Thời gian này nhiệt độ ẩm thấp, thời tiết thay đổi khiến nhiều trẻ em nhập viện.
Theo ghi nhận của Pháp luật Plus sáng nay (7/4) tại khoa Nhi – Bệnh viện Thanh Nhàn, ghi nhận cảnh giường bệnh chật kín, số trẻ em nhập viện tăng lên mỗi ngày.
Nhận thấy dịch sởi lan truyền nhanh, bệnh viện cũng đã bố trí khu cách ly riêng cho các ca bệnh để tránh lây nhiễm.
Trong số này, có trẻ chưa tiêm mũi nào do còn nhỏ hoặc bỏ sót, cũng có trẻ tiêm chưa đủ mũi vắc xin phòng dịch.
Nhiều trẻ nhập viện trong tình trạng sốt cao khó thuyên giảm, mắt đỏ, phát ban…
Đa số các bệnh nhi đều có độ tuổi từ 2 tháng tới 14 tuổi, nhập viện trong tình trạng sốt cao, sổ mũi, mắt đỏ, phát ban…
![]() |
Phòng cách ly dành cho các bệnh nhi mắc sởi. Ảnh: Linh Đan |
Ôm con đứng chờ làm thủ tục nhập viện, chị Nguyễn Bích Hân (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, mấy ngày qua con sốt nhẹ, khò khè nhưng chủ quan nên gia đình không đưa đi khám.
Đến tối, bé sốt trên 39 độ, gia đình cho uống thuốc hạ sốt, sau vài giờ lại sốt cao không giảm.
Sợ con co giật, vợ chồng chị đã đưa bà vào cấp cứu tại Bệnh viện Thanh Nhàn.
Tại đây, bác sĩ làm thủ tục nhập viện vào khoa Nhi cho bé.
“Nhập viện các bác sĩ chẩn đoán sốt nhiễm khuẩn nhưng sau gần 2 ngày điều trị, bé xuất hiện các nốt phát ban, mắt đỏ, thế là bác sĩ lấy máu xét nghiệm.
Đến khoảng 22h, vợ chồng tá hỏa thu doạn đồ đạc vì bác sĩ thông báo cháu bị sính sở và di chuyển lại khu cách ly” – chị Hân cho hay.
![]() |
Phòng cách ly nhỏ hẹp. Ảnh: Linh Đan |
![]() |
Các phòng tại khoa Nhi đều kín giường Ảnh: Linh Đan |
Cảm thấy mệt mỏi, uể oải, em Đỗ Thành Nam – học sinh trường THCS Quỳnh Mai (Hai Bà Trưng, Hà Nội tới Bệnh viện Thanh Nhàn khám và kết quả không có vấn đề gì.
Sáng hôm sau, Nam tiếp tục vào đây khám nhưng bác sĩ chẩn đoán nghi mắc sởi và nhập viện khoa Nhi của bệnh viện.
Đến nay, sau 4 ngày nằm ở khu cách ly, người Nam vẫn phát ban nhiều chỗ, chán ăn, đặc biệt ho rất nhiều.
Các bác sĩ khuyến cáo, sởi lây lan rất nhanh, dễ dàng từ người sang người khác qua dịch tiết đường hô hấp như ho, hắt hơi, hôn, bắt tay,…
Nguyên nhân dịch sởi lây lan còn do các yếu tố như thời tiết ẩm thấp, tiêm vaccine sởi ở trẻ chưa sản sinh hoặc miễn dịch của trẻ chưa tốt.., Đặc biệt, bệnh sở có thời gian ủ bệnh cũng khá lâu nên dẫn đến thời gian lây nhiễm kéo dài.
Các gia đình cần chú ý lịch tiêm vaccine sởi, và tiêm đủ mũi cho trẻ theo hướng dẫn để trẻ có miễn dịch đầy đủ phòng bệnh.
![]() |
Mỗi ngày Khoa Nhi Bệnh viện Thanh Nhàn tiếp nhận nhiều ca mắc sởi. Ảnh: Linh Đan |
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP (CDC) Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 28/3 đến ngày 4/4), toàn TP ghi nhận 206 trường hợp mắc sởi tại 30 quận, huyện, thị xã; 0 tử vong.
