10 sự kiện giáo dục đáng chú ý năm 2017

30 điểm vẫn trượt đại học; Điểm chuẩn ngành sư phạm "rớt đáy"; cải cách tiếng Việt... là những sự kiện giáo dục nổi bật trong năm 2017.


Tin nên đọc

1.30 điểm vẫn trượt ĐH

Mức điểm cao hơn hẳn mọi năm, số lượng thí sinh điểm tuyệt đối gia tăng đột biến đã khiến cuộc cạnh tranh vào đại học trở nên khốc liệt. Đặc biệt, nhiều thí sinh có điểm thi cao trên 29, thậm chí 30 điểm vẫn có thể trượt đại học do cách xét tiêu chí phụ và cộng điểm ưu tiên. Đặc biệt, điểm chuẩn trong ngành công an, quân đội lấy cao kỉ lục: 30- 30,5 điểm.

Nhiều vấn đề cộng điểm ưu tiên được đặt ra sau kỳ thi THPT (tienphong.vn)
Nhiều vấn đề cộng điểm ưu tiên được đặt ra sau kỳ thi THPT (tienphong.vn)

Sự việc trên đã gây phân rẽ trong ngành quản lý giáo dục, bên cạnh luồng ý kiến cho rằng cân thay đổi việc cộng điểm ưu tiên, một số ý kiến khác lại bảo vệ quan điểm giữ nguyên mức điểm cộng để đảm bảo công bằng đối với các học sinh vùng sâu, vùng xa và dân tộc thiểu số.

Ngoài ra, nhiều tỉnh, thành phố đã công bố tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao, tăng hơn hẳn các năm trước khi đạt 98-99%. Với tỉ lệ tốt nghiệp đỗ cao như vậy, dư luận băn khoăn đặt câu hỏi có nên giữ kỳ thi THPT.

2. Điểm chuẩn các trường sư phạm "chạm đáy"

Trong kỳ tuyển sinh 2017, vấn đề điểm chuẩn vào các trường sư phạm cũng đã gây ra rất nhiều hoang mang trong dư luận. Ngoài hai trường top đầu trong khối ngành sư phạm là ĐH Sư phạm Hà Nội và ĐH Sư phạm TP HCM, các trường khác đều tuyển dụng với số điểm đặc biệt thấp.

Điểm chuẩn sư phạm thấp kỷ lục (vietnamnet.vn)
Điểm chuẩn sư phạm thấp kỷ lục (vietnamnet.vn)

Nhiều vấn đề được đặt ra về tương lai của nền giáo dục sau này, đặc biệt với đội ngũ giáo viên có chất lượng không đạt chuẩn.

GS Ngô Bảo Châu khẳng định tình hình lấy điểm đầu vào thấp của một số trường sư phạm như hiện nay là điều đáng lo ngại.

Cố PGS Văn Như Cương cho rằng, chúng ta đang tiến hành đổi mới cơ bản và toàn diện, với một lực lượng giáo viên đầu vào chỉ có 9-10 điểm thì 3 năm nữa thì sao cáng đáng công việc đổi mới giáo dục được? Đổi mới giáo dục lâm nguy nếu chúng ta có đội ngũ xung kích chất lượng không có. Điều này được báo trước.

3. Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể

Chiều 27/7, Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông đã chính thức thông qua Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (GDPTTT).

Chương trinh giáo dục phổ thông tổng thể được thông qua (tienphong.vn)
Chương trinh giáo dục phổ thông tổng thể được thông qua (tienphong.vn)

Chương trình giáo dục phổ thông được chia thành hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12).

Hệ thống môn học và hoạt động giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông gồm các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, các môn học tự chọn.

Thời gian thực học trong một năm học tương đương 35 tuần. Các cơ sở giáo dục có thể tổ chức dạy học 1 buổi/ngày hoặc 2 buổi/ngày. Cơ sở giáo dục tổ chức dạy học 1 buổi/ngày và 2 buổi/ngày đều phải thực hiện nội dung giáo dục bắt buộc chung thống nhất đối với tất cả cơ sở giáo dục trong cả nước.

4. Lùi chương trình, sách giáo khoa mới vì chưa yên tâm về chất lượng

Chiều 21/11, 89,21% đại biểu Quốc hội đã tán thành thông qua nghị quyết điều chỉnh lộ trình triển khai áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới được quy định tại khoản 4 Điều 2 Nghị quyết số 88 năm 2014 của Quốc hội.

Lùi thời gian ra bộ SGK mới (giaoduc.net)
Lùi thời gian ra bộ SGK mới (giaoduc.net)

Cụ thể, thời hạn áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới theo hình thức cuốn chiếu chậm nhất từ năm học 2020-2021 đối với cấp tiểu học, từ năm học 2021-2022 đối với cấp trung học cơ sở và từ năm học 2022-2023 đối với cấp trung học phổ thông.

Để triển khai lộ trình trên, Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo xây dựng chương trình, biên soạn sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, bảo đảm không tăng kinh phí; bố trí đủ nguồn lực, chuẩn bị đồng bộ các điều kiện về đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, cơ sở vật chất để triển khai áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.

