Hậu Covid-19, Bất động sản Việt Nam chờ động lực ở nguồn vốn FDI

Nếu thu hút được nguồn vốn FDI chất lượng từ nước ngoài sẽ tạo cú hích giúp kinh tế, du lịch và bất động sản Việt Nam hồi phục sau dịch Covid-19.


Dịch Covid-19 khiến ngành du lịch - dịch vụ thiệt hại nặng nề

Theo báo cáo của CBRE Việt Nam, Covid-19 đã gây nên khủng hoảng chưa có tiền lệ cho ngành khách sạn Việt Nam. Đạt kỷ lục 18 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2019, Việt Nam ghi nhận sự sụt giảm về khách quốc tế trong Quý I/2020, khi chỉ ở mức 18,1% so với cùng kỳ 2019. Đồng thời lượng khách nội địa cũng giảm 18% so với cùng kỳ.

Tháng 3/2020 là giai đoạn chịu nhiều ảnh hưởng nhất từ đại dịch trong quý vừa qua. Công suất khách sạn ở Hà Nội và TP. HCM trong tháng 3 giảm 56 - 60 điểm %, hoặc giảm khoảng 70% so với cùng kỳ năm 2019, giữa lúc lượng khách quốc tế trong riêng tháng 3 cũng giảm mạnh đến 68,1% so với cùng kỳ năm trước. Khách quốc tế đến Hà Nội giảm 36,9 % so với cùng kỳ, trong khi TP .HCM là 47,9 %.

Hình ảnh dòng người đông đảo tắm biển kéo dài từ khu vực Thọ Quang, Mân Thái, Mỹ Khê xuống dưới khu vực bãi tắm Tân Trà...

Du lịch Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung bị thiệt hại nặng nề trong 2 quý đầu năm 2020 do dịch Covid-19.

Theo thống kê của Tổng cục Du lịch Việt Nam cũng ước tính thiệt hại cho ngành du lịch trong giai đoạn từ tháng 2 đến tháng 4/2020 có thể lên đến 5,9 - 7,7 tỷ USD. Trung bình trong Quý I/2020, công suất phòng được ghi nhận giảm 28,9 điểm % ở Hà Nội và 28,4 điểm % ở TP. HCM so với cùng kỳ 2019. Giá phòng bình quân cũng giảm 6,6% ở Hà Nội và 12,7% ở TP. HCM, so với cùng kỳ năm ngoái.

Cũng trong Quý I/2020, tổng thiệt hại trực tiếp của ngành du lịch Đà Nẵng khoảng hơn 1.859 tỷ đồng. Lũy kế Quý II/2020, ước tổng thiệt hại của Đà Nẵng là 5.672 tỷ đồng. Trong đó, ước tính thiệt hại tại doanh nghiệp lữ hành khoảng 550 tỷ đồng; tại các đơn vị vận chuyển là 432 tỷ đồng; các đơn vị kinh doanh đường thủy nội địa là 11 tỷ đồng; cơ sở lưu trú du lịch khoảng 4.000 tỷ đồng; các khu, điểm du lịch khoảng 690 tỷ đồng.

Chờ dịch chuyển dòng vốn FDI từ nước ngoài về Việt Nam

Có thể thấy, hậu quả dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến tình hình kinh tế - xã hội, cũng như du lịch, bất động sản tại Việt Nam trong hai quý đầu tiên năm 2020. Tuy nhiên, đi bên cạnh những thách thức cũng là cơ hội cho Việt Nam trong bối cảnh hậu Covid-19, đặc biệt là bất động sản công nghiệp chờ đợi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Trong bối cảnh các doanh nghiệp, nhà đầu tư đang khát nguồn vốn để tái sản xuất trở lại, hình ảnh Việt Nam liên tục ghi điểm trong công tác phòng chống dịch Covid-19 trên các phương tiện báo chí tại Mỹ, Châu Âu, châu Á... khiến Việt Nam trở thành điểm đến an toàn cho các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài đầu tư trong thời gian tới.

weewd

Sơ đồ hiệu suất chống dịch Covid-19 của 30 quốc gia của Politico ghi nhận Việt Nam xếp hạng cao nhất. Ảnh: Zing.

Trong báo cáo của CBRE Việt Nam liên quan thị trường bất động sản công nghiệp cũng nhận định: " Thời gian vừa qua, thị trường bất động sản công nghiệp của Việt Nam rất sôi động với sự gia tăng yêu cầu thuê đất và nhà máy từ cả khách thuê hiện hữu lẫn khách thuê mới. Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn nhất để trở thành một trung tâm sản xuất mới của thế giới.

