Để hưởng phần di sản thừa kế, những người trong hàng thừa kế phải đến tổ chức hành nghề công chứng làm thủ tục thỏa thuận phân chia di sản thừa kế.
Anh Trần Quý Cáp (Chợ Gạo – Tiền Giang) hỏi: Cha mẹ tôi chỉ có 2 con, tôi là con trai nên ở chung với cha mẹ, còn đứa em gái lớn lên đi lấy chồng ở xa.
Năm 2005 cha tôi mất, khi ấy diện tích đất gần 1ha vẫn chưa được cha mẹ tôi đăng ký quyền sử dụng. Năm 2007, mẹ tôi làm sổ đỏ đứng tên mình nhưng thực chất do tôi quản lý, sử dụng. Nay mẹ tôi muốn sang tên cho tôi toàn bộ đất đai, nhà cửa thì có cần sự đồng ý của em tôi không? Thủ tục phải làm như thế nào?
|
Hình minh họa. |
Luật gia Bùi Đức Độ trả lời: Mặc dù đất do mẹ của anh đứng tên, nhưng đây là tài sản chung của cha mẹ anh nên pháp luật vẫn công nhận 1/2 giá trị đất là của cha anh, 1/2 giá trị còn lại là của mẹ anh.
Để được hưởng phần di sản thừa kế của cha anh, những người trong hàng thừa kế thứ nhất như: mẹ của anh, anh, người em gái và ông bà nội (nếu còn sống) phải đến tổ chức hành nghề công chứng làm thủ tục thỏa thuận phân chia di sản thừa kế.
Trong văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế, mẹ và người em gái của anh có quyền tặng cho phần di sản thừa kế mà họ được hưởng cho anh, đồng thời mẹ anh làm hợp đồng tặng cho phần đất của mình cho anh. Thủ tục thỏa thuận phân chia di sản thừa kế gồm có giấy tờ:
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Giấy chứng tử của cha anh; Giấy chứng nhận kết hôn của cha, mẹ anh (nếu có); Sổ hộ khẩu; CMND của những người thừa kế; Giấy khai sinh của anh và người em.
Thủ tục sang tên quyền sử dụng đất tại Văn phòng đăng ký đất đai tại nơi có đất gồm giấy tờ như sau: Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất có công chứng hoặc chứng thực; CMND, sổ hộ khẩu anh có thể tham khảo chi tiết các quy định này tại Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Công chứng, Luật Đất đai năm 2013.