Con hư vì… thiếu mẹ
Thay vì cắp sách đến trường, hồn nhiên như bao đứa trẻ khác, các em đang học tại Trường giáo dưỡng 2 (Ninh Bình) lại có tuổi thơ vô cùng dữ dội. Phần đông trong số đó các em phải trải qua những tháng ngày vắng bóng tình yêu thương từ gia đình.
![]() |
Lớp học tại trường Giáo dướng số 2 Ninh Bình |
Phạm Thái C (Hà Trung - Thanh Hóa) là con thứ hai trong gia đình có hai anh em. Từ bé, C rất ngoan ngoãn, biết vâng lời. Đi đâu, làm gì, cậu cũng xin phép, bố mẹ đồng ý mới dám đi. Nhưng khi C vừa lên 8 tuổi, mẹ C bắt đầu đi xuất khẩu lao động. Một mình cha vừa gánh vác kinh tế, lại lo toan việc nhà nên không thể quan tâm nhiều đến cậu con trai đang tuổi lớn với nhiều thay đổi trong tâm sinh lý.
Trung tướng Đỗ Xuân Mười - Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục 8, Bộ Công An khẳng định, trước khi nhờ đến sự giáo dục, giám sát của nhà trường, xã hội thì cha mẹ hãy là bến đỗ tương lai của con. Kể cả khi các em phạm tội, được rèn luyện và tái hòa nhập cộng đồng, sự quan tâm, quản lý của các bậc phụ huynh sẽ giúp các em hướng thiện và sống có ích nhanh hơn, ngăn chặn tình trạng tái phạm xảy ra. |
C nhanh chóng theo đám bạn bè xấu đua đòi, chơi bời. Cậu giấu bố để bỏ học, trốn tiết đi chơi.Từ học sinh khá, C tụt hạng xuống học sinh trung bình rồi yếu kém.
Hết lớp 6, C nghiện hút rồi bị đuổi học.Tiền bạc, đồ đạc trong gia đình cứ thế “đội nón” ra đi. Để có thêm tiền chích hút, C theo bạn đi trộm cắp. Đến khi người cha phát hiện sự việc thì C đã nghiện nặng. “Lần đầu tiên nhìn thấy em thế, bố đã sốc và đuổi em ra khỏi nhà. Anh trai không khuyên được em, bèn vác gậy đánh. Mẹ là người thương em nhất, thì lại không có ở nhà. Em cũng muốn cai nghiện, cũng muốn đi học lại, nhưng không ai hiểu em. Lúc đó, em chỉ nghĩ đời mình đã gắn vết nhơ không bao giờ trở thành người tốt được nữa” – C vừa khóc vừa kể.
Ở trường giáo dưỡng 2, Nguyễn Văn T (Kim Động, Hưng Yên) lại hư hỏng chỉ vì “bố mẹ đi làm xa, để các con tự quản ở nhà”. Bố mẹ T làm ăn buôn bán ở Hà Nội, để mặc bốn đứa con nhỏ ở nhà tự chăm sóc lẫn nhau.
Thiếu vắng bàn tay chăm sóc, dạy bảo của người lớn, những đứa trẻ như cây non bị uốn cong lúc nào không hay. Áp lực kiếm tiền, cộng với thành tích học tập của các con kém, lại hay bị thầy cô phàn nàn vì nghịch ngợm, nên những lần ỏi về thăm nhà, bố mẹ T luôn mắng chửi, đánh đập các con tahy vì vỗ về, động viên.
Có lần, T không chịu đi làm, liền bị mẹ cầm gậy đánh. Giận mẹ, T giằng lấy gậy đánh lại mẹ. Bố T thấy thế vừa đánh vừa mắng con là đồ bất hiếu. Uất ức, T dùng dao rạch nát quần áo, lốp xe đạp của mẹ. “Mỗi lần mẹ em mắng là nói em mất nết, bất hiếu, hư hỏng, không làm được tích sự gì cho đời. Em buồn lắm. Lúc đó em chỉ nghĩ, mẹ ghét em và chỉ yêu công việc của mình thôi nên rạch quần áo, phá xe của mẹ cho bõ tức”.