"Khi chuẩn bị đủ các điều kiện, Chính phủ báo cáo Quốc hội thời điểm áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo lộ trình quy định", nghị quyết này nêu.

Nhóm chuyên gia độc lập thực hiện đề án bảng xếp hạng 49 đại học Việt Nam.

5. Bảng xếp hạng giáo dục đại học gây tranh cãi

Bảng xếp hạng với 49 trường đại học ở Việt Nam do một nhóm chuyên gia độc lập công bố chiều 6/9 đã gây ngạc nhiên khi nhiều đại học trẻ "lên ngôi" trong khi các trường khối kinh tế nổi tiếng nằm ở vị trí khá thấp.

Theo bảng xếp hạng tổng thể mà nhóm chuyên gia này công bố, ĐHQG Hà Nội đứng đầu bảng với số điểm trung bình là 85.3. Các ĐH vùng và ĐHQG khác như ĐHQG TP.HCM, ĐH Đà Nẵng, ĐH Cần Thơ, ĐH Huế… đều nằm trong tốp 10.

Bảng xếp hạng ĐH với nhiều bất ngờ (dantri.com)
Bảng xếp hạng ĐH với nhiều bất ngờ (dantri.com)

Đáng chú ý, trong bảng xếp hạng này là các trường ĐH "trẻ" như Trường ĐH Tôn Đức Thắng và Trường ĐH Duy Tân đều có mặt trong tốp 10. Trong đó, Trường ĐH Tôn Đức Thắng xếp thứ 2 với mức điểm 72.0 điểm còn ĐH Duy Tân xếp ở vị trí thứ 9.

Chi tiết các tiêu chí và trọng số tiêu chí được sử dụng để xếp hạng các trường ĐH.

Các trường ĐH khối kinh tế có vị trí khá thấp trong bảng xếp hạng này. Cụ thể Trường ĐH Ngoại thương xếp thứ 23. Trường ĐH Thương mại xếp thứ 29. Trường ĐH Kinh tế quốc dân xếp thứ 30. Học viện Tài chính xếp thứ 40 và Học viện Ngân hàng xếp thứ 47.

Nguyên nhân được nhóm chuyên gia giải thích là các trường này có quy mô đào tạo lớn song sự hiện diện trên các ấn phẩm khoa học quốc tế thì không cao.

Tỉ lệ lượng hóa các tiêu chí do nhóm chuyên gia đưa ra là: 40% (nghiên cứu khoa học), 40% (giáo dục đào tạo) và 20% (cơ sở vật chất và quản trị).

Với "phép đo" này, một số ĐH được xếp các thứ hạng cao trong các bảng xếp hạng của quốc tế như Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chỉ xếp hạng 7 trong bảng xếp hạng tổng thể của nhóm. Trường ĐH Y Hà Nội cũng khiêm tốn xếp ở hạng thứ 20.

Nhóm chuyên gia cũng xếp hạng các trường ĐH theo các nhóm tiêu chí bảng xếp hạng gồm: Nghiên cứu khoa học, Giáo dục đào tạo và Cơ sở vật chất và quản trị.

Theo đó, về nghiên cứu khoa học, Trường ĐH Tôn Đức Thắng xếp hạng 1. Về giáo dục đào tạo và cơ sở vật chất, ĐHQG Hà Nội đứng đầu.

6. Dự thảo Luật giáo dục đại học

Bộ GD&ĐT vừa chính thức công bố dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học để lấy ý kiến trước khi trình Chính phủ.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học đề xuất một số nội dung đáng chú ý như các phương án về công nhận hiệu trưởng và hiệu phó, trường đại học tự quyết định mức học phí...Dự kiến, có 36 điều thuộc 10 chương trên tổng số 73 điều, 12 chương của Luật Giáo dục Đại học sẽ được sửa đổi nhằm mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả của tự chủ giáo dục đại học, nâng cao năng lực quản trị của các cơ sở giáo dục đại học cũng như đổi mới quản lý đào tạo để đảm bảo chất lượng, hiệu quả và tiệm cận với các chuẩn quốc tế.

7. Cải cách tiếng Việt của giáo sư Bùi Hiền

Ngay khi vừa công bố công trình bộ chữ Tiếng Việt mới, giáo sư Bùi Hiền đã gây tranh cãi đối với dư luận và giới chuyên gia. Với đề xuất của PGS.TS Bùi Hiền - nguyên Hiệu phó ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nội dung & Phương pháp dạy-học phổ thông về cải tiến tiếng Việt, chứ tiếng Việt sẽ từ 38 chữ cái giảm còn 31 để loại bỏ hầu hết thiếu sót và bất cập trong ngôn ngữ Tiếng Việt, đặc biệt là về cách viết. Đáng chú ý, sau khi giảm còn lại 31 chữ cái, cách viết đã thay đổi hoàn toàn so với chữ viết hiện nay.

