Trước thực trạng vi phạm về đất rừng, đất nông nghiệp biến tướng trở thành Homestay ở tỉnh Sơn La như: huyện Mộc Châu, huyện Bắc Yên (Tà Xùa); hay tại tỉnh Lào Cai, tỉnh Yên Bái…có thể thấy tình trạng “bát nháo” trong xây dựng tại các địa phương này. Vậy, vì sao Homestay lại dễ dàng “phát triển nhanh – mạnh” đến như vậy.
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (Homestay) hiện nay thực hiện theo quy định về điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ đối với nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê do Chính phủ ban hành tại Nghị định số 168/2017/NĐ-CP, Nghị định số 142 về sửa đổi một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch. Đây là loại hình cơ sở lưu trú du lịch nên yêu cầu phải đáp ứng tất cả các quy định và điều kiện của cơ sở lưu trú du lịch, cả an toàn cháy nổ, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Với xu hướng du lịch hiện nay của đa số du khách, đặc biệt là khách quốc tế thích tìm về môi trường tự nhiên, hòa mình vào cuộc sống cộng đồng để được trải nghiệm cảm giác 3 cùng “cùng ăn, cùng ở, cùng lao động” cũng như tìm hiểu nét đặc sắc trong văn hóa bản địa một cách gần gũi nhất.
Cục Du lịch quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, tháng 10/2023, Việt Nam đón 1,11 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 5,2 triệu lượt khách nội địa. Tính chung 10 tháng, Việt Nam đã đón 10 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ 98,7 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 582,6 nghìn tỷ đồng.
Trong 9 tháng năm 2023, lượng khách du lịch đến Lào Cai đạt mức kỷ lục với trên 6 triệu lượt, bằng 101% so với kế hoạch năm và tăng 71% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là số lượng khách du lịch đến địa phương được ghi nhận cao nhất từ trước đến nay.
Hay chỉ tính riêng kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 năm nay, du lịch Yên Bái đã thắng lớn khi lượng du khách đến địa phương tăng mạnh với trên 122.650 lượt du khách (tăng 172,6 % so với cùng kỳ năm 2022), trong đó, khách quốc tế đạt 7.890 nghìn lượt; doanh thu ước đạt 105,6 tỷ đồng (tăng 185,4% so với cùng kỳ năm 2022). Trong khi đó, tổng lượng khách đến Sơn La trong 9 tháng đầu năm 2023 đạt 4,1 triệu lượt người, vượt 5,4% so với kế hoạch năm 2023 đề ra, doanh thu ước đạt 4.310 tỷ đồng.
Từ những con số đáng khích lệ kể trên, có thể thấy việc gia tăng các cơ sở Homestay đã góp phần giảm tải cho các khách sạn trong những đợt cao điểm tổ chức các lễ hội, đăng cai tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch cấp khu vực và quốc gia... khi có nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến địa phương.
Đồng thời, việc phát triển các cơ sở Homestay đáp ứng nhu cầu của một bộ phận khách du lịch có nhu cầu lưu trú tại nhà dân theo phân khúc thị trường. Đặc biệt, phát triển du lịch cộng đồng gắn với dịch vụ du lịch Homestay đã góp phần tạo ra hướng mở về khai thác tiềm năng, thế mạnh của các địa phương để phát triển kinh tế bền vững cho cộng đồng.
Việc du lịch cộng đồng phát triển sẽ giúp người dân địa phương nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, dịch vụ lưu trú du lịch Homestay vẫn còn những hạn chế nhất định. Đa số các Homestay hình thành tự phát, thiếu định hướng dẫn đến nhiều Homestay hoạt động kém hiệu quả, chưa đáp ứng kỳ vọng.
Homestay phát triển và đang đặt ra nhiều yêu cầu về quản lý, đầu tư phát triển sản phẩm du lịch theo đúng nhu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, theo ghi nhận của Pháp luật Plus tại nhiều địa phương khu vực Tây Bắc như tại Sơn La, Lào Cai, Yên Bái… tình trạng xây dựng Homestay vẫn cơ bản là tự phát.
Thiếu quy hoạch, đầu tư theo kiểu mạnh ai nấy làm, cơ quan quản lý nhà nước chưa hỗ trợ toàn diện cho người dân về kinh nghiệm làm du lịch, về giao thông, viễn thông, về quản lý phòng chống cháy nổ, an toàn thực phẩm, an ninh trật tự...Thực tế, đã có không ít địa phương buông lỏng quản lý dẫn đến homestay phát triển thiếu định hướng, vi phạm quy hoạch, xây dựng, lấn chiếm đất rừng, đất canh tác như Pháp luật Plus đã phản ánh rõ nét tại bài viết trước.
Những năm qua, đáp ứng nhu cầu của du khách đến tham quan, từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn huyện Bắc Yên (Sơn La) tại 4 xã Tà Xùa, Phiêng Ban, Làng Chếu, Háng Đồng, có 78 chủ công trình đã và đang đầu tư xây dựng 95 công trình cơ sở lưu trú, kinh doanh ăn uống, khu vui chơi giải trí… phục vụ hoạt động du lịch. Tổng diện tích sử dụng đất là 113.115,9 m2. Nhưng chỉ tính riêng số lượng công trình vi phạm tại Tà Xùa ghi nhận là 51 (trong đó có nhiều công trình đã tự khắc phục hậu quả).
Trong khi đó, tại huyện Mộc Châu số lượng công trình xây dựng vi phạm, công trình xây dựng homestay vi phạm cũng “phát triển” nhanh không kém. Khiến cơ quan chức năng khá “đau đầu” trong công tác quản lý.
