Khủng hoảng vì ruồi
Nhà báo Phan Lợi nhận định: “Khủng hoảng lần này của Tân Hiệp Phát ở mức báo động đỏ. Một lần nữa doanh nghiệp này rơi vào cuộc khủng hoảng truyền thông. lần thứ 2 chỉ trong vòng một năm”.
Một năm dính tới hai “đại án” truyền thông, lần sau nặng nề hơn lần trước, quả Tân Hiệp Phát tổn thất nặng nề.
Tổn thất này, nguyên nhân không phải do con ruồi giá nửa tỷ đồng, không phải do ông Võ Văn Minh, không phải do người tiêu dùng ngoảnh mặt, quay lưng mà chính là do Tân Hiệp Phát “gieo gió ắt gặp bão”.
Làn sóng “giải phẫu con ruồi” của truyền thông và mạng xã hội, làn sóng phản đối không dùng sản phẩm Tân Hiệp Phát chưa biết ngày nào mới chấm dứt.
Mới đây, cộng đồng mạng đang lan truyền với tốc độ chóng mặt Công văn do Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Cty CPĐTPT công thương miền Trung do ông Phạm Anh Tuấn ký.
Công văn nêu rõ yêu cầu các đơn vị thành viên, cán bộ, công nhân viên không được sử dụng, phục vụ khách hàng của Cty, các sản phẩm của Tân Hiệp Phát, vì mục đích cao nhất là đảm bảo tuyệt đối an toàn cho khách hàng, sức khỏe người tiêu dùng và giữ uy tín cho Cty.
Đồng thời, yêu cầu tiêu hủy toàn bộ sản phẩm của hãng này ( nếu có) còn tồn tại trong kho, các nhà hàng để tránh ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của Cty.
Trao đổi với PhapluatPlus sáng ngày 22/12, ông Phạm Anh Tuấn xác nhận công văn đó là do ông ký, được phát hành trong nội bộ.
Ông Tuấn nói rằng: “Khi sản phẩm có ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng đang bị nghi ngờ kém chất lượng, chưa rõ ràng.
Người tiêu dùng không chỉ có quyền từ chối không chỉ với sản phẩm của Tân Hiệp Phát, mà với tất cả sản phảm kém chất lượng. Nguyên tắc của chúng tôi là đặt quyền lợi khách hàng lên hàng đầu”.
"Xin nói rõ là chúng tôi không miệt thị Tân Hiệp Phát", ông Tuấn nhấn mạnh.
Lo “voi” chết là ngụy biện
Tân Hiệp Phát ngày một lâm vào khủng hoảng trầm trọng vì một con ruồi khiến không ít người đâm ra lo lắng cho cái chết đang cận kề của “con voi” khổng lồ Tân Hiệp Phát.
Ý kiến của LS Nguyễn Trường Thành ( Đoàn LS Cần Thơ) được trích dẫn trong một bài báo: Tất cả sản phẩm đều do con người làm ra và do đó đều có thể khiếm khuyết. Nhưng cũng không nên vì lỗi đó mà “đánh chết” một doanh nghiệp, thay vì đó hãy giúp họ khắc phục thiếu sót để trở nên hoàn thiện hơn”.
Vâng, thưa LS Nguyễn Trường Thành, lời ông nói không sai. Ông có tự hỏi, trên thế giới này, có doanh nghiệp nào lại chọn cách đẩy người dân vào tù với mục đích mua sự im lặng để giữ thương hiệu, trong khi sản phẩm bị khắp nơi tố cáo khắp nơi vì kém chất lượng, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Và cũng thưa LS Thành, đâu chỉ mỗi duy nhất ông Minh phải vào tù vì ứng xử kiểu “trên tiền” của Tân Hiệp Phát?
Ai giúp Tân Hiệp Phát khắc phục thiếu sót, để trở nên hoàn thiện hơn. Câu hỏi của LS Thành chỉ có Tân Hiệp Phát mới có thể trả lời. Trách nhiệm này không phải của người tiêu dùng.
