Những gia đình ít bị ảnh hưởng bởi lũ đã cùng nhau nấu cơm phát cho xóm giềng bị mất nhà cửa ở huyện Cẩm Thủy.
Chiều 2/9, nước lũ trên thượng nguồn sông Mã tại huyện Cẩm Thuỷ đã xuống khoảng 2 m. Hầu hết người dân đã trở về nhà sau sơ tán. Tuy nhiên, hàng nghìn căn nhà vẫn ngập ngụa trong bùn. Nghĩa Dũng, Phong Ý là hai thôn ở xã Cẩm Phong bị ngập nặng nhất. Hàng trăm hộ dân sinh sống dọc quốc lộ 217 và ven bờ sông Mã hối hả dọn dẹp nhà cửa.
|
Điểm nấu cơm thiện nguyện ở thôn Cửa Hà, xã Cẩm Phong có hàng chục người chung tay phục vụ. Ảnh: Lê Hoàng. |
"Phải mất cả tuần chưa chắc đã giải phóng xong lớp bùn trong nhà và các con ngõ", ông Lê Văn Vĩnh, xã Cẩm Phong nói. Như nhiều gia đình khác, lũ về nhanh khiến ông bà Vĩnh không kịp sơ tán tài sản nên mất trắng. Hầu hết đồ đạc trong nhà bị hư hỏng do ngâm nước.
Dù có thể về nhà song các gia đình vùng lũ Cẩm Thuỷ đang đối mặt nhiều khó khăn, bà con chưa thể nấu ăn do củi ướt, mất điện hoặc bếp gas hư hỏng. Trước tình cảnh khó khăn của xóm làng, nhiều người dân ở các thôn, các điểm dân cư không bị lụt đã quyên góp tiền mua gạo thóc, thực phẩm nấu cơm phát miễn phí cho các gia đình khó khăn. Những người không có tiền thì đóng góp công sức. Đã có hàng chục nghìn suất cơm được phát đến tay bà con vùng lũ Cẩm Thuỷ trong mấy ngày qua.
Bếp nấu ở đây được dựng dã chiến trên các vỉa hè hoặc mượn tạm sân vườn ở các nhà hàng lớn hay lò bánh mỳ...
Đã chập tối song bà Đào Thị Ninh và hàng chục phụ nữ vẫn tất bật xới nồi cơm nóng và xếp thức ăn vào hộp xốp. Bên ngoài, chiếc xe bán tải hai cầu đang chờ sẵn để vận chuyển về các điểm dân cư ngập lụt. Đã ba ngày qua, bà Ninh và phụ nữ thôn Cửa Hà (xã Cẩm Phong) làm công việc thiện nguyện này. Họ làm tự phát, không qua chính quyền địa phương hay tổ chức xã hội nào.
"Bà con đói lắm, họ cũng như mình, ăn mỳ tôm mãi cũng xót ruột, khó có sức mà chống chọi với lũ lụt", bà Ninh lý giải cho hành động cao đẹp của chị em trong xóm.
|
Đều đặn hai bữa mỗi ngày, người dân vùng lũ ở Cẩm Phong được phát cơm miễn phí đến tận nhà, giúp họ qua cơn đói. Ảnh: Lê Hoàng. |
Bà Đặng Thị Thìn (68 tuổi), Hội trưởng người cao tuổi thôn Cửa Hà cho hay, mỗi ngày, điểm nấu ăn thiện nguyện của phụ nữ ở đây có 20-30 người phục vụ. Đều đặn hai bữa trưa và chiều họ đóng hơn nghìn xuất cơm đem chia cho các gia đình vùng lũ.
Các suất cơm có trứng rán, lạc chiên, rau xanh... và thay đổi món giữa các buổi nấu. Trị giá mỗi suất từ 20.000-30.000 đồng.
Ở xã Cẩm Phong, còn có nhiều điểm nấu cơm thiện nguyện khác tương tự như nhóm của bà Ninh. Bốn ngày qua, nhà thờ Giáo xứ Phong Ý cũng nhộn nhịp hơn thường lệ. Các linh mục, tu sĩ ở ngôi giáo đường này đã cứu trợ hàng trăm người dân nghèo rơi vào cảnh mất nhà cửa, cô lập. Căn nhà ba tầng khang trang của giáo xứ được bố trí đón tiếp người già, trẻ nhỏ đến sơ tán. Linh mục chính xứ Gia cô bê Mai Văn Toản cho hay, từ hôm lũ về, mỗi ngày đoàn thiện nguyện giáo xứ đã phát hàng nghìn suất cơm, nước uống và mỳ tôm cho giáo dân.
|
Bà Thìn (bên phải) đang nấu thức ăn bên chiếc bếp dã chiến trên vỉa hè. Ảnh: Lê Hoàng. |
"Hơn lúc nào hết, tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách được bà con giáo dân nơi đây nêu cao", linh mục Toản nói. Chỉ trong vòng một tháng, người dân vùng này hứng ba trận lũ lớn được coi là lịch sử trong vòng hàng chục năm qua.
Không chỉ nấu cơm thiện nguyện, các gia đình công giáo ở Cẩm Thuỷ còn thay nhau đến các hộ bị ngập sâu giúp bà con dọn bùn đất, sửa sang nhà cửa, vệ sinh môi trường.
Lũ tại huyện Cẩm Thuỷ đã qua, song người dân đang đối mặt tình trạng mất điện, mất nước diện rộng. Xác động vật, rều rác, chất thải từ các trang trại tràn ngập khu dân cư, điểm trường. Chính quyền địa phương đang huy động đoàn thanh niên, dân quân tự vệ, bộ đội, công an đến giúp dân khắc phục, sớm ổn định cuộc sống.
Tính đến 3/9, mưa lũ đã khiến 13 người chết và mất tích ở Thanh Hoá, hơn 6.000 căn nhà bị ngập chìm trong nước lũ, hơn 200 căn bị sập hoàn toàn; hàng chục điểm trường bị sạt lở, vùi lấp. Mưa lũ cũng làm sập và cuốn trôi năm cây cầu treo, cầu tạm trên địa bàn các huyện miền núi. Quốc lộ 15C, 16, 217, 217B và nhiều tuyến đường tỉnh bị sạt lở, gây ách tắc giao thông. Hàng nghìn héc ta lúa và hoa màu ở các huyện Quan Hoá, Bá Thước, Cẩm Thuỷ, Thạch Thành... hư hại, nguy cơ mất trắng.