Hoạt động sản xuất sẽ tiếp tục xu hướng chuyển dịch ra khỏi Trung Quốc do chi phí tăng; xung đột thương mại với Hoa Kỳ; và chiến lược của các nhà sản xuất nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào một thị trường duy nhất, đặc biệt là sau Covid-19.

VN_pic-6

Cơ hội cho Việt Nam thu hút được nguồn vốn đầu tư FDI từ nước ngoài rất lớn sau chiến dịch chống dịch Covid-19 hiệu quả tử chính phủ. Ảnh: CBRE.

Giá thuê và tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp tại các thành phố và tỉnh sản xuất lớn đã tăng cao trong bối cảnh nguồn cung đất công nghiệp bị hạn chế. Tuy nhiên, vẫn có nhiều quan ngại về khả năng của Việt Nam trong việc hấp thụ làn sóng di dời sản xuất mới này, khi vẫn tồn tại nhiều thách thức như rủi ro chuyển tải, nguy cơ bị áp thuế cao do mất cân bằng thương mại, hạn chế về cơ sở hạ tầng và hệ sinh thái các nhà sản xuất thiết bị gốc".

Mới nhất, trang Politico cũng xếp Việt Nam là quốc gia có thứ hạng cao nhất trong số 30 quốc gia trong sơ đồ hiệu suất, vốn là kết quả đánh giá về mặt sức khỏe cộng đồng và kinh tế của quốc gia. Việt Nam đã xếp hàng đầu trong hệ quy chiếu và là quốc gia vừa có tình hình sức khỏe cộng đồng cùng tình hình kinh tế tốt nhất trong công tác chống dịch.

Cũng theo bà Dương Thuỳ Dung - Giám đốc cấp cao của CBRE Việt Nam nhận định: “Sự phát triển nguồn cung đất công nghiệp sẽ dịch chuyển về các tỉnh, thành phố công nghiệp cấp 2 nhờ vào mức giá thuê cạnh tranh hơn cùng với tỷ lệ lấp đầy còn thấp. Tuy nhiên, nhu cầu bất động sản công nghiệp trong ngắn hạn tại các khu vực này vẫn thấp do cơ sở hạ tầng còn yếu kém.

Đồng thời, nguồn cung mới dự đoán sẽ đi vào hoạt động trong tương lai sẽ hạn chế sự tăng trưởng mạnh của giá thuê trung bình. Những khu công nghiệp có kết nối tốt với các cụm cảng biển quan trọng sẽ có tỷ lệ lắp đầy tăng nhanh chóng”.

066cae12e5b41fea46a5

Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc (Quảng Nam) cũng là một địa chỉ hấp dẫn thu hút đầu tư tại miền Trung nếu các doanh nghiệp, tập đoàn quốc tế có ý định dịch chuyển dây chuyền sản xuất sang Việt Nam. (Ảnh minh họa).

Đã có những ý kiến đề xuất liên quan việc lập tổ công tác đặc biệt để đàm phán thu hút FDI vào Việt Nam. Đây xem như là ý kiến vô cùng đúng đắn, bức thiết vào lúc này để có thể chọn lọc và đón được dòng vốn chất lượng, khi tổ công tác đặc biệt lấy thẩm quyền của Thủ tướng đi đàm phán với các tập đoàn, doanh nghiệp có ý định dịch chuyển dây chuyền sản xuất.

Nếu thu hút được dòng vốn FDI chất lượng, những khu công nghiệp lớn tại miền Bắc: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và miền Nam: TP. HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An sẽ trở thành những cực trọng điểm thu hút các doanh nghiệp có ý định dịch chuyển dây chuyển sản xuất về Việt Nam.

Riêng tại khu vực miền Trung, ba khu vực thu hút nhiều khu công nghiệp trọng điểm tại Khu công nghệ cao, khu công nghiệp Hòa Khánh... (Đà Nẵng), khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc, khu phức hợp Chu Lai - Trường Hải (Quảng Nam) hay khu công nghiệp Dung Quất (Quảng Ngãi) sẽ trở thành "điểm nóng" thu hút các nhà đầu tư, nhờ hệ thống hạ tầng đồng bộ, có cảng biển kết nối giao thương ra quốc tế một cách nhanh chóng.

Đây cũng là "đòn bẩy" hồi phục kinh tế cho trục kinh tế trọng điểm Đà Nẵng - Quảng Nam - Quảng Ngãi nói riêng và giúp cho các nghành du lịch, dịch vụ, bất động sản... cả nước nói chung trở lại đà tăng trưởng, sau thời gian trầm lắng, khó khăn do dịch Covid-19 gây ra.

Nguyễn Tuấn

Đường dẫn bài viết: https://phapluatplus.baophapluat.vn/hau-covid-19-bat-dong-san-viet-nam-cho-dong-luc-o-nguon-von-fdi-3540.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://phapluatplus.baophapluat.vn/ All right reserved.