Nếu còn đổ lỗi cho truyền thông như ông Trần Quý Thanh- Chủ tịch Tân Hiệp Phát thì lại càng sai lầm hơn bao giờ hết.
Thử hỏi, những trường hợp ở Đắc Lắc, Vùng Tàu, Cà Mau…tố cáo sản phẩm của Tân Hiệp Phát kém chất lượng, sao báo chí có thể im lặng?
Thử hỏi, từ năm 2009 đến nay, sản phẩm của Tân Hiệp Phát kém chất lượng ngày một “đậm đặc” trên phương tiện truyền thông, nhưng đã lần nào Tân Hiệp Phát đứng ra nói lời xin lỗi người tiêu dùng, thừa nhận trách nhiệm? Ở nơi này thì đổ cho thế lực thù địch, nơi kia thì kẻ phá hoại, đâu đó thì khẳng định chưa chắc đó là là sản phẩm của Tân Hiệp Phát…
Hết đoàn thanh tra to, thanh tra nhỏ đến nhưng cũng chỉ là những sơ suất nhỏ. Tân Hiệp Phát vẫn ung dung quảng bá rầm rộ mình sở hữu dây truyền hiện đại. Vậy, sao khắp nơi…sản phẩm Tân Hiệp Phát vẫn có vật thể lạ.
Xin khẳng định rằng, không ai đánh chết Tân Hiệp Phát mà chính doanh nghiệp này đang tự giết mình.
Xin đừng ngụy biện khi viện dẫn rằng Tân Hiệp Phát đã tốn kém gây dựng thương hiệu trong hơn 20 năm mới có được ngày hôm nay, rằng doanh nghiệp đã đầu tư trên 500 triệu đô la, để nguy cơ thành kho phế thải.
4.000 lao động công nhân trực tiếp làm việc, chưa kể hơn 10.000 nghìn lao động gián tiếp trong chuỗi hệ thống và doanh nghiệp đóng thuế mỗi năm 1.000 tỷ đồng…
Thậm chí, gần đây còn có lời xin người tiêu dùng hãy cứu vãn Tân Hiệp Phát: “Nếu như sản phẩm chưa đến mức tệ hại, gây ra nguy hiểm cho sức khỏe của người tiêu dùng thì không nên quay lưng để doanh nghiệp phá sản”.
Ôi chao! Một lời khuyên sao mà “thẫm đẫm” tình doanh nghiệp đến thế. Xin hỏi, thị phần tiêu thụ của Tân Hiệp Phát là ai? Xin thưa, là số đông người lao động nghèo, ở nông thôn, ở vùng sâu, vùng xa. Tôi tin là hẳn người đưa ra lời khuyên này, chưa bao giờ dùng sản phẩm của Tân Hiệp Phát nên mới liều lĩnh đến thế.
Nói không với sản phẩm kém chất lượng là quyền của người tiêu dùng, không ai có quyền thể bắt người tiêu dùng hy sinh để một doanh nghiệp tồn tại.
Nhà báo Phan Lợi nói: “Không phải người dân không ủng hộ doanh nghiệp Việt, mà họ ủng hộ kinh doanh có đạo lý, không phải kinh doanh như kiểu Tân Hiệp Phát đang làm.
Một số người bênh vực cho Tân Hiệp Phát đã viện dẫn, nếu doanh nghiệp phá sản, hàng nghìn lao động ra đường, nhưng kinh tế thị trường, chỉ ông chủ phá sản, không có chuyện người lao động phá sản. Họ không làm doanh nghiệp này, sẽ làm doanh nghiệp khác.
"Thị phần cũng vậy, nếu doanh nghiệp này không đóng, doanh nghiệp khác sẽ đóng. Mọi ngụy biện gây ra chỉ bất lợi vào thời điểm này”.
