua một vòng tại các con phố như Đường Láng, Đinh Liệt, Hai Bà Trưng, Hàng Bạc… không khó để bắt gặp những biển hiệu Motorbikes for rent” (cho thuê xe gắn máy). Nhiều khách sạn, nhà nghỉ cũng kèm theo dịch vụ cho thuê xe.
Ngoài ra còn có dịch vụ thuê xe qua mạng, hàng chục số điện thoại được đăng tải trên mạng sẵn sàng cung cấp dịch vụ này. Chỉ cần một cuộc điện thoại là có người mang xe tới tận nơi khách cần, thủ tục được thực hiện ngay khi giao xe.
|
Những cửa hàng cho thuê xe mọc lên nhan nhản |
Trong vai người đi thuê xe cho nhóm du khách đến Hà Nội tham quan, chúng tôi tìm đến một cửa hàng cho thuê xe gắn máy trên Đường Láng.
Khi tôi ngỏ ý muốn thuê xe cho khách du lịch nước ngoài, nhân viên cho biết, khách người Việt chỉ cần có chứng minh nhân dân và đặt tiền cọc, còn khách nước ngoài chỉ cần có hộ chiếu, đặt tiền cọc là có thể thuê thoải mái, không cần hợp đồng.
“Nếu là người nước ngoài trực tiếp đi thuê xe thì phải ký gửi hộ chiếu quốc tế, còn người Việt Nam thuê hộ thì phải đặt cọc tiền từ 5 - 10 triệu đồng tùy loại xe. Giá thuê xe số từ 70.000 - 120.000 đồng/ngày, xe tay ga từ 150.000 - 250.000 đồng/ngày.
Khách có quyền sử dụng xe đi chơi trong thành phố hoặc các danh thắng ở miền Bắc. Tiền thuê được tính theo thời gian, nếu thuê dài hạn sẽ được giảm giá. Đặt cọc tiền là lấy xe luôn” - người này nói.
Khi tôi thắc mắc về việc họ không có giấy phép lái xe liệu có được thuê không, chị này nhanh nhảu: “Người nước ngoài làm gì có bằng lái Việt Nam. Người ta đi du lịch bụi vài ngày, đâu ai rảnh mà hỏi thủ tục đổi bằng lái. Thường người nước ngoài ở Việt Nam làm việc lâu dài (trên 3 tháng) mới có nhu cầu đổi bằng, mà lúc đó thì họ mua xe chứ không thuê”.
Chị này còn cho biết thêm: “Người nước ngoài đi xe máy đầy đường mà công an đâu có hỏi giấy tờ xe. Họ cấm như thế thôi, nhưng không bắt đâu vì bất đồng ngôn ngữ, chỉ khi gây ra tai nạn giao thông thì công an mới vào cuộc thôi”.
Nguy hiểm rình rập
Rõ ràng chúng ta không thể phủ nhận sự thuận tiện của loại hình di chuyển này đối với nhiều khách du lịch. Nhưng điều đáng lo ngại hiện nay là hầu hết du khách quốc tế khi thuê xe gắn máy đều không có giấy phép lái xe theo quy định của pháp luật Việt Nam, không hiểu về luật giao thông của Việt Nam.
|
Những người nước ngoài thường không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. |
Khi tham gia giao thông họ không đội mũ bảo hiểm, thường chạy quá tốc độ, sai làn đường… gây ra hậu quả nghiêm trọng. Và thực tế, đã có không ít những vụ tai nạn giao thông xảy ra do người điều khiển là du khách nước ngoài.
Mới đây nhất (8/4/2015), một vụ tai nạn giao thông xảy ra trên đường Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), do Zheng Zhi Wen (34 tuổi, quốc tịch Trung Quốc) điều khiển phương tiện phóng nhanh, lấn trái vào làn đường ngược chiều, tông chết 2 thanh niên đang lưu thông trên xe máy.
Một du khách đến từ nước Anh chia sẻ, ông biết hiện nay trên địa bàn thủ đô Hà Nội có rất nhiều người nước ngoài tự lái xe máy, thậm chí không đội mũ bảo hiểm và không có Giấy phép lái xe, nhưng thực tế có rất nhiều người nước ngoài thuê xe máy tự lái, nên ông vẫn làm theo dù biết mình không có Giấy phép lái xe.