Bộ Giáo dục khẳng định SGK mới sẽ kịp đưa vào giảng dạy từ năm học 2018 – 2019

Sau khi lấy ý kiến xã hội, dự thảo chương trình đổi mới sách giáo khoa (SGK) sẽ chính thức được ban hành vào tháng 9/2017 để kịp đưa vào giảng dạy bắt đầu từ năm học 2018 - 2019. Đây là thông tin chính thức được đưa ra tại họp báo thường kỳ Quý I/2017 do bộ GD-ĐT cung cấp chiều 24/3.


Bộ Giáo dục khẳng định SGK mới sẽ kịp đưa vào giảng dạy từ năm học 2018 – 2019

Tại buổi họp báo, một vấn đề được dư luận quan tâm hiện nay là liệu đầu năm học 2018-2019 việc triển khai chương trình đổi mới SGK có kịp thực hiện hay không?

Trả lời vấn đề này, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông cho biết: "Bộ GD và ĐT khẳng định có thể thực hiện được và phấn đấu đến tháng 9/2017 dự thảo được phê duyệt".

Theo GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, để đảm bảo chương trình đổi mới SGK được đưa vào đúng thời gian như Nghị quyết của Quốc hội khóa 13 nêu ra, Chính phủ phải có thời gian làm việc với lãnh đạo địa phương để yêu cầu địa phương chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để thực hiện chương trình mới.

Vì theo GS.TS Nguyễn Minh Thuyết nếu các điều kiện không đảm bảo sẽ dẫn tới chương trình đổi mới SGK bị hạn chế, khó thành công.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga chủ trì buổi họp báo.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga chủ trì buổi họp báo.

Ngoài ra trong buổi họp báo, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cũng cho biết so với chương trình hiện hành, dự thảo đổi mới SGK có một số điểm mới như:

Thứ nhất, chương trình đổi mới SGK góp phần định hướng phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh, trong đó tập trung chủ yếu vào cấp trung học phổ thông.

Cụ thể: "Lớp 10 sẽ là lớp dự hướng giúp các em học sinh có được những sự chuẩn bị nhất định để chọn hướng nghiệp cho đúng khi đến lớp 11, 12.

Lớp 11, 12 sẽ giúp các em học sinh có định hướng đúng về nghề nghiệp, bảo đảm học sinh được tiếp cận nghề nghiệp mà các em muốn theo đuổi".

Theo GS, nếu học dàn trải như hiện nay sẽ không đảm bảo định hướng nghề nghiệp. Vì vậy từ lớp 11 và lớp 12 ngoài một số môn bắt buộc như giáo dục quốc phòng, giáo dục thể chất, ngoại ngữ, hoạt động trải nghiệm sáng tạo thì các môn còn lại sẽ được học sinh tự chọn. Mỗi học sinh sẽ tự chọn 5 môn còn lại phù hợp với định hướng nghề nghiệp của mình.

 GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông trả lời những câu hỏi của phóng viên. 
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông trả lời những câu hỏi của phóng viên.

Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cũng kế thừa những điểm tốt của chương trình hiện hành để đảm bảo chương trình mới hoàn thiện hơn.

Theo dự thảo chương trình giáo dục phổ thông, các môn học bắt buộc ở cấp tiểu học gồm: Tiếng Việt, Toán, tiếng Anh, Giáo dục lối sống, Cuộc sống quanh ta, Tìm hiểu xã hội, Tìm hiểu tự nhiên, Kỹ thuật và Tin học, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số.

Ở cấp trung học cơ sở, các môn học bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh, Giáo dục công dân, Khoa học tự nhiên, Tin học, Công nghệ và hướng nghiệp, Lịch sử và Địa lý, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Môn học tự chọn là Ngoại ngữ 2.

Ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, lớp 10 bao gồm các môn học bắt buộc là: "Ngữ văn, Toán, tiếng Anh, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Thiết kế và Công nghệ, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Môn học tự chọn: Ngoại ngữ 2".

Lớp 11 và lớp 12, các môn học chung (bắt buộc) bao gồm: Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Các môn học định hướng nghề nghiệp (tự chọn bắt buộc): "Ngữ văn, Toán, tiếng Anh, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Khoa học máy tính, Tin học ứng dụng, Thiết kế và Công nghệ, Mỹ thuật, Âm nhạc. Học sinh tự chọn tối thiểu 5 môn học trong các môn nói trên phù hợp với nguyện vọng của bản thân và điều kiện tổ chức của nhà trường".

Ngoài ra, dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cũng đề cập tới định hướng xây dựng các chương trình môn học; định hướng về phương pháp dạy học và đánh giá kết quả học tập; điều kiện thực hiện chương trình phổ thông và phát triển chương trình giáo dục phổ thông.

Tú Anh

Đường dẫn bài viết: https://phapluatplus.baophapluat.vn/bo-giao-duc-khang-dinh-sgk-moi-se-kip-dua-vao-giang-day-tu-nam-hoc-2018-2019-42806.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://phapluatplus.baophapluat.vn/ All right reserved.