Tham dự phiên họp tại các điểm cầu có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương.
Theo chương trình, phiên họp tập trung đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và 3 tháng đầu năm, công tác giải ngân vốn đầu tư công, triển khai chương trình 3 mục tiêu quốc gia; công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương; các nhiệm vụ, trọng tâm thời gian tới; và một số nội dung quan trọng khác.
Phát biểu tại Phiên họp Chính phủ với các địa phương, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, GDP quý I ước tăng trưởng 6,93% so với cùng kỳ năm trước. Đây mức tăng trưởng tích cực, cao nhất trong các quý I của giai đoạn 2020-2025 (tốc độ tăng trưởng GDP quý I của các năm 2020-2025 lần lượt là: 3,21%; 4,85%; 5,42%; 3,46%; 5,98% và 6,93% - PV). Với kết quả này, Việt Nam tiếp tục thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao nhất thế giới và khu vực.
Mức tăng trưởng này đã vượt mục tiêu đặt ra với quý I/2025 (từ 6,2-6,6%) của kịch bản tăng trưởng cả năm 6,5-7% tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, tuy nhiên chưa đạt mục tiêu phấn đấu của kịch bản tăng trưởng năm 2025 đạt 8% (trong đó mục tiêu của quý I tăng 7,7%).
![]() |
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp |
Nguyên nhân là do bối cảnh thế giới biến động nhanh, khó đoán định, ảnh hưởng tới kinh tế - xã hội Việt Nam, trong khi thời gian thực hiện mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên chưa nhiều. Hơn nữa, đây cũng là thời điểm chúng ta đồng thời triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng, phức tạp về sắp xếp lại tổ chức bộ máy.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong mức tăng trưởng 6,93% của nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,74%, đóng góp 6,09% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,42%, đóng góp 40,17%; khu vực dịch vụ tăng 7,7%, đóng góp 53,74%.
Bên cạnh tăng trưởng kinh tế tích cực, một điểm sáng khác của nền kinh tế trong quý I/2025 là kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm.
Cụ thể, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý I tăng 3,22% so với cùng kỳ; tỷ giá được điều hành chủ động, linh hoạt, phù hợp, mặt bằng lãi suất cho vay mới có xu hướng giảm; thu ngân sách đạt 36,7% dự toán, tăng 29,3% so với cùng kỳ, bảo đảm nguồn lực cho đầu tư phát triển và triển khai các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu quý I lần lượt tăng 13,7%, 10,6% và 17% so với cùng kỳ; xuất siêu ước đạt 3,16 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký gần 11 tỷ USD, tăng 34,7% so với cùng kỳ; vốn thực hiện đạt gần 5 tỷ USD, tăng 7,2%.
![]() |
Bộ trưởng Bộ Tài chính phát biểu tại phiên họp |
Cũng theo báo cáo của Bộ Tài chính, quý I/2025, hoạt động sản xuất - kinh doanh duy trì đà tăng trưởng tích cực. Khu vực nông nghiệp, dịch vụ đạt tốc độ tăng khá, bám sát kịch bản; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I tăng 9,9% so với cùng kỳ, thu hút khách du lịch quốc tế đạt trên 6 triệu lượt người, tăng 29,6%...
Trong khi đó, công nghiệp chế biến, chế tạo quý I ước tăng 9,28%, duy trì tăng trưởng tích cực theo kịch bản (9,8%) và tiếp tục là động lực cho tăng trưởng kinh tế.
Trên cơ sở kết quả quý I, dự báo cả năm, theo Bộ Tài chính, để đạt mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên thì 9 tháng cuối năm cần tăng khoảng 8,3%; tăng trưởng quý II là 8,2%, quý III và quý IV lần lượt là 8,3% và 8,4%, cao hơn khoảng 0,2% so với kịch bản đề ra.
Tính riêng quý II, công nghiệp chế biến, chế tạo cần tăng 10,1% so với cùng kỳ, tiếp tục là động lực quan trọng cho tăng trưởng; sản xuất điện, khí đốt cần tăng 11,5%, ngành khai khoáng cần phục hồi để đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng.
Đầu tư công còn nhiều dư địa để thúc đẩy, với tổng số vốn đầu tư công được Quốc hội giao thực hiện năm 2025 là gần 826.000 tỷ đồng. Khu vực dịch vụ, du lịch duy trì đà tăng trưởng tích cực trong quý I, còn nhiều tiềm năng để thúc đẩy.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ Tài chính dự báo nền kinh tế sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn; các động lực tăng trưởng bị ảnh hưởng nặng nề, ổn định kinh tế vĩ mô gặp nhiều rủi ro, công tác an sinh xã hội có thể đối mặt với nhiều thách thức.
Cùng với đó, ổn định kinh tế vĩ mô đối diện với rủi ro gia tăng; việc hoàn thiện thể chế, pháp luật mặc dù đã được quan tâm, chỉ đạo, nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc; đời sống của một bộ phận người dân, người lao động dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn do hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu của doanh nghiệp có khả năng bị ảnh hưởng, thu hẹp.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính đây là sức ép rất lớn trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội để đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra, yêu cầu sự chủ động, quyết liệt, sát sao, đổi mới hơn nữa của các cấp, ngành, địa phương.
Đường dẫn bài viết: https://phapluatplus.baophapluat.vn/kinh-te-viet-nam-tang-truong-thuoc-nhom-cao-trong-khu-vuc-va-quoc-te-212488.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://phapluatplus.baophapluat.vn/ All right reserved.