30 năm qua, Ban Quản lý Di tích và Rừng Quốc gia Yên Tử đã trải qua 3 giai đoạn xây dựng và phát triển, 2 lần được đổi tên và trực thuộc 2 cơ quan chủ quản khác nhau. Giai đoạn 1 (từ 28/9/1992 đến 5/9/2007) mang tên “Ban Quản lý Di tích lịch sử và Danh thắng Yên Tử” trực thuộc Ủy ban nhân dân thị xã Uông Bí. Giai đoạn 2 (từ 6/9/2007 đến 16/9/2012) mang tên "Trung tâm Quản lý Di tích - Danh thắng Yên Tử” trực thuộc Ban Quản lý các di tích trọng điểm Quảng Ninh, tiếp đó trực thuộc Ủy ban nhân dân thị xã Uông Bí. Giai đoạn 3 (từ 17/9/2012 đến nay) mang tên “Ban Quản lý Di tích và Rừng Quốc gia Yên Tử” trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Uông Bí.
Chiều ngày 28/9 vừa qua, tại Trung tâm tổ chức hội nghị Thành phố Uông Bí, Ban quản lý Di tích và Rừng Quốc gia Yên Tử đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập (28/9/1992- 28/9/2022). Trong 30 năm qua, Ban quản lý di tích và Rừng quốc gia Yên Tử không ngừng phát triển về tổ chức bộ máy, nhân lực, tổ chức Đảng, đoàn thể.
Quá trình xây dựng và phát triển của đơn vị được ghi dấu bằng nhiều thành tựu nổi bật. Trong đó, quản lý, bảo vệ an toàn Khu Di tích - Danh thắng, Rừng Quốc gia Yên Tử và các di tích, thắng cảnh khác được thị xã, thành phố giao; phối hợp tổ chức đón hơn 20 triệu khách thập phương (trong đó có hơn 1 triệu khách nước ngoài) về tham quan vãng cảnh Yên Tử, đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, y tế, cứu hộ, cứu nạn, phòng chống cháy nổ...; xây dựng và đảm bảo môi trường văn hóa, văn minh tại Khu Di tích - Danh thắng Yên Tử.
Tham mưu thực hiện nhiệm vụ đầu tư xây dựng các công trình văn hóa, cơ sở hạ tầng tại Yên Tử, Rừng Đặc dụng; Rừng Quốc gia Yên Tử với gần 150 hạng mục công trình; thực hiện tốt nhiệm vụ thu phí tham quan danh lam thắng cảnh, tiếp nhận công đức của du khách thập phương theo quy định; tổ chức tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về Khu Di tích và Rừng Quốc gia Yên Tử.
Nghiên cứu, sưu tầm, lưu giữ hiện vật có giá trị, phối hợp với các cơ quan chuyên môn tiến hành nhiều đợt nghiên cứu, khai quật khảo cổ học, phát hiện, bảo quản nhiều di vật; tham mưu tổ chức nhiều hội thảo khoa học nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị của Khu Di tích - Danh thắng Yên Tử; phối hợp với chính quyền địa phương và các ngành chức năng tổ chức quản lý, hướng dẫn các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng tại Khu Di tích - Danh thắng; quản lý, xây dựng tổ chức bộ máy, biên chế, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, viên chức và lao động của Ban...
Phát biểu chúc mừng tại buổi lễ, ông Nghiêm Xuân Cường - Tỉnh ủy viên, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố đã biểu dương, ghi nhận những đóng góp, nỗ lực của tập thể lãnh đạo, cán bộ, viên chức, lao động của Ban quản lý Di tích và Rừng Quốc gia Yên Tử trong 30 năm qua. Trong đó, Ban đã trực tiếp bảo vệ an toàn Khu Di tích và rừng quốc gia Yên Tử, phát huy được tiềm năng và giá trị nổi bật của khu di tích; đồng thời giúp thành phố tôn tạo, xây dựng quần thể Di tích và Rừng Quốc gia Yên Tử ngày càng khang trang, hấp dẫn đối với du khách thập phương trong và ngoài nước; đặc biệt trong thời gian tới tiếp tục tham mưu trong tiến trình đề cử Yên Tử được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, góp phần xây dựng Uông Bí thành trung tâm du lịch văn hóa tâm linh nổi tiếng của cả nước.
Với vai trò là người đứng đầu BQL Di tích và Rừng Quốc gia Yên Tử, ông Lê Tiến Dũng, Bí thư Đảng ủy, Trưởng BQL Di tích và Rừng Quốc gia Yên Tử cho biết “Việc thành lập Ban Quản lý Di tích lịch sử và Danh thắng Yên Tử là một quyết sách đúng đắn và sáng suốt, không chỉ đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn mà còn thể hiện tầm nhìn dài hạn của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh.
Trong 3 thập kỷ qua, cùng với tỉnh Quảng Ninh, thành phố Uông Bí đã không ngừng quan tâm đầu tư, tôn tạo, quản lý, phát huy giá trị Di tích, diễn ra đều đặn nhiều năm nay, Hội xuân Yên Tử được đánh giá là một trong những lễ hội quy mô, được tổ chức bài bản, chu đáo, thu hút lượng khách đông nhất, nhì toàn quốc”.
“Kế thừa sự nghiệp bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Yên Tử của các thế hệ cha anh lớp trước và phát huy truyền thống tốt đẹp của Ban 30 năm qua, trong thời gian tới, tập thể cán bộ, nhân viên, lao động Ban Quản lý Di tích và Rừng Quốc gia Yên Tử tiếp tục nâng cao nhận thức về lĩnh vực quản lý Di tích và quản lý Rừng, ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ di tích và bảo vệ rừng trong cộng đồng”.
“Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hiệu quả quản lý; huy động mọi nguồn lực xã hội phục vụ công tác quy hoạch, quản lý, bảo vệ và xây dựng Khu Di tích đặc biệt và Rừng Quốc gia Yên Tử; thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp mà Đại hội Đảng bộ của Ban đã đề ra trong mỗi nhiệm kỳ, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố Uông Bí lần thứ 20, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra: “xây dựng Uông Bí thành trung tâm du lịch văn hóa tâm linh của cả nước”, “quần thể di tích và danh thắng Yên Tử là Di sản văn hóa thế giới”, ông Lê Tiến Dũng nhấn mạnh.
Nhân dịp kỷ niệm đặc biệt này, Ban quản lý Di tích và Rừng Quốc gia Yên Tử vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2017 đến năm 2021. Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen cho 10 cá nhân, Chủ tịch UBND thành phố khen thưởng 1 tập thể và 22 cá nhân có thành tích xuất sắc nhân dịp kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Ban quản lý Di tích và Rừng Quốc gia Yên Tử.
Đường dẫn bài viết: https://phapluatplus.baophapluat.vn/chang-duong-30-nam-bao-ton-phat-huy-gia-tri-nui-thieng-va-rung-quoc-gia-yen-tu-4234.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://phapluatplus.baophapluat.vn/ All right reserved.