Cứ vào mùng 3 Tết, tại thôn Plei Briêng, xã Ia Phang, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai đều tổ chức Lễ cũng đầu năm mới tại khu nhà mồ (nơi để chôn người chết). Lễ được tổ chức từ 19h ngày mùng 3 Tết kéo dài đến hết ngày mùng 4 Tết.
![]() |
Già Ama Bêm đang nhắc lại những truyền thống đẹp của người Jrai và khuyên dạy những điều nên và không nên làm cho dân làng.Ảnh: Minh Trang |
Già Ama Bêm cho biết: Khu nhà mồ của người Jrai không chỉ là nơi chôn cất người chết, đây còn là nơi diễn ra những lễ cúng tế quan trọng và những vụ phạt vạ trong làng. Thần linh (Yàng) và những linh hồn người đã khuất sẽ chứng giám cho dân làng.
Lễ cúng ông bà cha mẹ qua đời là lễ hội truyền thống vừa là dịp bày tỏ lòng thành kính với người đã mất, cầu mong Thần linh phù hộ cho dân làng có mùa màng bội thu. Đây còn là dịp để các thành viên trong buôn làng từ già, trẻ, gái trai có cơ hội được giao lưu, thắt chặt tình đoàn kết trong của buôn làng.
![]() |
Trong đêm ngày mùng 3 Tết, chỉ những già làng và những người đã có gia đình mới được phép uống rượu. Thanh niên chỉ được phép uống rượu trong buổi trưa ngày mùng 4. Ảnh: Minh Trang |
Ông Ksor Pek, Trưởng thôn Plei Briêng, xã Ia Phang cho biết: Người Jrai không ăn Tết Nguyên Đán như người kinh, nên để chào đón năm mới, cộng đồng người Jrai tại thôn Plei Briêng chọn ngày mùng 3 Tết để tổ chức lễ này. Vừa là lễ để toàn thể bà con dân làng tưởng nhớ về tổ tiên, vừa là cái Tết cho toàn thể dân làng, giúp ôn lại những nét văn hoá truyền thống của người Jrai.
Mất ba ngày để chuẩn bị đầy đủ những thứ cần thiết cho lễ cúng đầu năm mới. Các dòng họ trong thôn Plei Briêng sẽ lần lượt thay phiên nhau nộp vật phẩm tế lễ là 03 con heo/năm. Các hộ gia đình còn lại sẽ đóng góp tiền mặt để cùng làng để mua thêm 01 con trâu và 01 con heo và một số vật dụng khác cần thiết để tế lễ Thần linh.
![]() |
Mọi người trong trang phục truyền thống của người Jrai cùng nhau nhảy múa trong tiếng cồng chiêng ngân vang. Ảnh: Minh Trang |
Nhà nào giàu thì góp thêm ghè rượu to, nhà nào nghèo hơn thì góp ghè rượu nhỏ hoặc nếu không có ghè thì đem rượu trắng hoặc nước ngọt để góp uống trong buổi ăn trưa ngày mùng 4 Tết. Những nhà nào quá nghèo hoặc không có tiền thì cũng không sao vẫn được tham dự vui Tết cùng với tất cả mọi người.
Sau khi tế lễ Thần linh xong, mọi người sẽ cùng nhau ăn uống, hát hò và nhảy múa trong tiếng cồng chiêng rộn rã. Những hộ gia đình có người chôn tại khu nhà mồ còn mang theo chăn, gối để ngủ lại ngay cạnh khu mộ của gia đình mình trong đêm mùng 3 Tết.
Ông Ksor Pek cho biết thêm: Những ai mà chưa có người yêu, chưa có chồng, có vợ thì nên tham gia nhảy múa cùng mọi người, biết đâu tìm được người mà nên duyên.
![]() |
Cồng chiêng là loại nhạc cụ truyền thống, cực kỳ quan trọng trong đời sống của người Jrai. Ảnh: Minh Trang |
Thôn Plei Briêng còn mời những thôn hàng xóm như Chư Pôh 1, Chư Pôh 2 và Chao Bông đều thuộc xã Ia Phang đến cùng tham dự với buôn làng. Các thôn khách sẽ mang theo bộ cồng chiêng của thôn mình đến góp vui.
Tiết trời xuân của đại ngàn Tây Nguyên se lạnh nhưng đầm ấm nhờ ánh lửa hồng bập bùng, tiếng cười nói rộn rã của các nam thanh nữ tú trong bộ trang phục truyền thống của dân tộc Jrai trong điệu múa dập dìu với không gian tràn ngập âm sắc của cồng chiêng Tây Nguyên vang vọng núi rừng.
Đường dẫn bài viết: https://phapluatplus.baophapluat.vn/le-cung-dau-nam-moi-cua-nguoi-jrai-87191.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://phapluatplus.baophapluat.vn/ All right reserved.