Sáng ngày 23/2 (tức ngày 14 tháng Giêng năm Giáp Thìn), trong bầu không khí vui tươi và phấn khởi của dịp đầu xuân mới, Lễ hội truyền thống Chèo tàu Tổng Gối năm 2024 đã diễn ra tại Khu di tích lịch sử quốc gia Lăng Văn Sơn - Miếu Voi Phục (xã Tân Hội, huyện Đan Phượng, Hà Nội).
Lễ hội truyền thống Chèo tàu Tổng Gối năm 2024 sẽ diễn ra trong 2 ngày từ ngày 23 đến 24/2 (tức từ ngày 14 đến ngày 15 tháng Giêng năm Giáp Thìn) tại Khu di tích lịch sử Lăng Văn Sơn và Miếu Voi Phục (xã Tân Hội, huyện Đan Phượng).
Tổng Gối gồm bốn làng: Thượng Hội, Thúy Hội, Vĩnh Kỳ và Phan Long (xã Tân Hội, huyện Đan Phượng) từ lâu đã nổi tiếng với lễ hội hát Chèo tàu độc đáo.
Tổng Gối nằm dọc theo hai bờ sông Nhuệ cổ, giữa một vùng văn hóa dân gian truyền thống, lại sát kinh thành Thăng Long xưa. Đây vốn là vùng đất cổ thuộc châu thổ sông Hồng, trước đây là vùng phong ấp của tướng quân Phạm Ngũ Lão.
Lịch sử vẻ vang của xã Tân Hội - huyện Đan Phượng (trước đây là Tổng Gối) vẫn được ghi chép kỹ trong cuốn Ngọc Phả, tôn vinh những đóng góp vĩ đại của ngài Văn Dĩ Thành.
Vào năm 1407, khi nhà Hồ bị quân Minh đánh bại và đất nước đang đối diện với nguy cơ bị thôn tính, thay vì chịu sự thống trị của phong kiến phương Bắc, ông đã cùng với ông Lê Ngộ, dốc sức luyện tập và tập hợp nghĩa quân. Với uy tín và tài năng của mình, chỉ sau một thời gian ngắn, danh tiếng của ông lan tỏa khắp vùng, thu hút nhiều nghĩa quân từ các địa phương như Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Ninh Bình về tụ tập tại gò Đông Đãn (gọi là xứ Đồng Dinh ngày nay).
Dưới sự chỉ huy thông minh và tài lãnh đạo tài tình, ông Văn Dĩ Thành được nghĩa quân tôn là "Đại Nguyên Soái Hoắc Y Nhất Bộ".
Để bày tỏ lòng biết ơn trước sự thông minh, lòng can đảm của ông nên khi ông hy sinh đồng dân Tổng Gối đã suy tôn ông là Thành hoàng làng và xây cung dinh Miếu sở nguy nga tráng lệ để thờ phụng.
Đã thành thông lệ, hàng năm cứ vào ngày Rằm tháng Giêng, nhân dân Tổng Gối lại tưng bừng tổ chức tế lễ để thể hiện lòng tôn kính Đức thánh và tổ chức lễ hội truyền thống hát Chèo tàu.
Chủ tịch UBND xã Tân Hội, ông Đỗ Văn Mười, chia sẻ rằng trong năm nay, lễ hội này sẽ được tổ chức kết hợp với kỷ niệm 608 năm ngày hóa của Đức Thành Hoàng Làng Văn Dĩ Thành.
Mục đích của sự kiện là để ghi nhớ công ơn của các bậc tiền nhân đã đóng góp cho sự phát triển của quê hương và đất nước, đồng thời tiếp tục tôn vinh và khơi dậy truyền thống văn hóa cũng như lòng tự hào với quê hương của người dân địa phương, cũng như tỏ lòng biết ơn đối với Đức Thành Hoàng Làng.
Ngày 13 tháng Giêng, các cụ cao niên trong làng đảm nhận nhiệm vụ bao sái đồ thờ và dọn dẹp miếu Voi Phục cũng như lăng Văn Sơn. Sáng sớm ngày 14, lễ rước diễn ra với đội hình gồm: Đội múa sư tử, đội trống, đội thanh la, đội múa lân rồng, đội sinh tiền, đội bát âm, đội cờ thần, đội bát bửu, đội con đĩ đánh bồng, kiệu cỗ của 4 làng, đoàn voi thuyền...
Theo sau các kiệu là đoàn của các cụ cao niên cùng cộng đồng dân làng. Đoàn rước tiến đến cổng lăng Văn Sơn, làm lễ bái vọng, sau đó rước kiệu tiến về miếu Voi Phục. Cùng lúc đó, CLB hát Chèo tàu thể hiện biểu diễn tại lăng Văn Sơn. Sáng ngày 15 tháng Giêng, các ban tế tiếp tục lễ tế tại cả lăng Văn Sơn và miếu Voi.
Theo truyền thống, phần lễ của lễ hội bao gồm các nghi thức như: Lễ rước, dâng hương, và tế lễ. Phần hội có sự tham gia của màn bắn pháo hoa, tiết mục trống hội, chương trình nghệ thuật chào mừng, cùng với các hoạt động như hát Màn trống hội, múa rồng, lân, và các trò chơi dân gian.
Đặc biệt ấn tượng trong lễ hội là màn hát Chèo tàu, với những tiết tấu độc đáo được thể hiện qua các làn điệu đối đáp giữa hai tàu - những chiếc thuyền rồng bằng gỗ, không để hạ thủy mà chèo tượng trưng trên cạn. Mỗi tàu 13 người gồm bà chúa tàu, 2 cái tàu và 10 con tàu. Khi biểu diễn, bà chúa tàu đánh thanh la, 2 cái tàu lĩnh xướng và các con tàu hát họa theo. Phía sau là đôi voi với hai quản tượng có nhiệm vụ thổi tù và làm hiệu.
Nội dung của các bài hát trong diễn xướng Chèo tàu là những bài hát riêng và những bài hát đối đáp của “tàu” và “tượng”, đều nhằm ca ngợi công đức của Thành hoàng Tổng Gối Văn Dĩ Thành. Hát Chèo tàu Tân Hội gồm 20 làn điệu, được chia thành các hình thức như: Hát trình, hát thuyền và hát bỏ bộ.
Điều đặc biệt là, tất cả các bài hát trong nghệ thuật Chèo tàu vẫn được người dân Tân Hội giữ nguyên lời ca cổ. Mặc dù đã trải qua nhiều thăng trầm và biến động trong lịch sử, nhưng lời ca và điệu hát vẫn giữ được vị thế của mình và tiếp tục làm say đắm lòng người.
Đường dẫn bài viết: https://phapluatplus.baophapluat.vn/khai-hoi-cheo-tau-tong-goi-voi-nhieu-hoat-dong-hap-dan-195889.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://phapluatplus.baophapluat.vn/ All right reserved.