![]() |
Ảnh minh họa. |
Giới chức Mỹ hồi tuần trước xác nhận việc triển khai tên lửa đất đối không “rất gần đây” trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, chỉ trích đây là động thái đi ngược lại các cam kết không quân sự hóa biển Đông đã được giới lãnh đạo Trung Quốc đưa ra trước đây.
Tên lửa HQ-9 với hệ thống radar theo dõi dẫn đường có tầm bắn khoảng 200km cho đến nay là thiết bị phòng thủ đáng chú ý nhất mà Trung Quốc từng triển khai tới Hoàng Sa.
Theo các chuyên gia, động thái này có thể làm phức tạp các cuộc tuần tra giám sát do máy bay của Mỹ và Nhật Bản thực hiện định kỳ cũng như hoạt động của các máy bay ném bom B-52 của Mỹ ở khu vực.
Trung Quốc trong thời gian qua đã mở rộng đáng kể quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà nước này đã chiếm đóng trái phép từ năm 1974.
Reuters dẫn các nguồn tin cho biết, hồi tháng 11 năm ngoái, Bắc Kinh đã cho các máy bay chiến đấu được vũ trang đầy đủ hạ cánh xuống sân bay đã được mở rộng ở đảo Phú Lâm. Việc gia cố các nhà chứa máy bay cũng đã được hoàn thành.
Bên cạnh việc mở rộng các cơ sở đánh bắt và bảo vệ bờ biển, Bắc Kinh cũng đã đưa tới quần đảo Hoàng Sa các bể chứa nhiên liệu và hơn 1.000 người dân, cải thiện các thiết bị phủ sóng radar và giám sát điện tử khác.
Ông Ian Storey – một chuyên gia về biển Đông tại Viện Nghiên cứu ISEAS Yusof Ishak của Singapore – nói rằng, Trung Quốc trong 1 đến 2 năm tới có thể sẽ triển khai các vũ khí tương tự tới các khu vực mà nước này đang chiếm đóng ở Trường Sa.
“Việc đó sẽ cho phép Trung Quốc tạo khả năng thực tế cho những cảnh báo mà họ đưa ra” – ông cho hay. Bà Bonnie Glaser - một nhà phân tích quân sự tại Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và an ninh ở Washington – cũng có nhận định tương tự.
Bà Glaser cũng cho rằng, Trung Quốc có thể viện các hoạt động của Mỹ ở biển Đông làm lý do để biện minh cho hành động của mình nhưng thực tế cho thấy những động thái này rõ ràng nằm trong kế hoạch của Bắc Kinh.
Các nhà ngoại giao và phân tích quân sự đều cho rằng, trong tương lai, Trung Quốc có thể sẽ sử dụng những cơ sở và thiết bị được xây dựng và triển khai trái phép ở cả 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa để phục vụ cho hoạt động của các máy bay chiến đấu của nước này ở khu vực, đồng thời tiến hành giám sát hoạt động của các nước khác.
Quan trọng hơn, việc đó sẽ cho phép Bắc Kinh thực thi hiệu quả một vùng nhận dạng phòng không ở biển Đông, tương tự như khu vực mà nước này đã áp đặt ở biển Hoa Đông hồi năm 2013.
CNA của Singapore đã chỉ trích chiến thuật “lấy thịt đè người” của Trung Quốc ở biển Đông.
“Chúng tôi cho rằng đang sử dụng chiến thuật ỷ mạnh hiếp yếu, không tính đến luật pháp quốc tế và các chuẩn mực quốc tế khi đưa ra các tuyên bố chủ quyền và giải quyết các tranh chấp” - ông Obama nói.
Người đứng đầu Nhà Trắng nhắc lại việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi phát biểu tại Vườn Hồng hồi tháng 9 năm ngoái tuyên bố Trung Quốc không muốn quân sự hóa các khu vực tranh chấp ở biển Đông.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục thử xem liệu Trung Quốc có thực sự tuân thủ những cam kết này hay không” - ông nói thêm.
Đường dẫn bài viết: https://phapluatplus.baophapluat.vn/trung-quoc-se-tai-dien-hoat-dong-quan-su-hoa-o-truong-sa-27048.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://phapluatplus.baophapluat.vn/ All right reserved.