Câu chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi"
Theo một kết quả khảo sát điều tra hơn 1.000 gia đình có con đang theo học Tiểu học và Trung học cơ sở
Nguyên nhân trẻ vị thành niên phạm tội xuất phát từ gia đình Nghiên cứu của Bộ Công an chỉ ra: 8% trẻ phạm tội có bố mẹ ly hôn; 28% phàn nàn bố mẹ không đáp ứng được nhu cầu cơ bản của các em; 49% phàn nàn về cách đối xử của cha mẹ. Nhiều trẻ cho rằng, sống tại gia đình khiến các em cảm thấy rất chán nản; bố mẹ đã nuông chiều quá nhiều. Một số em còn nói, bố mẹ đã không tôn trọng các em, thường bỏ qua ý kiến đề xuất của các em, đe nẹt, ép buộc các em làm theo ý của người lớn. Nhiều em đã trốn nhà, đến ở nhà bạn và bị bạn bè lôi kéo, dụ dỗ cùng nhau vi phạm pháp luật. |
ở tỉnh Cần Thơ, có tới 25,5% các bậc cha mẹ thừa nhận là đã “khoán trắng” việc giáo dục con cho nhà trường, thả nổi việc giáo dục con cái. Đến khi con mắc khuyết điểm, phạm tội, gia đình lại tìm cách “đóng cửa dạy dỗ” bằng bạo lực. Số khác thì bao che, cung phụng cho thói xấu của con để con được đi học và khỏi mất mặt với họ hàng, làng xóm.
Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đưa ra một con số nhức nhối: 71% trẻ vị thành niên phạm pháp là do không được quan tâm chăm sóc đến nơi đến chốn.
Cô giáo Nguyễn Kim Oanh, giáo viên chủ nhiệm đội 9, học sinh nữ, trường giáo dưỡng số 2 tâm sự, hầu hết các em vào trường giáo dưỡng đều có nền tảng giáo dục gia đình không vững. Có em không có bố mẹ bên cạnh quan tâm, quản lý, có em có đầy đủ bố mẹ nhưng họ mải làm ăn, mưu toan kiếm sống hoặc lơi là việc dạy dỗ con cái và “yên tâm” giao phó con em mình cho nhà trường hay cho người giúp việc, làm thuê.
“Nhiều em tâm sự với tôi rằng, bố mẹ hầu như bỏ mặc các em tự học, tự chơi, tự làm việc, tự phấn đấu. Để chứng minh sự tồn tại của mình, các em tìm cách “thể hiện” như bỏ học, chơi bời… Đến khi bố mẹ biết lại trách mắng, đánh đập, giáo huấn mà không biết con đang nghĩ gì. Bố mẹ cần dành thời gian để thường xuyên kiểm tra các hoạt động của con như đi học thêm ở đâu, chơi với ai… Thay vì quản lý hoặc bỏ rơi, bố mẹ hãy là người bạn lớn của con để cùng chia sẻ, tâm sự những thắc mắc khó nói của con, hiểu con hơn” – cô Oanh chia sẻ.
Vai trò đầu tiên trong việc hình thành nhân cách của một đứa trẻ là gia đình rồi mới đến nhà trường và xã hội. Nhiều gia đình có bố mẹ thiếu gương mẫu về đạo đức, lối sống, thường xuyên đánh đập, chửi bới nhau dẫn đến sự không hòa thuận, không tôn trọng lẫn nhau. Thậm chí, một số thành viên còn có lối sống buông thả, sa đọa, trụy lạc, chửi bới, rượu chè… đã tác động trực tiếp đến nhận thức và hành động của trẻ em và trẻ vị thành niên, khiến trẻ bỏ nhà đi lang thang, có những hành vi phạm tội.
Một số gia đình chưa có phương pháp giáo dục con cái đúng đắn, nuông chiều con vô điều kiện, đáp ứng mọi nhu cầu của đứa trẻ. Như vậy chỉ khiến trẻ biến thành một người ích kỷ, không biết chia sẻ và vô cảm với xung quanh. Ngày càng có nhiều trẻ em con nhà giàu nghiện game, bỏ nhà đi lang thang… mà nguyên nhân đều do cha mẹ không kiểm soát, không biết con mình hư từ trên mạng. Có gia đình lại thiếu quan tâm quản lý, giáo dục, chăm sóc con cái, khiến con cái thiếu thốn tình cảm,…
Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam: Sinh ra một đứa trẻ đã là niềm hạnh phúc. Người mẹ nào cũng mong muốn con học giỏi, thông minh, ngoan ngoãn, lễ phép để sau này làm những công việc có ích cho xã hội. Nhưng hai ước mơ chính đáng đó đôi khi lại không gặp nhau. Các con mắc sai lầm, thì trước tiên, người mẹ trong gia đình phải tự nhận về mình những thiếu sót trong việc thực hiện thiên chức cao nhất là nuôi dạy con cái. Mặc dù Trung ương Hội đã phát động nhiều chương trình về nuôi dạy con, phát huy vai trò của gia đình… nhưng hiệu quả chưa cao. Bởi phần lớn các chương trình còn làm theo cách “của người lớn” và chưa đi sâu vào tâm lý của trẻ em. |
Đường dẫn bài viết: https://phapluatplus.baophapluat.vn/giao-duc-tre-em-hu-cha-me-la-ben-do-tuong-lai-40178.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://phapluatplus.baophapluat.vn/ All right reserved.