Đừng sợ “con voi chết” mà quên đi trách nhiệm với cộng đồng, như ai đó đã trách ông Võ Văn Minh, vì 500 triệu, đổi sự im lặng để Tân Hiệp Phát che giấu sản phẩm kém chất lượng, đầu độc người tiêu dùng.
Nhiều quán giải khát treo biển không bán sản phẩm của Tân Hiệp Phát, tố sản phẩm kém chất lượng. Người tiêu dùng cũng nói không… khiến Tân Hiệp Phát lâm vào sự khủng hoảng không lối thoát.
Ông Trần Quý Thanh , Chủ tịch Tân Hiệp Phát đã phải thốt lên chua chát rằng: Nếu không được sự ủng hộ của truyền thông và chính quyền, doanh nghiệp chỉ có thể trụ lại được 1-2 năm nữa.
Một lần nữa, Tân Hiệp Phát lại đi nhầm đường, khi chỉ biết cậy nhờ chính quyền và truyền thông làm lá chắn cho mình, trong khi bỏ uên vai trò quyết định của người tiêu dùng.
Không những nhầm đường Tân Hiệp Phát còn bị lạc lối, khi liên tục xài chiêu “gài bẫy” người phân phối sản phẩm cho mình vào con đường sai lạc có truyền thống. Hơn 20 năm vất vả gây dựng thương hiệu, giờ đã đổ xuống sông xuống bể.
Một lần nữa, Tân Hiệp Phát lại đối mặt với sự khủng hoảng, dù bị cáo Võ Văn Minh bị kết án 7 năm tù.
Hình ảnh bị cáo Võ Văn Minh ôm con trai trước vành móng ngựa, và cháu bé đứng rụt rè nhìn cha bằng đôi mắt ngây thơ… xuất hiện tràn ngập trên phương tiện truyền thông và mạng xã hội. Một lần nữa, dư luận đang mở phiên tòa kết tội Tân Hiệp Phát. Và lần này, bản án chắc chắn sẽ ở khung hình phạt cao nhất.
Việc bà Trần Bích Ngọc, con gái ông Quý Thanh, đại diện Tân Hiệp Phát đã phải cậy nhờ cảnh sát đưa ra ô tô sau khi kết thúc nhiều phiên tòa cho thấy tương lai mờ mịt của Tân Hiệp Phát.
Chưa hết, câu trả lời của ông Nguyễn Phan Huy Khôi, Giám đốc đối ngoại Tập đoàn Tân Hiệp Phát trên Soha, chẳng khác gì “thêm dầu vào lửa” khi tỏ lòng từ bi: “Thực lòng Tân Hiệp Phát không muốn anh Minh vào tù”.
Ông Huy Khôi đã quên mất rằng, Tân Hiệp Phát đã đẩy ba người lâm vào đường tù tội, lật kèo thỏa thuận, mật báo công an đến bắt.
Có lẽ, chưa một doanh nghiệp nào trên thế giới lại ứng xử kiểu “tù tội” với khách hàng của mình như Tân Hiệp Phát.
Dù vấp phải hàng loạt những tố cáo về sản phẩm kém chất lượng nhưng chưa một lần Tân Hiệp Phát nhận trách nhiệm, luôn đổ lỗi cho yếu tố khách quan.
“Ngoảnh mặt lại là người tiêu dùng” - muộn còn hơn không. Nếu Tân Hiệp Phát muốn tồn tại trong lòng người tiêu dùng, hãy dũng cảm thừa nhận - chí ít là gần cả trăm chai trà thảo mộc Dr Thanh mà Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm Cà Mau đang thu giữ - là có vấn đề. Đừng đổ cho “thế lực thù địch”, đừng nghĩ là có bàn tay phá hoại.
Nhìn lại những sai lầm do mình gây ra, Tân Hiệp Phát mới có thể tự mình đứng dậy.
Đường dẫn bài viết: https://phapluatplus.baophapluat.vn/dai-an-con-ruoi-va-noi-lo-voi-chet-35952.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://phapluatplus.baophapluat.vn/ All right reserved.