Tối 5/4, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Nam đã tống đạt các quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam Tô Thị Ty Na để điều tra về hành vi "Giết người".
![]() |
Bị can bị khởi tố và bắt tạm giam. |
Từ công tác kiểm tra rà soát, Cơ quan CSĐT đã tiến hành xác minh, giải quyết vụ việc chết người xảy ra ngày 2/1/2023 và làm rõ đối tượng giết người là Tô Thị Ty Na (SN 1981, khu phố 3, thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam).
Theo cơ quan công an, kết quả điều tra xác định, khoảng 22h5 ngày 2/1/2023, tại nhà Tô Thị Ty Na, cháu Nguyễn Văn Hoàng (SN 2017) là con ruột Na chết ở nhà vệ sinh. Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ thu thập được, cơ quan Công an đã xác định đối tượng Na đã có hành vi giết cháu Hoàng, mục đích nhằm trục lợi bảo hiểm.
Liên quan đến sự việc trên, trao đổi với Luật sư Đặng Xuân Cường (Trưởng ban Hình sự, TAT Law Firm) cho biết: Nếu một cá nhân cố tình tước đoạt mạng sống của người thân để được nhận tiền bảo hiểm, hành vi đó trước tiên cấu thành tội giết người theo Điều 123 Bộ luật Hình sự. Đồng thời, người đó còn có thể bị xem xét thêm về tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm (Điều 213 BLHS) nếu có hành vi lừa dối để chiếm đoạt tiền từ doanh nghiệp bảo hiểm.
![]() |
Luật sư Đặng Xuân Cường, Trưởng ban Hình sự TAT Law Firm. |
Tội giết người có khung hình phạt cao nhất là tử hình. Trong khi đó, gian lận bảo hiểm có thể bị phạt tới 7 năm tù nếu số tiền trục lợi lớn hoặc gây hậu quả nghiêm trọng. Đây là một trường hợp điển hình về trục lợi bảo hiểm bằng hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, nếu được xác nhận bởi kết luận điều tra.
"Trục lợi bảo hiểm không phải là chuyện hiếm. Trên thực tế, đã có nhiều vụ việc, từ dàn dựng tai nạn, làm giả hồ sơ y tế, giả chết, thậm chí cố tình gây hư hại tài sản để được bồi thường bảo hiểm. Tuy nhiên, việc giết người thân để trục lợi bảo hiểm là hành vi nằm ở giới hạn cực đoan và phi nhân tính nhất.
Năm 2024, từng có một vụ án nghiêm trọng ở một tỉnh phía Nam, người mẹ bị cáo buộc sát hại những người thân trong gia đình và dàn dựng hiện trường để nhận tiền bảo hiểm, tạo nên cú sốc xã hội. Đây là một hồi chuông cảnh tỉnh: khi mục đích tài chính trở thành động cơ phạm tội, ranh giới đạo đức có thể bị phá vỡ", luật sư Đăng Xuân Cường nói.
Để ngăn ngừa rủi ro trên, theo luật sư Đặng Xuân Cường thì, hệ thống bảo hiểm hiện nay đã có các cơ chế thẩm định, đối chiếu hồ sơ và từ chối chi trả trong trường hợp nghi ngờ có hành vi gian dối. Tuy nhiên, điều này phụ thuộc rất lớn vào mức độ hợp tác của cơ quan điều tra và khả năng xác minh của đơn vị bảo hiểm.
Với trường hợp người mua bảo hiểm đứng tên con cái, nếu không có ràng buộc về đạo đức, mà chỉ vì mục đích tài chính, thì đây là lỗ hổng rất đáng lo ngại. Tôi cho rằng, ngoài việc xử lý sau hậu quả, các công ty bảo hiểm cần rà soát kỹ đối tượng thụ hưởng, nâng tiêu chí xét duyệt và hợp tác chặt với cơ quan công an trong các trường hợp nghi ngờ.
Ngoài ra, luật sư Cường cũng cho biết, từ góc nhìn cảnh báo xã hội, chúng ta có thể lấy loại vụ việc này làm ví dụ để nhìn nhận sâu hơn về rủi ro đạo đức, pháp lý và tâm lý trong các trường hợp tương tự. Trục lợi bảo hiểm là một hành vi gian lận nguy hiểm, và khi đi kèm với hành vi hình sự như giết người, nó trở thành mối đe dọa cho xã hội.
"Từ vụ việc tại Quảng Nam, đặt ra một giả thiết cần suy nghĩ nghiêm túc: nếu một người vì động cơ tài chính mà tước đoạt mạng sống người thân, thì đó không chỉ là một tội ác hình sự, mà còn là sự đổ vỡ của giá trị đạo đức, nhân tính. Hệ thống pháp luật, các doanh nghiệp bảo hiểm, truyền thông và cộng đồng cần nhìn nhận toàn diện để tăng cường phòng ngừa - không chỉ bằng chế tài mà còn bằng giáo dục, kiểm soát rủi ro và củng cố đạo đức xã hội", luật sư Đặng Xuân Cường nhấn mạnh.
Đường dẫn bài viết: https://phapluatplus.baophapluat.vn/vu-nguoi-me-sat-hai-con-de-truc-loi-tien-bao-hiem-o-quang-nam-hoi-chuong-canh-bao-xa-hoi-212383.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://phapluatplus.baophapluat.vn/ All right reserved.