Ngày người lính trở về
Sau hơn 30 năm phục vụ cách mạng, năm 1982 ông Thăng trở về quê nhà với gia tài là chiếc ba lô đựng toàn sách. Đó là những cuốn sách được ông sưu tầm, lưu giữ trong suốt thời kỳ hoạt động phục vụ cách mạng.
Ngày ấy, ông trở về quê nhà nơi đây còn rất nghèo khó, cả xã chưa có nhà văn hóa để phục vụ bà con. Ông đã bàn với vợ mình (cũng là một người chiến sĩ cách mạng) mở một thư viện nhỏ ngay tại ngôi nhà vợ chồng ông đang ở vừa làm chỗ họp cho bà con vừa làm thư viện cho người dân trong xã.
Biết chồng mình có ý định như vậy, bà đã giúp đỡ ông đóng bàn ghế, dọn dẹp nhà cửa để mở thư viện phục vụ nhân dân.
![]() |
"Thư viện sách ông Thăng" là cái tên quen thuộc được nhiều người gọi Ảnh: Ngọc Nga |
Những ngày đầu chuẩn bị bàn ghế, kệ sách ông bà gặp không ít khó khăn. Vừa về hưu, con cái trong nhà lại đi làm ăn xa ông bà phải đi xin những gốc cây già lâu năm bị gió quật đổ để đóng bàn ghế và kệ đựng sách để phục vụ bạn đọc.
Tuy nhiên, số lượng sách mà ông mang về từ chiến trường quá ít, ông đành chạy vạy gõ cửa khắp nơi để xin sách. Ông chia sẻ: “Tôi biên thư đi các nơi để xin sách từ chính quyền xã rồi lên cả huyện, tỉnh. Ngoài ra tôi còn đạp xe đến gõ cửa những nơi bạn bè công tác để xin ủng hộ sách cho thư viện”.
Nhiều người thấy 2 ông bà định mở thư viện có người khuyên ông bà nên bỏ ý định đó, người thì bóng gió rèm pha rằng ông bà ôm rơm dặm bụng… Nhưng bỏ ngoài tai những lời can ngăn, những câu bóng gió ác ý ngày 19/12/1990 thư viên của ông chính thức ra mắt.
Tuy nhiên, thư viện lúc đầu chỉ có mấy anh em trong Chi hội Cựu chiến binh đọc, còn bà con dân quê thì chẳng mấy ai để ý đến thư viện của ông.
Ông Thăng kể về những khó khăn ngày đầu hoạt động của thư viện : “Bà con dân quê quanh năm với ruộng đồng nên chẳng ai đoái hoài đến thư viện sách của tôi. Vậy là tôi đến từng nhà một gõ cửa mời họ đến. Lúc đầu họ đến vì nể tôi, thế rồi dần dần họ lại thích đọc sách và đến với thư viện thường xuyên hơn”.
Biết bà con nông dân không có nhiều thời gian thường xuyên đến đọc, cũng như không thường xuyên cập nhật tin tức thời sự. Ông đã nghĩ ra cách nghe tin tức từ đài rồi ghi lại, để những hôm có cuộc họp của xã ông đến đọc cho bà con nghe trước khi vào họp.
Căn nhà của ông trở thành nơi hội họp của Hội cựu chiến binh cũng như của bà con trong thôn. “Cứ đến trước giờ họp là tôi đọc tin tức, và sách báo cho bà con nghe, thường tôi chỉ đọc khoảng 30 phút để họ nắm được những thông tin quan trọng”. Ông Thăng kể.
Tiếng lành đồn xa, thư viện sách của ông được nhiều người biết đến và tìm đọc ngày một nhiều hơn. Phòng đọc của ông mở cửa tất cả các ngày trong tuần kể cả ngày nghỉ, ngày lễ, thời gian mở cửa sáng từ 8h – 11h, chiều từ 2h – 6h.
Đến nay, sau gần 25 năm thư viện của ông đi vào phục vụ bà con, hiện tại mỗi ngày thư viện của ông tiếp đón rất nhiều bạn đọc đến đọc và mượn sách về. Nơi đây đã trở thành điểm đến quen thuộc của rất nhiều người từ các em học sinh lớp 1 đến giáo viên, hay các bác nông dân…. Ông đã làm được điều mà nhiều người từng nghĩ rằng không thể.
