Bình yên giờ nơi đâu?

Dựa trên một câu chuyện có thật về một bản làng đã từng rất bình yên!


Trước khi hắn đến, cái bản làng ấy vốn dĩ yên bình lắm. Cả thôn bản chỉ có gần 50 hộ dân, mỗi nhà một quả đồi, vài khoảnh ruộng, mấy nương chè. Người dân ở đây sống chủ yếu bằng nghề chăn nuôi nhà thì có đôi bò con trâu, nhà thì dăm con dê, đàn gà đàn vịt. Đơn giản vậy thôi cũng đủ một cuộc sống nhàn tản rồi.

Cả một bản đều có dây mơ rễ má với nhau, không họ bên nội thì cũng là họ bên ngoại. Thanh niên nơi đây chẳng mấy khi ra ngoài, có giao thương với nhau thì cũng chỉ đợi đến chợ phiên diễn ra ở trung tâm xã vào ngày chủ nhật hàng tuần để mua bán, trao đổi vài thứ nhu cầu sinh hoạt lặt vặt.

IMG_7876.

Thanh niên ở đây, họ cũng chẳng có gì để mà giải trí, điện lưới thì chưa có, sóng điện thoại còn chập chờn chỗ nên không biết được cái gì gọi là 3G hay 4G. Nơi đây các gia đình vẫn giữ thói quen sinh hoạt theo từng chòm xóm nhỏ từ 5 đến 3 nhà. Các gia đình xung quanh thường giúp nhau cấy, hái, thu hoạch vụ mùa… Gần như ngày nào cũng vậy, xóm nhở nơi đây đều có một công việc chung để cứ đến chiều tối là họ tập trung ăn cơm với nhau, hàn huyên tâm sự. Còn các bậc trung niên, cụ già thì ăn nhanh xong ra chiếu trà uống nước, hút thuốc lào vặt và nói chuyện thời tiết mùa màng.

Bên mâm của mấy thanh niên thì bữa nào cũng có chút rượu, uống rượu vào miệng lưỡi của mấy anh chàng trơn chu hơn hẳn, lúc này các cô nàng má hồng hơn, ánh mắt họ nhìn nhau đắm đuối hơn. Và hầu hết những mối tình nên duyên đều từ những bữa cơm ấm cúng ấy. Họ chơi cùng nhau lúc bé, lớn lên cùng nhau, cùng nhau làm lụng, rồi lấy nhau và sinh con đẻ cái. Trong văn thơ người ta vẫn gọi như vậy là thanh mai trúc mã.

Thế rồi đường vào bản ngày càng được mở rộng hơn. Đường điện được kéo về, cái cột thu phát sóng Viettel được dựng lên trên cái ngọn đồi cao. Mấy anh công nhân đi làm công trình với những đôi chân đi tứ xứ, cái miệng dẻo quẹo toàn những lời khen hay khen đẹp ngọt như mía, đôi mắt hấp háy khi kể về những câu chuyện mới lạ ở một thế giới ngoài kia. Mấy món quà nhỏ dành cho những cô gái bản khi thì là những thỏi son hàng handmade dưới xuôi, lúc là chiếc vòng ngọc thiếu tuổi cũng đủ làm các cô háo hức rạo rực cả ngày.

Những chiếc smartphone trước kia chẳng có chỗ dùng, ngày nay được nam nữ thanh niên truyền tay nhau xem với cả sự tò mò, háo hức lẫn cả thèm khát. Lúc đầu chỉ có một nhà mua TV, rồi đến nhà khác cũng bàn nhau sắm lấy một cái.

IMG_7408.

Dần dần giá trị của đồng tiền nơi đây cũng trở nên quan trọng hơn trong đời sống, nhu cầu kiếm tiền trở nên cấp thiết hơn. Thế rồi người tuyển dụng của các công ty dưới xuôi cũng mò đến nơi bình yên này. Họ thủ thỉ vào tai các cô gái, khề khà bên ly rượu với các chàng trai. Họ mở máy tính bảng chỉ cho các chàng trai cô gái những ánh sáng đẹp mê ly của nơi phồn hoa chốn thị thành khiến các thanh niên nơi đây vô cùng thích thú.

Trong lúc nông nhàn, một người vì tò mò, vì muốn khám phá bạo dạn bỏ quê. Sau tháng lương đầu tiên sắm ngay cái điện thoại gọi về nhà với giọng hồ hởi vui lắm. Sau người này lại rủ thêm được ba đến năm người nữa theo chân. Sau vài tháng đến kỳ nghỉ phép người nào trở về trên người áo quần ai cũng xúng xính, mùi Comfort thơm nức mũi ngọt ngào, móng tay móng chân sạch sẽ, cổ tay ngón tay đeo chiếc đồng hồ thời trang xinh xinh hoặc chiếc nhẫn vàng Tây bé xíu.

Thích hơn cả là tay ai cũng cầm một chiếc smartphone mới giá bằng nửa tháng lương. Điều đặc biệt nhất là họ đã biết dùng Facebook, Zalo. Mỗi ngày dần qua đi, họ ko còn vui chơi cùng đám bạn như trước nữa, rảnh một chút là họ ôm chiếc điện thoại hý hoáy nhắn tin bằng những dòng chữ mà người đọc sõi phải dịch cả nửa ngày mới hiểu. Thế mà họ vẫn dịch được mới tài, rồi tủm tỉm cười, ánh mắt mơ màng xa xăm.