Một số đơn vị ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Hoàng Mai, Nam Từ Liêm (21); Hà Đông (15); Đống Đa, Tây Hồ (11); Bắc Từ Liêm, Hai Bà Trưng (10).
Cộng dồn năm 2025, TP ghi nhận 1.453 trường hợp tại 30/30 quận, huyện, thị xã, 1 tử vong, tăng so với cùng kỳ năm 2024 (0/0).
Bệnh nhân phân bố theo nhóm tuổi: 12% dưới 6 tháng; 15,4% từ 6-8 tháng; 10,0% từ 9 - 11 tháng; 22,5% từ 1 - 5 tuổi; 14,7% từ 6 - 10 tuổi, 25,4% trên 10 tuổi.
Đại diện CDC Hà Nội nhận định, số ca mắc sởi trong tuần tiếp tục tăng so với tuần trước, chủ yếu ở người chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy, dự báo tiếp tục ghi nhận ca bệnh trong thời gian tới.
CDC Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh để phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tổ chức điều tra, khoanh vùng, xử lý dịch.
Giám sát công tác triển khai tiêm chủng thường xuyên, chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng bệnh sởi tại 13 quận, huyện.
Giám sát điều tra, xử lý ca bệnh, ổ dịch tay chân miệng tại các đơn vị: Phúc La – Hà Đông; Thịnh Quang – Đống Đa; Tả Thanh Oai – Thanh Trì; Cổ Nhuế 1 – Bắc Từ Liêm.
Trong tuần tới, CDC Hà Nội tiếp tục giám sát phòng chống dịch bệnh sởi, tay chân miệng tại Đại Mỗ, Nam Từ Liêm và Giang Biên, Long Biên. Kiểm tra công tác quản lý số liệu, thống kê báo cáo bệnh nhân, ổ dịch bệnh sốt xuất huyết dengue tại Cầu Giấy, Hoài Đức, Mê Linh, Bắc Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Sơn Tây.
Các Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã tiếp tục rà soát và tổ chức tiêm chủng vắc xin sởi cho trẻ em thuộc đối tượng tiêm chủng chiến dịch, tập trung đối tượng trẻ 6 đến dưới 9 tháng và trẻ từ 1-10 tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng bệnh sởi.
Tăng cường giám sát phát hiện bệnh tay chân miệng tại cộng đồng và trường mầm non, mẫu giáo có ca bệnh, ổ dịch; tổ chức các hoạt động xử lý triệt để, tổng vệ sinh môi trường, khử khuẩn phòng chống bệnh tay chân miệng theo quy định.
Đồng thời, tăng cường phối hợp giữa ngành Y tế và Giáo dục trong công tác giám sát, phòng chống, xử lý các ca bệnh, ổ dịch bệnh sởi, tay chân miệng... trong trường học; phối hợp triển khai công tác tiêm chủng vắc xin trong trường học cũng như việc rà soát, tuyên truyền cho phụ huynh học sinh cho con em đi tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin theo quy định.
Khi có trường hợp mắc bệnh sởi tại các trường học thì tổ chức rà soát việc tiêm chủng của trẻ để tiêm chủng cho trẻ còn chưa được tiêm để phòng bệnh kịp thời.
Thực hiện giám sát phát hiện bệnh nhân tại cơ sở y tế được phân cấp và tại cộng đồng để kịp thời điều tra, xử lý ca bệnh, ổ dịch, không để dịch lây lan rộng.
Tổ chức hoạt động giám sát sốt phát ban nghi sởi, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm 100% các trường hợp nghi ngờ mắc, tổ chức khoanh vùng, xử lý triệt để khu vực có bệnh nhân, ổ dịch theo quy định.
Cùng với đó, các quận, huyện tiếp tục tăng cường thông tin, tuyên truyền về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống bệnh sởi, tay chân miệng.
Tuyên truyền người dân chủ động đi tiêm chủng phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch và hưởng ứng các chiến dịch tiêm chủng bổ sung do ngành Y tế triển khai.
Đường dẫn bài viết: https://phapluatplus.baophapluat.vn/benh-vien-tai-ha-noi-kin-giuong-vi-tre-mac-soi-212527.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://phapluatplus.baophapluat.vn/ All right reserved.