Tủ sách miễn phí của mọi người
Đến thư viện của ông Thăng trong một ngày đông, trong căn phòng nhỏ chỉ chứng 20m2 tôi thật sự choáng ngợp trước số lượng sách mà ông sưu tầm, và bảo quản để phục vụ nhân dân.
Khi được hỏi về số lượng sách hiện ông đang có, ông Thăng lấy trong tủ 1 cuốn số rất dày có ghi chép rõ số lượng sách và cả số lượng độc giả tìm đến thư viện của ông.
Sách hiện có trong thư viện của ông là 8163 cuốn, gồn 59 loại từ sách chính trị, khoa học, đến sách giáo khoa…. Sách luân chuyển từ thư viện của Tỉnh là 3604 cuốn, sách được biếu tặng là 4981 cuốn.
Số lượt bạn đọc và mượn sách trong thư viện là khoảng 47.494 lượt, ngoài ra còn những người đến nghe đọc sách báo trước khi họp con số không thể thống kê.
Những con số tưởng chừng khô khan, nhưng nó lại có tác dụng rất lớn để thể hiện sự quan tâm của bạn đọc đến thư viện sách của ông.
Nguồn sách báo trong thư viện của ông được Ủy ban nhân dân xã Đoàn Đào cung cấp báo Đại Đoàn Kết. Hội cựu chiến binh, Hội người cao tuổi, Chi bộ Đảng và các bạn bè chiến hữu cũ của ông cũng góp phần chu cấp nguồn sách báo cho ông.
Ngoài ra, còn có nguồn sách lưu động của thư viện Tỉnh Hưng Yên luân chuyển về thư viện của ông.
Nhiều cơ quan đoàn thể nhận thấy cách truyền tải thông tin của ông đến với nhân dân có hiệu quả cao, họ đã chủ động gửi biếu ông những tài liệu, sách báo để bà con nông dân nắm rõ thông tin như bên Tổng Cục dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y Tế….
Nhờ vậy, nguồn sách báo của ông luôn được làm mới liên tục nhằm mục đích phục vụ bạn đọc.
Ở thư viện của ông, không chỉ có sách mà ông còn viết những bài thơ, những câu nói hay ra giấy, sau đó dán lên tường để mọi người dễ đọc. Còn với các em học sinh, ông cũng có những “ghi chú” giúp các em chọn sách và các đọc sách dạy các em nhiều điều hơn.
![]() |
Cuốn sổ được ông ghi chép cẩn thận từng người mượn sách Ảnh: Ngọc Nga |
“Nhìn những cháu học sinh say sưa đọc sách, và thường xuyên ghé qua thư viện của tôi, tôi vui lắm. Như vậy là tôi đã giúp chúng tránh xa khỏi những tệ nạn và tiếp cận với kho tri thức khổng lồ của nhân loại”, ông Thăng chia sẻ.
Đến nay, thư viện của ông không chỉ phục vụ bà con trong xã mà còn cả những xã bên, như Minh Hoàng, Phan Sào Nam, Đình Cao, Tống Phan… Và cả một số tỉnh gần kề như Hải Dương hay Thái Bình cũng tìm đến thư viện sách của ông.
Miệt mài suốt gần 25 năm nay, ông vẫn luôn hy vọng có thể giúp nhân dân có kiến thức để phục vụ cuộc sống, giúp các cháu học sinh có nơi đọc sách tránh xa các tệ nạn xã hội.
Người lính cụ Hồ năm nào, giờ đây vẫn tiếp tục là người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng. Cần nhiều hơn nữa những mô hình thư viện như “Thư viện ông Thăng” để các em học sinh có điểm đọc sách, giúp các em phát triển toàn diện hơn.
Đường dẫn bài viết: https://phapluatplus.baophapluat.vn/thu-vien-khung-hon-8000-cuon-sach-cua-nguoi-linh-cu-ho-40186.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://phapluatplus.baophapluat.vn/ All right reserved.