Và rồi, từng ngày lứa thanh niên rảnh rỗi đi hết, rồi đến lứa thanh niên đã có vợ có chồng cũng rậm rịch đi theo. Họ để một người ở nhà rồi một người đi công ty, người đi công ty đa số là phụ nữ. Mỗi khi được mời dự một bữa cơm chia tay, trong tôi lại dâng lên một nỗi buồn khó tả. Rồi đến một hôm, thành phần tri thức của bản cũng đòi đi. Đầu tiên là cô hội trưởng phụ nữ thôn, rồi đến cô vợ thôn đội trưởng kiêm kế toán mầm non, cuối cùng cả cô vợ của trưởng thôn cũng đi nốt.

Vốn khi cắm bản xây trường tôi thường ở tại luôn nhà một nhà cán bộ thôn để tiện hợp tác công việc và điều động nhân lực. Khi cậu em cán bộ thôn nói với tôi chuyện vợ muốn đi làm kinh tế ở công ty, tôi ko dám nói thẳng nhưng chỉ khuyên hãy suy nghĩ cho kỹ, ngoài kia nhiều điều mới lạ nhưng cũng nhiều cạm bẫy lắm em ạ!

Là thành phần tri thức của bản, lại là vợ của mấy kẻ có tý chức sắc, đương nhiên các cô đều là mấy cô gái có chút hương sắc núi rừng. Mà ngoài kia, đồ rừng đang được ưa chuộng lắm.

Nhưng lời khuyên của tôi ko mạnh bằng sức hút của 10-12 triệu tiền lương mỗi tháng. Ngày ăn bữa cơm chia tay, trong tôi đã dâng lên một dự cảm ko hay.

Trường làm xong đã được 2 năm, ngày khánh thành trường tôi như một người khách quý của cả bản. Dân bản tặng tôi cả những bộ quần áo đẹp nhất của dân tộc mình. Tôi uống say rồi chia tay trong sự lưu luyến của bản làng.

Một thời gian sau tôi nhận được rất nhiều lời mời kết bạn của các chàng trai cô gái nơi bản làng đó trên FB. Những người kết bạn ấy, họ đều đã ra ngoài đi làm công ty và biết dùng facebook. Chúng tôi theo dõi nhau, hỏi thăm nhau, và đôi khi họ xin lời tư vấn của tôi về một công việc hoặc thông báo cho tôi những thay đổi lớn của bản.

Họ kể cho tôi nghe về việc thanh niên ở bản uống rượu nhiều hơn, say nhiều hơn, hay đánh nhau với công nhân làm công trình. Họ kể chuyện những người già giờ ăn cơm cũng đều uống rượu và nói chuyện về những đứa con bỏ quê đi biền biệt. Họ kể về 2 đám tang, một chị thì vào rừng ăn lá ngón vì bị chồng đánh chửi, một ông bố uống rượu say bị chết đột tử. Đấy đều là những tin rất không vui.

Rồi đến một ngày khoảng 3 tháng trước tôi nhận được một cuộc điện thoại của một trong số các cô vợ đang đi làm công ty bên Bắc Ninh hỏi: “Thầy ơi, ở bên Hà Nội có công ty Massage tốt lắm hả thầy? Thầy có thể dẫn em đi được không?”

Tôi bảo ko tốt, nơi đấy không dành cho em.

“Tại sao ạ? Vậy thầy dẫn em đi xem thôi. Thầy dẫn đi thì chẳng sao đâu!”

Không được, nơi đấy thầy cũng ko dám vào. Câu chuyện chấm dứt như vậy.

Bẵng đi thời gian sau, thì được biết tin có bà chị họ cùng quê đã sang dẫn cô gái ấy đi tham quan công ty Massage rồi.

Cách đây 2 tháng, tôi lại nhận được tin không vui nữa đó là cậu em cán bộ thôn bỏ việc thôn bản đi làm công ty cùng vợ. Theo tôi tìm hiểu, cậu em đi chẳng phải vì kiếm thêm tiền mà đi làm để gần vợ và trông vợ. Thấy bảo vợ ít khi gọi điện về như lúc đầu và hết giờ làm lại hay đi chơi.

Ngày hôm nay, đọc trên Facebook thấy một cậu em cán bộ khác của thôn đăng dòng trạng thái, chúc người vợ của mình ra đi tìm được hạnh phúc mới.

Mới hôm qua thôi, vợ của cậu ấy đã thu dọn đồ cá nhân ra đi không một lời nhắn nhủ, chạy theo tiếng gọi tình yêu với một anh phụ xe đường tuyến từ trên bản xuống công ty. Bỏ lại 2 thằng cu con thằng 4 thằng 5 tuổi cho bố nuôi.

Vậy là cái dự cảm ko tốt kia của tôi sau gần 2 năm đã lần lượt trở thành hiện thực. Câu chuyện đời người thì vẫn còn dang dở, nhưng chỉ thấy buồn.

Một câu chuyện có thật về một bản làng đã từng rất bình yên!

Thảo Nguyên

Đường dẫn bài viết: https://phapluatplus.baophapluat.vn/binh-yen-gio-noi-dau-187254.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://phapluatplus.baophapluat.vn/ All right reserved.