Đi dọc những cánh rừng phòng hộ ở thôn Khâu Làn, Lùng Mười, xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ và thôn Minh Tiến, xã Thuận Hòa, huyện Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang) người ta đều được ngắm những cánh rừng nghiến cổ thụ. Chúng đứng sừng sững, hiên ngang và chứng kiến bao thế hệ người dân ở dải đất này từ thuở còn bé, lớn lên đến khi về với đất.
Ông T. một trong những người dân được giao khoán bảo vệ rừng nghiến nguyên sinh ở thôn Khâu Làn bảo, từ khi sinh ra ông đã nhìn thấy những cây nghiến này lớn như thế rồi, giờ tóc đã ngả màu mà cây nghiến vẫn thế, vẫn chẳng khác thuở nhỏ ông nhìn thấy. Tuổi đời của chúng phải tính bằng hàng thế kỷ. Nhưng, buồn nỗi nhìn bề ngoài những cây nghiến to và hoành tráng là vậy, vào sâu trong rừng mới biết rất nhiều cây nghiến đã bị thương, bị "bức tử" dần.
Ngạc nhiên trước câu nói như xát muối của ông T. nhóm phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam sắp xếp thời gian trong tháng 1/2023 để nhờ ông dẫn đi xem thực hư “bệnh” của những “cụ” nghiến này. Trước khi đi vào rừng, ông T. còn căn dặn kỹ chúng tôi phải mặc quần áo sao cho giống người đi rừng, máy ảnh, máy quay bỏ vào túi chuyên đi rừng (túi tự may của đồng bào địa phương - PV), hễ có người hỏi phải biết cách trả lời sao cho không ảnh hưởng đến ông và không khiến anh em phóng viên đặt trước tình huống nguy hiểm.
5h sáng, chúng tôi bắt đầu cầm đèn pin xuất phát vào rừng, tại khu vực suối cạn giáp ranh giữa thôn Tân Tiến và thôn Khâu Làn, nhóm phóng viên đã ghi nhận hiện trường “lâm tặc” cưa gỗ nghiến. Theo ông T., thực tế hiện tại “lâm tặc” thường không chặt gỗ rồi xẻ mang đi bán ngay, mà cứ cưa rồi để đấy, có thể 1 hoặc 2 năm sau đó, chúng mới đến cưa dần để bán. Ở hiện trường khu vực này, những cây nghiến đã bị các đối tượng chặt hạ từ trước, mới đây mới cưa tiếp.
Đi sâu vào rừng, chúng tôi tiếp tục phát hiện hiện trường một gốc cây nghiến vừa bị “lâm tặc” cưa mùn cây để lại còn mới. Ông T. cho biết, đó là gốc cây nghiến bị đổ đã lâu, giờ “lâm tặc” mới tranh thủ lấy gỗ mang ra ngoài tiêu thụ.
Theo chân ông T. đi tiếp khoảng vài chục mét, nhóm phóng viên không khỏi xót xa khi chứng kiến 2 cây nghiến cổ thụ phải đến 5-6 người ôm mới xuể bị “lâm tặc” cưa mất một nửa gốc. Qua đo đạc xác định, số gỗ bị chặt hạ và bị cưa gốc trên thuộc Lô 9, Khoảnh 7, Tiểu khu 52A, hiện trạng rừng gỗ tự nhiên núi đá thường xanh, chức năng phòng hộ.
Ông T. cho hay, thủ đoạn cưa gốc lấy gỗ là cách “giết” “cụ” nghiến khôn khéo, vì không chặt đổ cây thì sẽ không tạo tiếng động lớn, dĩ nhiên cũng khó phát hiện.
“Nhưng bằng cách này, “cụ” nghiến sẽ chết dần, có thể chỉ khoảng 3-4 năm thôi, chắc chắn cây sẽ khô. Những ngày giáp tết này tình trạng phá rừng càng trở nên “nóng” hơn bao giờ hết, những hộ được giao khoán bảo vệ rừng như chúng tôi nhiều khi biết rõ thủ đoạn của “lâm tặc” đấy, nhưng cũng đành chịu, vì căn bản cộng đồng không quyết liệt”, ông T. rầu rĩ nói.