Bàn luận về nguyên nhân khi tình trạng Homestay phát triển nhanh tại Mộc Châu thời gian qua, bà Nguyễn Thị Hoa - Phó Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu cho hay: “Do nhu cầu khách du lịch đến với Mộc Châu là rất lớn trong khi đó cơ sở lưu trú lại không đáp ứng đủ vì vậy một loạt Hometsay có phép và không phép bắt đầu hình thành”.
“Ngay từ khi mới về nhận chức, đồng chí Trần Dân Khôi – Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy đã ký, ban hành Chỉ thị số 27, và từ đó đến nay tháng nào cũng kiểm điểm về công tác vi phạm trật tự xây dựng, kể cả lấn chiếm lòng suối, đặc biệt là các Homestay vi phạm.
Hiện tại UBND huyện đã thống kê đầy đủ các homestay hoạt động nhưng vi phạm về đất đai, quy hoạch thì phải bắt buộc tháo dỡ, kiên quyết phải cưỡng chế tháo gỡ nhưng những trường hợp nằm trong quy hoạch mà có thể chuyển đổi được ví dự như đất của họ là đất nông nghiệp lại nằm trong quy hoạch khu dân cư thì phía UBND huyện sẽ vận động họ chuyển đổi mục đích sử dụng đất để đúng với quy định của pháp luật”, Phó Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu cho biết thêm.
Trước thực trạng đã nêu ở trên, cũng như chia sẻ của vị Phó Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu, hãy cùng Pháp luật Plus nhìn nhận góc độ pháp lý để nhìn nhận khách quan đối với công tác phát triển Homestay đang gặp khó ra sao.
Thứ nhất: Việc xây dựng công trình nhà ở, hạ tầng, công trình… trên đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp là vi phạm Luật Đất đai 2013.
Tại Khoản 1 Điều 6 Luật Đất Đai 2013 đã quy định về nguyên tắc sử dụng đất: “Đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đúng mục đích sử dụng đất”.
Hiện trạng hiện nay ở các địa phương Tây Bắc nói riêng, cũng như cả nước nói chung, thì người dân đang bất chấp rủi ro để biến đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp nhằm xây dựng công trình nhà ở, công trình lưu trú để hoạt động kinh doanh, sai với mục đích sử dụng đích ban đầu.
Như vậy, người dân, hoặc nhà đầu tư muốn “mở rộng” Homestay thì phải xây dựng trên đất có quy hoạch phát triển du lịch, đất thổ cư và thực hiện việc xin Giấy phép xây dựng, xin các giấy phép khác có liên quan… nếu không thực hiện nghiêm sẽ bị cưỡng chế, tháo dỡ trả lại nguyên trạng của đất.
Khi đã trở thành đối tượng vi phạm về đất đai, đương nhiên chủ đầu tư sẽ gặp vấn đề pháp lý, cùng với đó mục tiêu kinh doanh ban đầu sẽ bị “bể” dẫn đến thua lỗ trong kinh doanh.
Thứ hai, về việc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất xây dựng homestay chưa thực sự đồng bộ, thống nhất.
Hiện nay, quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 3, Luật Đất đai năm 2013 đã nêu rõ về khái niệm quy hoạch sử dụng đất quy hoạch sử dụng đất là “sự tính toán, phân bổ đất đai cụ thể về số lượng, chất lượng, vị trí, không gian cho các mục tiêu kinh tế - xã hội , đảm bảo cơ sở khoa học và thực tế của các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội để việc sử dụng đất phù hợp với các điều kiện về đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng và từng ngành sản xuất”; “Kế hoạch sử dụng đất là việc phân chia quy hoạch sử dụng đất theo thời gian để thực hiện trong kỳ quy hoạch”. Quy hoạch bao giờ cũng gắn liền với kế hoạch hoá đất đai. Bởi vì kế hoạch hoá đất đai chính là việc xác định các biện pháp, thời gian để sử dụng đất theo quy hoạch.
Thực trạng như tại xã Tà Xùa huyện Bắc Yên, hay huyện Mộc Châu,… thì địa điểm du lịch có quy hoạch phát triển thì ít được đầu tư đồng bộ, nhà đầu tư không mặn mà. Nhưng cứ chỗ nào thành điểm “check-in” mới, được giới trẻ yêu thích, người người đến tham quan thì lại được nhiều cá nhân đầu tư. Chính vì vậy, đã dẫn đến tình trạng xộc xệch trong phát triển, nơi được địa phương đầu tư thì “không ai đến” và ngược lại.
Cùng với đó, các điểm Homestay có vi phạm thì hạ tầng giao thông yếu kém, hạ tầng viễn thông tậm tịt, chưa kể là nguồn thực phẩm, an ninh trật tự … cũng không được đầu tư đồng bộ.
Nguyên nhân được chỉ ra đó là, khi lập quy hoạch sử dụng đất, cơ quan chức năng thiếu thông tin du lịch trong nước mà cả khu vực và quốc tế. Việc này đã khiến công tác xác định mục tiêu, nhu cầu thị trường cần gì, trong thời gian nào… không được thể hiện chuẩn xác trong quy hoạch, và khi công tác "quy hoạch" không nhìn xa trông rộng thì đương nhiên vấn đề "xộc xệch" trong phát triển Homestay là điều dễ hiểu.
Còn tiếp...
Vũ Quang - Đình Quyết - Ngọc Huy - Lê Hải