Đề xuất cải cách tiếng Việt khiến người người
Đề xuất cải cách tiếng Việt khiến người người "dậy sóng (soha.vn)

Rất nhiều người trong giới nghiên cứu đã lên tiếng về sự việc này. Trong đó đáng chú ý là phát ngôn của giáo sư Trần Đình Sử cho rằng, tiếng Việt cải cách sẽ làm phá hoại nền văn hóa Việt Nam.

Bộ GD&ĐT cũng đã lên tiếng về sự kiện này, Bộ cho rằng rất trân trọng tất cả công trình nghiên cứu và đề xuất nghiêm túc của nhà khoa học. Tuy nhiên, để đưa một đề xuất liên quan đến cải tiến chữ viết của ngôn ngữ quốc gia vào thực tế, cần có sự thẩm định của chuyên gia, ý kiến của các tầng lớp nhân dân và sự xem xét, quyết định của Quốc hội, Chính phủ. Bộ không đủ thẩm quyền và không dự kiến áp dụng bất cứ một phương án nào về cải tiến chữ viết quốc gia trong giai đoạn hiện nay.

8. Bạo hành trẻ ở các trường mầm non

Nhiều sự vụ hành hung trẻ bị phanh phui ở các trường mầm non đã khiến dư luận hoang mang suốt một thời gian dài.

Clip ghi lại cảnh các bảo mẫu Vụ việc bảo mẫu dùng tay chân, can nhựa, chổi lau nhà, thậm chí cả dao, hành hạ trẻ mầm non ở TP.HCM khiến dư luận bức xúc.Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết vụ bảo mẫu của cơ sở Mầm Xanh, TP.HCM, bạo hành trẻ được xem là nghiêm trọng. Những người liên quan có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự.

Bà Nguyễn Thị Nghĩa - Thứ trưởng GD&ĐT - nhận định đây có thể là vụ bạo hành trẻ mầm non nghiêm trọng nhất trong nhà trường từ trước đến nay.“Đây là vụ bạo hành trẻ mầm non nghiêm trọng nhất trong nhà trường từ trước đến nay. Sự việc này cho thấy các địa phương, phòng giáo dục cần xem xét lại việc cấp phép cho các cơ sở đã đúng quy định chưa, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, giám sát về hoạt động của trường mầm non”- Thứ trưởng Nghĩa quan điểm.

9. Thầy Văn Như Cương qua đời

Ngày 9/10, PGS Văn Như Cương (Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh) đã qua đời ở tuổi 80 sau khoảng thời gian chống chọi với bệnh tật.

Ngay sau đó, học sinh trường THPT Lương Thê Vinh đã gấp 28.000 hạc giấy tượng trưng cho số năm thành lập trường Lương Thế Vinh để tưởng nhớ PGS Văn Như Cương nhân ngày 20/11.

Thầy Văn Như Cương qua đời sau nhiều năm chống chọi với bệnh ung thư gan (danviet.vn)
Thầy Văn Như Cương qua đời sau nhiều năm chống chọi với bệnh ung thư gan (danviet.vn)

Chương trình mang tên Dấu ấn, được các bạn đoàn viên thanh niên trong trường phát động, tổ chức. Đây là hoạt động tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới các thế hệ nhà giáo của học sinh toàn trường, đồng thời thể hiện tinh thần tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn tốt đẹp của dân tộc.Triển lãm cuộc đời và những dấu ấn về cố PGS Văn Như Cương được tổng hợp từ rất nhiều nguồn ảnh tư liệu, kỷ vật... và sắp đặt bài trí xung quanh sân trường cùng một phòng trưng bày trang trọng.

Điểm nhấn giữa hàng nghìn cánh hạc giấy là chiếc bánh kỷ niệm ngày ra mắt triển lãm với hình ảnh thân thương của thầy Cương cùng vợ.

10. Từ 2018, bỏ 'cấm thi' vào lớp 6?

Các trường có số học sinh đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu, có thể kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực. Đó là nội dung thay đổi quan trọng được Bộ GD&ĐT đưa ra lấy ý kiến rộng rãi về tuyển sinh đầu cấp. Theo các chuyên gia, quy định này sẽ “cởi trói” cho các trường “nóng” về tuyển sinh lớp 6 từ năm tới, tránh hiện tượng chạy chọt tiêu cực như mấy năm vừa qua.

Ngày 18/12, Bộ GD&ĐT công bố Dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT ban hành kèm theo Thông tư số 11/2014. Theo đó, một trong những nội dung sửa đổi, bổ sung quan trọng của dự thảo là nội dung liên quan đến tuyển sinh vào lớp 6.

Điểm mới quan trọng trong dự thảo sửa đổi, bổ sung lần này ghi rõ: “Trường hợp cơ sở giáo dục có số học sinh đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh, Sở GD&ĐT hướng dẫn thực hiện phương án tuyển sinh theo phương thức xét tuyển hoặc kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh”.

Phạm Trang (T/H)

Đường dẫn bài viết: https://phapluatplus.baophapluat.vn/10-su-kien-giao-duc-dang-chu-y-nam-2017-44205.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://phapluatplus.baophapluat.vn/ All right reserved.