Đây là câu khẩu hiệu mà mọi thành viên Đoàn công tác số 23 luôn đồng thanh hô vang mỗi khi đến các đảo, nhà giàn trong hải trình thăm và động viên cán bộ chiến sĩ, người dân huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DKI/12 - Tư Chính.
Ngay khi đặt chân lên các đảo, mỗi thành viên trong đoàn đều dành những lời hỏi thăm ân cần, sự chia sẻ, khích lệ tinh thần với các chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ biển trời quê hương. Rồi có những giọt nước mắt đã rơi, sự xúc động nghẹn ngào trào dâng, những cái bắt tay, những cái ôm vội vàng mà da diết…
Nhớ lắm Trường Sa ơi!
hải trình thuận lợi
Hải trình của Đoàn công tác số 23 bắt đầu từ sáng ngày 21/5 đến chiều ngày 27/5 trên tàu KN 390, chở trên 200 đại biểu, bao gồm: Đoàn Bộ Tài nguyên và Môi trường, tỉnh Phú Thọ, tỉnh Sơn La, tỉnh Tuyên Quang, Hội Nhà báo Việt Nam, Bệnh viện Trung ương quân đội 108, Bệnh viện Quân y 175, các văn nghệ sĩ, phóng viên báo chí… và nhiều đơn vị, doanh nghiệp.
Trên chuyến hải trình ấy, nhiều sự kiện đã diễn ra, các đại biểu đã hoàn thành tốt, xuất sắc nhiệm vụ đề ra, chuyến đi diễn ra an toàn tuyệt đối. Đặc biệt tàu KN390 đã chủ động khắc phục khó khăn, chuẩn bị nơi ăn nghỉ, với tinh thần trách nhiệm cao nhất, nghiêm túc, cởi mở, chân thành để lại ấn tượng tốt đẹp cho các thành viên trong Đoàn công tác.
Đoàn công tác số 23 do Chuẩn đô đốc Nguyễn Đăng Tiến, Chính ủy vùng 3 Hải quân làm Trưởng đoàn; ông Lê Quốc Minh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam - Phó Trưởng đoàn; ông Trần Quý Kiên, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - Phó Trưởng đoàn.
Sáng ngày 20/5/2024, Đoàn công tác số 23 trước khi lên tàu ra thăm quân và dân huyện đảo Trường Sa, Đoàn đã đến dâng hương khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, Đài tưởng niệm liệt sĩ tù chính trị Cam Ranh, Công viên tâm linh và chùa Linh Nguyên.
Đúng 8h sáng ngày 21/5, Đoàn công tác số 23 đã rời cảng quốc tế Cam Ranh, trải qua hành trình gần 1.000 hải lý để tới thăm, tặng quà, động viên cán bộ chiến sĩ và nhân dân tại 6 điểm đảo (Song Tử Tây, Sinh Tồn Đông, Len Đao, Đá Đông Á, Đá Tây B, Trường Sa) thuộc quần đảo Trường Sa và nhà giàn DKI/12 - Tư Chính.
Tại những điểm dừng chân, Đoàn đã nghe báo cáo về tình hình sinh hoạt, đời sống của chiến sĩ và người dân (đảo có người dân sinh sống - pv) ở đảo Song Tử Tây, Trường Sa, kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của cán bộ chiến sĩ. Đồng thời, Đoàn công tác đã tặng quà, giao lưu văn nghệ với cán bộ chiến sĩ và người dân trên đảo và các lực lượng thực hiện nhiệm vụ trên vùng biển quần đảo Trường Sa.
Trong suốt hải trình ấy, trên con tàu KN390, thời tiết ủng hộ, biển lặng êm, nắng nhiều, hầu hết các thành viên trong đoàn không phải dùng “thuốc chống say tàu xe”.
“Tôi cứ nghĩ là đi Trường Sa là sẽ thấy thiếu thốn, nhưng khi lên tàu KN390 chúng tôi thấy sự khác biệt so với suy nghĩ. Nhưng thấy mình còn hạnh phúc hơn với các chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ biển đảo quê hương. Ai cũng yêu nước, nhưng ai được đi Trường Sa thì thấy yêu nước nhiều hơn nữa”, đây là chia sẻ của đồng chí Lê Quốc Minh - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam về cảm xúc được đến Trường Sa. |
Đồng chí Lê Quốc Minh - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.
“Tôi lần đầu đi Trường Sa, trước khi đi cũng lo lắng lắm, cũng tham khảo nhiều ý kiến của các Đoàn trước thấy hải trình không thuận lợi bởi sóng to, gió lớn, rồi nơi ăn chốn ở… Nhưng khi được đặt chân lên tàu KN390 thì mọi lo lắng đều tan biến, bởi thời tiết quá thuận lợi, biển êm, chúng tôi ngủ trong phòng thấy còn êm hơn là đi tàu hoả, không ai say sóng, chỉ biêng biêng nhẹ vì chưa quen tàu.
