Theo đó, chiều ngày 14/4, Ban lãnh đạo và một số Trưởng phòng các khoa của Trường đại học Điện lực đã có buổi trao đổi với một số cơ quan báo chí quan tâm đến nội dung trong Kết luận xác minh số 1723 của Bộ Công Thương.
Tại buổi trao đổi, nhiều phóng viên đặt câu hỏi với ông Trương Huy Hoàng, Hiệu trưởng nhà trường về quá trình xử lý, giải quyết liên quan đến Kết luận thanh tra của Bộ Công Thương. Ngoài ra các phóng viên cũng đặt câu hỏi với ông Hoàng vi sao nội dung thì cũ và đã xảy ra nhiều năm trước đây, tạị sao Bộ Công Thương lại cứ nhắc đi nhắc lại?
Trước nhưng câu hỏi trên của PV, nhiều cán bộ có mặt tại buổi trao đổi đã tỏ ra buồn bã, còn ông Trương Huy Hoàng thì cho biết: “Hầu hết các nội dung trong kết luận 1723 cũng đều đã nêu trong các kết luận thanh tra trước đây, trong đó có nhiều nội dung cũng đã được xử lý.
Tuy nhiên, việc nhiều lần nhắc lại các sai phạm đã nêu dễ gây hiểu lầm trong dư luận làm ảnh hưởng đến uy tín của nhà trường cũng như ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của đội ngũ cán bộ giảng viên và sinh viên nhà trường".
Còn về một số nội dung liên quan đến những vi phạm trong Kết luận thanh tra số 3424 của Bộ Công Thương, ông Trương Huy Hoàng cho hay: “Sau khi có kết luận, nhà trường đã thành lập một Tổ công tác để xử lý, giải quyết. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng thành lập Tổ công tác để giám sát, kiểm tra sau kết luận thanh tra”.
Đối với kết luận của Bộ GD&ĐT về một số sai phạm liên quan đến công tác tuyển sinh, ông Trương Huy Hoàng cho biết, nhà trường đã thực hiện nghiêm túc và đã xử lý một số cá nhân để xảy ra vi phạm từ năm 2016.
Còn về kết luận của Bộ Công Thương yêu cầu Trường đại học Điện lực thu hồi, đối chiếu, quyết toán các khoản thu học phí, lệ phí, thu chi nội bộ với số tiền 45 tỷ đồng.
Ông Dương Trung Kiên, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Đối với số tiền 45 tỷ hiện nhà trường đang đối chiếu với các đơn vị liên kết đào tạo, do chưa đủ thủ tục giấy tờ nên chưa quyết toán xong, còn số tiền nào cần phải thu thì nhà trường đã thu”.
Về vấn đề đứng lớp của Hiệu trưởng, ông Trương Huy Hoàng chia sẻ: “Trước tôi chưa làm hiệu trưởng tôi giảng dạy rất nhiều, khi lên làm hiệu trưởng thì công việc rất lớn, xử lý tất cả các vấn đề liên quan đến nhà trường.
Tuy nhiên tôi vẫn giành thời gian để hướng dẫn lớp cao học, cũng hướng dẫn trực tiếp, chính vì vậy mà đối chiếu với quy định thì tôi có thể vượt số giờ giảng dạy”.
Tại buổi trao đổi với báo chí, ông Trương Huy Hoàng cũng thẳng thắn nhận trách nhiệm: “Mặc dù tập thể đã nỗ lực cố gắng rất nhiều nhưng vẫn để xảy ra sai sót, một số cán bộ bị xử lý kỷ luật, riêng cá nhân tôi vì là người đứng đầu nên Bộ Công Thương cũng xử trách nhiệm, tôi phải chịu hình thức phê bình và kiểm điểm, rút kinh nghiệm".
“Quan điểm của lãnh đạo nhà trường là trong công tác khen thưởng kỷ luật phải đảm bảo tính công bằng. Cán bộ nào mắc sai phạm đều phải bị xử lý, dù bất kể người đó là ai, giữ cương vị nào, chỉ có như vậy mới mang lại công bằng cho tất cả các cán bộ nhân viên của nhà trường”, ông Hoàng khẳng định.
Cũng tại buổi trao đổi, nhiều PV đặt câu hỏi với ông Trương Huy Hoàng về xử lý những sai phạm của ông Trương Nam Hưng, Phó hiệu trưởng nhà trường?
Ông Hoàng cho biết: “Những sai phạm của ông Hưng như không hoàn thành khối lượng giảng dạy nhà trường giao trong nhiều năm; kê khai không đúng khối lượng giảng dạy diễn ra trong nhiều năm liên tục, kéo dài; kê khai khống thành tích để được khen thưởng, công nhận danh hiệu.
Việc này ảnh hưởng xấu đến uy tín của cá nhân ông Hưng, Chi bộ công nghệ năng lượng cũng như uy tín của Đảng bộ Trường đại học Điện lực”.
Trước những sai phạm này của ông Hưng, nhà trường đã gửi công văn tới Bộ Công Thương, Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Công Thương đề nghị cách chức chức danh Phó hiệu trưởng nhà trường, cách chức chức danh Uỷ viên Hội đồng trường. Còn về đảng thì do Đảng uỷ khối các trường Đại học và Cao đăng xử lý”.
Nhiều PV tiếp tục đặt câu hỏi với ông Trương Huy Hoàng là hiện nay Bộ Công Thương và Đảng uỷ khối các Trường Đại học và Cao đẳng xử lý ông Trương Nam Hưng thế nào?
Ông Hoàng cho hay: “Việc này các nhà báo liên hệ với Bộ Công Thương và Đảng uỷ khối để có thông tin, vì nhà trường không có thẩm quyền xử lý”.
Theo như những gì đang diễn ra tại Trường đại học Điện lực, tập thể cán bộ nhân viên tại đây rất mong mỏi các cơ quan cấp trên cần chỉ đạo và xử lý những cá nhân mắc sai phạm một cách quyết liệt và nhanh chóng, nhằm ổn định tình hình và sự phát triển đi lên của nhà trường.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này khi trao đổi với Bộ Công Thương.
Tại buổi trao đổi với báo chí, lãnh đạo Trường đại học Điện lực thông tin, hiện nay nhà trường được đầu tư khang trang, mỗi năm tuyển sinh hơn 3.000 sinh viên, và hiện có hơn 13.000 sinh viên đang theo học, lương giảng viên được cải thiện, trung bình mỗi giảng viên hơn 16 triệu đồng/tháng. Lượng sinh viên khi tốt nghiệp ra trường đều có việc làm, con số đạt trên 95%. Trình độ giảng viên giáo sư, tiến sĩ cao, xấp xỉ 40%.
Trong mùa dịch Covid-19 vừa qua, nhà trường cũng được Thủ tướng Chính phủ khen vì tập thể thầy và trò đã chế tạo ra máy thở phục vụ cho các bệnh nhân mắc dịch Covid-19.
Đường dẫn bài viết: https://phapluatplus.baophapluat.vn/lanh-dao-truong-dai-hoc-dien-luc-ly-giai-sau-ket-luan-cua-bo-cong-thuong-50634.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://phapluatplus.baophapluat.vn/ All right reserved.