Theo ông T. mỗi lần gia đình ông có việc đi vắng vài ngày là lại có cây nghiến đổ rạp. Thậm chí, nhiều lần tố cáo hành vi trên, ông T. còn bị đe dọa đến tính mạng, hoặc như mới năm ngoái các đối tượng còn đổ thuốc trừ sâu xuống ao cá của gia đình ông, chi tiết chúng hù dọa, ông T. mong muốn báo chí không nêu rõ vì sợ bị lộ danh tính và trả thù.
Một người tên P. trú tại thôn Khâu Làn cũng tình nguyện đưa chúng tôi đi dọc những cánh rừng già nơi miền biên viễn này. Anh P. bảo rằng, cũng một phần vì cái nghèo bủa vây nên người dân mới đánh liều khai thác gỗ trái phép, số không làm gỗ thì đi làm ở các khu công nghiệp. Những ngày cận Tết này, đi rừng là thu nhập chính của những người đàn ông còn trẻ, khỏe nhưng không có việc làm ổn định ở địa phương.
Anh P. đưa chúng tôi lên khu vực được cho là khu dân cư đội 1 Khau Làn, dưới nhà của một hộ gia đình lợp bằng ngói fibro xi măng một cây Phay rừng đã ngả. Tại hiện trường là ngổn ngang gỗ được cắt dở thành từng tấm hộp, mùn cưa mới tinh. Theo anh P. mục đích tiêu thụ của những tấm gỗ này có thể là làm mặt bàn uống nước hoặc đóng sập.
Nhóm phóng viên vào nhà vờ hỏi mua gỗ và tìm hiểu về nguồn gốc của số gỗ trên, lúc này nữ chủ nhà không thừa nhận đó là gỗ của gia đình mà trả lời không rõ của ai và cưa từ lúc nào. Qua xác định vị trí trên bản đồ, khu vực này thuộc lô 43, khoảnh 8, tiểu khu 52A, trạng thái rừng tự nhiên núi đá, chức năng phòng hộ được giao khoán cho hộ gia đình ông Thào Chẩn Hùng.
Anh P. cho hay, không chỉ khu vực này cây gỗ bị chặt hạ mà còn có rất nhiều địa điểm khác gỗ rừng vẫn không ngừng “chảy máu”. Anh P. dẫn chúng tôi quay lại đường bê tông và chỉ vào đường rẽ cuối đường là nhóm hộ người Dao áo dài sinh sống bảo rằng, ngay bên dưới đường bê tông là vạt rừng phòng hộ, mới đây “lâm tặc” vừa chặt hạ nhiều gỗ rừng mang đi dấu. Nhưng anh P. từ chối dẫn đi vì sợ những người cùng làng phát hiện và thù hận.
Theo hướng dẫn của P. chúng tôi đi sâu xuống khe núi đá tai mèo phát hiện tại hiện trường là la liệt gỗ rừng đã bị chặt hạ, chỉ còn những cục gỗ lõi rỗng, bị sâu ăn và vỏ gỗ được chúng để lại. Qua xác định bằng phần mềm định vị và đối chiếu bản đồ phân ba loại rừng được biết khu vực này là rừng phòng hộ, chủ rừng là ông Sùng Tờ Pháng.
Đi ngược lên hướng đường bê tông theo lối mòn, nhóm phóng viên phát hiện có một lán chòi hoang, ngó nhìn bên trong có nhiều hộp gỗ được cất dấu, bên ngoài cửa đóng then cài không rõ chủ ngôi lán. Hỏi P. thì được biết đó là gỗ được tập kết để chờ cơ hội tuồn ra ngoài.
Liên quan đến trách nhiệm của chính quyền địa phương khi để xảy ra tình trạng phá rừng tràn lan, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã trao đổi qua điện thoại với ông Nguyễn Việt Tiến - Chủ tịch UBND xã Quyết Tiến. Ông Tiến cho biết, thực tế không có nhiều cây nghiến bị chặt hạ và cũng không có cây nghiến bị đốn gốc như phóng viên đã ghi nhận.
Còn một lãnh đạo Hạt kiểm lâm huyện Quản Bạ lại cho hay, mặc dù địa phương vẫn tuyên truyền, vận động người dân không phá rừng. Song, tình trạng phá rừng thực tế vẫn còn và hiện một số vụ phá rừng vẫn đang được cơ quan Công an huyện tích cực điều tra.
(Còn nữa)