Nhưng đến ngày thứ 2 trở đi thì vô tư, ai ai cũng cười nói hân hoan, rồi làm quen với nhau. Cùng nhau hỗ trợ các công việc thường ngày của các chiến sĩ trên tàu KN390”, anh Phạm Ngọc Hiệp - Trung tâm Văn hoá tỉnh Tuyên Quang cho hay.
Vườn rau xanh của chiến sĩ nơi đảo xa.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên xúc động chia sẻ: “Tôi lần đầu ra quần đảo Trường Sa, tận đáy lòng tôi rất cảm kích sự gian khổ, sự hi sinh, cống hiến to lớn của các cán bộ chiến sĩ và người dân sinh sống trên đảo.
Tôi xin đại diện cho hơn 200 cán bộ, viên chức Đoàn công tác số 23 chúc toàn thể cán bộ chiến sĩ và nhân dân trên huyện đảo Trường Sa sức khỏe, chân cứng đá mềm, phía sau các đồng chí là đất liền, là cả 100 triệu đồng bào luôn luôn đứng sau các đồng chí, chúng tôi tin tưởng tuyệt đối vào các đồng chí và gửi gắm sự bình yên và toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển của Tổ quốc tới các đồng chí”.
"cả nước vì trường sa, trường sa vì cả nước"
Qua các hoạt động của Đoàn công tác số 23 đã góp phần cổ vũ quân, dân huyện đảo Trường Sa, nhà giàn DKI/12 yên tâm, phấn khởi, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, trụ vững nơi đầu sóng, ngọn gió, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Thiêng liêng hơn, Đoàn công tác số 23 đã vinh dự được tham gia chào cờ, duyệt đội ngũ tại đảo Trường Sa; tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh tại quần đảo Trường Sa; dâng hương tại tượng đài Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn ở đảo Song Tử Tây; dâng hương tại chùa: Song Tử Tây, Trường Sa; Nhà tưởng niệm Bác Hồ…
"Được đến Trường Sa là vinh dự lớn, và được hát Quốc ca trên đảo Trường Sa cùng cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên đảo lại càng ý nghĩa hơn nữa. Không ai nhắc nhở ai, chúng tôi khi đó ai ai cũng cất vang tiếng hát, rồi hô vang khẩu hiệu "xin thề" cùng các chiến sĩ. Dưới lá cờ tổ quốc tung bay, hiên ngang giữa biển trời Tổ quốc, thật vinh dự và tự hào biết bao", bác sĩ Nguyễn Minh Tân, Bệnh viện Quân y 175 chia sẻ.
Đoàn công tác còn viết lưu bút khẳng định sự cảm phục, tin tưởng vào nghị lực và ý chí quyết tâm của quân, dân huyện đảo đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Không chỉ vậy, qua chuyến thăm tại các đảo nổi, đảo chìm, nhà giàn đã giúp cho các đại biểu trong đoàn công tác nhận thức sâu sắc hơn, hiểu rõ hơn về biển đảo quê hương. Đặc biệt, hiểu hơn nữa, thấm thía những khó khăn, gian khổ, vinh dự cũng như trách nhiệm lớn lao, sự cống hiến hy sinh của lớp lớp cán bộ chiến sĩ ngày đêm quên thân mình canh giữ biển, đảo chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Cùng với đó, chuyến đi còn là bài học thực tế quý giá, qua đó giúp các thành viên trong đoàn cảm nhận được: “Cả nước vì Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu; mang đi tình cảm, mang về niềm tin và trách nhiệm với biển đảo quê hương”.
Đoàn công tác và các đại biểu đã dành cho lực lượng Hải quân nói chung, quân và dân huyện đảo Trường Sa, nhà giàn DKI/12 nói riêng sự quan tâm đặc biệt với tinh thần “Cả nước vì Trường Sa, Trường Sa vì cả nước”, góp phần xây dựng Hải quân nhân dân Việt Nam ngày càng lớn mạnh, thực sự là lực lượng nòng cốt trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, là điểm tựa vững chắc để ngư dân vươn khơi, bám biển, làm giàu từ biển mà Đảng và Nhà nước đã đề ra.
Các chiến sĩ trên đảo Song Tử Tây cập nhật thông tin trên báo Pháp luật Việt Nam.
