Ngày 19/12, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai công tác Tư pháp năm 2023. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long dự và chỉ đạo Hội nghị nội bộ với các Sở Tư pháp.
Dự Hội nghị có các Thứ trưởng: Nguyễn Khánh Ngọc, Phan Chí Hiếu, Đặng Hoàng Oanh, Nguyễn Thanh Tịnh và thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, các Giám đốc Sở Tư pháp của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long vui mừng nhận thấy, mặc dù trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước, của ngành Tư pháp và của từng địa phương, năm 2022, các mặt công tác của Bộ, ngành đã được triển khai toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm các mặt công tác với cách làm hiệu quả, linh hoạt, bám sát chương trình hành động của Bộ, ngành Tư pháp, phù hợp với các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, nhiều lĩnh vực công tác đạt kết quả tích cực, tạo sự chuyển biến so với năm trước.
Theo đó, các Sở Tư pháp tiếp tục thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ là người gác cổng về các vấn đề pháp lý cho hệ thống chính trị địa phương, từng bước tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng và hoàn thiện khá toàn diện các văn bản quy phạm pháp luật trên các lĩnh vực.
Các lĩnh vực truyền thống của Bộ, ngành Tư pháp (xây dựng, thẩm định, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến giáo dục pháp luật) tiếp tục được thực hiện bài bản, nền nếp, đồng bộ và ngày càng hiệu quả, sát thực tiễn hơn. Nhiều địa phương đã tham mưu nhiều mô hình mới, cách làm hay, linh hoạt và đạt kết quả cao.
Công tác quản lý Nhà nước về hành chính tư pháp nhất là lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, lý lịch tư pháp, nuôi con nuôi tiếp tục được chú trọng và đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Cơ quan tư pháp địa phương đã tập trung, đầu tư nguồn lực triển khai thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 06/01/2022 phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”.
Công tác bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp tục được tăng cường, bám sát chỉ đạo của cấp có thẩm quyền và pháp luật của Nhà nước; thực hiện có hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra các tổ chức hành nghề trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp. Các hoạt động luật sư, tư vấn pháp luật, công chứng, giám định tư pháp, bán đấu giá tài sản ngày càng phát triển theo hướng xã hội hóa, phù hợp với cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế, đáp ứng tốt hơn các yêu cầu cải cách tư pháp và nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Vai trò, tính chuyên nghiệp của Trợ giúp viên pháp lý ngày càng được nâng cao.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, một số mặt công tác trong thời gian qua vẫn còn tồn tại, hạn chế nhất định. Bộ trưởng cũng đồng tình với các nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế cũng như các giải pháp mà đại biểu các Sở Tư pháp đã phát biểu tại Hội nghị.
Đường dẫn bài viết: https://phapluatplus.baophapluat.vn/so-tu-phap-dia-phuong-giup-hoan-thien-cac-van-ban-quy-pham-phap-luat-97311.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://phapluatplus.baophapluat.vn/ All right reserved.