Mới đây, Bộ Nội vụ vừa có tờ trình gửi Chính phủ về Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến việc sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính trên cả nước.
Theo Dự thảo nghị quyết, kinh phí thực hiện quá trình này sẽ được bố trí từ ngân sách Nhà nước, nhằm đảm bảo hỗ trợ tối đa cho các địa phương trong quá trình triển khai.
Ngân sách trung ương sẽ hỗ trợ một lần cho các địa phương có sự thay đổi về đơn vị hành chính.
Mỗi tỉnh giảm sau sáp nhập sẽ nhận được 100 tỷ đồng, trong khi mỗi xã giảm sẽ nhận được 500 triệu đồng.
![]() |
Bộ Nội vụ đề xuất khoản ngân sách này sẽ được bố trí vào năm 2026. (Hình minh hoạ) |
Bộ Nội vụ đề xuất khoản ngân sách này sẽ được bố trí vào năm 2026, giúp các địa phương có nguồn lực tài chính để thực hiện các điều chỉnh cần thiết.
Việc sáp nhập không chỉ giúp tinh gọn bộ máy hành chính mà còn tạo điều kiện tối ưu hóa nguồn lực quản lý và phục vụ người dân.
Đây là một trong những bước đi quan trọng nhằm thực hiện các kết luận của Bộ Chính trị về việc tổ chức lại các đơn vị hành chính, trong đó có việc sáp nhập một số đơn vị cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập một số đơn vị cấp xã.
Dự kiến, có 52 đơn vị hành chính cấp tỉnh nằm trong diện sắp xếp, bao gồm Hải Phòng, TP HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hà Nam, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thái Bình, Hải Dương, Nam Định, Ninh Bình, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Hòa Bình, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Ninh Thuận, Quảng Trị, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Đắk Nông, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Thuận, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Hậu Giang, Trà Vinh, Tiền Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, An Giang, Long An, Cà Mau, Quảng Nam, Bình Định, Đắk Lắk, Đồng Nai, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, Kiên Giang. Trong khi đó, 11 đơn vị hành chính cấp tỉnh dự kiến giữ nguyên, bao gồm: Hà Nội, Huế, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. |
Dự thảo cũng quy định về tổ chức bộ máy và chính sách dành cho các đơn vị hành chính mới sau sắp xếp. Theo đó, số lượng cán bộ, công chức, viên chức tại các tỉnh sau sáp nhập không được vượt quá tổng số hiện có trước khi sáp nhập.
Riêng ở cấp xã, số lượng cán bộ cũng không được vượt quá tổng số trước sáp nhập, đồng thời tiếp nhận thêm một phần nhân sự từ cấp huyện xuống. Lộ trình giảm dần số lượng cán bộ sẽ được thực hiện trong vòng 5 năm kể từ khi nghị quyết có hiệu lực
Đường dẫn bài viết: https://phapluatplus.baophapluat.vn/bo-noi-vu-de-xuat-moi-tinh-sau-khi-sap-nhap-se-duoc-bo-tri-100-ty-dong-211874.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://phapluatplus.baophapluat.vn/ All right reserved.