Trao đổi với Phóng viên trên đảo Trường Sa, đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: “Chắc trong chúng ta đã dự rất nhiều buổi lễ chào cờ nhưng buổi lễ chào cờ tại Trường Sa lớn thực sự là một trải nghiệm đặc biệt đối với mỗi chúng ta và chúng ta đã hát Quốc ca nhiều rồi nhưng được hát Quốc ca giữa Trường Sa thật là đặc biệt. Qua đây tôi lại càng thấm thía hơn lời nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “không có gì quý hơn độc lập tự do”.
Sáng nay, nghe các chiến sỹ đọc 10 lời thề của quân đội Nhân dân Việt Nam, tôi nghĩ rằng không chỉ là chiến sĩ đâu mà tất cả những người dân chúng ta, đặc biệt trong Đoàn công tác số 23 này xin thề là sẵn sàng hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc”.
“Quân chủng Hải quân mong muốn từng thành viên trong Đoàn công tác số 23 sau chuyến đi này sẽ là những báo cáo viên, kịp thời tuyên truyền rộng rãi cho đồng nghiệp, đồng chí, những người thân hiểu sâu sắc hơn về biển đảo quê hương, từ đó sẽ làm hậu phương vững chắc và tuyệt đối tin tưởng vào tiền tiêu nơi có quân và dân đang ngày đêm bám biển, bám đảo, canh gác vùng trời, vùng biển, vùng đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Thay mặt các chiến sĩ, tôi xin gửi lời cảm ơn đến các đồng chí lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, BV Quân y 175, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, tỉnh Sơn La, tỉnh Phú Thọ, tỉnh Tuyên Quang và hơn 200 đại biểu trong Đoàn công tác số 23; các văn nghệ sĩ, phóng viên báo đài đã dành những tình cảm và sự quan tâm đặc biệt cho quân, dân huyện đảo Trường Sa, nhà giàn DKI/12. Đồng thời, biểu dương tinh thần, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị hải quân, nhất là cán bộ chiến sĩ tàu KN 390, tổ phục vụ Bộ Tư lệnh Vùng 3 đã khắc phục mọi khó khăn, làm tốt công tác phục vụ, góp phần vào thành công của chuyến công tác”, - Chuẩn đô đốc Nguyễn Đăng Tiến, Chính uỷ Vùng 3 Hải quân nhấn mạnh. |
Các thành viên trong Đoàn công tác số 23 đều xúc động khi cùng hát vang bài hát Quốc ca cùng cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên đảo Trường Sa.
Sau hành trình 7 ngày công tác, đi thăm hỏi động viên các chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa và nhà giàn DKI/12, đã có nhiều nước mắt của thành viên đoàn vì xúc động, thể hiện tình cảm của mình với tình yêu quê hương đất nước. Đặc biệt là Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại quần đảo Trường Sa cũng để lại nhiều nhiều cảm xúc trào dâng.
Tại các đảo, nhà giàn các chiến sĩ đã khẳng định tinh thần khắc phục mọi khó khăn gian lao, bảo vệ vững chắc biển đảo của đất nước.
"Thay mặt đoàn công tác tỉnh Sơn La tôi cũng có vài kiến nghị, như đề nghị Quân chủng, Bộ Tư lệnh Hải quân tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư, cải thiện đời sống sinh hoạt cho cán bộ chiến sĩ trên các đảo.
Đặc biệt, là các công trình phòng vệ đảm bảo an ninh, an toàn trên các đảo chìm, đảo nổi. Theo điều kiện thời tiết, cần tổ chức thêm các Đoàn công tác, mở rộng thành phần… để nhân dân có điều kiện thăm hỏi động viên chiến sĩ. Từ đó tăng cường lan toả tình yêu quê hương đất nước, giáo dục chính trị tư tưởng, nhận thức rõ ràng về biển đảo và chủ quyền biển đảo của Việt Nam”, ông Lê Hồng Minh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho hay.
Kết thúc chuyến công tác, Quân chủng Hải quân đã trao kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo” và Huy chương “Chiến sĩ Trường Sa” tặng các đại biểu đoàn công tác, đồng thời trao thưởng cuộc thi văn nghệ, gấp hạc giấy… cho 6 Tổ trong Đoàn công tác.
Trong chuyến đi thăm, động viên cán bộ chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Hội Nhà báo Việt Nam, Bệnh viện Trung ương Quân y 108, Bệnh viện Quân y 175, các tỉnh Sơn La, Phú Thọ, Tuyên Quang… khối các doanh nghiệp và các mạnh thường quân đã ủng hộ và tặng quà: Tivi, quạt tích điện, nhu yếu phẩm, trang thiết bị phục vụ thiết thực cho đời sống quân, dân trên đảo và nhà giàn DKI/12.
Nội dung: Vũ Quang Kỹ thuật, đồ họa: Tường Vân |