Hình ảnh thầy Văn Như Cương trong thế hệ học sinh đầu tiên tại Trường ĐH Sư phạm Vinh

“Thầy Cương mãi là người thầy, người đồng nghiệp đáng kính. Ngoài giỏi chuyên môn thầy rất đa tài, hòa đồng, vui vẻ trong cuộc sống…”


Đó những cảm nhận của lớp thế hệ học trò đầu tiên của PGS-TS Văn Như Cương tại trường Đại học Sư phạm Vinh (giờ là trường Đại học Vinh, trường Đại học trọng điểm quốc gia), sau này là những đồng nghiệp cùng công tác giảng dạy tại khoa Toán trường Sư phạm Vinh trong những năm khói lửa chiến tranh ác liệt.

Thầy Trương Đức Hinh nhớ lại những năm tháng là học trò, đồng nghiệp công tác cùng PGS-TS Văn Như Cương tại trường ĐH Sư phạm Vinh (nay là trường ĐH Vinh).
Thầy Trương Đức Hinh nhớ lại những năm tháng là học trò, đồng nghiệp công tác cùng PGS-TS Văn Như Cương tại trường ĐH Sư phạm Vinh (nay là trường ĐH Vinh).

Nhớ lại phút giây nhận được hung tin khi biết PGS-TS Văn Như Cương sau những ngày tháng chống chọi với bệnh tật, nhưng đã không qua khỏi.

Thầy Trương Đức Hinh (SN 1941, nguyên giáo viên giảng dạy tại bộ môn Hình học, khoa Toán, trường Đại học Sư phạm Vinh) cho biết: “Sáng sớm tôi nhận được điện thoại của con gái đang công tác tại Hà Nội báo tin thầy Cương đã qua đời.

Thầy Cương qua đời là một thiệt thòi rất lớn của ngành giáo dục nước nhà. Với tôi đó là một người thầy, một người đồng nghiệp đáng mến.

Người đã đặt những viên đá đầu tiên xây dựng Trường Đại học Sư phạm Vinh để có được Trường Đại học Vinh như ngày hôm nay”.

Lớp học sinh khóa 1, khoa Toán tại Trường ĐH Sư Phạm Vinh được PGS-TS Văn Như Cương bồi dưỡng.
Lớp học sinh khóa 1, khoa Toán tại Trường ĐH Sư Phạm Vinh được PGS-TS Văn Như Cương bồi dưỡng.

Thầy Trương Đức Hinh là một trong những học sinh đầu tiên của PGS-TS Văn Như Cương tại khóa 1, khoa Toán trường Đại học sư Phạm Vinh.

Thời điểm đó Trường Đại học Sư Phạm Vinh mới được thành lập. “Ngoài cuộc sống thầy luôn dí dỏm hài hước, không chỉ giỏi chuyên môn mà đó còn là một con người đa tài, chan hòa, dí dỏm và rất dễ gần.

Nhưng đã bước lên mục giảng thì tất cả đều trở về đúng quy củ. Phương pháp giảng bài của thầy vô cùng sinh động, cuốn hút.

Chúng tôi học xong được giữ lại để làm giảng viên tại Trường Đại học Sư phạm Vinh. Từ quan hệ thầy trò chúng tôi lại trở thành đồng nghiệp cùng vượt qua những khó khăn gian khổ trong những năm kháng chiến”, thầy Hinh nhớ lại.

PGS-TS Văn Như Cương qua đời để lại niềm tiếc thương đối với lớp lớp thế hệ học sinh may mắn được thầy giảng dạy.
PGS-TS Văn Như Cương qua đời để lại niềm tiếc thương đối với lớp lớp thế hệ học sinh may mắn được thầy giảng dạy.

Những năm kháng chiến, Trường Đại học Sư Phạm Vinh trở thành một trong những điểm bị đối phương dội bom tàn phá.

Trường phải di tản nhiều nơi, giảng viên của nhà trường cũng phải khăn gói theo. Đi tới đâu thầy Cương cũng nhận được sự yêu mến hết mực của người dân địa phương.

Những lớp học trò từ mái Trường Đại học Sư phạm Vinh ra trường hầu hết đều có những đóng góp quá trình xây dựng đất nước.

Nhiều người trở về trường tiếp tục công tác giảng dạy, xây dựng trường Đại học Sư phạm Vinh càng lớn mạnh xứng đáng là ngọn cờ đầu cho nền giáo dục.

Thầy Nguyễn Qúy Dy nhớ lại bài thơ vui mà mình làm để tặng thầy Văn Như Cương.
Thầy Nguyễn Qúy Dy nhớ lại bài thơ vui mà mình làm để tặng thầy Văn Như Cương.

Thầy Nguyễn Qúy Dy (SN 1940) cũng là một trong những học sinh đầu tiên của PGS-TS Văn Như Cương tại trường Đại học Sư phạm Vinh, đồng thời là đồng nghiệp cùng công tác với PGS-TS Văn Như Cương tại đây vẫn nhớ mãi hình ảnh người thầy, đồng nghiệp luôn có những góp ý chân thành, thẳng thắn: “PGS-TS Văn Như Cương là một người rất cương trực, thẳng thắn, luôn góp ý chân thành với tinh thần xây dựng.

Dù không bằng lòng nhưng thầy không bao giờ dùng từ ngữ nặng nề. Trong quá trình giảng dạy thầy luôn tôn trọng học trò khuyến khích sự sáng tạo”.

“Có một lần tôi làm bài thơ để “chọc” thầy nhưng không ngờ thầy lại rất vui vẻ. Đến giờ tôi vẫn nhớ bài thơ đó, nội dung bài thơ là: Thầy có chòm râu phủ tận bàn, nhìn thầy thấy toán chẳng khô khan, thầy ơi trong toán nhiều hoa lắm, toán vốn là hoa chẳng chịu tàn”, thầy Dy nhớ lại kỷ niệm.

Quang Phong

Đường dẫn bài viết: https://phapluatplus.baophapluat.vn/hinh-anh-thay-van-nhu-cuong-trong-the-he-hoc-sinh-dau-tien-tai-truong-dh-su-pham-vinh-43877.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://phapluatplus.baophapluat.vn/ All right reserved.